xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng lớn vào KCN nông - lâm nghiệp của THACO

TRẦN THƯỜNG

Dự án của THACO kỳ vọng sẽ giải bài toán sản xuất manh mún, "được mùa - mất giá" của nông sản Việt

Phát biểu tại lễ khởi công dự án KCN nông - lâm nghiệp ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam của Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng việc "sếu đầu đàn" THACO tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần giải bài toán lớn về nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn; đóng góp nền tảng quản trị sản xuất quy mô lớn, khả năng ứng dụng công nghệ, tư duy sản phẩm, năng lực tiếp cận thị trường và nguồn nhân lực được chuẩn hóa, từ đó có thể giải bài toán "được mùa - mất giá, được giá - mất mùa".

Hướng đến tốp 15 thế giới

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, đây là KCN chuyên nông nghiệp tập trung mà chính yếu và trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp, nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia.

Rộng 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỉ đồng, KCN nông - lâm nghiệp có chức năng là trung tâm nghiên cứu về giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh học, hữu cơ và kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến... Các nông trường mẫu thực nghiệm sản xuất theo hướng công nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và quản trị số hóa trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho các loại cây ăn trái như: bưởi, mít, xoài và cây lâm nghiệp có giá trị cao phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu khu vực miền Trung. Ngoài ra còn có các khu chăn nuôi thực nghiệm; sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ; khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây; nhà máy chế biến trái cây các loại để bao tiêu sản phẩm...

Kỳ vọng lớn vào KCN nông - lâm nghiệp của THACO - Ảnh 1.

Phối cảnh KCN nông - lâm nghiệp hơn 8.000 tỉ đồng của Công ty CP Ôtô Trường Hải. (Ảnh do THACO cung cấp)

KCN cũng sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư là đầu mối sơ chế và cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất đồ gỗ thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia; các nhà đầu tư sản xuất đồ gỗ; các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành gỗ...

Ông Trần Bá Dương cho biết KCN này cùng với KCN chuyên lúa mà THACO đang triển khai tại tỉnh Thái Bình và trong tương lai gần là KCN nông nghiệp chuyên trái cây tại Đông Nam Bộ và KCN nông nghiệp chuyên lúa tại ĐBSCL sẽ tạo sự đột phá, nâng tầm thương hiệu nông - lâm sản Việt Nam, góp phần đưa ngành nông - lâm nghiệp Việt Nam vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận việc THACO đầu tư KCN nông - lâm nghiệp tại địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển ngành nông - lâm của tỉnh, góp phần đưa nông nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước. "Với chiến lược đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, bảo đảm an toàn; ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa kết hợp nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao sản xuất cho nông dân và thu mua, chế biến, phân phối, xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản, THACO sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất của nông dân và các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp" - ông Thu đánh giá.

Hướng đến thị trường cao cấp

Để hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra, ngày 8-8-2018, THACO đã bắt tay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức với việc sở hữu 35% cổ phần của Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (công ty con của HAGL). Trong hơn 7 tháng qua, THACO đã ứng vốn trên 10.500 tỉ đồng để giúp HAGL Agrico tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ. Ngày 18-3, THACO thành lập Công ty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp THADI để thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.

Kỳ vọng lớn vào KCN nông - lâm nghiệp của THACO - Ảnh 2.

Ông Trần Bá Dương (bìa phải) và ông Đoàn Nguyên Đức bắt tay hợp tác để làm nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ trái cây của nhà máy tại KCN nông - lâm nghiệp, THADI đã lựa chọn hợp tác với Tập đoàn Sinopec (Trung Quốc) - chuyên về công nghiệp hóa chất và năng lượng quốc tế, sở hữu 26.000 cửa hàng tiện lợi với khoảng 20 triệu lượt khách hàng/ngày. THADI cũng sẽ triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỉ đồng, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 giữa năm 2020 với công suất 200.000 tấn/năm; hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực với các trường đại học trong và ngoài nước chuyên ngành nông nghiệp. Đặc biệt, THADI còn hợp tác chiến lược với Đại học Wageningen (Hà Lan) về các lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực và xây dựng hệ thống quản trị tổng thể các dự án nông nghiệp theo chuỗi khép kín trên nền tảng công nghệ 4.0...

Ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch HĐQT THADI, người từng là Trưởng Ban Khu Kinh tế Chu Lai - cho biết phương châm của công ty là phải kiểm soát toàn bộ chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. "Chúng tôi là DN đầu mối, dẫn dắt thị trường. Rồi sẽ có nhiều công ty tham gia với chúng tôi trong chuỗi liên kết và cả nông dân. Chương trình này ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân nên chúng tôi đã liên kết với Hội Nông dân Việt Nam, các tỉnh - thành để có mối liên kết giữa nhà nước, nhà đầu tư với người dân. Mục đích là để ngay từ đầu, người dân hiểu được chủ trương, cách làm này và tham gia với chúng tôi để nâng cao thu nhập rồi từng bước nâng thương hiệu sản phẩm" - ông Diện kỳ vọng.

Cũng theo ông Diện, 90% sản phẩm sẽ được xuất khẩu trong phân khúc thị trường cao cấp tại Trung Quốc và các nước khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. "Chúng tôi chủ động làm thị trường, kiểm soát chất lượng để bảo đảm hàng hóa của mình đạt chất lượng vào phân khúc thị trường cao cấp. Slogan (khẩu hiệu) của chúng tôi là "đột phá", nâng tầm nông - lâm sản Việt Nam, đưa nông - lâm sản Việt Nam lên một tầm mới. Đột phá về thị trường, công nghệ, quản trị, đào tạo..., những "đột phá" như vậy để bảo đảm có sản phẩm gắn với thị trường cao cấp" - ông Diện nói.

Ông Diện khẳng định quy trình khép kín với sự kiểm soát nghiêm ngặt sẽ cho ra được sản phẩm chất lượng và giải ngay bài toán "được mùa - mất giá". "Trồng cái cây xuống là đã biết sản phẩm được tiêu thụ ở các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc rồi. Có thị trường rồi sẽ không còn chuyện mất giá. Lâu nay, nông dân ta làm thì làm mà không biết bán cho ai. Khi thu hoạch, người ta mới tới bàn mua và khi được mùa thường bị ép giá" - ông Diện phân tích. 

Luôn ưu tiên vốn cho nông nghiệp

Từ nhiều năm qua, ngành ngân hàng (NH) xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này.

Các tổ chức tín dụng luôn chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ DN, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh như lúa gạo, thủy sản, cà phê...; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Theo thống kê của NH Nhà nước, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm qua đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Tính đến cuối năm ngoái, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1,7 triệu tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 25% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Trong năm 2019, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tiếp tục chỉ đạo hệ thống NH đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân khu vực nông thôn. NH Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

T.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo