xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm động lực mới cho tăng trưởng

PHƯƠNG NHUNG - VĂN DUẨN

Kinh tế tư nhân phải được đặt ở vị trí trung tâm trong các kế hoạch trung và dài hạn nhằm tạo động lực phát triển nền kinh tế

Hôm nay, 30-10, Quốc hội (QH) bắt đầu 2 ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Cạnh tranh công bằng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động trước phiên thảo luận, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định việc đạt hoặc vượt 12 chỉ tiêu QH đề ra trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động từ diễn biến xấu của thế giới, chẳng hạn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cho thấy Chính phủ đã có nỗ lực cải cách rất lớn và đáng ghi nhận. "Tuy nhiên, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện năng suất lao động, tăng tốc độ cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước. Đặc biệt, cần xác định kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế, của đất nước và cần nhiều hơn nữa các nguồn lực để nuôi dưỡng và có nhiều hơn nữa DN lớn mạnh" - TS Lê Đăng Doanh góp ý thêm.

Tìm động lực mới cho tăng trưởng - Ảnh 1.

Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho xã hội. Trong ảnh: Phát triển thị trường địa ốc tại Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG

Đại biểu QH Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cũng kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân - khu vực đóng góp tỉ trọng 42% GDP, 30% thu ngân sách và chiếm 85% lực lượng lao động. "Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Vấn đề cần làm là thực hiện thực chất việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các quy định chồng chéo giữa các luật, đầu tư và nuôi dưỡng môi trường khởi nghiệp, tạo lập phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích DN phát triển" - ông Phạm Phú Quốc nói.

Vị đại biểu TP HCM lưu ý các DN Việt cần lấy phát triển bền vững làm động lực tăng trưởng, lấy chất lượng sản phẩm và sự minh bạch trong kinh doanh làm lợi thế cạnh tranh để có được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Có như vậy, khối DN tư nhân mới có thể cùng với các thành phần kinh tế khác tạo nền tảng vững chắc và trở thành động lực phát triển chính trong tương lai.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tư nhân hóa DN có vốn nhà nước, trả lại các lĩnh vực không cần sự quản lý của nhà nước cho khối tư nhân để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, duy trì sân chơi công bằng. Ngoài ra, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính rườm rà và nỗ lực giảm lãi suất cũng là nhiệm vụ của Chính phủ để hỗ trợ tốt hơn cho DN.

Nhiều động lực tăng trưởng

Liên quan đến câu chuyện Chính phủ cần vay nợ thêm 500.000 tỉ đồng để bù đắp chi tiêu, đại biểu QH Trần Hoàng Ngân cho rằng đây không phải vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh quy mô nền kinh tế ngày càng lớn.

"Khi cơ thể nền kinh tế lớn hơn thì tất nhiên chi tiêu sẽ nhiều hơn. Vấn đề là vay để làm gì? Chuyển dịch cơ cấu ngân sách nhà nước trong thời gian qua đã diễn biến theo hướng tích cực, thể hiện ở chi đầu tư phát triển trước đây chỉ chiếm khoảng 22% tổng chi thì nay tăng lên 26%-27%; chi tiêu dùng giảm từ trên 65% xuống 60%-61%. Do đó, vay nợ để bù đắp bội chi, trả nợ gốc bình thường. Hiện, tổng mức nợ phải trả trên tổng chi ngân sách chiếm tỉ lệ rất thấp mặc dù số tuyệt đối có thể cao" - đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích và cho rằng Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng cho năm 2020 dựa trên nguồn lao động dồi dào và quyết tâm chính trị của cả hệ thống cùng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh cảnh báo con số tuyệt đối nợ công và bội chi ngân sách tăng cao là vấn đề đáng ngại. Do đó, cần nỗ lực cắt giảm chi ngân sách thường xuyên với những khoản chi không hợp lý. "Các tiêu chuẩn chi cần được điều chỉnh lại cho phù hợp với định hướng xây dựng nền kinh tế tiết kiệm, hiệu quả. Chúng ta vay nợ nhưng cấp thứ trưởng đi công tác được bay hạng thương gia thì vẫn góp phần là gánh nặng đáng kể với ngân sách" - ông Doanh nói. 

Phân bổ ngân sách theo vùng

Ông Phạm Phú Quốc cho rằng cần có phân tích, chứng minh hiệu quả trên cơ sở khoa học, hợp lý về tỉ lệ phân chia ngân sách và tỉ lệ ngân sách địa phương được giữ lại; mối liên hệ giữa tỉ lệ này với dân số của mỗi tỉnh, thành; chỉ số đồng ngân sách tạo nên số đồng GDP; hiệu quả sử dụng vốn và thời gian thu hồi vốn; nhu cầu thực tiễn cho đầu tư phát triển của địa phương, của vùng và khu vực liên quan.

Hiện nay, việc phân bổ ngân sách chỉ mới tính giữa trung ương với từng địa phương, chưa có sự phân bổ ngân sách cho vùng. Các tỉnh, thành trong vùng cũng chưa có cơ chế hữu hiệu để phối hợp kết nối đầu tư - phát triển hạ tầng chung trong vùng.

Đại biểu QH này kiến nghị đối với các vùng kinh tế trọng điểm, dân số tập trung đông, có hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi vốn cao để tái tạo ngân sách mới cao, cần được tăng tỉ lệ ngân sách địa phương được giữ lại. Tỉ lệ tăng thêm được giữ lại này sẽ góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng, tạo tăng trưởng kinh tế vùng và lan tỏa tăng trưởng nền kinh tế.

Ý KIẾN

Đại biểu QH Trần Hoàng Ngân:

Quan tâm hơn đến môi trường

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, bởi vậy cần phải hết sức chú ý đến vấn đề môi trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay, môi trường đang là mối bức xúc của người dân. Thu hút đầu tư nhưng phải làm sao tránh được các sự cố trước đây mà Formosa là điển hình. Tôi cho rằng Bộ Chính trị đã rất sáng suốt khi ban hành 2 nghị quyết kịp thời. Đó là Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Như vậy, thu hút FDI trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, ưu tiên công nghệ cao với định hướng đưa kinh tế số Việt Nam chiếm 20%-30% tổng GDP trong 5-10 năm tới.

Ông NICOLAS AUDIER, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham):

Giảm áp lực thủ tục hành chính

Môi trường thương mại và đầu tư ở Việt Nam ngày càng phát triển hơn theo như các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới và các cơ quan quốc tế khác đã chỉ ra. Chỉ số môi trường kinh doanh hằng quý (BCI) gần đây nhất của EuroCham tiếp tục nhận được phản hồi tích cực từ các DN thành viên khi đánh giá về tình hình kinh doanh tại Việt Nam và tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước, cũng như triển vọng kinh doanh của DN. Sự tin tưởng này không chỉ phụ thuộc vào cải cách chính sách kinh doanh và pháp lý trong nước mà còn ở các chính sách về hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn và có hiệu lực, chúng tôi hy vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho DN và người tiêu dùng 2 bên thông qua cắt giảm thuế quan.

Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực giảm áp lực thủ tục hành chính đối với DN, thông qua biên bản pháp lý và các diễn đàn như Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính (ACAPR).

Ông HUỲNH VĂN KHÁNH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM:

Hỗ trợ ngành da giày

Thủ tướng từng ví von các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP… là những "cao tốc" mà Chính phủ đã tạo ra cho DN hội nhập, bước ra thế giới bên ngoài thuận lợi hơn. Nhưng thực tế, DN ngành da giày phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, còn khó khăn về nhiều mặt nên không đủ sức vào cao tốc. Trong khi kinh tế cả nước khá lạc quan, xuất khẩu nhiều lĩnh vực được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung và sự chuyển dịch đón đầu các hiệp định thương mại nên thu về kim ngạch khá trong 10 tháng đầu năm thì ngành da giày vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu ổn định. Riêng thị trường trong nước lại có sự sụt giảm, nhiều DN phải đóng cửa nhà xưởng vì sản phẩm bí đầu ra. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thiết thực hơn cho ngành da giày trong thời gian tới, chẳng hạn như hỗ trợ đất đai để làm cụm công nghiệp da giày nhằm tập trung các DN lại với nhau để dễ dàng liên kết hợp tác, chia sẻ đơn hàng lớn.

Ph.Nhung - Th.Nhân ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo