xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ động ứng phó hạn, mặn

DUY NHÂN - KỲ ĐỒNG - MINH SƠN - CA LINH

Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn, mặn gây tác hại rất lớn, gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm ứng phó thời tiết xấu vào mùa khô, góp phần đẩy lùi mặn và chủ động nguồn nước tưới tiêu

Trước tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi để phục vụ canh tác nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng "thuận thiên". Trong đó, mô hình lúa - tôm đã phát huy được hiệu quả, được chọn làm hình mẫu để thực hiện trên khắp các vùng đất giáp ranh giữa 2 nguồn mặn và ngọt ở ĐBSCL.

Xây dựng hàng loạt công trình

Từ năm 2020 đến nay, Bạc Liêu đã xây dựng 97 công trình thủy lợi với tổng nguồn vốn đầu tư trên 97 tỉ đồng. Tỉnh này đang tiếp tục đầu tư xây dựng 69 công trình thủy lợi với tổng vốn theo kế hoạch trên 61 tỉ đồng.

Chủ động ứng phó hạn, mặn - Ảnh 1.

Cống âu thuyền Ninh Quới ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước để ứng phó với hạn, mặn cho nhiều địa phương giáp ranh .Ảnh: DUY NHÂN

Ông Lương Trung Tính - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - cho biết từ khi đưa vào vận hành, cống âu thuyền Ninh Quới đã góp phần ngăn mặn, trữ ngọt cho huyện này cũng như các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang. "Hiện nay, địa phương không còn tình trạng nước mặn tràn vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân" - ông Tính thông tin.

Cà Mau là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún, hạn, mặn… Vào mùa khô, vùng nội đồng ở Cà Mau thường xuyên thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt, trong khi vùng ngọt hóa bị xâm nhập mặn, gây thiệt hại lớn đối với đời sống, sản xuất của người dân.

Mới đây, công trình hồ chứa nước ngọt tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã khởi công xây dựng. Đây là công trình trong hạng mục của Tiểu Dự án 8, thuộc dự án Chống chịu khí hậu bền vững ĐBSCL (dự án ICRSL), vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

"Hồ chứa nước ngọt là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Cà Mau, được xây dựng trên phần đất công diện tích 102 ha tại xã Khánh An, có dung tích thiết kế là 3,85 triệu khối nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 dân ở huyện U Minh.

Đây là công trình phục vụ đa mục tiêu, ngoài cung cấp nước sinh hoạt còn trữ nước để phòng cháy chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân" - ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh.

Theo ông Nam, diện tích sản xuất lúa của nông dân tại các vùng ngọt ở Cà Mau cũng bị ảnh hưởng rất lớn và thu hẹp dần. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch chuyển đổi sản xuất. Trong đó, diện tích sản xuất lúa không hiệu quả được chuyển sang nuôi tôm hoặc sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Chủ động ứng phó hạn, mặn - Ảnh 2.

Nông dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang yên tâm sản xuất và tự tin sẽ khó bị xâm nhập mặn vì các đập ở Kiên Giang hoạt động hiệu quả .Ảnh: KỲ ĐỒNG

Tại Tiền Giang, Sở NN-PTNT tỉnh cho biết hiện mực nước ở thượng lưu xuống thấp. Vì vậy, xâm nhập mặn năm 2022 trên sông đến sớm hơn những năm trước và xâm nhập nội đồng cũng sâu hơn mức trung bình nhiều năm.

Ngay sau Tết Nguyên đán 2022, xâm nhập mặn trên sông Tiền bắt đầu tăng dần, kết hợp với triều cường lấn sâu vào nội đồng. Mùa khô năm 2020 và 2021, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Công trình này đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống hạn, mặn, góp phần bảo vệ nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết đã triển khai các công trình phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2021-2022 nhằm bảo đảm nguồn nước cho khoảng 83.000 ha cây ăn trái, 49.000 ha lúa và hơn 26.000 ha rau màu.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho hay địa phương đã và đang thi công các công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt, tổ chức vận hành hợp lý các công trình để phục vụ tốt nhất cho sản xuất, sẵn sàng vận hành các giếng cung cấp nước ngọt cho những vùng bị ảnh hưởng…

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã đề xuất chi khoảng 29 tỉ đồng để nạo vét 16 tuyến kênh ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công đang bị bồi lắng, với chiều dài 135.000 m; nạo vét nhiều tuyến kênh ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông… nhằm phục vụ phòng chống hạn và xâm nhập mặn mùa khô năm nay cũng như các năm tiếp theo.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình như: cống Sa Kê, cống Giồng Võ (huyện Mỏ Cày Nam), cửa cống Thành Triệu (huyện Châu Thành), đê bao ngăn mặn từ cống Sơn Đốc 2 đến cống Cái Mít (huyện Giồng Trôm)… Ngoài ra, rút kinh nghiệm đợt hạn, mặn năm 2021, rất nhiều người dân Bến Tre đã mua túi trữ nước ngọt với hàng trăm ngàn mét khối để sử dụng cho mùa hạn, mặn năm nay.

Ngăn mặn, trữ ngọt

Thời điểm này tại An Giang, trên những cánh đồng ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên, người dân vẫn đang tất bật sản xuất bên những thửa ruộng xanh rì.

Đang bơm nước từ dưới kênh lên ruộng, ông Nguyễn Văn Thể - người dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn - khẳng định: "Mấy năm nay không có tình trạng hạn, mặn và kênh nào ở đây cũng có đập ngăn nước nên chúng tôi sản xuất được lúa 3 vụ. Hạn, mặn hầu như khó gây tác động, vì vậy bà con ở đây yên tâm lo làm ăn".

Ở huyện Thoại Sơn, xã Bình Thành và thị trấn Óc Eo tiếp giáp tỉnh Kiên Giang. Sau khi những đập ngăn mặn của Kiên Giang đưa vào hoạt động đã giúp những cánh đồng ở Thoại Sơn tránh được nước biển xâm nhập.

"Mấy năm gần đây, địa phương không xảy ra tình trạng hạn hán hay xâm nhập mặn. Vì phía Kiên Giang đã có đập ngăn mặn tự động nên việc xâm nhập mặn hầu như không có. Tuy vậy, địa phương vẫn lên kế hoạch chuẩn bị cây, cao su để làm đập ngăn mặn nếu có tình huống xấu xảy ra" - ông Lê Trung Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết.

Từ đầu năm 2022 đến nay, An Giang có vài cơn mưa trên diện rộng nên tưới mát được những vùng đất cao như Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn. Hơn nữa, các địa phương này đều có hồ dự trữ nước ngọt khá lớn để chủ động cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trong trường hợp hạn hán xảy ra.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang, nêu rõ: "Chúng tôi đã có kế hoạch dự phòng xây dựng các đập tạm khoanh vùng để trữ nước ngọt phòng chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang.

Chúng tôi cũng đã xác định từng vùng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Hơn nữa, việc vận hành hợp lý các công trình cống, bọng để điều tiết, trữ nước vào kênh rạch nhằm bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đều được chúng tôi giám sát thường xuyên".

Cần chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ

Theo Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN-PTNT, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Kông tại trạm Kratie - Campuchia và tại Tân Châu, Châu Đốc (tỉnh An Giang) trong tháng 1-2022 có xu thế giảm. Ở vùng các cửa sông Cửu Long, trong tháng 2 và tháng 3-2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu 50-65 km - so với năm 2020 thấp hơn 15-25 km, so với năm 2016 thấp hơn 5-10 km - sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi tại một số thời điểm.

Từ tháng 4-2022, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Việc sản xuất ở khu vực mặn lẫn ngọt tại vùng ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng. Mặn bất thường, hạn hán gây thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa được kiểm soát mặn triệt để. Tháng 1-2022, nước mặn vào sâu 35-45 km, tháng 2 đến tháng 3 có thể xâm nhập 50-65 km.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nhận định xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 tương tự năm 2020-2021. Mặn xâm nhập sớm, sâu và có thể diễn biến bất thường. Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Chủ động ứng phó hạn, mặn - Ảnh 4.
Chủ động ứng phó hạn, mặn - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo