xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thực phẩm Nhật tràn vào Việt Nam

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Nhật chọn trong chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm ra thế giới

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM, cho biết Việt Nam là thị trường đang phát triển nhanh và người tiêu dùng dễ chấp nhận sản phẩm mới.

Bán thử trên diện rộng

Theo Jetro, hiện xuất khẩu thực phẩm của Nhật đạt kim ngạch 7,5 tỉ USD và chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 30% đến năm 2019. Trong tháng 11-2016, Jetro phối hợp với các hệ thống Ministop, FamilyMart, Aeon (chuỗi bán lẻ Nhật tại Việt Nam với khoảng 200 cửa hàng) triển khai dự án bán thử các mặt hàng thực phẩm, phần lớn là sản phẩm lần đầu xuất khẩu (gọi tắt là chương trình Japan Fair). Sau Việt Nam, Japan Fair sẽ diễn ra tại Singapore thông qua hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven vào tháng 4-2017.

Hệ thống bán lẻ của Nhật đã xuất hiện nhiều ở TP HCM
Hệ thống bán lẻ của Nhật đã xuất hiện nhiều ở TP HCM

Đại diện Jetro cho rằng trước giờ, mọi người vẫn nghĩ hàng Nhật rất đắt. Tuy nhiên, Nhật vẫn có những mặt hàng phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam dù đã tạm tính giá bán lẻ gấp đôi tại Nhật do phải chịu nhiều chi phí. Ngoài tiêu chí giá, Jetro chọn đưa sang Việt Nam những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu cao, sản phẩm nguồn cung ít và chưa từng bán tại nước ta.

Theo khảo sát của phóng viên, trong 78 sản phẩm được đưa sang Việt Nam bán thử của dự án, giá bán lẻ thấp nhất là 10.000 đồng/món (kẹo) và cao nhất là 359.000 đồng/món (túi bánh). Ông Yamanouchi Hirohisa, Trưởng bộ phận sản phẩm và tiếp thị Công ty CP FamilyMart Việt Nam, cho biết qua 2/3 thời gian bán thử, một số loại bánh mềm, xốp (giá 53.000-60.000 đồng/túi) và kem bán rất chạy.

Trong khi đó, ông Akiihiko Maeda, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ministop Việt Nam, nhìn nhận trong hệ thống Ministop, khoảng 30% mặt hàng thuộc chương trình Japan Fair bán rất chạy, như các loại kẹo dành cho trẻ em, bánh và thạch… Riêng kem bán chạy nhất, dù giá mỗi cây từ 33.000-47.000 đồng, cao gấp 3-4 lần so với giá kem phổ biến tại Việt Nam.

Khai thác yếu tố an toàn

Theo ông Takimoto Koji, toàn bộ hàng Nhật do Jetro mang sang Việt Nam bán thử đều nhập khẩu chính thức để đánh giá được những khó khăn cụ thể khi xuất khẩu đại trà sang nước ta. Đại diện Jetro nhìn nhận do danh mục hàng đưa sang nhiều và theo quy định của Việt Nam, nhiều loại thực phẩm phải được kiểm nghiệm thành phần nên thời gian chờ khá lâu. Chưa kể, một số thực phẩm có thành phần từ sữa, ngoài việc xin phép Bộ Y tế còn phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận. Sau khi Japan Fair kết thúc, những sản phẩm bán chạy sẽ do các hệ thống bán lẻ trực tiếp nhập khẩu.

Tại TP HCM, nhiều hệ thống cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Nhật như Daso, Hachi Hachi, TokyoMart… đã hình thành, được người tiêu dùng chào đón khá nồng nhiệt. TokyoMart hiện bán gạo nhập khẩu từ Nhật với giá lên đến 140.000 đồng/kg (cao gấp 10 lần gạo phổ thông, gấp 5 lần loại ngon bán tại TP HCM). Đáng chú ý, đơn vị nhập khẩu chính là doanh nghiệp triển khai trồng lúa giống Nhật tại ĐBSCL để xuất khẩu về Nhật.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhiều nông sản và thực phẩm Việt Nam sản xuất được nhưng người tiêu dùng lại thích hàng Mỹ, Nhật do nghĩ rằng an toàn. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng chấp nhận giá cao nếu sản phẩm có được sự tin cậy về độ an toàn. Đây là một trong những xu hướng thị trường mà các nhà sản xuất trong nước nên quan tâm.

Theo ghi nhận tại các cửa hàng Ministop và FamilyMart, hàng hóa mang thương hiệu Nhật được trưng bày nổi bật với số lượng áp đảo. Tuy nhiên, trả lời báo giới, đại diện 2 thương hiệu này cho biết tỉ lệ hàng nhập trực tiếp từ Nhật tại đây chỉ chiếm 5%. Các sản phẩm dù mang thương hiệu Nhật nhưng sản xuất từ Việt Nam, Thái Lan… thì tính xuất xứ từ nước đó.

Ông Akiihiko Maeda, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ministop Việt Nam, cho biết tại Việt Nam, Ministop hiện có 65 cửa hàng, dự kiến sẽ tăng lên 160 vào cuối năm 2017. “Thông thường, mỗi cửa hàng phải mất 5-6 năm mới sinh lợi và số lượng cửa hàng phải đạt 300 thì cả hệ thống mới có lãi” - ông Maeda đúc kết.

Quảng bá mỹ phẩm

Trong khuôn khổ xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, Hiệp hội Mỹ phẩm Nhật cùng 6 công ty mỹ phẩm nổi tiếng của nước này là Kose, Kanebo, Menard, Kracie Home Products, St.Louis International và BCL thuộc Tập đoàn Styling Life Holdings đã tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm tại TP HCM.

Theo các doanh nghiệp nêu trên, Nhật được biết đến là đất nước có nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao. Dân số Nhật ngày càng già nên sản phẩm chăm sóc da rất phát triển tại nước này. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều sản phẩm mỹ phẩm Nhật nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, phần lớn theo đường xách tay. Ông Masahiro Horita, Tổng Giám đốc Công ty Kose, cho biết mỹ phẩm Kose đã có mặt tại Việt Nam từ 6 năm trước thông qua các đại lý phân phối. Doanh thu của Kose tại thị trường Việt Nam tăng đều hằng năm. Tuy nhiên, do thuế nhập khẩu cao nên giá mỹ phẩm Nhật bán ở Việt Nam hiện cao hơn tại Nhật 1,5 - 2 lần. Trong tương lai, nếu thuế nhập khẩu giảm, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội dùng mỹ phẩm chất lượng cao với giá tương đương ở Nhật. Th.Nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo