xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc bị ảnh hưởng như thế nào bởi corona?

D.Ngọc - T.Dũng. Ảnh: Thế Dũng

(NLĐO)- Các biện pháp (bao gồm công bố và không công bố chính thức) của Trung Quốc để phòng chống dịch do virus corona như đóng cửa khẩu hay tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, cách ly các thành phố, hạn chế lưu thông… là chưa có tiền lệ, sẽ ảnh hưởng đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra chiều 30-1 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (nCoV), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có báo cáo về việc một số biện pháp Trung Quốc áp dụng trong phòng chống dịch có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc bị ảnh hưởng như thế nào bởi corona? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp chiều 30-1 - Ảnh: Thế Dũng

Theo đó, trước những diễn biến nghiêm trọng và phức tạp của đợt dịch bệnh này, Chính phủ Trung Quốc, Chính quyền Quảng Tây và Vân Nam (hai địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam) đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh trên.

Tại Vân Nam, đến khoảng 10 giờ sáng ngày 29-1, sau khi phía Việt Nam xuất khẩu được khoảng 20 container thanh long sang Trung Quốc, cơ quan chức năng Trung Quốc tại cửa khẩu Hà Khẩu đã phát hiện 1 lái xe của Việt Nam bị sốt cao, nên tạm dừng thông quan hàng hóa. Tiếp đó, Cục Công nghiệp và Thông tin, huyện Tự trị dân tộc Dao Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã có công hàm ngày 29-1 gửi Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai thông báo về việc từ ngày 30-1-2020 đến ngày 8-2 tạm dừng hoạt động thương mại tại Khu chợ Biên giới Hà Khẩu - Bắc Sơn và dự kiến ngày 9-2 sẽ khôi phục lại hoạt động bình thường.

Chính quyền Vân Nam cũng hạn chế người, phương tiện lưu thông qua lại giữa các vùng (hạn chế tối đa các tuyến cao tốc ra vào thành phố Côn Minh - thủ phủ và là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất của tỉnh Vân Nam); kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả người tham gia giao thông và nơi cư trú…. Các biện pháp này dự kiến sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian tới.

Theo thông tin từ Sở Thương mại Quảng Tây, cơ quan này đã kiến nghị Chính quyền Quảng Tây tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới trên toàn tuyến biên giới Quảng Tây, thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 31-1 đến 10-2 (Sở Thương mại Quảng Tây cho biết lãnh đạo Quảng Tây đã có quyết định song không cung cấp văn bản cụ thể). Nếu tình hình diễn biến phức tạp, Quảng Tây có thể sẽ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện biện pháp này. Hoạt động thương mại hàng hóa theo phương thức chính quy và thương mại biên giới tiểu ngạch vẫn diễn ra bình thường hoặc theo thông báo của cơ quan hải quan (từ ngày 3-2).

Cho đến ngày 29-1, bệnh "Viêm phổi Vũ Hán" (viêm phổi cấp do virus corona chủng mới đã xuất hiện tại 4 châu lục (trừ châu Phi, nơi thông tin có thể chưa được cập nhật đầy đủ) và đã vượt bệnh SARS về số ca nhiễm bệnh và độ bao phủ. Việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ đến hết ngày Rằm tháng Giêng dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế của Trung Quốc nói chung, hoạt động thương mại với Việt Nam nói riêng.

Các biện pháp (bao gồm công bố và không công bố chính thức) của Chính phủ Trung Quốc, Chính quyền Quảng Tây, Vân Nam như đóng cửa khẩu hay tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, cách ly các thành phố, hạn chế lưu thông… là chưa có tiền lệ, sẽ ảnh hưởng mạnh đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc. Theo phản ánh và báo cáo của doanh nghiệp và Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc đã có động thái hủy hoặc chậm thực hiện đơn hàng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam. Điều này là khó tránh khỏi trong bối cảnh của Trung Quốc hiện nay và có thể xảy ra với các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới.

Việc các cơ quan Chính phủ Trung Quốc dồn toàn lực vào công tác phòng chống dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó có thể kể đến 3 đoàn công tác của chuyên gia Tổng cục Hải quan Trung Quốc đi Việt Nam gồm: Kiểm tra, đánh giá thực tế, hoàn tất báo cáo mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến (dự kiến trong tháng 2, đầu tháng 3-2020); đánh giá thực tế, gia hạn danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu bột cá vào Trung Quốc (dự kiến trong tháng 3-2020); đánh giá lại một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị phía Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu (dự kiến trong tháng 3-2020).

Dịch bệnh lan nhanh tại Trung Quốc kéo theo nhu cầu và giá các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch tăng rất nhanh. Đã xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang cục bộ tại một số địa phương Trung Quốc và nhu cầu nhập khẩu mặt hàng khẩu trang từ Việt Nam. Điều này có thể gây tác động đến nguồn cung và giá cả các mặt hàng này tại thị trường Việt Nam.

Theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến hết ngày 29-1, tất cả 31 tỉnh thành của Trung Quốc đều đã xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh, con số ca nhiễm bệnh đã lên tới 7.711 người, số người tử vong lên tới 170 người, số lượng thuộc diện theo dõi lên tới 88.693 người. Như vậy, số người nhiễm virus corona tại Trung Quốc đã vượt qua con số 5.327 người mắc đại dịch Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002 và 2003. Tại hai địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam, tỉnh Vân Nam có 55 ca nhiễm bệnh (chưa ghi nhận tử vong), Khu tự trị Choang Quảng Tây có 58 ca nhiễm bệnh (chưa ghi nhận tử vong).

Hiện nay, các nước đã và đang áp dụng các biện pháp chưa từng có để bảo hộ công dân và ứng phó với sự lây lan của bệnh viêm phổi Vũ Hán như: sơ tán công dân của mình khỏi Vũ Hán (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu đã cử máy bay chở công dân của mình về nước); hạn chế hoặc hủy các chuyến bay đến Trung Quốc (Hãng hàng không British Airways đã hủy tất cả các chuyến bay đến và đi với Trung Quốc, Mỹ cũng đã hủy một số đường bay đến Trung Quốc); đóng cửa biên giới với Trung Quốc (Mông Cổ, Triều Tiên)…

Theo đánh giá của Economist Intelligence Unit (EIU), tác động về mặt kinh tế đối với Trung Quốc và những khu vực khác nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch sẽ rất nghiêm trọng nếu không thể kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. EIU dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm thêm từ 0,5% đến 1% trong năm 2020.

Theo số liệu do Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc công bố, giao thông đường sắt ngày 25-1 sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng chuyến bay thương mại giảm 42%, giao thông toàn Trung Quốc giảm 29% và dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh sau Tết Nguyên đán.

Từ ngày 23-1, Bộ Tài chính Trung Quốc đã chi khẩn cấp từ ngân sách trung ương số tiền 5,4 tỉ NDT (tương đương với khoảng 780 triệu USD) để phục vụ công tác phòng chống dịch.

TP Vũ Hán nói riêng, tỉnh Hồ Bắc nói chung là trung tâm giao thông - công nghiệp khu vực miền Trung của Trung Quốc, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, việc phong tỏa toàn bộ TP Vũ Hán sẽ khiến cho hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế tại đây bị tê liệt, gây tổn thất không nhỏ cho tỉnh Hồ Bắc nói riêng và kinh tế của Trung Quốc nói chung.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo