xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tín dụng đen hết sức phức tạp

THÁI PHƯƠNG

Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nạn tín dụng đen tiếp tục "có đất sống", không ngừng "bẫy" người có nhu cầu vay tiền bằng nhiều thủ đoạn mới

Ngày 2-12, tại hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng đen khu vực nông thôn", do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an và TAND TP Hà Nội tổ chức, các diễn giả cho rằng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn sự phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay tiền cho sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.

Đủ chiêu mời gọi, dụ dỗ vay tiền lãi suất cao

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, cho biết để đối phó với cơ quan chức năng, đối tượng hoạt động tín dụng đen lập doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook…

"Đối tượng quảng cáo cho vay không cần thế chấp, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản NH nhưng thực chất lại thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật để lách số tiền lãi vượt ngưỡng quy định. Họ còn lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất cao gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép" - Thiếu tướng Trần Ngọc Hà phân tích và dẫn chứng tuần trước, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã triệt phá một nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng, hoạt động ở TP HCM cho vay nặng lãi. Trong số các bị hại, có người vay của nhóm này trên 16,2 tỉ đồng và đã trả trên 20 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn còn nợ khoảng 11 tỉ đồng. Tính ra, lãi suất cho vay cao nhất lên tới 1.700%/năm.

Tín dụng đen hết sức phức tạp - Ảnh 1.

Các loại hình tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp và thủ đoạn hết sức tinh vi .Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội VKSND Tối cao, thông tin đối tượng cho vay "nóng" thường núp bóng các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê tài sản, công ty tài chính. Hợp đồng vay chỉ là một giấy biên nhận, không ghi mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận bằng miệng nhưng trên thực tế rất cao. Đến thời hạn, người vay không trả được lãi thì tiền lãi được nhập vào gốc khoản vay mới bằng giấy biên nhận vay tiền mới, dẫn đến người vay không có khả năng trả nợ.

Đặc biệt, tín dụng đen còn đang bùng phát qua các ứng dụng (app) cho vay tiền online, cho vay qua website rất khó kiểm soát. "Nếu lỡ tìm đến các website/ứng dụng cho vay núp bóng tín dụng đen, "dịch vụ bốc họ", mức lãi suất có thể cao tới 20% - 50%/tháng. Những app này không chỉ tính lãi suất cắt cổ, người vay còn phải chịu khoản tính phí vô lý theo cách tính bậc thang như phí vay ban đầu, phí nhắc nợ, phí tính lãi suất... Mức lãi suất này khiến nhiều người vay gặp phải hệ lụy, khi không còn khả năng thanh toán bị khủng bố điện thoại, kể cả đe dọa đánh đập…" - ông Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, phân tích.

Mở rộng tín dụng chính thức

Một trong những giải pháp hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen thời gian qua được ngành NH triển khai là đẩy mạnh vốn tín dụng từ các kênh chính thức. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết số liệu đến giữa tháng 11-2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỉ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm ngoái. Trong đó, 78 tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (tương đương khoảng gần 2 triệu tỉ đồng).

Một trong những phân khúc tín dụng được tập trung đẩy mạnh nhằm góp phần cung cấp vốn cho người lao động có thu nhập trung bình thấp để hạn chế tín dụng đen là cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, thông tin đến ngày 30-10-2021, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt dư nợ gần 180.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm ngoái; hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân cho vay đạt 131.000 tỉ đồng; Ngân hàng chính sách xã hội 244.000 tỉ đồng… đáp ứng nhu cầu sản suất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Dù vậy, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định thực tế một bộ phận người dân cần vay vốn phục vụ nhu cầu cấp bách nhưng không đáp ứng được điều kiện tín dụng NH sẽ tìm tới tín dụng đen do các thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng và không cần tài sản thế chấp.

Vì vậy, trong thời gian tới, để góp phần hạn chế tín dụng đen, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết ngành NH sẽ đẩy mạnh giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng. Xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, không phải vay nặng lãi từ đối tượng cho vay tín dụng đen.

"Tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực được quan tâm, mở rộng trong thời gian tới và NHNN không thắt chặt loại hình cho vay này, có cơ chế quản lý thuận lợi khi vay, trả và quản lý được dòng tiền của người vay. NHNN sẽ có chính sách tạo điều kiện, khuyến khích và phát triển cho vay tiêu dùng đối với nền kinh tế, bao gồm cả việc tạo điều kiện cho các NH nước ngoài cùng tham gia vào phân khúc này" - ông Đào Minh Tú nói.

Thế chấp cả clip khỏa thân để vay nặng lãi

Trong tham luận gửi tới hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhận định có nhiều dạng cho vay tín dụng đen như bốc họ, rải họ; cho vay ngang hàng, cho vay đáo hạn, cho vay qua app. Mới đây nhất còn xuất hiện tình trạng người vay tiền muốn vay được phải thế chấp bằng hình ảnh và video clip khỏa thân, nhạy cảm... Các hình thức cho vay này đều vượt quá trần lãi suất quy định của NH. Đặc biệt là hình thức "lãi mẹ đẻ lãi con". Lãi suất thường chỉ 2.000 đồng/triệu đồng/ngày nhưng các đối tượng biết con nợ đa số cần tiền cấp bách nên thường lấy lãi là 5.000 đồng/triệu/ ngày (182,5%/năm), nhiều trường hợp là 7.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày (tức từ 250% đến hơn 300%/năm). Đáng nói, tất cả khoản lãi suất không được ghi trên giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo