xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lại lo đứt gãy nguồn cung xăng dầu

MINH CHIẾN - NGUYỄN HẢI

Giá xăng trong nước dự báo giảm lần thứ 3 liên tiếp nhưng trên thị trường vẫn có những dấu hiệu bất ổn về nguồn cung

Dự kiến hôm nay, 21-9, liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ. Với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, giá mặt hàng này trong nước được dự báo sẽ tiếp tục giảm.

Giá xăng dự báo giảm lần thứ 3 liên tiếp

Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương, giá xăng dầu bình quân trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này giảm so với kỳ tính giá trước đó. Cụ thể, cập nhật đến ngày 14-9 cho thấy bình quân giá xăng RON 92 là 99,6 USD/thùng, xăng RON 95 là 103,79 USD/thùng. Tương tự, giá dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này cũng giảm mạnh so với chu kỳ trước.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu ở TP Hà Nội dự báo giá xăng vào kỳ điều hành ngày 21-9 có thể giảm 600 - 700 đồng/lít, còn giá dầu giảm mạnh hơn, ở mức 1.800 - 2.000 đồng/lít, tùy loại. Tuy nhiên, mức giảm còn phụ thuộc vào quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành. Với dự báo như trên, giá xăng trong nước sẽ có lần thứ 3 giảm giá liên tiếp, xăng E5 RON 92 có thể về mức dưới 22.000 đồng/lít.

Trong các kỳ điều hành gần đây, liên bộ Công Thương - Tài chính trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức khá cao. Theo lý giải của cơ quan điều hành, việc thực hiện trích lập nhằm khôi phục quỹ này, tạo dư địa để điều hành giá trong thời gian tới, khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường. Như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, tính đến kỳ điều hành gần nhất, ngày 12-9, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại doanh nghiệp này là 840 tỉ đồng.

Có bất thường về nguồn cung?

Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP Hà Nội, trong ngày 20-9, trước thời điểm điều hành giá xăng dầu ngày 21-9, không xảy ra tình trạng các cửa hàng ngừng bán với lý do hết hàng. Tuy nhiên, những ngày trước đó, cụ thể ngày 17-9, một số cây xăng có tình trạng thông báo hết hàng trong khoảng thời gian nhất định với lý do "chờ nhập hàng", như cửa hàng xăng dầu Nguyễn Công Trứ (trên đường Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng), cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân (trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng)…

Tại TP HCM, nhiều trạm xăng phản ánh nguồn cung xăng dầu đến thời điểm này vẫn căng thẳng, chưa có dấu hiệu tốt lên. Ông Nguyễn Văn Thanh, quản lý một trạm xăng ở quận 12, cho biết việc cung ứng xăng nhỏ giọt, thường xuyên bị thiếu hụt. Còn theo ông Nguyễn Anh Lèo, Giám đốc HTX Xe du lịch và Vận tải số 4, HTX này có 2 cây xăng tại TP HCM nhưng hơn 2 tháng qua bị lỗ mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng do bị cắt chiết khấu. Dù chấp nhận lỗ nhưng những ngày qua, HTX vẫn không có đủ xăng để bán. Thông tin từ một số doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại TP HCM cho hay sở dĩ nguồn cung xăng dầu vẫn trong tình trạng đứt gãy là do giá xăng dầu trên thế giới biến động liên tục.

Đáng chú ý, tại Cà Mau, UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương nhờ can thiệp trong bối cảnh giá dầu tăng và có dấu hiệu khan hiếm nguồn cung. Tỉnh này cho biết qua kiểm tra đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc đối với tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn. UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối có giải pháp kịp thời bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối cũng như cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu, bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu thị trường nội địa ổn định, thông suốt.

Lại lo đứt gãy nguồn cung xăng dầu - Ảnh 1.

Một cửa hàng xăng dầu ở TP Hà Nội thông báo hết hàng ngày 17-9 Ảnh: Hương Uyên

Bộ Công Thương khẳng định: "Vẫn bảo đảm" (!)

Thực tế, có tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ thời gian qua, đặc biệt thời điểm trước kỳ điều hành giá đầu tháng 9. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất về công tác bảo đảm nguồn cung mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương khẳng định về cơ bản, nguồn cung xăng dầu từ nay đến hết năm 2022 được bảo đảm. Hiện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đều hoạt động ở công suất tối đa, trong quý IV/2022 dự kiến đạt 4,4 triệu m3, đáp ứng 80% tổng nhu cầu. Phần thiếu hụt còn lại được phân giao cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, để bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng cần sớm rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu để giải quyết dứt điểm những bất ổn trên thị trường hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung, kể cả thiếu hụt cục bộ. Đây cũng là bất cập mà Petrolimex đã nêu ra khi nhấn mạnh các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium), chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11-7 đến nay theo quy định của Nghị định 95/2021. Điều này tạo ra khó khăn rất lớn đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối. Từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động cầm chừng, nguy cơ thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh việc xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu không được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Do đó, ông cho rằng các bộ - ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, cần phản ánh kịp thời các khoản chi phí tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp. 

Trước phản ánh của một số cửa hàng xăng dầu ở các địa phương về việc thiếu hụt, hết xăng để bán, Bộ Công Thương cho biết đã thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm những trường có dấu hiệu “găm hàng”. Về giải pháp điều hành thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Giá hàng hóa khó giảm theo giá nhiên liệu

Với dự báo giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp điều chỉnh giảm, vẫn chưa có tín hiệu cho thấy giá hàng hóa bán buôn trên thị trường đồng loạt giảm theo.

Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm từ thịt tại tỉnh Bình Dương cho biết giá nguyên liệu vẫn cao hơn đầu năm 2022 nên doanh nghiệp không thể giảm giá bán. Theo đó, giá bột mì bán sỉ hiện nay ở mức 15.000 đồng/kg, còn hơn mức bán vào đầu năm là 10.500 đồng/kg. Giá dầu ăn giảm nhẹ nhưng ở mức trên 35.000 đồng/lít, cao hơn trước đây 15.000 đồng/lít. Giá thịt gà cũng đang ở mức 65.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với trước.

Theo chủ công ty này, không thể giảm giá gốc vì mỗi lần đàm phán giá với siêu thị rất khó khăn, bị trì hoãn nên doanh nghiệp chọn cách khuyến mãi để tăng lượng hàng bán ra. Hiện nay, doanh số bán hàng chủ yếu đến từ các ngày khuyến mãi, còn lại bán rất ít.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, từ những tháng đầu năm 2022, giá nguyên vật liệu nhựa tăng mạnh 30%-40%. Chi phí logistics cũng tăng 50%, cước vận tải nội địa tăng 20%-30%. Vì lý do này, các doanh nghiệp ngành nhựa buộc phải điều chỉnh giá bán sản phẩm ra thị trường theo mức tăng nhẹ, bình quân 5%-7%. Gần đây, giá nguyên vật liệu nhựa có chiều hướng giảm, khoảng 10%-15%, nên sản phẩm nhựa tiêu thụ nội địa cũng điều chỉnh giá bán để kích cầu. Ông Anh kỳ vọng với việc điều chỉnh, tiếp tục giảm mạnh giá xăng dầu đợt này sẽ kéo giá các loại nguyên liệu, hàng hóa trên thị trường giảm theo.

Trong khi đó, ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải XNK Trần Quốc, cho rằng giá cước hàng hóa khó có thể điều chỉnh giảm trong thời điểm này, bất kể việc giá xăng dầu tiếp tục giảm. Theo ông, thời gian qua giá cước vận tải vẫn không được điều chỉnh theo đà tăng/giảm của giá xăng dầu. Chưa kể giá dầu hiện nay còn cao hơn giá xăng, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Tương tự, ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy, nói bất chấp giá xăng dầu "nhảy múa", doanh nghiệp vận tải lớn không thể tăng giá cước. Hơn 20 xe tải vận chuyển hàng hóa của công ty này đang áp dụng giá cước cách nay hơn 2 năm, khi giá dầu chỉ khoảng 13.000-14.000 đồng/lít.

Theo chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu nhiều, gặp áp lực lớn từ chi phí đầu vào nên trong thời điểm này vẫn rất khó giảm giá hàng hóa bán ra thị trường.

Nguyễn Hải - Ngọc Ánh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo