xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức hút từ thương mại đa kênh

Thùy Dương - Phương An - Ngọc Ánh

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ lẫn "ngoại đạo" đã đầu tư vào hệ thống thương mại đa kênh để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới

Thị trường bán lẻ những tháng qua xôn xao khi Yeah1 - doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông - bất ngờ nhảy vào mảng thương mại đa kênh (Giga1) với hệ sinh thái bao gồm hàng loạt ứng dụng (app) là sản phẩm "công nghệ con" do chính DN này tạo ra, ví dụ app khuyến mãi Mega1, app phân phối Mega1Shop, nền tảng bán hàng KOC, app thanh toán...

Tích hợp công nghệ - thương mại

Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh - Phó Tổng Giám đốc Yeah1, Giám đốc điều hành Giga1 - cho hay toàn bộ chuỗi phân phối hàng hóa từ nhà sản xuất tới người dùng cuối sẽ được tối ưu hóa. "Mỗi ứng dụng là một mắt xích quan trọng trong hệ thống khép kín để thực hiện toàn bộ các khâu giao dịch từ lúc người dùng đặt hàng cho tới khi nhận hàng mà không phải chịu thêm chi phí phát sinh nào. Chuỗi ứng dụng liên kết tương hỗ lẫn nhau từ nhà máy đến tay người tiêu dùng giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều khi sản phẩm không còn phải qua nhiều bậc cấp, từ đó sẽ có giá đặc biệt hơn so với thị trường" - bà Quỳnh Anh cho biết.

Chỉ sau 3 tháng ra mắt mảng kinh doanh mới ngay trong thời điểm thị trường bị ảnh hưởng lớn bởi đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Yeah1 đã có 3,6 triệu người tiêu dùng cuối (end-consumers) trong hơn 6 triệu người dùng ứng dụng. Kết quả này tác động mạnh mẽ tới doanh thu của các đối tác khi đã có gần 100 triệu sản phẩm được tiêu thụ thông qua Mega1. Chưa hết, DN này còn muốn phủ sóng kênh bán hàng offline thông qua việc triển khai bán lẻ tại các hệ thống cửa hàng, đại lý liên kết.

Sức hút từ thương mại đa kênh - Ảnh 1.

Mua sắm trực tuyến đang trở thành kênh tiêu dùng quan trọng trên thị trường Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nêu dự báo kênh mua sắm hiện đại dự kiến ​​sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, cho biết DN ông đang tập trung xây dựng nền tảng bán lẻ thông minh hơn và cải thiện năng suất thông qua việc tự động hóa hệ thống dữ liệu. "Machine Learning (máy học) và AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ là một lợi thế cạnh tranh đột phá. Thông qua nền tảng công nghệ, chúng ta có thể biết được người tiêu dùng muốn gì trong thời gian thực (real-time) và dự đoán các xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Công nghệ không chỉ là bệ phóng cho mô hình kinh doanh sắp tới mà bản thân công nghệ cũng sẽ là một mảng kinh doanh độc lập" - chủ tịch HĐQT Masan Group phân tích.

Ông Quang cũng cho hay Masan Group đang kết hợp kinh nghiệm phục vụ người tiêu dùng và công nghệ vào cùng một nền tảng hệ sinh thái "tiêu dùng - công nghệ" (Consumer-Tech) của bán lẻ kiểu mới. Theo đó, nhà bán lẻ sẽ mang lại những tiện ích này thông qua một nền tảng xuyên suốt từ "online" đến "offline" (O2O) và người tiêu dùng sẽ có cùng trải nghiệm dù họ đang ngồi tại nhà, trong văn phòng hay mua sắm ở các cửa hàng.

Hệ thống cũ tăng tiện ích mới

Lĩnh vực sản xuất, phân phối cũng thích ứng khá nhanh trước đòi hỏi tăng cường kênh bán lẻ mới để đáp ứng xu thế. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh (DN chuyên sản xuất, xuất khẩu nông sản), cho biết dù thị trường nội địa chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng doanh số nhưng mức tăng trưởng đang là 100%. Do đó, Phúc Sinh đã phát triển bán lẻ đa kênh trên website, app KPhucsinh trên điện thoại và các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki. DN này tính toán đến năm 2021, bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 60%-70% tỉ trọng tổng doanh số nội địa. Do đó, ai ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số nhanh, người đó sẽ đi trước.

"Tham vọng của chúng tôi là đưa KPhucsinh trở thành một đại siêu thị với đa dạng mặt hàng. Trong đó, chủ lực là cà phê 100% nguyên chất hạt, rang xay, filter, hòa tan; các sản phẩm tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu xanh sấy lạnh, tiêu hồng sấy lạnh, tiêu xay, xốt tiêu và hàng ngàn sản phẩm châu Âu phục vụ tiêu dùng. Bên cạnh đó, Phúc Sinh vẫn không bỏ quên kênh bán trực tiếp tại các cửa hàng, đưa nhân viên tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến các chợ truyền thống" - ông Thông nhấn mạnh.

Theo ông Thông, bán lẻ đòi hỏi đầu tư lớn, nhất là thương mại điện tử. Nếu không có nền tảng công nghệ và kinh nghiệm bán lẻ, DN sẽ không bước vào lĩnh vực này. "Chúng tôi là công ty nông nghiệp nhưng đầu tư cho phần mềm hệ thống ERP 14 năm (tích hợp từ kế toán, nhân sự, bán hàng,… phục vụ tất cả hoạt động của DN) và tại Việt Nam không có nhiều DN đầu tư cho hệ thống này do rất tốn kém nên việc Phúc Sinh mở rộng bán lẻ đa kênh chỉ là bước tiến mới, không phải đầu tư lại toàn bộ" - ông Thông giải thích và cho biết công ty ông đặt mục tiêu có khoảng 10.000 người tải app KPhucsinh từ nay đến cuối năm 2020.

Với các hệ thống siêu thị, dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tiến độ những dự án phát triển bán lẻ đa kênh của các nhà kinh doanh tại Việt Nam. Đơn cử, AEON Việt Nam đã tăng thêm nhiều tiện ích để đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi mua sắm online trên trang thương mại điện tử AEON Eshop như: bán cả thực phẩm tươi sống, đông lạnh; có thêm nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng thanh toán online, ra mắt dịch vụ "đi chợ hộ"… Kết quả thu về rất khả quan khi lượng khách đặt hàng qua AEON Eshop trong thời gian cao điểm dịch Covid-19 gấp 3 lần so với bình thường, lượng đặt hàng qua điện thoại trong 9 tháng cũng tăng 189% so với năm 2019…

Nhà bán lẻ thuần Việt Saigon Co.op cũng gặt hái thành quả bước đầu khi đưa một số mặt hàng nông sản, trái cây lên bán trên nền tảng ví điện tử MoMo. Các ứng dụng mua hàng qua điện thoại, qua mạng, app và thanh toán trực tuyến, thanh toán qua ứng dụng "scan & go" cũng đang được Saigon Co.op cập nhật, cải tiến để tạo sự thuận lợi, thoải mái hơn cho khách hàng. Tương tự, hệ thống siêu thị Big C, Lotte Mart, MM Mega Market… cũng mở thêm kênh mua sắm mới bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là bán hàng tại siêu thị, kho trung tâm.

Thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi

Theo các nhà bán lẻ, việc phát triển kênh mua sắm trực tuyến là xu hướng chung của ngành bán lẻ. Đây được xem là "cánh tay nối dài", hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. "Nhóm khách hàng văn phòng, gia đình trẻ bận rộn có xu hướng ưa chuộng hình thức đặt hàng trực tuyến hoặc mua hàng qua điện thoại. Cuối tuần thong thả thì khách hàng có thể đến siêu thị, trung tâm thương mại để trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, ăn uống và mua sắm" - đại diện một hệ thống bán lẻ nêu ví dụ.

Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos nêu nhận định đại dịch Covid-19 khiến mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục là xu hướng. "Năm 2020 diễn ra với nhiều bất ngờ, nhiều thay đổi và không ai dám dự đoán chắc chắn tình hình dịch Covid-19 sẽ ra sao trong thời gian tới. Nhưng có một điều chắc chắn là những thay đổi trong cách sống đang diễn ra sẽ trở thành thói quen mới. Các DN cần đón nhận sự thay đổi và tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để nắm bắt nhanh thói quen mới về mua sắm trực tuyến, cách tìm kiếm thông tin - mua sắm đa kênh; đầu tư, xây dựng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt để tạo sự thuận tiện cho người dùng" - Ipsos khuyến cáo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo