xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hà Nội: Loay hoay xử lý ô nhiễm sông, hồ

Bạch Huy Thanh

Đa phần các sông, hồ ở TP Hà Nội đều ô nhiễm trầm trọng, chính quyền TP đã thực hiện nhiều giải pháp trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) mới đây đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - về hành vi có liên quan đến việc độc quyền mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội.

Chi hàng trăm tỉ đồng mua hóa chất

Việc mua, phân phối chế phẩm Redoxy-3C gây ồn ào dư luận nhiều năm qua, sau đó Thanh tra TP Hà Nội phải vào cuộc. Liên quan vụ án trên, ông Nguyễn Đức Chung cũng đang bị tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội để công an điều tra.

Theo thống kê, TP Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với hơn 100 hồ nội thành và 13 con sông chảy qua. Các sông, hồ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị, tránh úng, ngập cục bộ. Không những thế, các hồ trong nội đô khi gắn kết với không gian kiến trúc xung quanh, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, đa phần các sông, hồ tại Hà Nội đều bị ô nhiễm trầm trọng.

Ngành môi trường cho biết lưu vực các con sông của TP có vị trí và vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, song hiện nay môi trường nước lưu vực các con sông này, đặc biệt là sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch đang báo động vì ô nhiễm.

Hà Nội: Loay hoay xử lý ô nhiễm sông, hồ - Ảnh 1.

Sông, hồ ở TP Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để Ảnh: NGÔ NHUNG

Giai đoạn 2016-2019, Hà Nội đồng ý cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua hơn 400 tấn hóa chất Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước tại các sông, hồ trên địa bàn. Chi phí mua hóa chất, theo kết luận thanh tra là hàng trăm tỉ đồng. Công ty Thoát nước Hà Nội đã sử dụng lượng hóa chất này để xử lý ô nhiễm nước tại gần 100 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành. Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng sử dụng Redoxy-3C để xử lý nước hồ Tây khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, xử lý nước thải tại bãi rác Nam Sơn, tình trạng ô nhiễm nước sông Tô Lịch.

Hiện nay, việc xử lý nước của sông, hồ ở Hà Nội bằng chế phẩm độc quyền Redoxy-3C phải tạm dừng vì công an đang điều tra các sai phạm trong việc mua, phân phối hóa chất này. "Việc xử lý sông, hồ bằng hóa chất Redoxy-3C đang tạm dừng, hiện đơn vị đang chờ chủ trương của TP và đang thực hiện các giải pháp thường xuyên để giữ vệ sinh, giảm tình trạng ô nhiễm ở các sông, hồ mà đơn vị quản lý như bảo đảm mực nước, vệ sinh hồ…" - đại diện một đơn vị thoát nước cho hay.

Phải xử lý từ nguồn nước thải

Theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm sông, hồ nhiều năm qua là do nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh và nước thải của khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng vào sông, hồ. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào sông, hồ…

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải. "Hầu hết các sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào, nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để được" - TS Đào Trọng Tứ khẳng định.

Theo TS Đào Trọng Tứ, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. Chính quyền đặt vấn đề đô thị lên hàng đầu, nếu công trình nào không có hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được xây dựng. Nếu Hà Nội đặt quyết tâm xử lý ô nhiễm thì về lâu dài phải áp dụng các biện pháp "rắn" như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần tập trung vào vấn đề quy hoạch, trong đó có quy hoạch về tài nguyên nước tiếp cận theo lưu vực sông, địa phương để bố trí lại sơ đồ dân cư và điều chuyển các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường. Chú trọng vấn đề bảo vệ hành lang sông và đưa ra quy chuẩn về quản lý khu vực xả nước thải, thậm chí có thể cấm xả thải ở các khu vực đã quá tải. Khi đã kiểm soát được các nguồn thải như sinh hoạt, công nghiệp, y tế... thì sẽ khôi phục lòng sông để sông có thể tự chảy để làm sạch và có thể áp dụng các biện pháp vi sinh đối với những khu vực không còn nguồn thải. 

Công nghệ của Nhật Bản phù hợp xử lý nước hồ

Đại diện nhóm chuyên gia của Nhật Bản khẳng định công nghệ nano - bioreactor được thí điểm trên sông Tô Lịch và một đoạn hồ Tây đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng các biện pháp công nghệ vi sinh như của Nhật Bản, nếu áp dụng đối với khu vực lòng sông không còn nguồn nước thải thì sẽ xử lý căn bản, kể cả trầm tích đáy nhưng khi còn nguồn thải thì giải pháp công nghệ này không hiệu quả. Những công nghệ Nhật Bản áp dụng ở sông Tô Lịch chỉ phù hợp với khu vực, các nguồn nước không có lượng chất thải bổ sung nên chỉ phù hợp ở các sông hồ kín.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo