xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Sống chung” với hàng giả

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại nặng nề cho xã hội nhưng không ít người dân, thậm chí là doanh nghiệp, lại có tư duy “sống chung” với nó

Thông tin trên được đề cập tại hội thảo “Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp (DN)” do Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM phối hợp với Công ty Vina CHG tổ chức ngày 17-11 tại TP HCM.

Tổn thất về kinh tế

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (thường gọi hàng nhái) ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh và gây tổn thất về kinh tế.

Từ đầu năm đến tháng 10, cả nước đã xử lý 172.000 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách 13.000 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Riêng về hàng giả đã xử lý 2.000 vụ, phạt hành chính 58 tỉ đồng. “Dù công tác chống hàng giả có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa xứng với thực tế thị trường đang diễn ra” - ông Thế nhận định.


Doanh nghiệp hướng dẫn phân biệt hàng thật - hàng giả tại hội nghị

Doanh nghiệp hướng dẫn phân biệt hàng thật - hàng giả tại hội nghị

Ông Thế nêu thực tế hiện nay, có tình trạng DN khi phát hiện hàng giả thì âm thầm xử lý mà không dám mạnh mẽ lên tiếng vì sợ người tiêu dùng biết, ảnh hưởng sức tiêu thụ. “DN nên bỏ tư duy đó vì đang tiếp tay cho hàng giả lớn mạnh, tăng thị phần và đến lúc nào đó sẽ giết chết hàng thật. Vừa qua, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tiếp nhận nhiều thông tin từ các hiệp hội ngành nghề và phối hợp với các địa phương xử lý được nhiều vụ hàng giả, hàng nhái với số lượng lớn” - ông Thế nêu.

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, cho biết trong nhiều vụ việc, DN bị làm hàng giả né tránh, không phối hợp gây khó cho cơ quan thực thi. Vì vậy, ông Danh đề xuất nên có chế tài, buộc DN chủ sở hữu ngoài quyền còn phải có trách nhiệm trong việc chống hàng giả.

Theo ông Danh, hiện chỉ một số mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, thuốc trừ sâu… thì lực lượng QLTT mới được phép chủ động kiểm tra, còn những mặt hàng khác phải có đơn của chủ thể mới xử lý được. Vì thế, có nhiều sản phẩm biết giả mười mươi như áo Adidas mấy chục ngàn đồng/cái bán vỉa hè, iPhone 800.000 đồng/cái bán trên mạng… vẫn không ai xử phạt nếu chủ thương hiệu không tố cáo.

Mất bò mới lo làm chuồng

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM, cho rằng nhiều DN trong nước hiện chưa quan tâm đến việc bảo vệ tài sản vô hình như thương hiệu, chống hàng giả. Trên thế giới, có nhiều DN mà tài sản vô hình chiếm trên 80% tổng tài sản như Google, Apple. Ông cũng nêu thực trạng nhiều DN “mất bò mới lo làm chuồng”, khi đó sẽ tốn rất nhiều thời gian, chi phí.

Ông Trần Thanh Kha, Trưởng Phòng Cao cấp Công ty TNHH NGK Spark Plugs Việt Nam, cho biết qua điều tra thị trường, sản phẩm bugi của NGK (Nhật Bản) có tới 20,5% là hàng giả. Trong đó, thị trường phía Nam có tỉ lệ lên đến 25,5%, miền Bắc 16,2% và miền Trung 3,4%.

Công ty đã cung cấp thông tin cho cơ quan TP HCM xử lý được 2 điểm với tang vật gần 900 sản phẩm bị tiêu hủy. “Riêng một điểm bán bugi giả rất nhiều tại Hà Nội, không hiểu vì lẽ gì mà ngày lực lượng kiểm tra đến lại không tìm thấy sản phẩm giả nào!?” - ông Kha đặt nghi vấn.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, thực tế hiện nay, xã hội có tình trạng chấp nhận “sống chung với hàng giả”. Trừ trường hợp có người cố tình bán hàng giả với giá hàng thật, nhiều người bán hiện nay đưa ra 2 sản phẩm thật - giả (gọi là hàng nhái) và nêu mức giá, chất lượng để người tiêu dùng chọn. Người dân trong một số trường hợp do thiếu hiểu biết hoặc túi tiền hạn hẹp nên đã chọn hàng nhái.

“Tôi cho rằng nên bổ sung trong tuyên truyền về việc người dân nên chọn hàng chính hãng, hàng hợp pháp để góp phần xây dựng đất nước, tinh thần dân tộc như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm” - vị này đề nghị.

Mệt mỏi với hàng nhái

Theo một số cơ quan xử lý hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (thường gọi là hàng nhái), việc tranh chấp tại tòa của các DN thường mất nhiều thời gian, từ 2-3 năm. Cơ quan xử lý cũng gặp khó khi tham vấn chuyên môn từ Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Khoa học - Công nghệ, Viện Sở hữu trí tuệ lại chỏi nhau (nơi cho rằng vi phạm, nơi không) nên không biết xử thế nào. Trong khi đó, các đối tượng làm hàng nhái thường thuê luật sư giỏi, tận dụng kẽ hở của pháp luật nên cơ quan xử lý có thể bị kiện ra tòa và thua cuộc rất cao. Do vậy, nhiều ban - ngành rất ngại xử lý các vụ việc liên quan đến hàng nhái.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo