xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Dự án không thể phục hồi thì cho phá sản

Bảo Trân

Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung

Ngày 3-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo).

Nhiều dự án vẫn khó khăn

Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban), ông Nguyễn Hoàng Anh, cho biết sau 3 năm triển khai "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương" (Đề án 1468) do Thủ tướng phê duyệt đã có chuyển biển bước đầu. Trong số 6 dự án thua lỗ trước đây thì 2 dự án đã có lãi (DAP-1 Hải Phòng, Thép Việt Trung) trong năm 2018, 2019; 4 dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS). Với 3 dự án bị dừng sản xuất - kinh doanh trước đây, đến nay một dự án vận hành trở lại (Xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVTex), 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước).

Tuy vậy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết trong 4 dự án yếu kém của tập đoàn này, ngoài DAP-1 Hải Phòng có lãi trong năm 2019, 3 dự án còn lại là DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình làm ăn thua lỗ đã hút toàn bộ nguồn lãi của các DN khác. "Tập đoàn đồng tình với phương án của Ủy ban là bán 3 công ty này, trường hợp bán không thành công có thể tiến hành thủ tục phá sản" - ông Cường nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Dự án không thể phục hồi thì cho phá sản - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp Ảnh: LÊ SƠN

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa, với phương thức xử lý như hiện nay, khó hoàn thành mục tiêu của Đề án 1468 là xử lý dứt điểm yếu kém của 2 dự án mà tổng công ty tham gia là Thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO-2). Ông Nghiêm Xuân Đa kiến nghị Ban Chỉ đạo thay đổi mục tiêu, thay vì phải bảo toàn vốn nhà nước tại DN thì phải chấp nhận mục tiêu giảm thiểu tổn thất tại các dự án. Đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án lên hàng đầu trong quá trình xử lý. "Tổng Công ty Thép Việt Nam có thể thiệt hại trong quá trình xử lý nhưng lợi ích kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của dự án về tổng thể sẽ lớn hơn, tốt hơn. Nhà nước, chủ đầu tư, ngân hàng, các bên liên quan, các địa phương cùng chia sẻ khó khăn" - ông Nghiêm Xuân Đa hiến kế.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam Nguyễn Việt Đức báo cáo hiện dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang được làm thủ tục định giá trong quý II/2020, sau đó sẽ tiến hành bán. Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận rất khó thành công. Đó là việc định giá còn cao (khoảng 1.700 tỉ đồng) nên dù một số nhà đầu tư quan tâm nhưng sẽ không mua. Muốn bán được, phải dưới 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, định giá cũng rất khó và tổng công ty không dám làm. Trường hợp được phép bán với giá dưới 1.000 tỉ đồng thì ngay lập tức tổng công ty sẽ mất khả năng thanh toán, âm vốn chủ sở hữu, dừng hoạt động và không cổ phần hóa được.

Thêm vào đó, một phần tài sản này hình thành từ vốn vay của PVcomBank, hiện ngân hàng này đang kiện tổng công ty để đòi tiền, do đó việc bán là khó. Ông Đức đề xuất 2 giải pháp: thứ nhất, tách dự án ra thành một pháp nhân riêng và làm thủ tục phá sản; thứ hai, cổ phần hóa chung với Tổng Công ty Giấy Việt Nam.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết nhiều dự án đang dở dang và còn tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC, chưa quyết toán dự án hoàn thành, chưa xác định được hậu quả thiệt hại. Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị ở những địa phương có dự án tổ chức nắm, phát hiện dấu hiệu sai phạm và điều tra xử lý theo quy định, nhất là với các vụ án kinh tế, chú trọng công tác thu hồi tài sản. Công tác này sẽ không ảnh hưởng đến sự phục hồi và cơ cấu lại các dự án. Trung tướng Lương Tam Quang cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm kết luận thanh tra đối với Nhà máy Đạm Hà Bắc.

Kiên quyết không cấp thêm vốn

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1468, tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi, một số phương án đưa ra nhiều lựa chọn thực hiện tùy theo tình hình nên chưa xác định tiến độ, thời hạn xử lý, đến nay cần quyết định phương án để xử lý dứt điểm. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh lại quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, DN này. "Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn" - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo Đề án 1468 và kế hoạch của Ban Chỉ đạo, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định. Bộ Tài chính xử lý kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất về giãn thời gian trích khấu hao tài sản cố định một số dự án theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban chuẩn bị phiên họp chuyên đề Ban Chỉ đạo về phương án xử lý 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất.

Trong quá trình xử lý thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên, đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án, DN này theo đúng vai trò, chức năng của DATC. Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, DN theo quy định của pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các giải pháp cơ cấu nợ để tiếp tục đồng hành cùng DN chủ đầu tư; phối hợp các tập đoàn, tổng công ty và DATC để cùng xây dựng phương án tái cơ cấu có tính khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ các ngân hàng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban tổng hợp đầy đủ ý kiến tại phiên họp này, kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo để khẩn trương hoàn thiện báo cáo về tình hình tiến độ xử lý 12 dự án, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án để trình Thủ tướng trong tháng 4-2020, báo cáo Chính phủ thông qua trước khi trình Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhất trí với quan điểm của Ủy ban là bán toàn bộ phần vốn của Tổng Công ty Thép Việt Nam tại dự án TISCO-2 nhưng phải chuyển trách nhiệm bảo lãnh sang nhà đầu tư mới.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo