xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Phạm Công Danh nói gì, làm gì trước khi bị bắt?

THÁI PHƯƠNG

(NLĐO) - Trước thời điểm bị bắt hơn 1 tháng, ông Phạm Công Danh vẫn nói về những kế hoạch chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 50 năm hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh và gói tín dụng liên kết 50.000 tỉ đồng.

Ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam, liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ việc được điều tra theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Ông Phạm Công Danh, sinh năm 1965 tại Quảng Ngãi, có nhiều năm hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng và tham gia ngành tài chính NH khoảng vài năm trở lại đây.

Trước khi ông Danh bị bắt, thông tin về một số sai phạm trong quá trình hoạt động tại NH Xây dựng từng được đặt ra với ban lãnh đạo NH này.

Ông Phạm Công Danh (ảnh nhỏ) và Trung tâm vật liệu xây dựng Thiên Thanh ở TP HCM

Ông Phạm Công Danh (ảnh nhỏ) và Trung tâm Vật liệu xây dựng Thiên Thanh ở TP HCM

Trong những lần tìm hiểu nội dung sự việc, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Danh vào khoảng giữa tháng 6-2014, hơn 1 tháng trước khi ông bị bắt để điều tra vụ việc. Thời điểm đó, ông Danh nói về đề án phát triển ngành vật liệu xây dựng (VLXD) theo mô hình tập trung: sàn giao dịch VLXD và Thiên Thanh với vai trò là nhà tổ chức, VNCB với vai trò là đơn vị cung cấp tín dụng.

“Tôi đang chuẩn bị hoạt động kỷ niệm 50 năm chặng đường của Thiên Thanh vào tháng 10 tới. Suốt chặng đường qua, chúng tôi chỉ sản xuất và làm nhà phân phối về VLXD. Nhưng nay, chúng tôi chuyển sang bước cao hơn là nhà tổ chức. Thế nên, khoảng chục năm trở lại đây, Thiên Thanh đã dọn dẹp không sản xuất nữa mà chuyển sang mô hình làm nhà tổ chức, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và cần một NH để phục vụ riêng cho ngành xây dựng” - ông Danh nói.

Để làm được điều này, khoảng 5 năm trước, Thiên Thanh đã kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép thành lập một NH chuyên về xây dựng nhưng thời điểm đó Thống đốc NH Nhà nước chưa đồng ý. Do đó, khi NH Nhà nước kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình tái cơ cấu các NH yếu kém, Thiên Thanh đã chọn NH Đại Tín (Trust Bank) - tên gọi trước thời điểm tháng 5-2013 của NH Xây dựng để tái cấu trúc.

“Tôi đoán là các NH yếu kém thì rất khó khăn, đặc biệt là nợ xấu. Tôi biết nợ xấu rất rõ nhưng suy nghĩ hơi chủ quan là mình có thể kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tham gia vào tái cơ cấu nhưng có một số bất đồng giữa nhóm cổ đông cũ và mới. Với đề án phục vụ cho ngành xây dựng, việc một nhà sản xuất và phân phối như chúng tôi vươn lên thành nhà tổ chức rồi tham gia lĩnh vực NH là nỗ lực rất lớn. Một việc rất áp lực và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, là tháo gỡ 50.000 tỉ đồng bằng hàng hóa qua hình thức NH cấp tín dụng và giám sát 100%” - ông Danh nói về gói 50.000 tỉ đồng.

Liên quan đến những sai phạm của ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai, theo tìm hiểu của chúng tôi, NH Xây dựng dưới thời hai ông này đã có nhiều sai phạm liên quan đến quá trình thuê trụ sở ở số 286 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM), quá trình cho vay một số doanh nghiệp thua lỗ gây nguy cơ nợ xấu, ủy thác đầu tư và đầu tư cơ sở vật chất khi chưa được NHNN cho phép…

Ông Danh thừa nhận một số sai phạm trong quá trình điều hành NH nhưng không lớn so với chiến lược của ban lãnh đạo. “Có sai sót nhưng không đáng kể so với chiến lược của chúng tôi, và bản chất vấn đề chúng tôi không có lợi gì” - ông Danh giải thích về sai phạm trong quá trình thuê trụ sở cho NH Xây dựng ở 2 địa chỉ trên, đồng thời cho biết đang khắc phục cũng như chờ ý kiến từ phía Tổ giám sát, NH Nhà nước và sẽ tuân thủ yêu cầu của NH Nhà nước.

 

Mối quan hệ giữa Thiên Thanh và NH Xây dựng

Tiền thân của Tập đoàn Thiên Thanh là Hãng Gạch bông Hương Sơn được thành lập từ năm 1964 và hoạt động tại Quảng Ngãi. Từ năm 2000, tập đoàn này đổi tên và chuyển địa bàn hoạt động vào TP HCM sau đó phát triển mạng lưới trên toàn quốc.

Thiên Thanh hiện có số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Phạm Công Danh sở hữu đến 80% vốn và một người khác là bà Quách Khánh Chi sở hữu 20%.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh truyền thống là vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất, Thiên Thanh lấn sâu vào các mảng khác như mua bán ô tô, đầu tư - kinh doanh bất động sản, tư vấn - đầu tư tài chính, du lịch - nhà hàng - khách sạn và các hoạt động kinh doanh khác.

Là một tập đoàn đa ngành, Thiên Thanh có hàng chục đơn vị trực thuộc ở nhiều tỉnh thành như Công ty TNHH Quốc tế Thiên Thanh; Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ - Quảng Nam; Khách sạn Green Plaza Đà Nẵng; Salon Auto Thiên Thanh (TP HCM); Trung tâm Kinh doanh vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất Thiên Thanh (TP HCM); Trung tâm Kinh doanh - Dịch vụ Ô tô Thiên Thanh (quận 10, TP HCM); Siêu thị Ô tô Thiên Thanh -Bình Dương; Trung tâm tư vấn đầu tư tài chính; Trung tâm giao dịch bất động sản; Tổ hợp TM-DV-KS Thiên Thanh Quảng Ngãi; Nhà hàng Thiên Thanh 27 Tú Xương (phường 6, quận 3, TP HCM); và các chi nhánh Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,…

Sự kiện đình đám của Thiên Thanh vào năm 2011, tập đoàn này công bố sở hữu một loạt khu đất và triển khai rất nhiều dự án bất động sản như Khu phức hợp Thiên Thanh Plaza Đà Nẵng (tổng vốn dự kiến 750 triệu USD) trên nền sân vận động Chi Lăng cũ, Trung tâm Thương mại vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất tại số 302 Tô Hiến Thành (TP HCM)...

Và đặc biệt nhất là vào cuối năm 2012, đầu năm 2013, Thiên Thanh xuất hiện với vai trò là nhóm cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Phần lớn lãnh đạo cũ của TrustBank được thay thế bằng những người Tập đoàn Thiên Thanh tại kỳ đại hội cổ đông bất thường diễn ra hồi tháng 1-2013. Sau đó, Thiên Thanh và nhóm cổ đông tiếp tục góp thêm tiền để tăng vốn cho TrustBank từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng; đồng thời đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và thay đổi tôn chỉ hoạt động, tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.

Dấu ấn của Ngân hàng Xây dựng là việc ngân hàng này cùng với Tập đoàn Thiên Thanh làm đầu mối triển khai gói tín dụng liên kết 4 nhà 50.000 tỉ đồng trong lĩnh vực bất động sản. Theo đó, ông Phan Thành Mai với vai trò tổng giám đốc của VNCB, đồng thời là Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã liên tục với công chúng để giới thiệu về gói tín dụng này. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện của gói tín dụng liên kết này vẫn chưa ai xác định được.

V.Vinh tổng hợp

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo