xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM (*): Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Thanh Nhân - Thái Phương

TP HCM đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường xuất khẩu lẫn đẩy mạnh tiêu thụ nội địa nhằm từng bước phục hồi tăng trưởng

Khảo sát của Cục Thống kê TP HCM cho thấy gần 50% doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đánh giá quý I năm nay khó khăn hơn quý IV/2022. Dù vậy, nhìn về triển vọng quý II, có đến 37,4% DN của thành phố tin rằng xu hướng sẽ tốt hơn và 36,3% DN nhận định tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định.

Tiếp sức cho sản xuất, xuất khẩu

Tin tưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP HCM đang tốt dần lên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP HCM trong quý I/2023 giảm 0,9% so với cùng kỳ nhưng đang trong xu hướng phục hồi tăng trưởng dương (tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng giảm 0,9%). 

Theo ông Vũ, 5 ngành có chỉ số IIP giảm trong quý I đều là những ngành có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, gồm: cơ khí; điện tử; dệt; da và sản phẩm liên quan và sản xuất trang phục. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là nhiều DN bị ảnh hưởng đơn hàng xuất khẩu do tổng cầu thế giới giảm.

Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM (*): Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tăng kinh phí cho hoạt động khuyến mãi giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: PHƯƠNG AN

Tự tin TP HCM đang có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp dày hơn, sâu hơn các địa phương khác, Giám đốc Sở Công Thương cho biết thời gian tới, ngành công thương sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ DN xuất khẩu nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Gần nhất là Diễn đàn và Hội chợ Hàng Việt Nam xuất khẩu (HCM City Export 2023) sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28-5, tập trung vào 7 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố. 

Sự kiện sẽ là nơi gặp gỡ giữa DN và các cơ quan nhà nước để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách, giúp cho DN hiểu và tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA để hướng đến xuất khẩu xanh và bền vững. Đây cũng là nơi mà các nhà mua hàng quốc tế thảo luận về xu hướng tiêu dùng ở những thị trường tiềm năng để nhà sản xuất Việt nắm bắt xu hướng, mở rộng thị trường và nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định.

Ngoài ra, ngành công thương sẽ tiếp tục kết nối các DN với ngân hàng, chương trình phát triển DN và sản phẩm các ngành chủ lực, hỗ trợ DN về lao động, hỗ trợ các hoạt động kích cầu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ hàng hóa... Hy vọng thời gian tới nhiều tuyến đường huyết mạch kết nối với TP HCM được khơi thông sẽ giúp góp phần giảm các chi phí vận chuyển, logistics...

Làm mới hoạt động kích cầu

Trong bối cảnh DN vừa bị giảm đơn hàng xuất khẩu vừa khó tìm kiếm đơn hàng mới thì việc phát triển thị trường nội địa trở thành hướng đi an toàn nhất. Vì vậy, thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp DN quay vòng vốn nhanh và tận dụng tốt lợi thế "sân nhà" cũng là hoạt động trọng tâm của các DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn TP HCM. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

Các DN đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, cắt giảm chi phí để giữ ổn định giá hàng hóa. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn cũng tham gia tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.

Về phần mình, Sở Công Thương

đang đẩy mạnh làm việc với các DN sản xuất để tạo ra các chương trình khuyến mãi thực chất, phát triển các chương trình theo nhóm sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, từ ngày 15-6 đến 15-7 tới, tháng khuyến mãi tập trung được kỳ vọng sẽ tạo động lực kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp kích cầu tốt nhất hiện nay là hỗ trợ hoạt động tiêu thụ hàng hóa của DN thông qua chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu. Đây là cầu nối để các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng gặp gỡ trực tiếp với các hệ thống phân phối và giới thiệu hàng hóa tới người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Qua đó, DN giảm chi phí tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, nhà phân phối giảm chi phí tìm kiếm nguồn hàng, hàng hóa đến tay người tiêu dùng tốt hơn, đa dạng hơn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay sắp tới hoạt động kết nối giao thương sẽ tập trung vào những sản phẩm được đầu tư lớn, sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống và có phối hợp, kết hợp với những lĩnh vực khác như du lịch để tạo cộng hưởng tốt cho việc tiêu thụ hàng hóa.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định tiêu dùng TP HCM tăng thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước nên cần phải rà soát lại về hệ thống phân phối, tiêu thụ, bán lẻ... Cần có những biện pháp kích cầu tiêu dùng, thương mại, du lịch. Các giải pháp không thiếu, quan trọng là triển khai sâu sát và đốc thúc từng tuần, từng tháng để có kết quả cụ thể. "Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Theo đó, DN và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, trong đó có nhu cầu tiêu dùng ở TP HCM, từ đó góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" - TS Cấn Văn Lực nói. 

Cần bám sát thực tế

Lãnh đạo một DN trong lĩnh vực thương mại kể cho phóng viên Báo Người Lao Động nghe câu chuyện khi ông đi hội chợ quốc tế ở Dubai gần đây, cả đoàn DN của Việt Nam chỉ có khoảng 8 công ty. Trong khi Campuchia có tới vài chục DN, còn Đài Loan - Trung Quốc có hơn 100 DN tham dự hội chợ.

"Cảm giác DN Việt Nam... tủi thân vô cùng. Vì hội chợ quốc tế cần sự liên kết để cùng quảng bá cho thị trường Việt Nam, sản phẩm của DN Việt mà nhìn qua lại chỉ vài công ty. Do đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong quảng bá, xúc tiến thương mại ở nước ngoài, sự hỗ trợ cả kinh phí tổ chức lẫn cung cấp thông tin từ các thị trường" - vị lãnh đạo DN này nói.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết hiện nhu cầu các thị trường đã thay đổi cả về phương thức xúc tiến, kết nối, giao thương, hệ thống phân phối, bán hàng... Nếu chỉ một DN tiếp cận một thị trường nước ngoài sẽ rất hạn chế và không xuể nên cần sự hỗ trợ và tiếp sức của cơ quan xúc tiến thương mại TP HCM và cả nước. "Cần đẩy mạnh kênh xúc tiến ở nước ngoài và cung cấp thông tin liên tục, thường xuyên cho DN kịp thời để nắm bắt xu hướng và nhu cầu thay đổi mỗi ngày" - ông Nguyễn Đặng Hiến nói.

Về chính sách hỗ trợ và các gói tín dụng ưu đãi, một số DN cho biết không thiếu nhưng rất khó tiếp cận. Điển hình là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% ở TP HCM không có bao nhiêu DN tiếp cận và được hưởng. Do đó, DN kiến nghị quy mô gói hỗ trợ có thể không cần lớn nhưng phải thực tế, khả thi và phải "trong tầm tay" để DN với tới được. Đã là hỗ trợ thì nhà nước cũng cần chấp nhận một phần xác suất rủi ro, để cả DN và đơn vị triển khai chính sách yên tâm thực hiện.

T.Phương

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo