xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở cánh cửa lớn sang EU

PHƯƠNG NHUNG

EVFTA mang lại ưu đãi thuế quan cực lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Tối 25-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin Hội đồng châu Âu đã thông qua nội dung của Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA), mở đường cho việc ký kết các hiệp định dự kiến vào ngày 30-6. "Đây là hiệp định có vai trò rất quan trọng, có tiêu chuẩn cao, có tính toàn diện khi gần như 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm trong vòng 7 năm và hơn 85% dòng thuế sẽ về 0% sau 8 năm" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận xét.

Rất nhiều ngành hưởng lợi

EVFTA được đánh giá mang lại lợi ích gần như tuyệt đối cho Việt Nam bởi sản phẩm lợi thế xuất khẩu của Việt Nam là những mặt hàng EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như dệt may, trái cây nhiệt đới... Ngược lại, EU cũng có những mặt hàng Việt Nam chưa phát triển sản xuất, như ôtô, dược phẩm...

Mở cánh cửa lớn sang EU - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp EU tham gia hội chợ thực phẩm tại TP HCM cuối năm 2018 Ảnh: NGỌC ÁNH

Ngay khi chưa có hiệp định, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đưa được sản phẩm sang thị trường khó tính này. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), chia sẻ DN của ông đã xuất khẩu gạo tới một số thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Thụy Sĩ, Pháp, Đức… với sản lượng vài ngàn tấn mỗi năm. Ông Bình kỳ vọng EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho ngành gạo Việt nói chung và DN xuất khẩu gạo nói riêng. "Sau hiệp định này, EU sẽ chấp nhận cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000-100.000 tấn/năm với thuế suất 0%. Đây là hạn mức rất cao so với hiện nay, khoảng 24.000 tấn/năm và vì thuế cao nên gạo của chúng ta không cạnh tranh được với gạo của quốc gia khác" - ông Bình cho hay.

Thực tế, dù có thâm niên hàng chục năm xuất khẩu gạo nhưng sản phẩm gạo Việt luôn bị lép vế ở thị trường EU, trong khi thị trường này có xu hướng ưu tiên cho Campuchia, Thái Lan thông qua thuế suất thấp. Do vậy, ông Phạm Thái Bình cho rằng với EVFTA, cơ hội cho gạo Việt cạnh tranh với gạo của các quốc gia khác khi xuất khẩu qua EU sẽ tăng lên rất nhiều. "Hiện tại, chưa thể nói trước sản lượng xuất khẩu sang EU sẽ tăng bao nhiêu nhưng tôi chắc chắn mức tăng sẽ rất đáng kể. Với DN của tôi, sau khi EVFTA có hiệu lực, có thể chưa dễ dàng mở rộng xuất khẩu gạo tới một số nước mới trong khu vực nhưng với các thị trường cũ nêu trên, sản lượng cũng sẽ tăng nhờ thuế giảm kéo theo giá giảm" - ông Bình lạc quan.

Ở ngành thủy sản, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang, nhận xét từ đầu năm 2019, dù chưa ký kết EVFTA, thị trường EU đã tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam tới hơn 30%. Nguyên nhân do sản phẩm ngày càng đáp ứng được chất lượng và phía EU có nhu cầu lớn với mặt hàng này. Với nền tảng đó, EVFTA sẽ là động lực bổ trợ để DN thủy sản trong nước xuất khẩu tốt hơn nữa sang các thị trường trong khối. "DN tôi xuất khẩu sang EU chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu, chủ yếu xuất sang Đức, Anh. Chưa rõ tác động của EVFTA ở mức độ như nào nhưng tôi tin tưởng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng" - ông Văn nói.

Tương tự, với ngành dệt may, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành với mức tăng trưởng hằng năm 7%-10%, chỉ đứng sau Mỹ. Khi ký kết EVFTA, hàng dệt may Việt Nam được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế, do vậy cơ hội sẽ nhiều hơn. Cũng như vậy, ngành da giày đang có ưu thế rất lớn tại thị trường EU và có triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu thêm nhờ EVFTA.

Cơ hội tham gia chuỗi giá trị

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá hiệp định này còn có ý nghĩa giúp sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh được ở châu Âu và có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi nền sản xuất trong nước đang tiến tới trình độ nhất định. "Tính toán sơ bộ cho thấy năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu vào EU là 20%, tới năm 2030 có thể lên tới 80%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ. Nếu tính cộng hưởng hiệu quả từ việc tiếp cận các thị trường của hiệp định này cùng với động lực hoàn thiện thể chế, chúng ta có thể sẽ thu hút được công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn. Tôi cũng tin rằng sẽ có những nhà đầu tư châu Âu quan tâm đầu tư nghiêm túc vào thị trường Việt Nam, nhất là các ngành chế biến thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, phụ trợ…" - Bộ trưởng cho hay.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết để hỗ trợ DN, sắp tới đây, Thủ tướng sẽ xem xét, phê duyệt quyết định về chương trình hành động tổng thể và toàn diện, bao gồm việc cung cấp thông tin, làm rõ các cơ hội, thách thức để người dân, DN nắm được. Tiếp đó, sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa các nội dung phù hợp cam kết đã ký. Trong đó, ông Tuấn Anh nhấn mạnh tạo cơ chế liên kết nhà nước với DN, hướng vào tạo thuận lợi cho DN.

Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá EVFTA không chỉ dừng lại ở các thỏa thuận thuế quan trong lĩnh vực thương mại mà còn mở rộng ra một số dịch vụ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, phân phối và tài chính. Do đó, lợi ích từ hiệp định mang tính chất đa chiều. Tuy vậy, cơ quan này cũng lưu ý DN cần chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến nội dung và tiến trình của EVFTA để có thể tận dụng tốt nhất các ưu đãi ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Ông Phạm Thái Bình nhận xét EU là thị trường khó tính, do đó việc chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu gạo 100.000 tấn với thuế 0% chưa đủ để DN có thể dễ dàng đưa sản phẩm sang khối này. "Họ sẵn sàng mua gạo Việt số lượng lớn nhưng muốn được chấp nhận, gạo phải đạt tiêu chuẩn cho phép, trong đó, tối thiểu phải bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật" - ông Bình lưu ý.

Theo ông Ong Hàng Văn, sản lượng thủy sản xuất khẩu sang EU còn chưa tương xứng với tiềm năng bởi khu vực này đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng "gắt" hơn so với nhiều nước châu Á, đặc biệt là chỉ tiêu dư lượng kháng sinh. Do vậy, các DN cần quan tâm chất lượng sản phẩm mới khai thác tốt hiệp định này. 

Xuất khẩu sẽ tăng mạnh

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18%-3,25% (năm 2019-2023); 4,57%-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07%-7,72% (năm 2029-2033). Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.

M.Chiến

Những dấu mốc quan trọng

Năm 2010, khởi động đàm phán hiệp định.

Năm 2012, chính thức đàm phán qua nhiều cấp, vòng khác nhau.

Năm 2015, cơ bản kết thúc đàm phán, chuyển sang rà soát pháp lý.

Năm 2017, tách vấn đề liên quan đến bảo hộ, tranh chấp để đưa vào hiệp định riêng là IPA.

Tháng 10-2018, EU thống nhất sẽ ký 2 hiệp định.

Ngày 25-6-2019, Hội đồng châu Âu thông qua quyết định đi đến ký kết EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU vào ngày 30-6.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo