xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một ngày ở nơi "sướng - khổ"

THÁI PHƯƠNG

L.T.S: Cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư đang là đòi hỏi bức xúc đối với TP HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì lẽ đó, hàng loạt giải pháp đã được chính quyền TP HCM đề ra và quyết liệt thực hiện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM là địa chỉ mà nhiều người ví von là nơi "sướng - khổ" của doanh nghiệp. "Sướng" là khi được phục vụ tận tình; "khổ" là khi bị thủ tục hành chính "đè", trễ nải trong giải quyết công việc...

Tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM vào sáng 19-4, người tấp nập ra vào. Khách đến là đại diện các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư liên hệ để nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều chỉnh, bổ sung hồ sơ, giấy tờ liên quan; thay đổi mẫu con dấu; thay đổi người đại diện theo pháp luật của DN...

Nhanh, gọn...

Thấy chúng tôi ôm xấp hồ sơ đứng tần ngần, giám đốc một công ty tư vấn vừa bước ra từ Phòng Đăng ký kinh doanh, mặt tươi rói, khoe: nộp hồ sơ, thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới DN khá đơn giản, thời gian trong khoảng 3 ngày làm việc. Nếu DN bận có thể đăng ký thủ tục nhận kết quả hồ sơ qua đường bưu điện, thay vì đến trực tiếp tại sở KH-ĐT.

"Hôm nay, tôi đến sở KH-ĐT xin thay đổi mẫu con dấu, thủ tục thuận lợi và nhanh chóng, thời gian chờ không lâu. Chỉ cần làm đúng hồ sơ như quy định là trong vòng 3 ngày làm việc sẽ có mẫu con dấu mới" - nhân viên một công ty ở quận 1 đang chờ làm thủ tục, chia sẻ.

Ngày 22-4, trong vai người đang cần đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên, chúng tôi quay lại Sở KH-ĐT. Lúc này, khách liên tục ra vào nhưng không có tình trạng phải xếp hàng chờ đợi lâu hoặc quá tải.

Một ngày ở nơi sướng - khổ - Ảnh 1.

"Chị bốc số rồi chờ ở quầy số 5" - nhân viên phát số hướng dẫn chúng tôi ra ghế ngồi chờ tới lượt gọi tên. Tại quầy số 5 - quầy hướng dẫn trực tiếp dành cho khách đến liên hệ công tác tại Phòng Đăng ký kinh doanh, cô nhân viên liên tục hướng dẫn cho đại diện công ty, DN đến hỏi thủ tục tạm ngừng kinh doanh, thủ tục đăng ký thành lập DN, đăng ký tài khoản ngân hàng cho DN mới...

"Tôi muốn mua hồ sơ đăng ký thành lập DN là công ty TNHH một thành viên?" - chúng tôi hỏi. Nhân viên hướng dẫn phát cho một tờ A4, gồm đầy đủ các bước chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ rồi viết thêm yêu cầu về "Giấy đề nghị thành lập DN theo biểu mẫu; bản sao chứng thực giấy tờ cá nhân; điều lệ công ty".

"DN có thể scan hồ sơ theo định dạng file PDF rồi nộp trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đăng ký DN theo hướng dẫn hoặc nộp trực tiếp tại sở. Trong vòng 3 ngày làm việc, hồ sơ đầy đủ sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập DN, nếu hồ sơ thiếu sẽ yêu cầu bổ sung" - nhân viên hướng dẫn chia sẻ.

Với số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn lớn nhất cả nước, trung bình mỗi ngày, Sở KH-ĐT TP HCM tiếp nhận khoảng 2.400 hồ sơ của DN. Những hồ sơ này bao gồm DN đăng ký thành lập mới, điều chỉnh thông tin người đại diện pháp luật, bổ sung hoạt động kinh doanh, thay đổi mẫu con dấu... Số lượng này tăng mạnh so với con số khoảng 1.800 hồ sơ của DN vào năm ngoái.

Tất cả... qua online

Ông Cù Danh Đức, Phó Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, cho biết trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng DN thành lập mới trên địa bàn TP HCM gần 9.000. Với mục đích triển khai nhiều giải pháp tốt nhất hỗ trợ DN, Sở KH-ĐT đang thành lập trang web cổng thông tin về DN nhằm cung cấp thông tin về biểu mẫu, tra cứu về tình trạng hồ sơ nộp...

Theo quan sát của chúng tôi, DN có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở KH-ĐT hoặc nộp online trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký DN. Cũng tại nơi "sướng - khổ" này, có 6 đường dây nóng qua điện thoại để thông báo, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho DN và 1 quầy thông tin hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp.

"Khi Luật DN có hiệu lực từ đầu năm 2021, sau đó là nghị định và thông tư hướng dẫn, đã đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, giấy tờ nhiều hơn cho DN. Như việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu đăng ký qua kênh online DN chỉ cần scan, tải hồ sơ lên hệ thống, sau khi hệ thống kiểm tra xong sẽ thông báo kết quả qua kênh điện tử, DN không cần phải nộp hồ sơ bản giấy" - ông Cù Danh Đức thông tin.

Cũng theo ông Đức, trước đây, dù đăng ký nộp hồ sơ online nhưng sau đó DN vẫn phải lên Phòng Đăng ký kinh doanh nộp kết quả và đăng ký thêm mẫu chữ ký riêng. Nay, với quy định mới, DN có thể làm tất cả thủ tục qua online, chỉ lên sở nhận kết quả hoặc đăng ký nhận qua dịch vụ bưu điện công. DN cũng có thể sử dụng dịch vụ bưu điện công để trả kết quả tại nhà. Từ đầu năm 2021 đến nay, có hơn 7.200 DN đăng ký sử dụng dịch vụ bưu điện công.

Bốc số, ngồi chờ đến lượt được gọi để hướng dẫn về thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng cho công ty vừa thành lập, ông Võ Anh Tú, Giám đốc Công ty Unici - hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, cho biết ông vừa nhận giấy phép cách đây 3 ngày qua dịch vụ đại lý. Nay, ông lên sở xin bổ sung vào hồ sơ công ty số tài khoản ngân hàng.

"Theo quy định cũ, trong vòng 10 ngày kể từ khi có giấy phép, DN phải lên đăng ký tài khoản ngân hàng cho công ty nếu không sẽ bị phạt. Nhưng nay, nhân viên hướng dẫn của sở nói quy định mới đã bỏ, đơn giản thủ tục này, DN không cần phải lên đăng ký số tài khoản ngân hàng. Vậy là bỏ thêm một thủ tục, tiết kiệm thời gian đi lại của DN" - ông Võ Anh Tú đúc kết.

Con số ấn tượng

TP HCM hiện có hơn 440.000 DN hoạt động, trong đó hơn 431.000 DN trong nước (chiếm 96,46%); hơn 15.800 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, chiếm 3,54%).

Trong năm 2020, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp 54,76% vào GRDP, khu vực FDI đóng góp 19,05% vào GRDP, khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 13,5% vào GRDP.

DN thuộc khu vực ngoài nhà nước và DN FDI đóng góp hơn 152.000 tỉ đồng vào thu nội địa của thành phố.

Góc nhìn: Phải khác biệt

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển

Thời gian gần đây, dù TP HCM là điểm đến được lựa chọn với những người có nhu cầu đầu tư, kinh doanh nhưng dường như địa phương này đang bị một số tỉnh, thành khác "vượt mặt" ở góc độ đột biến về thủ tục, hành chính thông thoáng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP cũng sụt giảm khá mạnh so với một số địa phương khác...

10-DT-Hien

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển

Năm 2020, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP giảm đến 51%. Chưa hết, tổng vốn của 1.300 dự án FDI được cấp phép trong năm 2020, nếu chia bình quân thì quy mô mỗi dự án chỉ khoảng 540.000 USD/dự án, là quá nhỏ.

Theo tôi, nhà đầu tư, DN tìm đến TP HCM không phải để được giao đất rẻ, được ưu đãi về thuế nhiều, họ tìm đến và lựa chọn nơi "đất lành" bởi TP là trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, công nghệ với môi trường kinh doanh thuận lợi, có tiềm năng phát triển, nguồn nhân lực tốt, thị trường rộng lớn...

Do đó, TP HCM cần cải thiện nhiều hơn nữa về chất lượng dịch vụ, thủ tục giấy phép, đặc biệt là tạo điều kiện cho những loại hình công nghệ mới với sự khác biệt, ưu việt để nhà đầu tư khởi nghiệp hoặc phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngay trong định hướng xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, để thực hiện được thì cần xây dựng cơ chế thông thoáng, hỗ trợ DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước kết nối, liên thông với cả nước và các thành phố lớn của khu vực.

TP HCM cũng cần mạnh dạn đề xuất với trung ương trong cơ chế đặc thù cho phép TP phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế - phải làm nhanh và hiệu quả, bởi TP HCM hoàn toàn xứng đáng, đủ tiềm lực.

Lam Giang ghi

Kỳ tới: Vướng đâu gỡ đó

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo