xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quản hộ kinh doanh bằng luật để giảm thất thu thuế: Tiểu thương vẫn không mặn mà

Phương Nhung - Thanh Nhân - Nguyễn Hải

Không nhiều hộ kinh doanh cá thể bày tỏ mong muốn được đưa vào diện quản lý của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Cùng với mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, TP HCM đã đề ra chỉ tiêu đạt 500.000 DN cũng vào mốc thời gian trên. Nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và phát triển DN được triển khai, trong đó TP đặc biệt nhắm đến khả năng "lên đời" 250.000 hộ kinh doanh trên địa bàn.

Lên doanh nghiệp rắc rối quá!

Để hiện thực hóa kế hoạch này, từ năm 2017, TP triển khai rất quyết liệt, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng quận - huyện, phường - xã; vận động, cam kết hỗ trợ thủ tục giấy tờ, lệ phí, giấy phép kinh doanh có điều kiện lần đầu…

Quản hộ kinh doanh bằng luật để giảm thất thu thuế: Tiểu thương vẫn không mặn mà - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, để quyết định có nên đưa hộ kinh doanh vào diện quản lý cần xem xét trình độ phát triển của khu vực này Ảnh: TẤN THẠNH

Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực, kết quả thu về rất hạn chế. Số DN thành lập mới trên nền tảng hộ kinh doanh chỉ trên 3.000, chiếm hơn 10% tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động. Chưa kể trong đó một số hộ sau khi thành lập DN, nhận thấy không phù hợp, đã âm thầm làm thủ tục giải thể, quay trở lại mô hình hộ cá thể. "Sau một thời gian thực hiện không hiệu quả, kế hoạch vận động hộ kinh doanh lên DN đã lặng lẽ… chìm xuồng bởi không ai quan tâm hay đề cập gì nữa" - cán bộ quản lý một cơ quan nhà nước tại TP HCM cho hay.

Chị H.T.G, Giám đốc Công ty TNHH S.S.M - hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thể thao, cho biết chị chuyển từ hộ kinh doanh lên DN năm 2017 và từng có ý định giải thể công ty để quay lại làm hộ cá thể. Lý do là bởi hoạt động hộ kinh doanh đơn giản hơn, trong khi DN nhiều thủ tục mà lại tốn chi phí thuê người làm báo cáo thuế. "Quyết định thành lập DN vì nể nang cán bộ địa phương vận động nhiệt tình chứ bản thân chúng tôi không có nhu cầu chuyển đổi mô hình hoạt động. Đến nay, quy mô hoạt động 2 phòng tập vẫn như trước, thu chi không thay đổi" - chị G. phân trần.

Không riêng chị G., rất nhiều cán bộ quản lý kinh tế trên địa bàn TP HCM cũng như các DN đều tỏ ra không hào hứng trước thông tin đưa hộ kinh doanh vào Luật DN (sửa đổi). Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP HCM), cho biết hầu hết tiểu thương đều không mong muốn lên DN vì các hộ kinh doanh đang trong tình trạng buôn bán ế ẩm, không có lãi do bị cạnh tranh quá lớn từ những người buôn bán lề đường. Chưa kể, nếu chuyển đổi lên DN hoặc bị quản lý trong diện Luật DN, nhiều hộ kinh doanh sẽ rất ngại phải làm sổ sách chứng từ, đóng thuế qua ngân hàng phức tạp hơn rất nhiều.

Bà Tiêu Hồng, tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM), phân trần khi chuyển đổi sang DN sẽ vấp phải vấn đề chi phí tăng cao, nhất là phải thuê người có nghiệp vụ kế toán để xử lý các vấn đề liên quan đến giấy tờ, thuế má… "Đa phần các giao dịch mua bán đều không có hóa đơn chứng từ, thanh toán theo kiểu gối đầu, nợ nần đủ kiểu. Để thực hiện đúng quy định rất khó khăn, chúng tôi khó có thể thực hiện tốt được" - bà Hồng nói thêm.

Chủ một cơ sở bào chế thuốc đông y tại quận 5, TP HCM cũng than phiền việc bị đưa vào diện hoạt động như DN sẽ khiến cơ sở phải thực hiện nhiều tiêu chuẩn, đáp ứng nhiều loại giấy tờ, trong khi không có nhiều kinh nghiệm về việc quản lý. "Tôi đang hoạt động nhỏ lẻ, đóng thuế khoán 1,5 triệu đồng. Nếu chuyển đổi lên DN thì tiền thuế sẽ lớn hơn rất nhiều trong khi lời lãi vẫn thế" - chủ cơ sở này chia sẻ.

Cần xem lại

Về câu chuyện hộ kinh doanh không mặn mà chuyển đổi thành DN, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế, kể thời gian đầu phong trào khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình DN, các đại lý thuế đã trực tiếp đến tận phường xã, chợ đầu mối, chợ loại 1… để tư vấn, vận động chuyển đổi nhưng rất ít hộ hưởng ứng. Chỉ những hộ thật sự có nhu cầu phát triển, tăng quy mô mới thực hiện chuyển đổi, còn lại vẫn trung thành với mô hình hộ cá thể.

"Chính quyền có nhiều ưu đãi cho hộ chuyển đổi lên DN nhưng luật không đồng bộ nên khi áp dụng vào thực tế thì không thực hiện được những ưu đãi đó. Ngoài ra, một lý do quan trọng nữa là những hộ kinh doanh miễn cưỡng chuyển đổi lên DN không nhìn thấy phần lợi ích khi hoạt động theo mô hình mới mà trước mắt, họ mất thêm thời gian cho thủ tục giấy tờ, báo cáo thuế và DN bán hàng phải xuất hóa đơn…" - ông Nghĩa thông tin thêm.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm hộ kinh doanh là kinh tế phi hình thức, tức là hoạt động kinh doanh không phải bất hợp pháp nhưng chưa thực sự đầy đủ, chính thức. Họ không cần tuân thủ quy định về DN như phải có hóa đơn chứng từ, đóng thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân… Do đó, để quyết định có nên đưa hộ kinh doanh vào diện quản lý cần xem xét trình độ phát triển của khu vực này đã đủ đáp ứng, đã sẵn sàng để chuyển đổi hay chưa… "Dự thảo luật chưa tiến hành điều tra, thu thập dữ liệu, phân tích, đánh giá tác động để xem có khả thi không. Chi phí tuân thủ tăng thêm nếu bị đưa vào diện quản lý như một DN cũng cần đánh giá lại. Cũng nên lưu ý một số nước vẫn chấp nhận hình thức kinh doanh hộ cá thể phù hợp với trình độ phát triển của xã hội đó bởi bản thân người kinh doanh lẫn cơ quan quản lý đều chưa phát triển đến trình độ đủ để chuyển đổi" - ông Doanh góp ý.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng với đặc thù kinh doanh hộ gia đình, việc chuyển đổi, phân định trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các thành viên, cụ thể hóa về mặt giấy tờ… khi chuyển đổi mô hình sẽ rất phức tạp. "Thiết kế như dự thảo luật DN (sửa đổi) sẽ tạo ra một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý; chứa đựng trong đó hàng loạt nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ; làm tăng thêm chi phí tuân thủ; thậm chí có khả năng triệt tiêu khu vực kinh tế năng động này" - ông Cung nói. n

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-12

Không thể nóng vội

Trong phiên họp Quốc hội mới diễn ra, nhiều ý kiến lưu ý hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, cần rà soát, bổ sung quy định nghĩa vụ pháp lý, chính sách hỗ trợ... cho đối tượng này trong mối tương thích với các luật hiện hành. Tất nhiên, không thể nóng vội mà cần có đánh giá kỹ càng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo