xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thực phẩm organic gặp rào cản

Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận ngày càng gần hơn xu hướng tiêu dùng thế giới

Sản phẩm hữu cơ không những được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Nhật, Anh, Đức, Mỹ… Số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia vào ngành thực phẩm hữu cơ đang gia tăng.

Đổ xô làm thực phẩm hữu cơ

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ - FiBL, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ (organic) ở nước ta trong 5 năm (từ 2010-2015) đã tăng 3,6 lần, từ 19.000 ha lên hơn 76.000 ha tập trung tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Vài tuần gần đây, khách đến khu vực dành riêng giới thiệu các sản phẩm organic thương hiệu Co.op Organic tại các siêu thị Co.opmart ở TP HCM như: Lý Thường Kiệt, Cống Quỳnh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Đình Chiểu, Phú Mỹ Hưng và Co.opXtra Tân Phong bên trong SC VivoCity vào buổi chiều, tối sẽ khó mua được sản phẩm ưng ý vì kệ hàng gần như trống trơn. Một nhân viên bán hàng tại Co.op Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) cho biết mặc dù hàng organic nhìn mẫu mã chưa thật đẹp, giá không hề rẻ nhưng đang hút khách vì độ tươi ngon và đặc biệt là đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ - USDA và châu Âu - EU.

Thực phẩm organic gặp rào cản - Ảnh 1.

Cửa hàng organic chuyên thực phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tếẢnh: Ngọc Ánh

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), đây là những sản phẩm giai đoạn đầu trong dự án đầu tư sản xuất cũng như hợp tác để cung ứng sản phẩm hữu cơ của Saigon Co.op, bao gồm dự án đầu tư vào trang trại 300 ha của Công ty CP Thương mại và sản xuất Viễn Phú (Cà Mau), dự án hợp tác với Công ty Binca Seafood và Công ty CP Vinamit…

Các sản phẩm Co.op Organic mới ra thị trường (gồm gạo, rau củ, cá ba sa, tôm) chỉ vài tuần nhưng phản hồi từ người tiêu dùng rất tốt, đặc biệt là các loại rau ăn lá. Do là sản phẩm hữu cơ, trong giai đoạn đầu triển khai nên lượng cung chưa ổn định, chỉ mới đưa ra thị trường được 200-300 kg/ngày. Hiện Saigon Co.op đang tiếp tục đầu tư, hy vọng đến cuối năm nay sẽ đưa ra thị trường 1 tấn thực phẩm organic/ngày.

Trước Saigon Co.op, Công ty CP Vinamit cũng được cấp chứng nhận organic, đang phát triển các sản phẩm trái cây sấy từ nguyên liệu organic để xuất khẩu sang Mỹ và tính toán quay trở lại chinh phục thị trường Việt Nam trong tương lai gần.

Bên cạnh những đơn vị làm organic có chứng nhận, sản phẩm organic "tự phong" do người bán giới thiệu là trồng theo phương pháp hữu cơ, không dùng phân bón hóa học được quảng cáo rộng rãi, bán tại nhiều cửa hàng, đại lý tại TP HCM và các thành phố lớn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, đơn vị chuyên xuất khẩu rau củ, trái cây sang các thị trường khó tính, cho rằng xu hướng người tiêu dùng chuộng trái cây ngoại những năm gần đây bắt nguồn từ nỗi lo trái cây nhiễm thuốc, tin tưởng trái cây ngoại an toàn hơn. Người tiêu dùng ngày càng hiểu về thực phẩm hữu cơ nên trong vài năm nữa, các DN Việt có sản phẩm hữu cơ thành công ở thị trường quốc tế cũng sẽ quay lại nội địa vì người tiêu dùng đã có sự tin tưởng. Về giá bán, dự kiến trái cây organic có chứng nhận quốc tế sẽ cao hơn so với trái cây chứng nhận GlobalGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) khoảng 20%.

Chưa có tiêu chuẩn rõ ràng

Ông Phạm Trung Kiên cho biết Saigon Co.op quyết tâm tham gia sâu vào lĩnh vực hữu cơ với mong muốn gắn kết sâu với một số đối tác để cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ với chi phí hợp lý nhất. Tuy thị trường thực phẩm hữu cơ được xác định đầy tiềm năng nhưng gặp phải vấn đề khó khăn trong việc xây dựng một "lối sống hữu cơ" nhằm tạo lòng tin và khả năng thu hút người tiêu dùng.

Theo ông Kiên, sản xuất nông nghiệp của chúng ta lâu nay quen sử dụng nhiều phân bón hóa học, môi trường pháp lý chưa rõ ràng, chưa có hệ tiêu chuẩn quốc gia cũng như hệ thống kiểm soát, chứng nhận sản phẩm organic. "Hiện ở Việt Nam không có nhiều đơn vị tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ được chứng nhận nên chúng tôi còn thiếu những nhà cung ứng tâm huyết đồng hành cùng chúng tôi để sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn chưa nhận biết được đầy đủ, chính xác về sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thường, các đơn vị làm sản phẩm hữu cơ còn phải nỗ lực nhiều để chứng minh, thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm hữu cơ" - ông Kiên chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, mỗi ngày người dân TP HCM tiêu thụ khoảng 20.000 tấn rau, chỉ cần rau organic chiếm vài tấn trong đó là các nhà sản xuất đã có đầu ra tốt. Người tiêu dùng trong nước chưa đủ niềm tin nên có sự so sánh về giá giữa rau chợ và rau organic: rau chợ bán hơn 10.000 đồng/kg, rau organic bán ra thị trường đến 100.000 đồng/kg - chênh lệch giá rất lớn. Tuy nhiên, tiền nào của đó, những ai đã quen dùng rau organic sẽ khó quay lại dùng rau trồng bằng phân bón vô cơ. "Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng cung ứng khoảng 10 loại rau với thương hiệu Co.op Organic, kế hoạch dặt hàng là 300 kg/ngày và sẽ nhanh chóng tăng lên gấp 2-3 lần theo nhu cầu thị trường. Sắp tới, thịt heo, trái cây organic từ trang trại Vinamit cũng sẽ có mặt tại các điểm bán lẻ thuộc Saigon Co.op" - ông Viên thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng trái cây tươi là một trong những mặt hàng khó đạt chuẩn hữu cơ nhất vì thời gian canh tác dài, nhiều sâu bệnh, đòi hỏi mẫu mã đẹp. Do thị trường đòi hỏi nên dù khó nhưng DN bắt buộc phải làm. Nếu không, khách hàng nước ngoài sẽ chuyển sang mua hàng tại Thái Lan, Campuchia… "Hiện tại, nông dân canh tác hóa học, lạm dụng phân, thuốc vẫn bán được nên chưa bị thúc ép sự thay đổi. Nhưng tương lai, thị trường Trung Quốc cũng sẽ khó tính hơn, nông dân sẽ không bán được hàng nữa. Ngay thị trường nội địa, bước vào các siêu thị, cửa hàng lớn sẽ dễ dàng nhận thấy những vị trí đẹp nhất đang trưng bày táo Mỹ, nho Mỹ, lê Hàn Quốc… toàn là trái cây ngoại. Đây là điều rất đau lòng cho một nước nông nghiệp, trái cây phong phú như Việt Nam" - ông Tùng bày tỏ.

Chủ yếu xuất khẩu

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện có 50 DN Việt Nam có chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ vài DN cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa, còn lại chủ yếu xuất khẩu nên chưa được người tiêu dùng trong nước biết đến. Các loại nông sản được chứng nhận khá đa dạng: gạo, trà, điều, dừa, đường, trái cây, thủy sản nuôi… Ngoài ra, còn một số DN có chứng nhận hữu cơ từ châu Âu, Nhật Bản hoặc tiêu chuẩn của Liên đoàn Quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (IFOAM). Đối với sản phẩm sữa, hiện Vinamilk đã có dòng sản phẩm hữu cơ sản xuất từ trang trại của Lâm Đồng ra thị trường; TH True Milk khởi động dự án sữa hữu cơ khá sớm nhưng được biết vào khoảng đầu quý III/2017 mới có sản phẩm đạt chứng nhận.

V.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo