xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xao lòng giữa sóng nước cù lao Tứ Linh

Theo Mã Phi (Báo Cà Mau)

Giữa mênh mông sông nước, một cù lao nhỏ nổi lên và lớn dần theo thời gian bởi sự bồi đắp của phù sa sông Tiền.

Và 4 cồn đất trên cù lao có dáng hình lạ nên người dân đã đặt tên là cù lao Tứ Linh "Long, Lân, Quy, Phụng".

Cồn Lân, hay còn gọi là cồn Thới Sơn, thuộc địa phận xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cồn Long (hay cù lao Tân Long) cũng thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Còn cồn Quy, cồn Phụng thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Xao lòng giữa sóng nước cù lao Tứ Linh - Ảnh 1.

Đi tàu ra cù lao Tứ Linh.

Cù lao Tứ Linh được biết đến từ rất lâu bởi gắn với nhiều sự kiện: nơi ẩn náu của lực lượng thuỷ chiến trong trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút của nghĩa quân Tây Sơn (hơn 200 năm trước), cù lao Cùi (1890-1940), nơi khởi duyên tu tập của Đạo Dừa… Nhưng mãi đến những năm 1990 thì cù lao Tứ Linh mới được du khách khám phá và sự nguyên sơ, bình dị của vùng sông nước miệt vườn thu hút lượng khách tham quan ngày càng đông.

Thưởng thức trái ngọt

Cồn Thới Sơn có diện tích khoảng hơn 1.200 ha với dân số hơn 6.000 người. Trước đây, người ta biết đến Thới Sơn như vựa trái cây và thường chỉ có những thương lái tìm đến trao đổi, mua bán. Năm 1993, nơi đây bắt đầu phát triển du lịch và chủ yếu là thu hút du khách nước ngoài, những người thích khám phá văn minh miệt vườn, chiêm ngưỡng những ngôi nhà được xây cất theo lối kiến trúc Nam Bộ, tự tay hái những trái chín trên cây để ăn, thưởng thức đặc sản vùng sông nước…

Từ đó, người dân Thới Sơn đã khởi nghiệp du lịch dựa trên điều kiện tự nhiên, ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến, không chỉ vào dịp lễ, Tết mà Thới Sơn cũng là điểm nghỉ ngơi của người dân lân cận vào những ngày cuối tuần.

Khách đến Thới Sơn, đầu tiên sẽ được mời thử mật ong, sữa ong. Tiếp theo là thưởng thức 5 loại trái cây trong những khu nhà mát làm bằng cây gỗ địa phương và nghe đờn ca tài tử. Sau đó, khách có thể mua sắm quà lưu niệm (được người dân bày bán dọc hai bên đường), xem điểm nuôi ong mật, vào vườn trái cây (nhiều nhất là mận huyết, nhãn)… Nếu dùng cơm trưa tại đây, du khách sẽ được thưởng thức các loại đặc sản sông nước (du khách cũng có thể tự tay mình mò, bắt cá) được chế biến theo cách nấu dân dã nhưng đậm đà hương vị.

Kết thúc buổi tham quan, du khách rời cồn Thới Sơn theo hướng rạch Bến Chùa (con rạch nhỏ nằm giữa cồn Thới Sơn, hai bên là những bụi dừa nước xanh um). Tại đây, du khách sẽ được phụ nữ địa phương (trong trang phục bà ba) chèo xuồng đưa ra sông Tiền để lên tàu, tiếp tục hành trình tham quan cồn Phụng.

Và nghe chuyện Đạo Dừa

Cồn Phụng trước đây còn có tên gọi là cù lao Cùi (thời Pháp thuộc, chính quyền đô hộ đã tập trung những người bệnh phong về đây) nên người địa phương không dám lui tới. Tuy nhiên, thiên nhiên trù phú, đất đai màu mỡ ở cồn Phụng đã lôi cuốn khách phương xa đến lập nghiệp, dần dần làm thay đổi cách nhìn của người dân về nơi này. Thu hút nhất có lẽ là từ khi có sự xuất hiện của Đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam, người con của vùng đất Bến Tre sáng lập.

Ông sinh ra trong một gia đình thế lực thời Pháp thuộc và từng sang Pháp du học tại Trường Cao đẳng Hoá học Rouen. Sau khi về nước (năm 1935), ông được cha mẹ cưới con gái của hội đồng giàu có ở đất Yên Luông (Gò Công, Tiền Giang) làm vợ và họ sống với nhau có 2 người con. Tuy nhiên, năm 1945, ông rời gia đình tìm đến vùng núi Thất Sơn (tỉnh An Giang) tu tập đạo giáo tại chùa An Sơn (núi Tượng, Châu Đốc), chỉ ăn trái cây và uống nước dừa nên người dân gọi ông Đạo Dừa.

Năm 1963, Đạo Dừa về cồn Phụng, xây dựng chùa Nam Quốc Phật và tự tu tập, truyền bá đạo, thu hút đệ tử ngày càng đông. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông về sống tại TP Mỹ Tho rồi bị tai nạn qua đời vào năm 1990, thọ 81 tuổi.

Hiện nay, cồn Phụng có khoảng 53 ha, trong đó khu du lịch khoảng 3 ha, còn lại là đất dân cư (khoảng 3.000 dân) mưu sinh bằng nghề nuôi cá bè trên sông và trồng cây ăn trái. Khách đến tham quan cồn Phụng, không chỉ được nghe kể chuyện huyền bí về ông Đạo Dừa, chiêm ngưỡng những di tích như: Cửu đỉnh, sân Rồng, khu vực Thất Sơn (nơi ông ngồi thiền và giảng đạo), phi thuyền Apolo (nơi ông cho rằng phương tiện để mình bay vào vũ trụ), bản đồ Việt Nam (được vẽ dưới đất bằng xi-măng)… tất cả đều là công trình kiến trúc của Đạo Dừa và được xây dựng trong gần 10 năm…, du khách còn được "tận mục sở thị" quy trình sản xuất kẹo dừa, hào hứng khi câu cá sấu, cho cá chép bú bình (thức ăn được để trong bình sữa trẻ em), thư giãn cho cá mát xa chân… Và thưởng thức những bữa đặc sản sông nước mộc mạc hương vị Bến Tre.

Miệt vườn luôn tạo cảm giác bình lặng và thơ mộng, cù lao Tứ Linh như một bức tranh thiên nhiên đầy sắc thái quyến rũ và lưu luyến dù chỉ một lần ghé qua.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo