xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng tầm doanh nghiệp

TS-LS Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM)

Doanh nghiệp tư nhân đã được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện

Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2006-2015, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; khoảng 64% tổng lượng hàng hóa. Khu vực này đã xuất hiện những tên tuổi lớn như Vingroup, Novaland (xây dựng, bất động sản), Vinamilk, TH True milk (sản xuất sữa, sản phẩm từ sữa), Hòa Phát (sắt thép)…

Năng lực quản trị

Dù kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về con đường phát triển phía trước để nâng tầm khu vực kinh tế này, trong đó phải kể đến 3 vấn đề mà khu vực này cần tiếp tục nâng cao trong thời gian tới: quản trị doanh nghiệp (DN), năng lực cạnh tranh và ý thức về pháp luật.

Hiện Việt Nam chưa nhiều DN áp dụng thông lệ quản trị tốt, đặc biệt là trong khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, tính minh bạch của khu vực kinh tế này theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới còn chưa cao, xếp hạng thẻ điểm quản trị của DN ở mức thấp. Một trong những nguyên nhân là do DN chưa thấy được vai trò và lợi ích của quản trị tốt đối với sự phát triển bền vững. Do quản trị chưa tốt, DN đang gặp nhiều khó khăn.

Nâng tầm doanh nghiệp - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tư nhân cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài Ảnh: Tấn Thạnh

Để nâng cao được năng lực quản trị DN hiệu quả, cần thực hiện 3 vấn đề sau:

Nâng cao nhận thức về vai trò và nguyên tắc quản trị. Để nâng cao năng lực quản trị, trước hết nhà quản trị cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, làm cơ sở cho quá trình thực hành quản trị. Khi nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị, nhà lãnh đạo sẽ tự nguyện hướng DN theo những nguyên tắc quản trị tốt nhất để tối đa hóa hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn và thực hiện tốt hơn việc tuân thủ và giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan.

Vì vậy, việc thay đổi và nâng cao nhận thức về quản trị từ khu vực kinh tế tư nhân phải được khởi nguồn từ cấp lãnh đạo cao nhất trong DN. Nếu không có sự cam kết từ lãnh đạo cấp cao sẽ rất khó để nâng cao quản trị DN.

Chủ động áp dụng các công cụ để nâng cao chuẩn mực quản trị công ty. Bên cạnh việc tuân thủ các khung quản trị DN tại Việt Nam theo Luật DN, quy định liên quan đến quản trị DN của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các DN niêm yết cần chủ động nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quản trị tốt trên thế giới và khu vực tại DN.

Nhận thức về vai trò của quản trị DN sẽ được chuyển hóa thành thái độ và hành động cụ thể của lãnh đạo DN. Vì vậy, việc áp dụng một công cụ đánh giá hiệu quả sẽ giúp DN đi đúng hướng và thúc đẩy việc áp dụng những thông lệ quản trị DN tại khu vực kinh tế tư nhân.

Xây dựng và ban hành hệ thống các quy chế nội bộ. Bên cạnh việc xây dựng một cơ cấu quản trị vững mạnh trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam kết hợp với việc vận dụng các thông lệ quốc tế về quản trị, DN cần xây dựng và ban hành hệ thống các quy chế nội bộ nhằm tạo ra cơ chế quản trị thống nhất và xuyên suốt để kiểm soát, giám sát hoạt động của DN một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.

Từ đó, hoạt động này sẽ góp phần bảo đảm lợi ích của chủ DN và sự hài hòa với lợi ích của các bên liên quan bao gồm chủ DN, cổ đông (nếu có), khách hàng, người lao động và cộng đồng.

Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị DN không phải là một bài toán nhất thời trong ngắn hạn mà là một chặng đường dài và cần sự quyết tâm, nỗ lực của toàn bộ thị trường, gồm: cơ quan quản lý nhà nước, DN của khu vực kinh tế tư nhân, nhà đầu tư… và hướng tới mục tiêu tất cả DN trên thị trường cùng thực hiện. Khi xây dựng được một hệ thống quản trị công ty tốt, hiệu quả hoạt động của DN chắc chắn sẽ được tối ưu hóa và khi đó, DN sẽ có cơ hội nhanh chóng tiếp cận thị trường vốn trong và ngoài nước, vươn ra khu vực và thế giới.

Khả năng cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh và phát triển các loại hình DN, đặc biệt là khu vực tư nhân, DN nhỏ, vừa và khởi nghiệp. Do vậy, cần hoàn thiện và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thực thi quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của các loại hình DN nói trên. Đồng thời, thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ý thức về pháp luật

Các DN, nhất là loại hình DN nhỏ và vừa, đang được thành lập ngày càng nhiều về số lượng (chiếm hơn 95% tổng số lượng DN Việt Nam). Tuy nhiên, trong hoạt động của các DN hiện còn một khoảng trống yếu kém lớn, đó là quá trình áp dụng, vận dụng pháp luật vào sản xuất, kinh doanh và điều hành. Có thể nói công tác pháp chế trong các DN nhỏ và vừa hiện nay gần như chưa được quan tâm đúng mức.

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta thấy rằng công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với DN chưa phát huy hiệu quả. Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành nhiều nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt. Điều đó ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gây nên tâm lý không tốt trong xã hội.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân, cùng với những hạn chế về công nghệ, năng lực quản lý, thị trường..., việc hiểu biết pháp luật hạn chế đã làm cho năng lực cạnh tranh của DN khu vực kinh tế này thấp lại càng thấp hơn dẫn đến bất lợi cho DN trong quá trình hội nhập quốc tế.

Để khắc phục những yếu kém nêu trên, đã đến lúc cả hai phía DN và cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tạo thêm một lực đẩy trong công tác pháp chế DN để ngày càng nâng cao ý thức và thực thi pháp luật trong DN.

Để triển khai vấn đề trên có hiệu quả, trước hết đòi hỏi DN và các hiệp hội DN phải thực sự có cách nhìn thay đổi về vấn đề pháp chế và xây dựng đội ngũ pháp chế trong DN. Cùng với những định hướng của nhà nước trong một giai đoạn nhất định, chắc chắn hoạt động pháp chế và ý thức về pháp luật của DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân sẽ được cải thiện. 

Một số giải pháp cải thiện khả năng cạnh tranh

Thứ nhất, rà soát, bổ sung và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của DN theo cách tiếp cận phát triển và vòng đời của DN (từ giai đoạn khởi nghiệp, gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường đến rút khỏi thị trường gắn với yêu cầu thực tiễn và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế). Sửa đổi và hoàn thiện pháp luật cạnh tranh, Luật Cạnh tranh theo hướng quy định phản ánh trực tiếp, đầy đủ bản chất cạnh tranh của hành vi kinh doanh, góp phần giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng vị trí thống lĩnh/độc quyền trên thị trường, giao dịch tập trung kinh tế… Hoàn thiện và tăng cường thực thi hệ thống quy định pháp luật về giải thể, phá sản DN.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện cơ chế thực thi và phối kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa trung ương và địa phương nhằm phát huy vai trò kiến tạo của nhà nước trong phát triển và tăng trưởng kinh tế; ban hành Luật Thủ tục hành chính hoặc Luật Hành chính công theo hướng nâng cao tinh thần phục vụ DN và người dân; tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc xử lý vi phạm trong thực thi pháp luật về kinh doanh; mở rộng thu thập ý kiến đánh giá độc lập từ DN và người dân, từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Thứ ba, tăng cường liên kết trong nước và kết nối khu vực: Liên kết giữa các ngành kinh tế, các chủ thể kinh tế và các không gian kinh tế; khơi thông các thị trường và yếu tố sản xuất, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ. Đồng thời, thực hiện kết nối thị trường trong nước với thị trường khu vực nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo