xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lùm xùm tranh chấp thương hiệu Fiditour

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tranh chấp trong quá trình bàn giao mặt bằng giữa 2 công ty ở cùng trụ sở, cùng thương hiệu Fiditour khiến hàng trăm nhân viên lo lắng, bất an, hoạt động kinh doanh bị xáo trộn nghiêm trọng...

Khoảng nửa tháng nay, nhiều khách hàng đến trụ sở Công ty CP Lữ hành Fiditour (số 129 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM) rất bất ngờ khi thấy một nửa trụ sở của công ty này bị khóa cửa, thỉnh thoảng có vài người xăm trổ đầy mình, ngang nhiên ra vào văn phòng...

Thuê người lạ đến "khủng bố" tinh thần

Trong đơn kiến nghị gửi Công an phường Bến Nghé ngày 6-6, Công ty CP Lữ hành Fiditour (gọi tắt là Lữ hành Fiditour) cho biết trong các ngày từ 3 đến 6-6, phía Công ty CP Fiditour (gọi tắt là CP Fiditour) thường xuyên cho người lạ mặt, xăm trổ đầy mình, hùng hổ ra vào trụ sở rồi chặn nhân viên của Lữ hành Fiditour để lục túi xách, khám xét giấy tờ, tư trang cá nhân.

Anh Phạm Ngọc Thành, nhân viên Lữ hành Fiditour, cho biết lúc 19 giờ ngày 3-6, khi anh đang xách bịch đồ cá nhân ra ngoài thì bị người của CP Fiditour chặn lại, yêu cầu kiểm tra đồ cá nhân, túi xách… "Họ làm như vậy chẳng khác nào khủng bố tinh thần khiến tôi hoang mang" - anh Thành nói.

Lãnh đạo Lữ hành Fiditour cho rằng những việc làm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nhân viên công ty. Do đó, công ty kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp kịp thời để bảo đảm quyền lợi của công dân, tránh sự việc trên tái diễn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hành vi "khủng bố" tinh thần của CP Fiditour đối với cán bộ, nhân viên của Lữ hành Fiditour xuất hiện từ giữa tháng 5-2019 và kéo dài đến nay, sau khi giữa 2 công ty xảy ra tranh chấp dân sự. Thậm chí, vào các ngày 14, 15 và 16-5, CP Fiditour đưa nhiều người lạ mặt đến làm mất trật tự, có hành vi côn đồ, đuổi các bảo vệ của Lữ hành Fiditour ra ngoài tòa nhà, khóa cửa từ bên trong và không cho ai ra vào, ngăn cản hoạt động kinh doanh của Lữ hành Fiditour.

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Người Lao Động, phía Lữ hành Fiditour bày tỏ lo lắng: "Các đối tượng lạ mặt còn liên hệ với trường học của con lãnh đạo Lữ hành Fiditour để nhắn tin, tìm gặp, dò thông tin gây hoang mang, bất ổn cho người thân của chúng tôi".

Trước sự việc phức tạp, Lữ hành Fiditour cũng gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng, kiến nghị bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giữ ổn định trật tự nơi kinh doanh, làm việc của gần 400 nhân viên công ty.

Rắc rối lập doanh nghiệp mới

Theo tìm hiểu, Fiditour là thương hiệu của một doanh nghiệp du lịch nhà nước được thành lập từ năm 1989 với hoạt động kinh doanh ban đầu là tổ chức các chương trình du lịch cho du khách nước ngoài vào tham quan Việt Nam. Qua 30 năm, Fiditour trở thành 1 trong 10 hãng lữ hành hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Đến năm 2005, Fiditour chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty CP và hoạt động ngày càng hiệu quả.

Lùm xùm bắt đầu phát sinh từ cuối năm 2018, khi một nhóm cổ đông lớn của CP Fiditour đề xuất đề án tách toàn bộ mảng du lịch lữ hành ra thành lập một doanh nghiệp mới. Theo các biên bản họp HĐQT của CP Fiditour diễn ra vào cuối năm 2018, các cổ đông lớn đã thông qua đề án thành lập Lữ hành Fiditour nhằm chuyên môn hóa sâu, hạch toán hiệu quả rạch ròi hơn; tập trung kinh doanh lữ hành là lĩnh vực lợi thế của Fiditour do đã có kinh nghiệm gần 30 năm…

Cụ thể, hình thức thành lập công ty mới trên cơ sở 20% vốn góp của CP Fiditour, 80% vốn còn lại từ cán bộ, nhân viên và cổ đông khác. Việc góp 20% vốn của CP Fiditour được tính bằng ôtô, trang thiết bị, thương hiệu lữ hành và các quyền tài sản có liên quan đến hoạt động lữ hành. Vốn điều lệ của Lữ hành Fiditour là 35 tỉ đồng, trong đó phần vốn góp của CP Fiditour khoảng 7 tỉ đồng (tương đương 20%).

Đến tháng 3-2019, cuộc họp lần thứ 4 của HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022, các thành viên HĐQT CP Fiditour tiếp tục thông qua việc góp vốn vào Lữ hành Fiditour sau khi đơn vị thẩm định giá trị vốn góp hơn 7,1 tỉ đồng. Các loại tài sản theo kết quả thẩm định gồm 7 ôtô các loại; trang thiết bị, vật dụng; logo, tên giao dịch, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Fiditour; quyền tài sản là tên miền website công ty có đuôi @fiditour; phần mềm và cơ sở hạ tầng mạng… CP Fiditour phải chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh lữ hành cho Lữ hành Fiditour chuyên trách thực hiện.

Từ ngày 28-2-2019, Lữ hành Fiditour được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành. Sau đó, 2 công ty bắt đầu tiến hành thủ tục bàn giao các công việc liên quan.

Thế nhưng, tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của CP Fiditour ngày 18-4-2019, nhiều cổ đông bất ngờ yêu cầu hủy việc thành lập Lữ hành Fiditour. Trong văn bản của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) gửi CP Fiditour, Saigontourist cho biết là cổ đông lớn nắm giữ 19,64% vốn điều lệ và không đồng ý việc công ty này liên kết thành lập mới Lữ hành Fiditour. Saigontourist cho rằng mảng kinh doanh chính của công ty là dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế, nếu chuyển giao hoạt động kinh doanh lữ hành cùng hệ thống nhân sự liên quan cho Lữ hành Fiditour sẽ khiến công ty bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.

"Việc định giá tài sản góp vốn hơn 7 tỉ đồng bằng giá trị tài sản các ôtô, lợi thế thương mại của thương hiệu Fiditour, tên miền, website… cũng là chưa hợp lý và chưa được đại hội cổ đông thông qua. Hai công ty cùng thương hiệu Fiditour, cùng trụ sở, sẽ gây lẫn lộn trong giao dịch khách hàng. Đề nghị CP Fiditour ngưng việc góp vốn thành lập Lữ hành Fiditour dưới mọi hình thức" - văn bản của Saigontourist nêu rõ.

Lùm xùm tranh chấp thương hiệu Fiditour - Ảnh 1.

Trụ sở của Công ty CP Fiditour, nơi xảy ra tranh chấp với doanh nghiệp mới là Công ty CP Lữ hành Fiditour. Ảnh: TẤN THẠNH

Nên để tòa phân xử

Liên quan đến vụ việc tranh chấp, CP Fiditour cũng gửi đơn tố cáo đến VKSND quận 1 về việc chiếm giữ tài sản trái phép. Theo đó, công ty này tố cáo ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty, dù đã từ nhiệm nhưng không bàn giao con dấu công ty, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan đến một số khu đất ở quận 1 của công ty; hồ sơ, sổ sách liên quan đến công nợ; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của CP Fiditour…

Phải nói thêm, sau khi từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT ở CP Fiditour, ông Nguyễn Việt Hùng hiện là Chủ tịch HĐQT Lữ hành Fiditour. Do đó, đại diện CP Fiditour cho rằng việc công ty cử "người lạ" đến trụ sở của Lữ hành Fiditour (thực chất 2 công ty cùng đăng ký tại một trụ sở) là để "bảo vệ tài sản", tránh tình trạng tẩu tán tài sản khi chưa bàn giao xong công việc liên quan giữa 2 bên.

Liên quan đến việc thành lập Lữ hành Fiditour, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM khẳng định việc Lữ hành Fiditour đăng ký thành lập doanh nghiệp và được cấp giấy phép hoạt động là đúng luật.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, nếu 2 công ty có tranh chấp dân sự có thể khởi kiện ra tòa để phân xử rồi thi hành theo quyết định của tòa án. Thậm chí, nếu góp vốn 20% nhưng thấy không phù hợp có thể chuyển nhượng lại phần vốn góp này, không thể hành xử bằng việc thuê người lạ đến quấy rối nhân viên, hoạt động kinh doanh của công ty khác; thậm chí có hành vi khủng bố tinh thần của nhân viên, lãnh đạo công ty khác. 

Đặt trụ sở trên mặt bằng đang tranh chấp!

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, mặt bằng nơi đặt trụ sở của 2 công ty CP Fiditour và Lữ hành Fiditour đang liên quan đến một vụ tranh chấp khác. Đó là vụ tranh chấp hợp đồng thuê và đòi lại mặt bằng số 127-129A Nguyễn Huệ (quận 1) giữa Saigontourist và CP Fiditour.

Saigontourist là nguyên đơn trong vụ tranh chấp này, do TAND quận 1 thụ lý từ tháng 6-2013 đến nay. Tính đến thời điểm thụ lý vụ án đến nay đã hơn 5 năm mà TAND quận 1 vẫn chưa đưa ra xét xử. Ngày 31-7-2016 là ngày hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng này nhưng CP Fiditour vẫn không bàn giao mặt bằng cho Saigontourist, cũng không trả tiền thuê mặt bằng dù đã nhận được thông báo yêu cầu. Tạm tính đến tháng 3-2019, tiền thuê mặt bằng chưa thanh toán của CP Fiditour là hơn 33,8 tỉ đồng.

Do đó, Saigontourist đề nghị CP Fiditour ghi nhận công nợ tiền thuê mặt bằng còn thiếu vào báo cáo tài chính của công ty và không cho phép Lữ hành Fiditour đặt trụ sở tại địa điểm đang tranh chấp này dưới bất kỳ hình thức nào.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo