xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lãnh đạo TP HCM nghe doanh nghiệp hiến kế

Phương An ghi

Trong năm 2018, TP HCM sẽ có nhiều đột phá về cơ chế để cùng doanh nghiệp phát triển

Lãnh đạo TP HCM nghe doanh nghiệp hiến kế - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM lắng nghe những lời tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển của TP. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sáng 17-3, lãnh đạo TP HCM đã có buổi gặp gỡ đại diện doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Thay vì "kêu" khó, nhiều ý kiến của đại diện DN, hội ngành nghề chủ yếu đề xuất, hiến kế nhằm phát triển kinh tế TP HCM tốt hơn.

Ông NGUYỄN XUÂN HÀN - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Maseco:

Đứng ngoài các dự án đầu tư công

Lãnh đạo TP HCM nghe doanh nghiệp hiến kế - Ảnh 2.

Sau gần 8 năm thực hiện chỉ thị của Chính phủ về sử dụng vật tư trong nước trong đầu tư công, dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. DN Việt Nam vẫn phải đứng ngoài nhìn hoặc chỉ đóng vai trò thầu phụ trong nhiều dự án ngay trên đất nước mình.

Việc tạo điều kiện cho DN TP HCM tham gia các dự án đầu tư công của TP trong thời gian tới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy nội lực kinh tế TP. Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM. Chúng tôi kiến nghị căn cứ Luật Đầu tư công, lãnh đạo TP nên nghiên cứu điều kiện, quy định riêng về cách thức mời thầu các dự án đầu tư công, mua bán công cũng như các dự án có sử dụng vốn ODA theo đúng ưu tiên cho DN TP tham gia; quy định tỉ lệ sử dụng dịch vụ, sản phẩm Việt theo từng lĩnh vực của dự án; quy định tiêu chuẩn thay vì xuất xứ hàng hóa trong từng dự án mời thầu; không đặt nặng điều kiện tham gia đấu thầu; tạo điều kiện cho DN TP liên kết để tham gia dự thầu.

Bên cạnh đó, TP HCM nên cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, kịp thời các dự án đầu tư công sẽ triển khai và mời thầu để DN biết, chuẩn bị tham gia. Khi đàm phán các dự án lớn như tàu điện ngầm, lãnh đạo TP cần quan tâm tỉ lệ nội địa hóa…

LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM:

Phải siết chặt kỷ cương hành chính

Lãnh đạo TP HCM nghe doanh nghiệp hiến kế - Ảnh 3.

Hiện nay, một số cơ quan, ban ngành ở TP vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ ứng xử với người dân, DN không tốt, mang tính quan liêu, gây ra nhiều khó khăn, rắc rối trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục. Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và đưa TP HCM vào cơ chế đột phá thì dứt khoát phải cải cách hành chính công một cách triệt để. Trung ương đang chuyển biến rất nhanh trong cải cách hành chính nhưng càng xuống thấp thì càng chậm.

TP HCM nên đưa ra những giải pháp cụ thể, trong đó phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện công vụ của các cơ quan cấp dưới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục tình trạng trên "nóng" dưới "lạnh", trên chuyển mà dưới chưa chuyển. Có như vậy, kết quả đánh giá và công bố tỉ lệ hài lòng của người dân và DN đối với dịch vụ hành chính công của TP đạt 80% mới thực chất.

Song song đó, TP nên chỉ đạo quyết liệt đối với các lãnh đạo sở, ban, ngành với vai trò người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm triển khai, vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu. Đồng thời, có cơ chế xử lý nghiêm những trường hợp người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đối với các nghị quyết, chính sách liên quan đến DN, đề nghị TP nên tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ cộng đồng DN thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp để đưa ra những quyết sách điều chỉnh phù hợp, tránh tình trạng khi đưa ra văn bản gây khó khăn, bất cập cho DN. Chúng tôi cũng đề nghị TP lập tổ công tác riêng hoạt động như tổ công tác của Chính phủ để thường xuyên rà soát, kịp thời kiến nghị trung ương loại bỏ những quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế; cũng như lắng nghe, phối hợp với DN tham mưu, có ý kiến kịp thời đến trung ương xem xét và giải tỏa khó khăn để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Một kiến nghị nữa là mong TP HCM công khai chi tiết, đầy đủ và rõ ràng các quy trình liên quan đến thủ tục quản lý, đầu tư, thuế, đất đai… qua hệ thống mạng điện tử, các cổng thông tin địa phương. Song song đó, cần có chính sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để người dân và DN chủ động kết nối với cơ quan nhà nước bất cứ thời gian nào, bất cứ nơi đâu nhằm giải quyết nhanh nhất các công việc liên quan.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM:

Cần thêm chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Lãnh đạo TP HCM nghe doanh nghiệp hiến kế - Ảnh 4.

Thời gian qua, TP HCM có nhiều chương trình hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp nhưng những kết quả ban đầu vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của TP. Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp còn những tồn tại cần khắc phục.

Thứ nhất, có những quỹ đầu tư còn vướng quy định của nhà nước nên giải ngân mất nhiều thời gian hoặc tắc, không giải ngân được. Thứ hai, số lượng DN khởi nghiệp thật sự không nhiều, trình độ chưa tốt, hàng hóa không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Các DN khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường. Vai trò của các DN lớn, hội nghề nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển cộng đồng khởi nghiệp chưa được coi trọng. DN khởi nghiệp còn manh mún, chưa tiếp xúc được thông tin thực tế thị trường và nguồn vốn.

Để khắc phục những tồn tại, chúng ta cần hiểu rõ 5 yếu tố tạo hệ sinh thái khởi nghiệp hoạt động hiệu quả là nguồn vốn, nguồn nhân lực, sự hỗ trợ của nhà nước về chỗ làm việc, cộng đồng cố vấn... Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp xoay quanh 5 yếu tố này để thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp phát triển hơn nữa. TP HCM nên có chính sách lôi kéo và tôn vinh các DN gắn với hoạt động khởi nghiệp, gắn kết hội ngành nghề với khởi nghiệp

Tập trung tháo gỡ rào cản

Lắng nghe những ý kiến của đại diện DN, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong xác nhận việc tổ chức thực hiện cải thiện môi trường đầu tư ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, còn hiện tượng ở trên lãnh đạo "nóng" nhưng ở dưới các sở "lạnh" nên chưa thể giải quyết được các vấn đề cấp thiết của DN.

Cùng với đó, TP HCM đang đối mặt nhiều thách thức cản trở sự phát triển. Sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông lạc hậu, áp lực quá lớn về bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng quá nhanh (cứ 5,5 năm, dân số TP tăng thêm 1 triệu người - bằng 1 tỉnh), chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng… đã gây trở ngại cho sự phát triển nhanh, bền vững, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Để thay đổi bức tranh kinh tế TP HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Năm 2018, TP HCM sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp cấp thành phố, trong đó lấy sự hài lòng của DN và người dân làm thước đo sự phát triển và hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính. Theo đó, TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức trao đổi, phản hồi thông tin giữa chính quyền với người dân và DN. Cụ thể, trao đổi, phản hồi phải kịp thời; phải giải quyết được vấn đề tồn tại, khó khăn của DN trên cơ sở linh hoạt nhưng bảo đảm đúng quy định pháp luật; cách thức trao đổi phản hồi thể hiện sự quan tâm, gần gũi, thân thiện. Các sở - ngành, quận - huyện thường xuyên lắng nghe, đối thoại, gặp gỡ, tiếp nhận và xử lý, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của DN. Có như thế mới hỗ trợ kịp thời, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định với cộng đồng DN 5 nội dung. Thứ nhất, TP tiếp tục đồng hành cùng DN, bảo đảm sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh: giảm 30% các cuộc họp và dành thời gian để đi thực tế nắm bắt các khó khăn của DN; phấn đấu thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư của tổ công tác liên ngành giảm 50% so với quy định, đến năm 2020 có 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ hành chính công tực tuyến mức độ 4.

Thứ hai, TP hỗ trợ toàn diện các yếu tố căn bản đến DN phát triển bền vững, vươn tầm thế giới. Trong năm 2018, TP thành lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho DN; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình kết nối kích cầu đầu tư…

Thứ ba, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Thứ tư, tất cả cơ chế, chính sách đặc thù đang nghiên cứu và triển khai sẽ góp phần giúp DN lớn mạnh, phát triển bền vững; tuyệt đối không cản trở lưu thông hàng hóa cũng như không tạo nên gánh nặng cho DN. Thứ năm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN; công tác thanh tra, kiểm tra lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra 1 lần trong năm.

T.Nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo