xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sắp xếp lại chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Các cửa hàng nhỏ đang chứng minh tính ưu việt, hiệu quả trong lúc sự phân hóa giữa các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng lớn

Đầu năm 2022, Thế Giới Di Động tuyên bố tạm dừng mở mới Bách Hóa Xanh để cải thiện nền tảng vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận, tập trung cho các chuỗi mới hơn. Cùng với tuyên bố này, Thế Giới Di Động dừng đưa ra mục tiêu về doanh số, lợi nhuận cho Bách Hóa Xanh trong năm 2022.

Cuộc đua không dễ dàng

Quyết định "tạm dừng" cuộc chơi ở phân khúc bán lẻ thực phẩm tổng hợp sau 7 năm tham gia thị trường, từng có thời gian ghi nhận tăng trưởng doanh số nổi bật của Thế Giới Di Động không nằm ngoài quan sát và dự đoán của giới bán lẻ bởi chuỗi Bách Hóa Xanh đã bộc lộ nhiều hạn chế trong dịch Covid-19, đặc biệt từ sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách. Bản thân Bách Hóa Xanh cũng thấy rõ những lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh của mình, nhất là khâu kiểm soát cung ứng hàng hóa, logistics và liên kết với vùng nguyên liệu.

Cũng sắp xếp lại chuỗi, kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán không hiệu quả ở tất cả các mô hình, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại TP HCM (Satra) đã mạnh tay khai tử không ít điểm bán không hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh mãi lực chung của ngành bán lẻ đi xuống từ giữa năm 2021 đến nay, doanh thu của hầu hết doanh nghiệp (DN) bị sụt giảm trầm trọng (có DN giảm trên 20% doanh thu và lượng khách trong quý I/2022), việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống càng trở nên quan trọng. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết kế hoạch năm nay sẽ mở mới 80-100 điểm bán nhỏ. Trong đó, sẽ quy hoạch, phân định rõ phân khúc phát triển của từng chuỗi Co.op Food, Co.opSmile, Cheers; tập trung củng cố và đẩy mạnh phát triển chuỗi Co.op Food.

Theo ông Đức, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại diễn ra sâu sắc, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có nhiều bước tiến đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ vào những cải tiến vượt bậc, đặc biệt là dưới áp lực chuyển đổi số từ đại dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng. "Dự báo dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế thời gian tới. Do đó, Saigon Co.op cần tập trung nguồn lực để cách tân nội tại ở tất cả các hoạt động vận hành, tạo nền tảng tăng tốc và giữ vững thị phần" - ông Đức nói.

Sắp xếp lại chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại - Ảnh 1.

Mô hình cửa hàng nhỏ tích hợp nhiều dịch vụ/tiện ích đang phát huy lợi thế

Nhượng quyền vẫn là xu thế chính

Nổi bật trong "làng" bán lẻ thời gian qua với tốc độ phát triển cực nhanh, Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) là một trong những DN hiếm hoi chỉ giảm 0,3% doanh thu thuần năm 2021 so với năm 2020 dù đã giảm 668 điểm bán so với đầu năm 2020. Mới đây, công ty này công bố hoàn tất chuyển đổi thương hiệu Vinmart/Vinmart+ thành Winmart/Winmart+ và mở mới hàng trăm siêu thị, cửa hàng, trong đó có hơn 100 cửa hàng trong tháng 4-2022. 

Nhà bán lẻ đang dẫn đầu cả nước về quy mô cửa hàng đặt kỳ vọng nâng quy mô chuỗi lên hơn 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị trong năm 2022 thông qua việc triển khai mô hình Winmart+ nhượng quyền song song với các điểm bán do công ty vận hành. Thông tin từ WinCommerce, Masan đã tái cấu trúc thành công toàn bộ chuỗi bán lẻ Winmart/Winmart+, đồng thời tiên phong ra mắt mô hình bán lẻ mini-mall, đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với hệ sinh thái tích hợp.

Theo WinCommerce, các chuỗi cửa hàng nhỏ đã chứng minh tính ưu việt trong giai đoạn mới. Cụ thể, năm 2021, doanh thu/m2 của các siêu thị mini Winmart+ tăng 15% trong khi doanh thu các siêu thị Winmart giảm 10,6% so với cùng kỳ.

Đại diện WinCommerce cho hay thành công bước đầu của mô hình mini-mall tích hợp nhu yếu phẩm (Winmart+), trà và cà phê (Phúc Long), dược phẩm, ngân hàng (Techcombank) và điểm giao dịch viễn thông di động (Reddi) tại 1 cửa hàng hứa hẹn giúp tăng doanh thu và lợi nhuận. 

"Trong năm 2021, 5 cửa hàng thí điểm hoạt động theo mô hình mini-mall đã giúp gia tăng 30% lưu lượng khách hàng so với trước khi áp dụng mô hình này. Mini-mall còn giúp mỗi điểm bán giảm 44% doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng/ngày" - đại diện WinCommerce tính toán và cho biết năm nay, công ty đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng mini-mall theo 5 hình thức khác nhau dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn. 

"Ban điều hành đặt mục tiêu triển khai 200 cửa hàng nhượng quyền trong năm 2022. Nhượng quyền thương hiệu sẽ giúp nhanh chóng nhân rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất" - đại diện WinCommerce thông tin.

Cũng cho biết sẽ đẩy mạnh nhượng quyền chuỗi cửa hàng Grove Fresh, G Market trong thời gian tới sau khi đã chuẩn mô hình, đại diện Grove Group cho hay đã có 2 trong 5 cửa hàng Grove Fresh đạt mô hình mong muốn của công ty, 3 cửa hàng G Market thì đang trong giai đoạn thử nghiệm. 

"Tại những thành phố đông đúc như TP HCM thì cửa hàng nhỏ đang chứng tỏ ưu thế. Đặc biệt, sau các đợt bùng phát dịch Covid-19, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm và cửa hàng nhỏ với cơ cấu danh mục hàng hóa thiết yếu, thực phẩm là điểm đến ưa thích của người tiêu dùng. Với những nhu cầu mua sắm đa dạng hơn thì kênh mua hàng online và đại siêu thị đang được lựa chọn" - đại diện Grove Group nhận định.

Tổng giám đốc một DN bán lẻ lớn tại TP HCM cho rằng nhượng quyền thương mại là con đường nhanh nhất để các DN bán lẻ mở rộng hệ thống. Tuy nhiên, hợp tác nhượng quyền thành công hay không tùy thuộc vào quy trình phối hợp, kiểm soát và việc chia sẻ quyền lợi giữa các bên. "Trung Nguyên nhượng quyền thất bại là do mất kiểm soát, một số hệ thống không thành công vì tỉ lệ "ăn chia" không phù hợp" - vị tổng giám đốc dẫn chứng. 

Cơ hội cho DN có nội lực vượt lên

Các chuyên gia bán lẻ cho rằng trong bán lẻ hiện đại, khả năng cạnh tranh của DN phụ thuộc vào ngành hàng chính - không thể tìm thấy ở cửa hàng đối thủ, phân loại và quản lý danh mục sản phẩm cùng chi phí vận hành. DN nào "lủng" 1 trong 3 yếu tố trên đều sẽ chệch choạng, hụt hơi. "Một số DN bán lẻ lớn gặp khó khăn trong hiện tại và tạo khoảng trống cho các DN khác bứt phá giành thị phần. Thứ 2, kinh tế trong nước và thế giới trong ngắn hạn chưa thể tăng trưởng mạnh trở lại; trong bối cảnh khó khăn chung thì hàng thiết yếu và bán lẻ vẫn là lĩnh vực xương sống. Cuối cùng, so với các nước, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, dân số tăng trưởng tốt nên thị trường rất tiềm năng" - vị chuyên gia phân tích và nhấn mạnh giai đoạn hiện tại là cơ hội cho những DN có nội lực, làm ăn bài bản vươn lên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo