xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện Thượng Nhật tích nước phát điện trái phép: Chủ đầu tư vi phạm, lý giải vòng vo

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã vi phạm quy định phòng chống bão lũ, báo cáo vòng vo với đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương

Chiều 17-11, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - làm trưởng đoàn, cùng đại diện Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.

Báo cáo thiếu trung thực

Để vào được công trình thủy điện Thượng Nhật, đoàn kiểm tra phải băng suối A Mong vì đập tràn đã bị nước lũ cuốn trôi và đi bộ hơn 3 km. Khác với những ngày trước, chủ đầu tư công trình này là Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam đã mở toang 5 cửa xả van, mực nước trong hồ đã hạ xuống hơn 10 m nhưng dấu tích ngập vẫn còn mới. Kiểm tra tại đập thủy điện Thượng Nhật, ông Bảo yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung 2 máy phát điện bố trí tại đập để xử lý khi sự cố đập xảy ra trong trường hợp mất điện.

Thủy điện Thượng Nhật tích nước phát điện trái phép: Chủ đầu tư vi phạm, lý giải vòng vo - Ảnh 1.

Đoàn của Bộ Công Thương kiểm tra tại đập thủy điện Thượng Nhật

Tại đây, trao đổi với đoàn kiểm tra, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, khẳng định: "Chủ đầu tư chưa dọn dẹp lòng hồ mà đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Ở vai phải đập thủy điện Thượng Nhật và ngọn núi ở khu nhà điều hành có nguy cơ sạt lở rất lớn, cần khắc phục; chưa cắm bảng cảnh báo ở hạ du đập". Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cũng ghi nhận nhiều hạng mục ở công trình thủy điện Thượng Nhật chưa hoàn thành xây dựng.

Sau khi kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra đã làm việc với chủ đầu tư. Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, cho biết: "Do ảnh hưởng rất lớn của bão số 9 nên phần kênh xả nhà máy, ngầm qua suối tuyến đường vận hành nhà máy đã sạt lở, không bảo đảm an toàn lưu thông, vận chuyển phương tiện. Để bảo đảm công tác phòng chống bão số 13, từ 8 giờ đến 8 giờ 50 phút ngày 13-11, chúng tôi đã mở 5 cửa van ở trạng thái mở không hoàn toàn để điều tiết nước về hạ du, bảo đảm an toàn để phục vụ chuyển lương thực vào nhà máy. Đồng thời, dọn dẹp đất đá, bùn đất vùi lấp kênh. Về đền bù giải phóng mặt bằng, đến nay cơ bản hoàn thành ở khu vực lòng hồ, đang làm thủ tục để xin phê duyệt thuê đất lòng hồ".

Ông Khoa cũng thừa nhận chủ đầu tư đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành nhưng mong được tạo điều kiện để sớm phát điện, có nguồn thu để bù kinh phí đầu tư, nộp ngân sách. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phụng đề nghị chủ đầu tư phải báo cáo trung thực, khách quan, không quanh co. "Các anh báo cáo không đúng sự việc, làm sai bản chất. Vì sao các anh lại tích nước phát điện khi chưa được phép?" - ông Phụng hỏi vặn.

Ông Trần Hoài Trang, Trưởng Phòng Thủy điện - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nói thẳng: "Chủ đầu tư báo cáo chưa đầy đủ, chi tiết thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh. Lý do đưa ra không thuyết phục. Khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, người có quyền cao nhất là trưởng Ban Phòng chống thiên tai tỉnh yêu cầu mở tất cả cửa van nhưng các anh chưa báo cáo, xin ý kiến hay không mà các anh đã đóng lại?".

Vi phạm rõ ràng

Cho rằng ở hạ lưu cạnh chân đập có mỏ đá nhô ra, ông Trần Hoài Trang yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bảng giá hoàn công để kiểm tra việc thi công theo đúng thiết kế. "Tôi thấy mực nước ngập lên thì cây cối chưa thu dọn. Các anh phải cung cấp Văn bản 2436 tháng 12-2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc thu dọn, vệ sinh lòng hồ" - ông Trang nói.

Tại cuộc họp với chủ đầu tư, ông Tô Xuân Bảo khẳng định đến bây giờ thủy điện Thượng Nhật chưa được tích nước nên việc tích nước của chủ đầu tư là chưa tuân thủ các quy định. Đặc biệt là việc không tuân thủ các yêu cầu các quy định của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế về phòng chống thiên tai, quy trình vận hành. "Theo Nghị định 114/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thì chúng tôi đã có thể lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính ngay. Còn về giấy phép hoạt động điện lực, các anh không duy trì các điều kiện theo quy định thì chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công Thương thu hồi" - ông Bảo khẳng định.

Kết luận tại buổi họp, ông Tô Xuân Bảo yêu cầu chủ đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế chuẩn bị các văn bản liên quan để hôm nay (18-11), đoàn tiếp tục có cuộc họp tại Sở Công Thương tỉnh liên quan đến thủy điện Thượng Nhật để báo cáo với lãnh đạo Bộ Công Thương. 

EVNCPC cắt hợp đồng mua điện

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về thông tin nhà máy tích nước phát điện vì đã ký hợp đồng bán điện cho Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, ông Lê Văn Khoa nói rằng có hợp đồng mua bán điện nhưng chưa bán điện thường xuyên. Chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật bác bỏ cáo buộc tích nước để phát điện. "Trong những thời điểm đó, sau khi xử lý sự cố xong thì công ty mở cửa hoàn toàn theo chỉ đạo, đưa mực nước về 104 m. Công ty đã báo cáo cho Trung tâm Phòng chống thiên tai bằng hình ảnh để ghi nhận" - ông Khoa cho biết.

Tuy nhiên, trong ngày 17-11, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đã ngừng hợp đồng mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo