xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Vua” mắc ca kiệt quệ

Bài và ảnh: Minh Hải

Được mệnh danh là “vua” mắc ca của tỉnh Lâm Đồng, thế nhưng ông Trần Vinh (TP Đà Lạt) đang đứng trước nguy cơ phá sản vì nguồn vốn đã cạn kiệt do đầu tư vào loại cây quá mới mẻ này

Đầu năm 2005, khi cây mắc ca còn khá lạ lẫm với nhiều người trong nước, ông Trần Vinh đã mạnh dạn cùng người bạn nhập hơn 100 cây giống từ Úc và Mỹ về trồng thử nghiệm trên hơn 4.000 m2 tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Ăn không ngon, ngủ không yên

Sau 3 năm đầu tư và chăm sóc kỳ công, những cây mắc ca của ông Vinh ra quả bói trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Qua năm thứ tư, mỗi cây cho sản lượng lên đến gần 70 kg quả khô, với giá bán khi đó dao động khoảng 150.000 đồng/kg, ông Vinh thu về gần 700 triệu đồng. Từ thành quả ban đầu, ông Vinh được nhiều người, trong đó có cả những nhà nông học chú ý.

Ông Trần Vinh bất lực nhìn cây mắc ca xơ xác
Ông Trần Vinh bất lực nhìn cây mắc ca xơ xác

Sau đó, ông Vinh tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích canh tác lên 3 ha và nay là gần 200 ha. Toàn bộ diện tích đất trồng được ông thuê của nhà nước với giá 1 triệu đồng/ha/năm trong 50 năm. Với quy mô này, ông Vinh đang được xem là “vua” mắc ca của cả nước. Thế nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ như người đàn ông này mong muốn.

Trên đường dẫn chúng tôi vào vườn mắc ca của mình tại xã Tà Nung (TP Đà Lạt), ông Vinh than thở: “Từ khi trồng mắc ca, tôi mất ăn, mất ngủ do gặp hàng loạt khó khăn. Tôi đã phải bán nhà và đất để bỏ vào đây trên 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, đầu tư giữa chừng thì nguồn vốn cạn kiệt, giờ chỉ biết nhìn đứa con tinh thần ngắc ngoải từng ngày”.

Ông Vinh cho biết: “Hiện mỗi tháng, tôi phải cần cả tỉ đồng để chăm sóc 200 ha mắc ca nhưng đến nay, vốn đã cạn. Tôi dự tính sẽ bán toàn bộ diện tích mắc ca hoặc nhà đầu tư nào hợp tác thì lợi nhuận chia theo tỉ lệ góp vốn. Nhưng xem ra rất khó”.

Chạy khắp nơi tìm vốn

Ông Vinh kể lại sau khi nghe thông tin Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có kế hoạch dành khoảng 20.000 tỉ đồng để phát triển cây mắc ca tại 5 tỉnh Tây Nguyên, thông qua hình thức cho vay tín chấp từ 7-10 năm, lãi suất dưới 10%/năm, ông nghĩ “rừng” mắc ca của mình sẽ được cứu. Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch đó vẫn còn trên giấy.

Để cứu vườn mắc ca, ông Vinh phải chạy khắp nơi tìm nguồn vốn và đối tác hỗ trợ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy vườn mắc ca xơ xác, ai cũng từ chối, vì cho rằng đầu tư vào đây là quá mạo hiểm. Họ phân tích, dù cây mắc ca của ông phát triển tương đối tốt (ở những diện tích được chăm sóc đầy đủ) nhưng chưa ra trái.

Trong khi đó, do diện tích trồng quá lớn nên vốn bỏ ra sẽ rất nhiều nên không ai dám liều. Bên cạnh đó, vùng đất này chưa có tiền lệ trồng mắc ca nên nhiều nhà đầu tư chờ đến khi loại cây trồng này thu hoạch, hiệu quả ra sao, họ mới tính chuyện hợp tác. “Nếu chờ đến khi cây ra trái thì tôi đâu cần kêu gọi đầu tư” - ông Vinh nói.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng, cho biết trên thị trường rất khan hiếm sản phẩm mắc ca. Quả mắc ca khô giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, còn mắc ca nhân cả triệu đồng/kg.

Hiện nay, nhiều nơi ồ ạt trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, diện tích trồng còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng sẽ đứng đầu thế giới về cây trồng này trong 10 năm tới như một số đơn vị mong muốn. Theo kỳ vọng này, tiềm năng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, khi trồng cần nghiên cứu kỹ, không nên mạo hiểm, nhất là những người có ý định trồng trên diện tích lớn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có khoảng 950 ha mắc ca; trong đó khoảng 94 ha trồng theo dự án khuyến nông quốc gia, 200 ha của ông Vinh, phần còn lại do nông dân tự trồng bằng giống không rõ nguồn gốc...

Tỉnh Lâm Đồng vừa đồng ý quy hoạch vùng trồng cây mắc ca, phối hợp với Tập đoàn Him Lam chuẩn hóa các giống mắc ca trồng tại đây theo xu hướng thế giới, đồng thời kiểm soát hoạt động của các vườn ươm giống mắc ca tự phát. Tuy nhiên, tỉnh cũng bác dự án trồng ồ ạt 200.000 ha cây mắc ca trong toàn tỉnh, vì đây là loại cây quá mới và thị trường cũng chưa rõ.

Đắk Lắk: Mắc ca cho trái rất ít

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 110 ha trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên thì diện tích trồng loại cây này ở đây cao hơn nhiều. Hiện nay, nhiều vườn mắc ca 4-10 năm tuổi nhưng cho trái rất ít, trung bình chỉ 5-7 kg/cây.

Theo ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra, cây mắc ca trồng ở đây sinh trưởng tốt, ra hoa nhiều nhưng đậu quả không đạt yêu cầu. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT khuyến cáo người dân không nên trồng, mở rộng diện tích ồ ạt để tránh thiệt hại về sau.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng Úc đã trồng cây mắc ca 80 năm rồi, đất đai và khí hậu ở nước này cũng phù hợp với cây mắc ca. Thế nhưng, đến nay họ chỉ có 25.000 ha. Nếu hiệu quả kinh tế cao sao họ không mở rộng diện tích. Cả thế giới hiện cũng có khoảng 80.000 ha và không phát triển nữa. “Tôi đã trực tiếp khảo sát nhiều vườn, cây mắc ca ra hoa nhiều nhưng trái không được bao nhiêu"- ông Thành nói.

Theo ông Thành, ở Đắk Lắk, nhiệt độ cao, chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn nên không phù hợp cho cây mắc ca. Bên cạnh đó, cây mắc ca thường ra hoa vào mùa gió nhiều nên khó đậu trái.

C. Nguyên

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo