xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Linh hoạt ứng phó với đại dịch

Thanh Nhân - Ngọc Ánh - Nguyễn Hải

Đa số doanh nghiệp Việt quy mô nhỏ, siêu nhỏ đã phát huy tối đa ưu điểm linh hoạt, dễ thích ứng để tìm cơ hội vượt "bão" Covid-19

Dịch Covid-19 kéo dài khiến mọi hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ. Tính chung 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết cả nước có 70.200 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, đại đa số DN đang hoạt động phải đối mặt với nhiều khó khăn và không ngừng nỗ lực, sáng tạo, gói ghém để bảo toàn, chờ thời cơ hồi phục.

Cắm trại sản xuất

Nhiều ngày nay, một phần kho hàng của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) được cải tạo thành chỗ ở tạm thời cho công nhân, lao động công ty. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho hay chế độ cắm trại sản xuất là giải pháp cuối cùng nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất và hàng hóa vẫn ra thị trường đều đặn, tăng sản lượng cả hàng tươi sống lẫn chế biến.

"Công ty khuyến khích tất cả các bộ phận, bao gồm ban tổng giám đốc, nhân viên hành chính, nhân sự và đặc biệt là công nhân không ra khỏi phạm vi các xưởng sản xuất trong thời gian này nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh ca mắc Covid-19 trong nhà máy. Khu ăn ở, sinh hoạt dã chiến đã được bố trí, công ty lo toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt cho người lao động ở lại nhà máy trong những ngày này" - ông An cho biết.

Linh hoạt ứng phó với đại dịch - Ảnh 1.

Công ty CP Thực phẩm G.C chuyển hướng sang các hoạt động dài hạn, tăng số lượng đàn bò để chuẩn bị nguồn cung khi thị trường hồi phục. Ảnh: NGỌC ÁNH

Mới đây, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM cũng nhận được đăng ký của 40 DN và đang tiến hành khảo sát để cấp phép cho số DN này được tổ chức cho công nhân ở lại công ty. Theo các DN này, dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, nhiều khu vực bị phong tỏa, số lao động ở trong khu vực phong tỏa hoặc có liên quan ca mắc Covid-19 gia tăng khiến DN thiếu lao động trầm trọng. Giữ công nhân ở lại nơi làm việc trong lúc này và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch là giải pháp tình thế nhằm bảo toàn lực lượng, cũng là giảm thiểu rủi ro lây nhiễm, phải đóng cửa nhà máy.

Tại Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, đơn đặt hàng cho xuất khẩu đủ cho sản xuất đến tháng 4-2022 nhưng đang thiếu đến 20% lao động, công nhân một số nghỉ việc, một số không thể đi làm do đang thực hiện cách ly.

"Những tháng qua, công ty cũng đã đầu tư nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại trị giá khoảng 1 triệu USD. Với tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, nguồn lao động sẽ tiếp tục giảm nên sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư thêm khoảng 500.000 USD để nhập máy móc thiết bị nhằm tăng năng suất sản xuất" - ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc công ty, cho hay. Trước mắt, công ty này lên kế hoạch cho công nhân ở lại nhà máy làm việc nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp. Mọi khâu tổ chức, hậu cần đều được triển khai để công nhân sẵn sàng ở lại nhà máy trong tình huống dịch phát sinh.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Nhà bếp Vina, cho biết công ty đang thiếu hụt khoảng 100 công nhân vì họ ở khu vực có ảnh hưởng hoặc bị phong tỏa nên không thể đến nhà máy làm việc.

"Dù thiếu lao động nhưng công ty vẫn chưa thể tuyển thêm công nhân vì lo người bên ngoài có nguy cơ cao về dịch bệnh mà tập trung tăng ca để duy trì sản lượng cung cấp cho khách hàng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm trên toàn hệ thống để tăng sản lượng, giảm được sản phẩm lỗi, cũng như chi phí sản xuất được kiểm soát tốt hơn" - ông Dũng chia sẻ.

Chuyển hướng đầu tư cho tương lai

Với một số DN, việc tập trung vào các hoạt động có tính chất dài hạn thay vì đổ kinh phí cho marketing để đẩy hàng ra thị trường trong khi hiệu quả mang về không cao đang là lựa chọn tối ưu. Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food, chuyên sản xuất các loại rau củ, trái cây cao cấp và thực phẩm từ nha đam, thạch dừa), DN đang chuyển hướng sang các hoạt động dài hạn để tạo nguồn hàng trong tương lai.

"Đầu tháng 6, nhiều người kinh doanh thực phẩm nghĩ rằng bán hàng trực tiếp giảm sẽ bán online nhưng chỉ được vài ngày đầu, sau đó sức mua giảm rõ rệt, các chỉ số tương tác trên kênh online cũng giảm. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhất là nhóm lao động ở ngành dịch vụ phải ngưng kinh doanh nên thu nhập giảm mạnh. Khi nhu cầu quá thấp, DN muốn bán được hàng phải tăng kinh phí cho marketing như giảm giá, tặng quà, miễn phí vận chuyển… nhưng hiệu quả không cao.

Do đó, chúng tôi xoay chuyển theo hướng chỉ sản xuất để duy trì hoạt động và việc làm cho người lao động. Đồng thời, chuyển nguồn lực cho các hạng mục đầu tư dài hạn, mở rộng đàn bò lên quy mô ngàn con để chuẩn bị nguồn cung khi thị trường hồi phục. Trước đây đàn bò của DN ở Ninh Thuận chỉ có khoảng 100 con, chủ yếu để tận dụng nguồn cỏ có sẵn, nay có điều kiện đầu tư thêm" - ông Thứ phân tích.

Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa), tự nhìn nhận DN mình may mắn vì còn hoạt động được trong đại dịch nhờ sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu là nước mắm truyền thống.

"Nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều do chi phí đầu vào tăng mạnh trong khi DN không thể tăng giá. Chúng tôi đặt mục tiêu năm nay giữ được thị trường và việc làm cho người lao động, xem như đầu tư cho tương lai, không đặt nặng hiệu quả kinh tế trong ngắn hạn. DN đã cho ra một số sản phẩm đóng gói to, bán sản phẩm dạng combo đa dạng sản phẩm, khuyến mãi cho khách hàng thân thiết theo đúng nhu cầu dựa vào lịch sử mua sắm của khách.

Đồng thời, nhận phân phối thêm các sản phẩm có cùng kênh tiêu thụ (sản phẩm ăn liền xu hướng nguyên bản, có chứng nhận OCOP - chương trình mỗi xã một sản phẩm) để tối ưu hóa chi phí" - ông Lê Anh nêu giải pháp.

Theo ông Lê Anh, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường, DN siêu nhỏ có ưu thế ở chỗ nhỏ gọn, linh hoạt, dễ thích ứng, từ quyết định của chủ DN xuống nhân viên rất nhanh.

"Vừa qua, có một hệ thống bán lẻ lớn đổi hình thức giao nhận từ kho tổng sang từng điểm bán khiến nhiều nhà cung cấp không xoay trở kịp. Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi chuyển từ việc giao hàng số lượng lớn từ một nơi sang giao lẻ cho gần 2.000 điểm bán nhưng phải nghĩ cách giải quyết để đưa hàng lên kệ nhanh nhất mới có doanh số" - ông Lê Anh dẫn chứng.

Cũng xác định "sống chung với dịch" ít nhất đến giữa năm 2022, The Coffee House với hệ thống 178 quán cà phê trên cả nước đang nỗ lực để tồn tại.

"Trong đợt dịch lần 4 này, khoảng 2/3 cửa hàng của chúng tôi phải đóng cửa. Nhiều nhân viên và shipper của chúng tôi phải tự theo dõi hoặc cách ly do sinh hoạt hoặc ở trong các khu phong tỏa, một số khác về quê tránh dịch dẫn đến việc thiếu hụt nhân sự làm việc, giao hàng, hệ thống phải điều động những nhân sự còn lại để tiếp tục phục vụ khách hàng" - đại diện The Coffee House thông tin.

Để tìm cơ hội "sống sót", chuỗi cà phê Việt này đã phát huy sự sáng tạo của đội ngũ nhân sự trẻ. "Trong thời gian ngắn, công ty chúng tôi đã triển khai được nhiều ý tưởng mới như dịch vụ pick up (đến nhận nước), khách đặt và thanh toán trước qua app (ứng dụng) đến lấy trong vòng 1 phút, chương trình shipper nội bộ.

The Coffee House cũng tạo ra gói subscription (bán hàng theo đăng ký), phục vụ cà phê theo thói quen để phục vụ các khách hàng phải làm việc, học tập ở nhà… toàn bộ đều freeship. Trong tháng 6, The Coffee House cho ra mắt thị trường các sản phẩm cà phê sữa đá hòa tan, dạng gói 3in1, cà phê sữa đá đóng lon với hương vị không khác biệt nhiều khi uống tại quán… và đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng" - đại diện The Coffee House liệt kê các hoạt động đang triển khai.

Xuất nhập khẩu vẫn tăng mạnh

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công Thương cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 54 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,7 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 26,5 tỉ USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Tính chung 2 quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 157,63 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương đánh giá hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm khá bền vững, tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... "Doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc-xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới hồi phục trở lại, cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh" - Bộ Công Thương dự báo.

Ph.Nhung

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo