xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm động lực tăng trưởng

Thùy Dương - Thái Phương - Ngọc Ánh

Trong "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng GDP năm 2021 gồm đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, xuất khẩu vẫn sẽ là trụ cột quan trọng

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2020 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu rõ động lực lớn cho xuất khẩu năm 2021 là từ các hiệp định thương mại (FTA) quan trọng đã có hiệu lực như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cùng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực trong vòng 18 tháng kể từ thời điểm ký.

Dệt may, da giày nhiều cơ hội

Chuyên gia của BIDV dự đoán xuất khẩu năm 2021 sẽ tăng khoảng 6%-8%, ước đạt 298-304 tỉ USD; cán cân thương mại dự kiến tiếp tục thặng dư ở mức 15-17 tỉ USD.

Thêm động lực tăng trưởng - Ảnh 1.

Ngài Bez Babakhani, Tổng Lãnh sự Canada tại TP HCM, tìm hiểu cà phê Việt Nam tại “Vietnam Food Expo 2020” . Ảnh: NGỌC ÁNH

Báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì tin tưởng vào triển vọng của ngành may mặc khi mức tăng trưởng xuất khẩu trong năm qua vẫn cao hơn Ấn Độ, Bangladesh… dù giá trị xuất khẩu sụt giảm do tác động xấu từ dịch bệnh. Một tín hiệu đáng mừng khác là đơn hàng may mặc của Việt Nam đã tăng trở lại khi các thị trường tiêu thụ mở cửa sau giai đoạn giãn cách, phòng chống dịch Covid-19. "Doanh nghiệp (DN) trong nước hầu hết tham gia sản xuất may mặc và ít đầu tư vào dệt nhuộm do lĩnh vực này cần vốn lớn. Các FTA đang kích thích dòng vốn chảy vào phân khúc dệt nhuộm, tạo ra nhiều cơ hội đổi mới cho ngành trong trung, dài hạn" - các chuyên gia phân tích của VDSC nhận định.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay lần đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu, dệt may Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35 tỉ USD trong năm 2020 (giảm 4 tỉ USD so với thành tích năm 2019). Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp so với mức sụt giảm tổng cầu toàn thế giới là 22% và mức giảm xuất khẩu 15%-20% của các quốc gia đối thủ. Năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu hồi phục về mức 39 tỉ USD. "Năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng các nhu cầu mới hậu Covid-19 cũng như sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA. Ngành dệt may đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả các FTA thông qua hướng dẫn sớm nhất các quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ và cách lựa chọn ưu đãi có lợi nhất" - đại diện Vitas nói.

Với ngành giày dép, túi xách, theo Bộ Công Thương, EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng trong năm nay. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam dự báo tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 15%-20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt và DN đầu tư có hiệu quả vào công nghiệp chế biến nguyên - phụ liệu để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ. "Ngành công nghiệp da giày Việt Nam rất phát triển khi đứng thứ hai trên thế giới nhưng chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ tương xứng. Giải pháp quan trọng là thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này để giảm phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, tránh bị động khi xảy ra trục trặc về chuỗi cung ứng" - bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nhấn mạnh.

Nông nghiệp: Cần tiếp tục cơ cấu lại

Ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu xuất khẩu tiếp tục tăng với kim ngạch 42 tỉ USD dù dự liệu cục diện kinh tế thế giới trong năm nay tiếp tục chuyển biến nhanh và khó lường. Trong đó, nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng cộng với chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn và những rào cản mậu dịch tự do ngày càng tăng. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá năm 2020 dù bị tác động nặng nề bởi Covid-19 nhưng chỉ tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam vẫn đạt mức cao nhất từ trước đến nay với tổng giá trị kim ngạch đạt 41,2 tỉ USD. Trong đó, riêng ngành gạo xuất khẩu đạt 3,07 tỉ USD với tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm hơn 85%. "Sự thành công của ngành gạo năm 2020 là kết quả của quá trình đổi mới toàn diện trong những năm gần đây từ khâu đầu tiên là giống đến khâu chế biến. Nhờ đó, gạo trắng 5% tấm của Việt Nam có giá cao nhất thị trường trong những tháng gần đây" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét và cho rằng ngành lúa gạo phải tiếp tục cơ cấu lại theo hướng mang lại giá trị thật cho người trồng lúa vì hiện hiệu quả canh tác lúa vẫn còn thấp so với những cây trồng khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra giải pháp tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng giá trị từ sản phẩm qua chế biến, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc và sản phẩm có thương hiệu quốc gia… Đối với ngành rau - quả, năm 2020 dù xuất khẩu giảm 13,32% so với năm 2019 do thị trường chính là Trung Quốc giảm đến 26% nhưng xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn khác như Thái Lan, Úc, Nga, Mỹ… đều tăng trưởng dương. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hướng đi bền vững của ngành rau quả là không mở rộng diện tích với những mặt hàng đã trồng quá nhiều mà tập trung nâng chất lượng, tăng diện tích rau quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đa dạng hóa thị trường.

Với ngành tôm, nhiều phân tích, dự báo của các công ty chứng khoán cho rằng xuất khẩu tôm chế biến sẽ vẫn tích cực ngay cả khi không còn dịch Covid-19 nhờ tâm lý phòng bệnh đã khuyến khích xu hướng tự làm thực phẩm tại nhà. Tôm chế biến của Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng này, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% trong 11 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, EVFTA và UKVFTA giúp thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu sẽ giảm từ mức 4,2% của năm 2019 về 0% ngay lập tức hoặc trong vòng 3-5 năm; thuế nhập khẩu tôm chế biến giảm từ 7% xuống 0% trong 7 năm… EU hiện là khách hàng nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam nên triển vọng tăng trưởng mạnh trong các năm tới càng rõ ràng hơn.

(Còn tiếp)

Xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp

Bộ Công Thương cho biết 2020 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước trong bối cảnh dịch bệnh rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là nhờ việc phục hồi hoạt động sản xuất sớm đã mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, thậm chí có chỗ đứng vững chắc tại một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo