xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM”: Từng bước vượt qua khó khăn, thách thức

Nhóm phóng viên

(NLĐO) - Sáng nay 17-2, tọa đàm với chủ đề: "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" được Báo Người Lao Động tổ chức, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đã vượt qua năm 2021 đầy cam go, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong ứng phó dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên trong năm 2022 và những năm tiếp theo, rủi ro, khó khăn, thách thức vẫn còn. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đối với tiến trình vực dậy và tạo sức bật cho nền kinh tế.

Tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM”: Từng bước vượt qua khó khăn, thách thức - Ảnh 1.

Báo Người Lao Động cũng đang triển khai loạt bài: Cần những "quả đấm" để phục hồi kinh tế, với nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế từ các chuyên gia, doanh nghiệp cho những giải pháp khôi phục phát triển kinh tế đất nước, trong đó có TP HCM.

Tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM”: Từng bước vượt qua khó khăn, thách thức - Ảnh 2.

Một số diễn giả tham gia tọa đàm. Đồ họa: Tấn Nguyên

Với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành, TP HCM, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM” nhằm trao đổi, hiến kế giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là cú hích cho TP HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế vùng, kinh tế của cả nước. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022; tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường…

Tọa đàm sẽ tập trung vào 2 tuyến nội dung chính: Thứ nhất, cùng đánh giá khái quát về hàng loạt giải pháp hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới vừa được ban hành và trao đổi, thảo luận hướng đi nào để các giải pháp đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất…

Thứ hai, với đầu tàu kinh tế như TP HCM thì "những việc cần làm ngay" là gì để sớm tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng của cả nước? Trong đó, một giải pháp được xem là cú hích cho phát triển kinh tế TP HCM và cả nước là đầu tư xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM.

Tọa đàm có sự tham gia các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành của TP HCM, doanh nghiệp gồm:

1. TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội

2. TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

3. PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

4. TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh

5. TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

6. Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ), Ngân hàng Nhà nước

7. PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế TPHCM

8. TS Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM

9. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM

10. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC)

11. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

12. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital

...

Tiêu điểm sự kiện

    13:12 ngày 17/02/2022

    TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Chúng ta sẽ từng bước vượt qua khó khăn, thách thức

    Cảm ơn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã dành thời gian quý báu trong ngày đầu năm để dự, phát biểu rất tâm huyết những vấn đề đã được chắt lọc cả đời nghiên cứu. Chúng tôi cảm nhận rất rõ điều đó, đặc biệt, nhiều vị chuyên gia rất bận nhưng khi Báo Người Lao Động ngỏ lời mời tham gia tọa đàm thì đã gác lại lịch trình của mình, tham dự và có ý kiến rất sâu sắc.

    Đặc biệt, đối với những chuyên gia như TS Trần Du Lịch, 20 năm trước đã ấp ủ ý tưởng về một trung tâm tài chính quốc tế khi còn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu TP HCM, là người rất trăn trở với đề án này. Và đến giai đoạn 2016 đề án được khởi động lại, tiếp tục đồng hành.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Chúng tôi nghĩ rằng đã có Nghị quyết của Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, chúng ta có thể tin và chắc chắn một điều đề án sẽ thành hiện thực trong nay mai. Vấn đề là chúng ta thiết kế như thế nào để cho nó có sức cạnh tranh, đột phá, khác biệt và là một trung tâm tài chính quốc tế xứng tầm.

    Trong tổng thể đó, cái cụ thể chúng ta muốn đề cập trong tọa đàm hôm nay là làm gì, giải pháp nào để phục hồi kinh tế của đất nước, mà TP HCM là một trong những trung tâm kinh tế lớn, hàng đầu. TP HCM sẽ làm gì để không chỉ khôi phục và phát triển kinh tế mà còn từng bước lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, từ đó sẽ lan tỏa ra cả nước, các Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ thụ hưởng được sức bật của kinh tế thành phố, góp phần phát triển kinh tế cả nước và trở thành nền kinh tế mạnh như hổ, như rồng của khu vực.

    Xưa nay, tháng Giêng là tháng ăn chơi nhưng chúng ta quyết tâm tháng Giêng là để xông pha, làm việc. Như TS Trần Du Lịch nói, ngày đầu năm, thay vì mời các chuyên gia đến để nâng ly chúc mừng năm mới, thì Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm để "bàn việc nước". Đây đúng là tâm tư, suy nghĩ của chúng tôi.

    undefined - Ảnh 2.

    TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ những ý kiến tại tọa đàm

    Chúng ta đã trải qua một đại dịch đau thương và càng đau thương thì càng có sức mạnh để vươn tới. Và những tổng kết của các chuyên gia như TS Vũ Tiến Lộc, PGS.TS Trần Đình Thiên, TS Võ Trí Thành, TS Cấn Văn Lực…, còn nhiều vấn đề nuối tiếc má chúng ta chưa làm được trong nhiều năm qua, thì tôi nghĩ rằng chính đại dịch này làm chúng ta xích lại gần nhau, hướng tới điều gì đó cao hơn, xa hơn…

    Trở lại câu chuyện về đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và kể cả những điều TS Võ Trí Thành đề cập mà chưa làm được, tôi cho rằng cũng là một kỷ niệm trên hành trang của chúng ta và coi đó như kinh nghiệm trong cuộc đời để phấn đấu, vươn tới trong 20 năm tới. Câu chuyện 10 kg tài liệu nghiên cứu về trung tâm tài chính quốc tế để TS Trần Du Lịch "ăn Tết" vừa qua cũng rất giá trị.

    Nhìn ra thế giới để thấy chúng ta đã bắt nhịp lại và có những thành quả rất quan trọng nhờ những thế hệ đi trước có những quyết định sáng suốt, có quyết định mang tính lịch sử và đôi khi phải đánh đổi. Chúng tôi - thế hệ đi sau - cũng sẽ tiếp nối và hoàn thành sứ mệnh của mình.

    Ngay sau khi đại dịch ở TP HCM tạm lắng, vào tháng 10-2021, Báo Ngưới Lao Động đã tổ chức tọa đàm về nguồn nhân lực sau đại dịch; tọa đàm làm sao phục hồi du lịch và phát triển kinh tế của đất nước… đem lại hiệu quả thật sự. Và hôm nay, chúng tôi cũng đi đầu trong tổ chức tọa đàm về tạo đột phá phát triển kinh tế cả nước và TP HCM, với mong muốn làm sao những suy nghĩ, tâm tư của mình được sự đồng hành của các nhà chuyên gia, nhà quản lý, nhà kinh tế… để trở thành hiện thực trong tương lai.

    Với tất cả những tình cảm, những trăn trở, suy tư và sự biết ơn đối với thế hệ đi trước, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để làm cầu nối giữa các chuyên gia với quần chúng nhân dân và đưa những ý tưởng của các anh đã phát biểu hôm nay đến tất cả mọi người và cơ quan chức năng. 

    Ngay từ số báo Tân niên, Báo Người Lao Động đã phát động một vệt bài và sau đó tổ chức diễn đàn về phục hồi kinh tế cả nước và TP HCM và từng bước khôi phục vị trí đầu tàu kinh tế của TP HCM. Với mong mỏi đó, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và đưa kinh tế của đất nước từng bước không chỉ trở lại như năm 2020 mà có những đà phát triển đột phá, cạnh tranh hơn trong những năm tiếp theo.

    12:12 ngày 17/02/2022

    TS Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM


    undefined - Ảnh 1.

    TS Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM

    Chúng tôi xin ghi nhận những ý tưởng do các chuyên gia góp ý. Đây là luồng gió tiếp sức cho việc hoàn thiện đề án trong thời gian tới một cách nhanh nhất.

    Cần lưu ý, mức độ phát triển trung tâm tài chính quốc tế và tự do hóa ở mức nào cho phù hợp là vấn đề lớn. Cần phải đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của nhà đầu tư lớn.

    Trong thiết kế chính sách, mặc dù có bước đi thận trọng nhưng một tiêu chí cũng khá được quan tâm là yêu cầu của nhà đầu tư tiềm năng đòi hỏi trung tâm tài chính thực thụ, bảo đảm cạnh tranh. 

    Nói cách khác, để có thể thu hút tốt được nhà đầu tư, bảo đảm được những yêu cầu, đòi hỏi về phát triển trung tâm tài chính… là điều cần quan tâm trong xây dựng chính sách tiếp theo.

    12:09 ngày 17/02/2022

    Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

    Nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm tới các đề án

    undefined - Ảnh 1.

    Rất cảm ơn các chuyên gia đã hướng dẫn thành phố và nhà đầu tư có giải pháp để đạt mục tiêu thông qua đề án trung tâm tài chính tầm quốc gia, đặt tại TP HCM.

    Xin thông tin thêm, ngoài 10 tỉ USD mà các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản thì chúng tôi có hơn 68 văn bản, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo 2 nước.

    Phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng. Cụ thể, Mỹ xác định 6 trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags. Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal vào Hà Nội cũng sẽ có thể 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có đuộc 20 triệu khách/năm. Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động thì chúng ta đã có đến 70 triệu khách du lịch.

    Lấy ví dụ riêng Hồng Kông khi đưa Disneyland vào đã thu về 18,9 tỉ USD trong 10 năm. Quan trọng nhất là GDP tăng thêm 6%. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn nếu như TP HCM đưa vào quy hoạch để có được một khu giải trí Disneyland.

    Phía Mỹ đã gởi email cho chúng tôi và chúng tôi đã chuyển cho TP HCM để nghiên cứu. Đây là tin vui vì Mỹ không chỉ giúp về nguồn tài chính. Để tận dụng được điều này, chúng ta phải chạy đua với thế giới.

    12:01 ngày 17/02/2022

    TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia:

    Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đột phá nhưng đột phá cỡ nào?

    undefined - Ảnh 1.

    TS Trần Du Lịch

    Với đề án Trung tâm tài chính quốc tế, tôi đã đi cùng để nghiên cứu suốt 20 năm. Dịp Tết vừa rồi, chúng tôi cũng dành thời gian nghiên cứu mô hình này từ các đề án của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Đại học Fulbright và HFIC.

    Tôi cũng băn khoăn, muốn xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đột phá nhưng đột phá cỡ nào? Trong đề án đã tính toán, đề xuất mở cửa thị trường ở 3 mức độ: thấp, trung bình và cao nhưng đối với Việt Nam cần tính toán rất nhiều. Và cuối tháng này, TP HCM cũng sẽ tổ chức hội thảo riêng về trung tâm tài chính.

    Hiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của TP HCM nhưng tinh thần phải tập trung, trong điều kiện có thể, để sớm nhất hình thành trung tâm tài chính quốc tế, phù hợp xu hướng phát triển của TP HCM.

    Tôi rất cảm kích, nhóm nghiên cứu của tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nghiên cứu rất công phu, trong điều kiện có thể trình trung ương.

    11:50 ngày 17/02/2022

    PGS-TS Trần Hoàng Ngân:

    undefined - Ảnh 1.

    PGS-TS Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến tại tọa đàm

    Lo nhất là chính sách thu hút "đại bàng"

    Về phục hồi phát triển kinh tế TP, với vai trò Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế TP, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nội dung để tham mưu TP sớm hình thành các tổ công tác để tiếp cận Nghị quyết 43 của Chính phủ để đưa các gói giải pháp đi vào cuộc sống nhanh nhất.

    Về trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, điều lo lắng nhất là làm sao có cơ chế chính sách để thu hút được các "đại bàng", làm cho những "đại bàng" đó tin tưởng đầu tư vào TP thay vì các thị trường khác. Để làm được, chúng ta phải có cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút họ. Điểm thứ hai là sự lan tỏa tiếng nói của các chuyên gia sẽ dẫn đến sự đồng thuận nhiều hơn, đặc biệt là sự ưu đãi và các hoạt động dịch vụ đi kém theo hoạt động tài chính… Có như vậy trung tâm tài chính của chúng ta sẽ sớm trở thành hiện thực.

    11:46 ngày 17/02/2022

    PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

    Mô hình trung tâm tài chính quốc tế không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt

    Có một vấn đề là chúng ta có không ít giải pháp, ý tưởng… nhưng phải làm sao để đề án xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam được thông qua cũng cần lưu ý.


    undefined - Ảnh 1.

    PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

    Như TP HCM, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cần thiết nhưng nhìn ở góc độ xin cơ chế đặc thù cho riêng thành phố là rất khó, nhiều khi các Đại biểu Quốc hội cũng chưa nắm rõ nên cần nhấn mạnh ở đây là trung tâm tài chính quốc tế tầm quốc gia. Cần truyền thông, thông tin cụ thể để làm rõ và cùng phát triển vì tương lai của cả nước, bởi đề án tốt nhưng nhìn xa hơn thì ít người hiểu được xu thế phát triển của quốc tế.

    Tôi cho rằng mấu chốt là trung tâm tài chính này phải theo quy mô, thế hệ mới cho tương lai. Mô hình trung tâm tài chính quốc tế cũng cần phải cạnh tranh không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, vài chục năm nữa cũng vẫn hiệu quả. Vì vậy, trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM phải có năng lực cạnh tranh quốc tế, khác biệt, vượt trội. Đây là điểm then chốt trong câu chuyện cạnh tranh của Việt Nam và quốc tế.

    Làm sao đề án này được thông qua là khó, dù TP HCM luôn là đầu tàu nhưng để tiếp tục đột phá cần phải có cách tiếp cận để tất cả mọi người đều hiểu việc phát triển của thành phố đem lại lợi ích cho quốc gia. 

    Do đó, góc nhìn của tôi là TP HCM phải làm đề xuất với tinh thần là đề án quốc gia, làm sao đồng thuận, nhìn về tương lai. Tôi ủng hộ ý tưởng đột phá và trung tâm tài chính quốc tế của TP HCM thời điểm này có thể được xem là một ý tưởng mang tính đột phá mạnh mẽ nhất và nên được ủng hộ.

    Và hôm nay, Báo Người Lao Động làm sự kiện này cũng mang tính đột phá rất lớn.

    11:38 ngày 17/02/2022

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM

    Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

    Giải pháp hiệu quả nhất cũng là đột phá năm 2022 là thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ.

    undefined - Ảnh 2.

    Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó, phục hồi sản xuất

    Đối với ngành ngân hàng có 2 nhóm nhiệm vụ gồm nhiệm vụ liên quan về an sinh xã hội do ngân hàng chính sách xã hội và nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 

    Trên tinh thần đó, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng trung ương, trong năm nay, chúng tôi thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phối hợp các sở ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất… 

    Cuối cùng là tiếp tục cải cách hành chính với nội hàm là nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh hiệu quả, năng suất, chi phí đầu vào để trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay.

    11:34 ngày 17/02/2022

    TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia:


    undefined - Ảnh 1.

    Theo TS Cấn Văn Lực, hiện có nhiều hình dung khác nhau về trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM

    Để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, tôi xin góp ý 5 nội dung cần làm.

    Thứ nhất, cần thống nhất mường tượng hình hài trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ như thế nào? Hiện, chúng ta đang có một số hình dung về trung tâm tài chính nhưng chưa hoàn roàn chính xác. Có người cho rằng đó là 1 trung tâm tài chính có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Hình dung thứ 2 là một trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về khu vực đó. Quan điểm thứ 3 là liệu có phải là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch… Hay, trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thứ trên. Có lẽ phải làm rõ hơn về hình dung về trung tâm tài chính để có thể xây dựng được.

    Tuy nhiên, đó vẫn là cách tư duy truyền thống vì hiện thế giới tài chính đang thay đổi ghê gớm. Giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… là xu hướng của 5-10 năm tới, thậm chí là lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ thay đổi?

    Thứ 2 là về cách tiếp cận, đột phá nhưng kiểm soát được rủi ro.

    Thứ 3 là điều kiện để hoàn thiện đề án, trình các cấp có thẩm quyền, thuyết phục và khả thi. Theo đó, đề án phải gắn với quy hoạch của thành phố, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có được sự đồng thuận chính trị; tăng khả năng chuyển đổi đồng tiền của thị trường; nâng hạng thị trường chứng khoán…

    Thứ 4, cần lưu ý, quan tâm đến tính hấp dẫn của trung tâm tài chính quốc tế cũng như khả năng quản lý giao dịch xuyên biên giới, giao dịch số, dữ liệu (trong nước và xuyên biên giới).

    Để có được tính đồng thuận chính trị cao hơn, tôi mong đề án này nên được tham vấn, thảo luận công khai hơn nữa. Những gì là lợi thế, những băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp thỏa đáng.

    11:29 ngày 17/02/2022

    PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển TP HCM:

    Chúng ta mong muốn "lấy lại những gì đã mất"

    Tôi còn nhớ, hồi đầu tháng 8-2021, khi số người tử vong do Covid-19 ở TP HCM lên đến 100 ca một ngày thật sự rất đau lòng. Nhưng một nỗi đau khác nữa là người nghèo không có tiền để lo chi phí mai táng. Lúc đó, tôi đã viết thư cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM và các ngân hàng thương mại để xin chi phí lo cho người nghèo…

    undefined - Ảnh 1.

    PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển TP HCM:

    Tuy nhiên, trong khó khăn và thách thức, TP HCM luôn tìm cách phục hồi kinh tế, cùng cả nước và vì cả nước. Trong năm qua, TP HCM đã bị tổn thương mọi mặt, kinh tế thành phố chưa bao giờ suy giảm và suy thoái tới 6,78%, còn cả nước vẫn tăng trưởng 2,58%. Trong khi những năm trước, thành phố thường tăng trưởng gấp 1,2 lần bình quân cả nước.

    Chưa bao giờ TP HCM rơi vào đợt nặng nề như vậy nhưng người dân TP HCM vẫn nỗ lực vươn lên. Trong khó khăn đó, TP HCM vẫn đóng góp cho ngân sách ở mức lớn.

    Và TP HCM sẽ làm gì trong năm nay? Thành phố đã ban hành kế hoạch phục hồi giai đoạn 2022-2025 theo 2 chặng đường, và trong chặng đường này với mục tiêu là "lấy lại những gì đã mất". Để lấy lại đà tăng như năm 2020, TP HCM phải tăng trưởng ở mức 6,5%, sau sau đó mới tiếp tục tăng 8,5% trong 2 năm tiếp theo là 2023-2025.

    Và lộ trình này được tiếp sức thêm bằng Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về các gói tài khóa, tiền tệ để giúp thêm cho sự phục hồi này. Chúng ta cần có những tổ công tác, tổ liên ngành để tiếp cận những chính sách hỗ trợ tốt nhất.

    undefined - Ảnh 2.

    Các diễn giả tại tọa đàm

    Người lao động, người dân thành phố cũng phải tiếp cận được, như các gói hỗ trợ tiền thuê nhà, gói hỗ trợ tiền thuê đất, gói hỗ trợ 2% lãi suất với dự kiến nguồn kinh phí dự kiến 40.000 tỉ đồng và thành phố phải có tổ công tác để tiếp cận cung -cầu vốn để tận dụng được các gói hỗ trợ này…

    Chúng ta mong muốn "lấy lại những gì đã mất" nhưng quan trọng hơn là "giữ những gì đang có", bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân nên chiến lược y tế cần được ưu tiên hàng đầu. Và TP HCM đang đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, và tăng cường thêm nguồn lực bác sĩ trẻ về cơ sở y tế cơ sở để mở cửa an toàn, mở cửa đồng bộ, để đón khách quốc tế.

    11:06 ngày 17/02/2022

    Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

    5 vấn đề lớn nhất về cách tiếp cận xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM:

    Bối cảnh hiện nay có 2 từ đang được dùng nhiều nhất, quan trọng nhất nếu muốn phát triển là tốc độ và sáng tạo. Với Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM lại càng thách thức, vì chúng ta đang có khoảng cách với thế giới quá xa về mức độ hội nhập, những tiêu chuẩn thông lệ, quy mô thị trường tài chính….

    Theo tôi, có 5 vấn đề lớn nhất về cách tiếp cận xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM:

    Thứ nhất là thể chế đột phá vượt trội có khả năng cạnh tranh quốc tế, để trung tâm này có thể cạnh tranh với các trung tâm tại Hồng Kông, Singapore, Dubai… và trở thành 1 điểm đến để các nhà đầu tư lựa chọn.

    Thứ hai là lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống, tiếp cận ngay mô hình tài chính tích hợp gắn với đô thị hoá, các dịch vụ chất lượng cao…

    Thứ ba, ngay từ đầu đã có những nhà đầu tư quan tâm Việt Nam. Điều kiện nhà đầu tư thế nào, lợi ích và trách nhiệm, cam kết nghĩa vụ của họ ra sao để tìm ra những nhà đầu tư thật sự chất lượng.

    Thứ tư là khách hàng. Ban soạn thảo kết hợp giữa nước ngoài với trong nước, vừa có tư tưởng tài chính tiền tệ kinh tế nhưng lại gắn với câu chuyện pháp lý rất chặt chẽ để làm đề án.

    Thứ năm, cần có 1 văn bản pháp lý triển khai ngay đề án.

    Một thực tế đáng buồn là một trong những đặc khu của Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước là Hải Phòng nhưng đến nay nhìn lại chưa đến đâu, một số đề án khác cũng rất ì ạch. Ý tưởng về Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM bắt đầu từ cách đây khoảng 20 năm, đến nay vẫn đang chỉnh sửa nhưng hy vọng chúng ta "dám chơi, biết chơi và nhanh" vì nếu quá 3 năm thì 5 năm này không còn đột phá, khát vọng 2025-2030 khó thành công.

    Do đó, trong bối cảnh hiện nay đừng tư duy trong khuôn khổ pháp lý hiện hành mà phải tư duy khỏi khuôn khôn pháp lý hiện hành. Đột phá để dự án ấy khả thi và triển khai được thì càng khó hơn rất nhiều.

    10:58 ngày 17/02/2022

    Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM (HFIC):

    Dự kiến hoàn thành và trình đề án vào tháng 4 tới

    Với đề án xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, chúng ta thống nhất quan điểm đây là trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại TP HCM. Lãnh đạo TP xác định đây là một trong những nhiệm vụ của thành phố đóng góp vào kinh tế đất nước cũng như tiến trình hồi phục chung.


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM (HFIC):

    Đề án nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TP HCM. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND làm trưởng ban, các thành viên gồm chuyên gia, nhà nghiên cứu và tổ giúp việc do lãnh đạo HFIC làm tổ trưởng. Đồng thời, đề án cũng được Chính phủ, các bộ - ngành quan tâm, đôn đốc tiến độ. Thời gian qua, TP HCM đã đề xuất trung ương thành lập ban chỉ đạo trung ương để giúp thành phố triển khai đề án. Những điều này cho thấy đề án hội tụ tâm huyết khát khao mạnh mẽ cả lãnh đạo trung ương và thành phố.

    Với việc xây dựng đề án này, chúng ta có cách tiếp cận mới từ 2 chiều. Chiều thứ nhất là tiếp cận từ phía người hoạch định chính sách xem để xây dựng được trung tâm tài chính thì cần làm gì? Với cách tiếp cận này, TP đã giao HFIC ký kết với Trường ĐH Fulbright cùng xác định nền tảng, nguyên tắc, cấu thành và sự cần thiết xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

    Ở chiều thứ 2 là tiếp cận từ phía cung. Theo đó, tạo ra, đổi mới cơ chế, chính sách và lắng nghe nhà đầu tư muốn gì, kỳ vọng gì? Chúng ta kết hợp cả nhu cầu muốn có gì từ trung tâm này với nguyện vọng của nhà đầu tư để đưa ra đề án tốt nhất.

    Trong đề án này, TP HCM xác định rõ mục tiêu trở thành "hub" (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là có vốn rồi thì xài ra sao, vốn chảy vào lĩnh vực nào chúng ta muốn để kích hoạt phát triển kinh tế. Thành phố đã giao HFIC lấy ý kiến chuyên gia để tổng hợp, trình Chính phủ, báo cáo lãnh đạo Đảng, nhà nước.

    Về tiến độ, HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia xong và hình thành đề cương đề án, chuẩn bị nội dung cho thành phố báo cáo với 6 ý cơ bản:

    Thứ nhất, nêu được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của trung tâm này với kinh tế Việt Nam nói chung.

    Thứ 2, đúc kết kinh nghiệm các trung tâm tài chính quốc tế của thế giới, so sánh chỗ nào tương đồng với điều kiện của Việt Nam về cả kinh tế, thể chế, chính trị.

    Thứ 3, xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính này là gì? từ đó đối chiếu với thực trạng hiện nay. Các báo cáo cho rằng TP HCM đã là trung tâm tài chính của Việt Nam rồi nhưng chưa chính thức, mới chỉ là dòng chảy tự phát, chưa có chính sách hỗ trợ. Việc tiếp theo để xây dựng đề án là cần dự báo những gì trung tâm tài chính quốc tế sẽ phát triển mà chúng ta có thể đi trước đón đầu.

    Thứ 4, xác định rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM như thế nào?

    Thứ 5, kiến nghị cơ chế chính sách đột phát và đặc thù gì, có những sandbox thử nghiệm.

    Thứ 6, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa việc xây dựng trung tâm này.

    Dự kiến, tháng 4 tới, đề án sẽ được hoàn chỉnh và trình báo cáo đến cơ quan trung ương.

    10:47 ngày 17/02/2022

    Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG):

    Thời gian là vàng, chậm sẽ mất cơ hội

    Từ năm 2016, đề án về một trung tâm tài chính quốc tế đã được đề xuất nhưng thời điểm đó chúng ta chưa sẵn sàng nên chưa thể triển khai.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) trình bài về việc xây dựng đề án trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM và Đà Nẵng

    Chúng tôi đã làm việc từ năm 2016 đến nay, và hiện đã có kế hoạch, lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM và Đà Nẵng. "Đơn hàng" nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu.

    Đề án này sau đó được xây dựng theo hướng mở từng bước, và theo Nghị quyết 128, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được đặt tại TP HCM và trung tâm tài chính khu vực đặt tại Đà Nẵng, với những bước đi cụ thể, chi tiết… để trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và trình Quốc hội thông qua.

    Đề án của chúng tôi sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao. Nếu được thông qua, theo những gì và phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỉ USD ở Đà Nẵng và 6 tỉ USD ở TP HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

    undefined - Ảnh 2.

    Đồ họa: Tấn Nguyên

    Đặc biệt, sau khi xong hoàn toàn đề án, chúng tôi sẽ bàn giao cho TP HCM và kết hợp với những đề án mà thành phố đã nghiên cứu, để tiến hành đầu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai.

    Tôi được biết, khát vọng của Việt Nam gần đây đang hướng đến bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Vì vậy, vốn và thị trường vốn rất cần cho nhu cầu phát triển của Việt Nam và TP HCM.

    Cần vốn nhưng chúng ta cũng cần chọn lọc, nguồn vốn phải chất lượng cao và gắn với thị trường vốn phát triển; nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực sẽ thu hút các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, đưa nguồn vốn vào thị trường tài chính.

    Trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội lớn thì chính sách cần có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ nguy cơ “tụt hậu”, khó cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ và Quốc hội. 

     Thực tế, trung tâm tài chính đã được các nhà đầu tư Mỹ đề xuất cách đây 6 năm, từ năm 2016, và thời gian là vàng nên nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển năm 2045.

    10:22 ngày 17/02/2022

    Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM

    Nhiều giải pháp khôi phục kinh tế TP HCM đã được triển khai

    Những ý kiến của các chuyên gia cho chúng ta thấy bức tranh rất rõ về định hướng và giải pháp phát triển kinh tế TP HCM, đặc biệt là trong giai đoạn hậu Covid-19. Thời gian qua, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp, tiến hành 3 gói hỗ trợ từ khi dịch bùng phát tới nay cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Dù nguồn lực chưa đáp ứng hết nhu cầu của các đối tượng bị tác động của dịch nhưng phần nào giúp người lao động yên tâm. Đến nay, nhiều doanh nghiệp TP HCM đã phục hồi sản xuất - kinh doanh.

    Nâng cao năng lực y tế cơ sở là một trong những hướng giải pháp mà TP rất quan tâm trong thời gian qua. Từ yêu cầu về xây mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở y tế cơ sở, TP đã kiến nghị Trung ương về việc nâng cấp, cải tạo 16 cơ sở y tế quận, huyện và 152 cơ sở y tế phường xã với tổng kinh phí trên 6.500 tỉ đồng.

    Trong dịch Covid-19 chuỗi cung ứng lao động cho TP bị đứt gãy. Lao động cho sản xuất trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được về số lượng, chất lượng và liên kết trong chuỗi lao động cũng khó khăn. Với những mô hình doanh nghiệp có thể chủ động tự cung ứng nguồn lao động thì TP hỗ trợ họ cơ chế để duy trì việc đó. Ví dụ mô hình nhà ở trước đây TP chưa đáp ứng được thì nay tại các KXC-KCN lớn đều có giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân để chủ động hơn nguồn cung lao động cho doanh nghiệp.

    Về kinh tế, việc duy trì cầu nội địa cũng là một trong những giải pháp mấu chốt hiện nay. Vì vậy, thời gian tới TP tập trung kích cầu.

    undefined - Ảnh 2.

    Theo ông Trần Anh Tuấn, lao động cho sản xuất trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được về số lượng, chất lượng

    Về đầu tư xã hội, TP sử dụng vốn ngân sách như vốn mồi để thu hút nguồn lực xã hội, 1 đồng vốn ngân sách thu hút được 10 đồng vốn xã hội. Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, TP sẽ công khai rất cụ thể nguồn lực này, theo đó nhu cầu ước lượng 800.000 tỉ đồng nhưng TP chỉ có 142.000 tỉ đồng vốn đầu tư ngân sách Trung ương giao, TP cố gắng huy động tối đa cũng chỉ được 260.000 tỉ đồng, thêm nguồn lực bên ngoài có thể lên đến 350.000 tỉ đồng. Nguồn lực dành cho đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực chi cho đầu tư khiêm tốn nên cần có sự tháo gỡ cơ chế chính sách để tháo gỡ, cần có cơ chế chính sách thích hợp. Các bộ ngành, Trung ương vừa qua có phân cấp cho TP một số đặc thù như Nghị quyết 54, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 21% trong 2022… nhưng tất cả những cái đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của TP về đầu tư hạ tầng, y tế cơ sở, chăm lo cho người lao động để phục hồi kinh tế hiệu quả hơn.

    Về huy động nguồn vốn ưu tiên, TP đang sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình, dự án đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án liên quan lĩnh vực y tế giáo dục, giao thông, môi trường. Trong lĩnh vực giao thông, TP đang đẩy mạnh dự án vành đai 3, cao tốc TP HCM- Mộc Bài (Tây Ninh)… và các dự án liên kết vùng, đặt TP trong tổng thể cùa vùng để ưu tiên bố trí vốn và kêu gọi đầu tư để tạo sức bật cho kinh tế vùng phát triển.

    Ngoài ra, TP đang triển khai một trong những nộ dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII  là đưa TP thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch UBND TP  đã ký bản ghi nhớ với tập đoàn Liên Thái Bình Dương để giúp TP nghiên cứu cụ thể hoá cơ chế chính sách để phát triển trung tâm tài chính. Mục đích của bản ghi nhớ là sẽ thu hút được nững tập đoàn, nhà đầu tư có năng lực thật sự vào TP nhằm lôi kéo những nhà đầu tư có tiềm năng, có năng lực đầu tư vào TP.

    10:05 ngày 17/02/2022

    TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia:

    Thời cơ vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế

    Câu chuyện khá mới và khá nóng hiện nay là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, các địa phương bắt tay vào thực hiện. Buổi tọa đàm này là để hướng tới mục tiêu đó, nhất là trong một vài ngày qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục đốc thúc các bộ ngành phải bắt tay vào làm.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Cấn Văn Lực

    Đây là chương trình rất quan trọng và phụ thuộc rất lớn vào quá trình thực thi của chúng ta. Chúng tôi đưa ra 2 kịch bản, trong kịch bản 1 chúng ta làm sao giải ngân được 40% và năm sau 50%, Việt Nam sẽ hoàn toàn đạt được GDP 6%-6,5% và năm sau cao hơn, đạt khoảng 7%.

    Ở kịch bản tiêu cực hơn, trong 2 năm nếu tỉ lệ giải ngân khoảng 70%, tăng trưởng chỉ đạt 5%-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023. Một năm cung tiền khoảng 160.000 - 170.000 tỉ đồng không phải quá lớn, và cần rất nhiều giải pháp cả bên trong và bên ngoài…

    Về kiến nghị, chúng tôi có khá nhiều kiến nghị, và trong tọa đàm hôm nay, tôi xin bổ sung một số kiến nghị:

    Thứ nhất, Chính phủ nên ban hành Chương trình phòng chống dịch, cập nhật Nghị quyết 128, bởi hiện tại các địa phương đang chờ đợi chương trình phòng chống dịch bài bản hơn, trong đó chú trọng nâng cao năng lực y tế. Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều bệnh viện công thiếu trang thiết bị y tế, kể cả thuốc cũng khan hiếm, do những chương trình thanh tra, kiểm tra nên việc mua sắm, thiết bị y tế rất thiếu.

    Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2025 nhưng cần một vài cập nhật, điều chỉnh, sau khi Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 11 vừa qua.

    Thứ ba, đây là cơ hội vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh. Cơ hội rất tốt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khi có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam sau những năm qua, vì vậy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng.

    undefined - Ảnh 2.
    undefined - Ảnh 3.
    undefined - Ảnh 4.

    Một số hình ảnh tại tọa đàm sáng 17-2

    10:04 ngày 17/02/2022

    TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

    TP HCM chưa bao giờ "tê liệt"

    Với TP HCM, chương trình phục hồi kinh tế đã được TP xây dựng ngay trong thời điểm mỗi ngày có 5.000-7.000 ca bệnh và hàng trăm người tử vong. Ngay khi tất cả đang đóng cửa "bế quan" thì TP đã lấy ý kiến chuyên gia để xây dựng chương trình khôi phục. Điều này cho thấy TP HCM chưa bao giờ "tê liệt" trong 4 tháng liền. Lãnh đạo TP đã tính con đường mở cửa dù khó khăn đến mấy; tìm cách tạo sinh kế cho người dân bởi không có nhà nước nào nuôi nổi người dân trong một thời gian dài.

    undefined - Ảnh 1.

    TS Trần Du Lịch

    Từ 1-10-2021, Chính phủ đã chuyển hướng từ "zero Covid" sang thích ứng, sống chung với dịch. Đây được coi là sự tiếp sức quan trọng cho TP HCM để tự tin xây dựng chương trình hồi phục này.

    Quan điểm chung là TP HCM là nơi "đứt gãy" nặng nề nhất nên pháp cho TP phải mạnh hơn giải pháp chung mới đủ sức phục hồi. Cùng với đó, TP HCM không chỉ đặt vấn đề phục hồi nguyên trạng mà còn tận dụng thời cơ để tái cơ cấu, đột phá cao hơn. Đây là mấu chốt vì đại dịch bên cạnh đem lại tai họa thì cũng bộc lộ rõ những bất cập về cơ cấu kinh tế, dân cư, môi trường sống… cần được giải quyết.

    Về công cụ hồi phục kinh tế, TP HCM nhận thức được rằng đầu tiên là cần tạo môi trường thể chế tốt nhất để nền kinh tế hấp thụ đượic vốn. Theo đó, phải cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tháo điểm nghẽn để hấp thụ nguồn vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Rất mừng là ở phiên họp bất thường của Quốc hội, việc thông qua 1 luật sửa 9 luật đã gỡ được những vấn đề quan trọng.

    Tiếp đến, TP HCM xác định sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu, xử lý bất cập hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. TP HCM có đặc điểm là từ 1 đồng đầu tư của nhà nước có thể thu hút 8-12 đồng đầu tư tư nhân, vốn nhà nước được xem là vốn mồi để kích thích đầu tư tư nhân.

    undefined - Ảnh 2.

    Đầu tư vào hạ tầng được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để khôi phục kinh tế TP HCM

    Tiếp theo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ có dòng vốn. Thành phố đã từng làm được chương trình ngân hàng kết nối với doanh nghiệp, chính quyền để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay nợ nuôi nợ để từ đó đòi được nợ. Với cách làm này, giai đoạn 2011-2013, đã cứu sống nhiều doanh nghiệp. Cùng với đó là bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề nhà ở, tháo gỡ những ách tắc về đô thị…

    Một điểm rất quan trọng là phát huy vai trò hạt nhân của TP HCM phát triển gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ để tiến hành nhanh dường vành đai 3, 4 để phát triển cả vùng đô thị cũng là một giải pháp.

    Với Nghị quyết 11 và việc thông qua 1 luật sửa 9 luật, tôi tin rằng TP HCM sẽ đi từ suy giảm kinh tế 6,74% trở thành thành dương 6,5%. Với TP HCM, yếu tố thời gian là yếu tố quyết định.

    undefined - Ảnh 3.

    Theo TS Trần Du Lịch, trong giai đoạn khó khăn nhất nhưng TP HCM vẫn luôn vận động và chưa bao giờ "tê liệt"

    09:38 ngày 17/02/2022

    PSG – TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

    Tính đồng bộ là quan trọng nhất

    Cuộc toạ đàm của Báo Người Lao Động rất có ý nghĩa. Toạ đàm đưa ra chủ để đúng với chương trình Chính phủ đưa ra để phát triển, đối với TP HCM tạo giá trị đột phá để phát triển càng ý nghĩa hơn bao giờ hết. Năm ngoái, TP bị cú sốc nặng khi tăng trưởng giảm do ảnh hưởng Covid-19, có thể nói là có bước lùi, khi trở lại tư thế bình thường thì tinh thần tạo đột phá để phát triển là quan trọng.

    undefined - Ảnh 1.

    PSG – TS Trần Đình Thiên

    TS Vũ Tiến Lộc đã nói khá đầy đủ liên quan đến các giải pháp phục hồi để phát triển. Để thực hiện các giải pháp này rất cần tính đồng bộ nhưng đây cũng chính là điều khó, đặc biệt là khó đối với Việt Nam do tính cục bộ, lợi ích… gây lãng phí.

    Vấn đề hiện nay là làm sao xử lý được gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng một cách thống nhất. Chính gói 350.000 tỉ đồng cũng thúc chúng ta có cách sử dụng các giải pháp để phục hồi kinh tế - xã hội. Cụ thể là nhận thức phải thống nhất (về dịch bệnh, phương pháp ứng phó với dịch bệnh, các yêu cầu sống còn…). Thứ 2, cách triển khai, hành động cũng phải thống nhất, tức từ nhận thức tới thực tiễn và cách hành động phải thống nhất. Điển hình như sân bay Long Thành, chúng ta thấy giữa tỉnh với các nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu chưa có tính đồng bộ nên chưa triển khai được.

    Đối với Việt Nam, có 3 từ đi liền với nhau là quyết tâm, hành động là phải quyết liệt và mục tiêu phải quyết thắng – để hàm ý cho mỗi chủ thể là phải đạt mục tiêu cuối cùng. Ba từ này cho tất cả tuyến hành động, là phải đạt được cam kết đối với quốc gia, nhà đầu tư phải làm.

    undefined - Ảnh 2.

    Phục hồi kinh tế TP HCM phải được xem là tọa độ ưu tiên trong phục hồi kinh tế đất nước. Ảnh: Hoàng Triều

    Đi liền với đó, có mấy việc gắn với đồng bộ: do tắc nghẽn các đường dẫn nguồn lực, đường dẫn chính sách nên không thể triển khai. Ví dụ, nguồn lực như hiện nay là gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng, nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ. Nhưng, thế nào là không hấp thụ được? có phải DN yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được DN? phải phân biệt rõ để có giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, hiện nay tắc nghẽn ở các đường dẫn chính sách, thủ tục hành chính. Do đó, cần phải tháo gỡ thể chế có thể lại là một giải pháp đầu tiên để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực.Hoặc câu chuyện xác định tọa độ ưu tiên, đồng bộ nhưng tọa độ ưu tiên phải chuẩn. Như TP HCM phải là tọa độ ưu tiên. TP HCM đang trở lại chinh phục ngôi vị quán quân, là nỗ lực của TP tạo ra, và trung ương làm gì để hỗ trợ? Vì vậy, nếu tập trung ưu tiên thì sẽ tạo sự lan tỏa cho lưu thông nguồn lực.

    Điểm cuối cùng, sự ráo riết của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi là vô cùng quan trọng. Nếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở các địa phương thì sẽ rất khó để hiệu quả. Chúng tôi đánh giá rất cao Chính phủ. Vừa rồi, Thủ tướng đi thị sát ở phía Nam để tạo ra động lực mạnh, sức thúc đẩy mạnh cho đầu năm. Đồng thời, trong cuộc xuất hành Thủ tướng cũng nêu ra thông điệp cho từng đơn vị, từng người đứng đầu ở từng dự án… Nếu không ráo riết, không đốc thúc cụ thể thì mọi sự đồng bộ khó ý nghĩa. Đặc biệt cần đồng bộ với cả y tế để kiểm soát dịch và khơi thông các nguồn lực tài chính, vì đây đang là nhưng điểm nghẽn rất lớn. Như tại TP HCM, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân còn gặp khó khăn…

    09:22 ngày 17/02/2022

    TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:

    undefined - Ảnh 1.

    Toàn cảnh tọa đàm sáng 17-2

    Mở cửa hay là chết?

    Tôi rất hoan nghênh Báo Người Lao Động đã tổ chức cuộc tọa đàm ý nghĩa trong một thời điểm quan trọng.

    undefined - Ảnh 2.

    Trước khi TP HCM chính thức mở cửa khoảng một tuần, Báo Người Lao Động đã xây dựng loạt bài có ý nghĩa yểm trợ, góp ý cho việc cần thiết phải mở cửa. Nay, trong giai đoạn Việt Nam kiên định kế hoạch mở cửa kinh tế, nhất là mở cửa với quốc tế thông qua việc mở lại đường bay, Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức loạt bài bám sát hơi thể, diễn biến của thời cuộc, đưa ra thông điệp ý nghĩa.

    Chúng ta đã bắt đầu có tâm thế hoàn toàn mới trong công cuộc phục hồi và chống đại dịch Covid-19. Đó là từ tâm thế của cuộc chiến loại trừ Covid-19 bước sang tâm thế sống chung với dịch và đến nay là vượt qua dịch Covid-19. Vượt qua đại dịch là tâm thế tích cực hơn sống chung với đại dịch. Trong hành trình này, TP HCM đã bước qua đau thương của dịch bệnh để tiên phong thực hiện. Do đó, sự hồi phục phát triển kinh tế của TP HCM là rất quan trọng bởi đó là động lực cho cả nước.

    Tôi góp ý 5 giải pháp quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế. 5 giải pháp này có thể ví như 5 cánh sao trên ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam, có ý nghĩa dẫn dắt cả nước và TP HCM vượt lên đại dịch.

    Thứ nhất, mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu của thị trường.

    Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế.

    Thứ ba, duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế.

    Thứ tư, nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn.

    Thứ năm là tăng cường thể chế.

    Gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỉ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế.

    Quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo tăng nhanh và trở thành 1 trong 3 nền kinh tế quy mô lớn nhất khu vực song chất lượng còn hạn chế. Hy vọng thông qua chính sách kích thích kinh tế và trước áp lực phải thay đổi, chất lượng tăng trưởng có thể được cải thiện.

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo