xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thâu tóm ngành gas

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nhiều doanh nghiệp đang muốn nắm được kênh phân phối gas, chấp nhận đi đường vòng, bỏ chi phí lớn mua lại các chuỗi bán lẻ để tăng hiệu quả kinh doanh

Khi bàn về câu chuyện doanh nghiệp (DN) này mua lại hệ thống phân phối, bán lẻ của một DN khác, người ta thường nghĩ đến việc mở rộng mạng lưới, phát triển thị trường của ông chủ mới. Nhưng với những thương vụ mua gom các chuỗi bán lẻ gas của một vài DN lớn đã và đang diễn ra tại TP HCM thì lại khác.

Giá cao vẫn mua để... đóng cửa

Là DN đầu mối kinh doanh gas đang đẩy mạnh việc mua lại hệ thống bán lẻ của các DN khác, ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dầu khí Anpha (thương hiệu gas Giadinh), xác nhận đã sở hữu khoảng 100 cửa hàng gas khắp TP nhưng dự định sẽ giảm còn 70 cửa hàng trong năm 2015.

Trong đó, sẽ có 50 cửa hàng được dồn sản lượng, tự sống khỏe; 20 cửa hàng còn lại được DN nuôi để phát triển thị trường. Đây là các cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ gas Bình Minh, Rạng Đông, Hừng Sáng… đã quen thuộc với người tiêu dùng.

Chuỗi bán lẻ gas Bình Minh đã trở thành công ty con của doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối
Chuỗi bán lẻ gas Bình Minh đã trở thành công ty con của doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối

Việc sang nhượng hay mở mới, thậm chí là đóng cửa một điểm bán lẻ, không có gì lạ nhưng với ngành gas thì bài toán tài chính khá “chát”. Bởi 10 năm qua, TP HCM tạm ngưng cấp phép mới nên cửa hàng bán gas bỗng nhiên “có giá” dù số lượng đang thừa.

Giới kinh doanh gas cho biết có cửa hàng rao giá tới 3 tỉ đồng trong khi giá trị tài sản chỉ hơn 500 triệu đồng. Có những cửa hàng đang sống “dặt dẹo”, sản lượng thấp, nếu là ngành khác đã tự phá sản thì cũng hét giá 100-200 triệu đồng. Và đương nhiên, với những cửa hàng thuộc chuỗi bán gas có thương hiệu sẽ hét giá còn cao hơn làm nản lòng không ít DN có nhu cầu mua lại.

Theo ông Trần Minh Loan, mấu chốt vấn đề là phải nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất ngành gas vốn đang thừa thãi thì mới có thể tăng năng lực cạnh tranh và sống sót trong cuộc cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Và khi những đơn vị hoạt động yếu kém không tự rút lui khỏi thị trường thì DN có năng lực tài chính phải bỏ tiền ra mua để sắp xếp lại.

Gom cả hộ cá thể

Theo giới kinh doanh gas, chỉ những DN có tiềm lực tài chính mạnh và sở hữu lượng cửa hàng lớn, phủ được thị trường thì mới dám quy hoạch lại hệ thống để khỏi cạnh tranh lẫn nhau. Một thực tế khác là thị trường TP HCM đang tiếp tục hình thành những chuỗi cửa hàng bán lẻ gas mới thông qua việc gom các cửa hàng của những hộ cá thể.

Như chuỗi cửa hàng bán lẻ gas Hướng Dương của Công ty TNHH Gas Hướng Dương, dù mới chính thức thành lập vào tháng 5-2014 nhưng đến nay đã có 13 cửa hàng và dự báo sẽ còn tăng nhanh số lượng trong thời gian tới. Ngoài ra, không thể không kể đến chuỗi bán lẻ Nam Gas với 32 cửa hàng dù chủ sở hữu là Công ty CP Nam Gas chỉ mới thành lập vào tháng 6-2014.

Với sức mạnh tài chính của cả hệ thống, chấp nhận lỗ ban đầu, các cửa hàng thuộc chuỗi mới đều tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi “khủng” để hút khách từ các cửa hàng truyền thống vốn phải luôn hạch toán lãi để sống. Từ đó, các cửa hàng ép ngược lên những DN đầu mối không có cửa hàng hoặc thương hiệu yếu để đòi tăng chiết khấu, đẩy họ vào tình thế buộc phải mua cửa hàng để có đầu ra.

Người tiêu dùng được gì?

Chính sự phụ thuộc vào hệ thống phân phối có sẵn, các DN đầu mối muốn bán được hàng buộc phải hạ giá, tăng chiết khấu cho đại lý mà không thể hạ giá cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với đà của cuộc đua này sẽ đến lúc giấy phép kinh doanh gas không còn có giá và nếu DN, đại lý nào không đủ năng lực sẽ phải “trắng tay” rời thị trường.

Lãnh đạo Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng cái lợi của người tiêu dùng trước hết là được hưởng dịch vụ văn minh, an toàn từ hệ thống cung cấp chuyên nghiệp chứ giá gas khó lòng giảm vì mua cửa hàng hay tăng chiết khấu cho cửa hàng thì chi phí đều “khủng”.

Vị này cho biết thực chất việc bán gas không cần cửa hàng với chi phí mặt bằng không hề nhỏ như hiện nay do người mua gas chủ yếu gọi điện thoại, giao hàng tận nơi. Đến lúc nào đó, công tác quản lý nhà nước tốt hơn, theo kịp sự phát triển của công nghệ, thương mại điện tử thì DN chỉ cần vài kho gas, xe giao hàng thì giá gas đến tay người tiêu dùng mới hy vọng rẻ hơn.

Cửa hàng gas sẽ mất giá

Trước những bất cập của thị trường gas, cuối năm 2014, Sở Công Thương TP HCM đã trình dự thảo quy hoạch lại ngành gas lên UBND TP theo hướng sẽ cho phép các tổng đại lý và DN đầu mối được mở mới cửa hàng để hoàn thiện điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành tại Nghị định 107/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Tuy nhiên, nghị định đang được Bộ Công Thương dự thảo sửa đổi nên quy hoạch này đang tiếp tục “treo”.

Theo dự thảo nghị định mới về quản lý gas, các cửa hàng gas chỉ còn được bán hàng cho một nơi (tổng đại lý hoặc DN đầu mối) thay vì 3 nơi (có thể lên gần chục thương hiệu). Nếu quy định này được ban hành, cửa hàng bán lẻ gas sẽ không còn có giá mà phải cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro cũng như trách nhiệm với nhà cung cấp.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo