xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở lối cho nông sản

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nói về tình trạng dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiêp nông thôn, cho rằng phải chính thức hóa quan hệ buôn bán chính ngạch thông qua hợp đồng thương mại chứ tiểu ngạch thì rất khó

Phóng viên: Thưa ông, vì sao hết năm này qua năm khác, lặp đi lặp lại tình trạng nông sản ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh để chờ xuất qua Trung Quốc?

- TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn:

img

Việc để xảy ra ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, mà cụ thể là dưa dấu, là rất đáng tiếc. Lâu nay, chúng ta cứ nói quy hoạch lại sản xuất rồi nâng cao khả năng dự báo thị trường nhưng chưa bao giờ làm được. Vì vậy, tình trạng được mùa, mất giá vẫn diễn ra.

 

Được mùa dưa nhưng nông dân vẫn không vui vì giá cả bấp bênh
Được mùa dưa nhưng nông dân vẫn không vui vì giá cả bấp bênh

Còn việc ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, lý do rất đơn giản là cung - cầu không gặp nhau vì không có người kết nối chuẩn. Nông dân chỉ là người sản xuất ở đồng ruộng, họ không thể đi đàm phán tốt được. Bảo nông dân làm công nghệ chế biến cũng rất khó. Những việc như thế phải do doanh nghiệp (DN) làm. Vì vậy, làm sao phải kéo được DN đầu tư vào nông nghiệp thì mới có thể kết nối được cung - cầu. Nhà nước phải có những hành lang pháp lý để ngăn cản những hành vi xấu của các đối tượng xung quanh (thương lái trong nước, thương lái nước ngoài) gây cản trở hoạt động lành mạnh của các DN. Ngoài ra, phải có cơ chế ưu đãi để thu hút DN vào sản xuất nông nghiệp.

Ông nói nông dân thiếu thông tin định hướng quy hoạch, thiếu thông tin thị trường và không thể “tự bơi” trong thương trường khắc nghiệt. Vậy, để xảy ra tình trạng ùn tắc nông sản thì trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương ở đâu?

- Thực ra, vấn đề quy hoạch hiện nay mà chúng ta cứ nghĩ theo kiểu cũ là định hướng theo kiểu nuôi con gì, trồng cây gì; địa phương này trồng cái gì là rất không ổn bởi nền kinh tế thị trường không bao giờ chấp nhận kiểu quy hoạch đó. Đất là của nhà nước giao cho dân, không thể cứ chạy đến để bảo họ phải trồng cây này, nuôi con kia. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo, còn bảo ép nông dân phải làm cái gì là không thể; với Bộ Công Thương thì có lẽ phải tìm ra cách để khơi thông thị trường bằng những giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, tôi khẳng định cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể định hướng hoặc tạo ra những chất xúc tác để tạo đà thuận lợi hơn mà thôi, chứ không thể vác hàng hộ nông dân để mang đi bán.

Ông nghĩ Bộ Công Thương đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa khi để xảy ra tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu suốt nhiều năm qua?

- Hằng năm, Bộ Công Thương vẫn làm nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, xúc tiến để có những tiếp cận thị trường và đem lại hiệu quả thì có lẽ phải xem xét lại. Bởi nếu xúc tiến thương mại mà chỉ tổ chức những hội chợ và đem hàng đến đó thì chưa chắc đã hiệu quả cao, cần có một đội ngũ có trình độ đàm phán chuyên nghiệp mới có thể giúp hàng nông sản của ta đến được các thị trường. Ngoài ra, điều vô cùng quan trọng là phải đàm phán để có được chính thức hóa quan hệ buôn bán chính ngạch thông qua hợp đồng thương mại, nếu cứ để buôn bán tiểu ngạch thì khó lắm.

Chính sách khuyến khích DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân ra đời và thực hiện đã 13 năm nhưng hiệu quả không như mong đợi, mối liên kết “4 nhà” vẫn hết sức lỏng lẻo. Có cách gì để triển khai có hiệu quả, thưa ông?

- Theo tôi là phải làm sao lôi kéo được DN đầu tàu vào đầu tư sản xuất nông nghiệp để họ lập ra những chuỗi giá trị. Trong “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, DN, nông dân) thì vai trò quan trọng nhất là sự kết nối của DN với nông dân. DN và nông dân hợp tác để tạo ra những chuỗi giá trị rồi mới tính đến vai trò của nhà nước và nhà khoa học.

Nhà nước phải hỗ trợ tối đa những DN này, đặc biệt chú ý đến vai trò của các DN tư nhân trong nước.

 

Dưa hấu ùn ứ do nhiều nguyên nhân

Ngày 11-4, Bộ Công Thương đã có buổi kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn. Ông Phùng Quang Hội, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến ùn ứ dưa hấu, như: không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, phía Trung Quốc áp dụng chính sách chỉ cho 10 doanh nghiệp nhập khẩu qua cửa khẩu Pò Chài, công tác kiểm tra - kiểm dịch tốn từ 4-6 giờ mới giải phóng được 1 xe, giá dưa hấu không ổn định nên doanh nghiệp phải chờ đàm phán.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ghi nhận tình hình và cho rằng thời gian tới, dự báo nông sản tiếp tục tăng do vào vụ thu hoạch nên áp lực lên cửa khẩu Tân Thanh rất lớn. Do đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo, khuyến nghị tới các doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa cho hợp lý. Bộ Công Thương cũng sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có giải pháp trong quy hoạch trồng, điều phối nông sản. P.Nhung

 

Ông Trần Đình Trung (ngụ xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi):

Biết lỗ vẫn mua

Là thương lái gần 10 năm qua gắn bó với nghề buôn dưa hấu, tôi thấy giá cả quá bấp bênh. Nhiều lúc biết mua lỗ vẫn phải mua cho bà con vì để giữ mối. Như đợt này, giá dưa hấu mỗi ngày tụt thê thảm, lẽ ra không mua nhưng nếu không mua thì năm sau bà con sẽ không bán cho mình nữa. Dù vậy, vẫn chỉ thu mua có chừng mực. Cái chính ở đây là người trồng dưa bị thiệt hại nặng.T.Trực

TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:

Nên liên kết sản xuất GAP

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam luôn tăng trưởng mạnh. Năm 1996, chúng ta chỉ xuất được 90,2 triệu USD/năm nhưng năm 2014 đã đạt khoảng 1,47 tỉ USD và có 40 chủng loại quả được xuất vào thị trường 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thêm tín hiệu vui là thị phần xuất khẩu sang những thị trường cao cấp đã tăng lên. Việc tăng trưởng như thế cho thấy trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, chúng ta còn vấp phải một số khó khăn, như: công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung chỉ mới giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương, chưa phát huy được sức mạnh thật sự của vùng chuyên canh và sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa; tỉ lệ nông dân áp dụng thành công tiêu chuẩn GAP (sản xuất nông nghiệp bền vững) trong sản xuất rau quả còn thấp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều; sự liên kết sản xuất giữa nông dân và DN chưa chặt chẽ; chuỗi cung ứng còn qua nhiều trung gian dẫn đến giá trị sản phẩm tại gốc quá thấp, trong khi giá bán trên thị trường đôi khi lại quá cao; nhiều dịch bệnh xảy ra khắp nơi do việc thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, tăng diện tích ồ ạt...

Đã đến lúc nên tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ và sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn. Để làm được điều này, việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết vùng sản xuất giữa các địa phương thành vùng sản xuất hàng hóa phải có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu và nắm vững thị trường, đối tác, đối thủ cạnh tranh... đóng vai rất trò quan trọng trong điều tiết sản xuất rải vụ một cách hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro; mỗi chủng loại quả chỉ nên có một đầu ra để bảo đảm đủ mạnh trong đàm phán và tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước.Ph.Công ghi

Ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang:

Chỉ bán chính ngạch

Dưa hấu ế là chuyện có tính chu kỳ mỗi khi vào chính vụ mà phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và việc mua bán chủ yếu là qua đường mậu biên. Thị trường Trung Quốc rất dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng nhưng thương lái Trung Quốc lại thích mua bán mậu biên vì không phải đóng thuế, giảm chi phí và rủi ro thì bên bán phải chịu. Lý do ách tắc một phần do năng lực thông quan nhưng cái chính là khi hàng của Việt Nam sang nhiều, thương lái Trung Quốc tìm cách ép giá. Hàng tươi sống không để lâu được nên phải “bán đổ bán tháo” ảnh hưởng dây chuyền từ chủ hàng đến tài xế và khổ nhất là nông dân.

Muốn thoát được cảnh này phải chuyển sang buôn bán bằng đường chính ngạch. Công ty chúng tôi vẫn xuất khẩu bắp và chôm chôm khá ổn định đi Trung Quốc, chúng tôi chỉ bán hàng chính ngạch và xác định không bán được chính ngạch thì thôi!Ng.Ánh ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo