xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ vọng đầu năm từ nông sản

NGỌC ÁNH - THÁI PHƯƠNG

Dù được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2017 nhưng bức tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những điểm sáng, tiếp tục tăng trưởng với các hiệp định thương mại tự do đang hoặc sẽ ký kết với nhiều nước

Dù xuất khẩu gạo trong tháng đầu tiên năm 2017 giảm sút nhưng mặt hàng này vẫn có nhiều tín hiệu tích cực.

Nhiều doanh nghiệp đặt mức tăng trưởng cao

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết dù mùng 10 tháng giêng (ngày 6-2) mới khai trương nhưng từ mùng 4, cả công ty đã đi làm trở lại để kịp tiến độ cho những đơn hàng xuất khẩu đầu năm. Trước mắt, công ty đang tất bật cho 2 đơn hàng xuất khẩu gạo cao cấp sang Trung Quốc và Malaysia.

Xuất khẩu gạo luôn mang lại kim ngạch lớn Ảnh: NGỌC TRINH
Xuất khẩu gạo luôn mang lại kim ngạch lớn Ảnh: NGỌC TRINH

Theo ông Bình, Trung Quốc và Malaysia là khách hàng truyền thống của công ty trong nhiều năm qua. Trong đó, đơn hàng xuất sang Trung Quốc lên đến 6.000 tấn với giá tốt. Đây là thành quả của quá trình xây dựng chuỗi lúa gạo khép kín từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm của công ty. Dù năm 2017, tình hình chung của ngành xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục khó khăn theo đà năm 2016, công ty của ông cũng bị sụt giảm nhưng vẫn đặt kỳ vọng tăng trưởng 30%. Trong đó, công ty tập trung xuất khẩu các dòng gạo cao cấp. Hiện công ty đã có chứng nhận do Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp.

Sau kỳ nghỉ Tết vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Intimex cũng phải gấp rút chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu lớn đã ký với đối tác. Trong tháng 1-2017, doanh thu xuất khẩu của Intimex đạt khoảng 60 triệu USD và dự kiến trong 2 tháng đầu năm, con số này sẽ lên hơn 100 triệu USD - mức khá cao so với cùng kỳ năm trước.

“Đơn hàng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thời điểm này khá dồi dào so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cà phê cũng đang vào chính vụ với nhiều đơn hàng lớn so với cuối năm ngoái. Dù tình hình xuất khẩu cả năm của ngành gạo, cà phê có thể khó khăn nhưng tín hiệu trong những ngày đầu năm là khá tích cực” - ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, nhận định.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, thừa nhận công ty đã kín đơn hàng đến hết quý I/2017. Do công ty chuyên sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nên đã có kế hoạch từ trước và sẽ hoạt động từ mùng 6 Tết.

Riêng ngành dệt may, năm 2017 được dự báo tình hình xuất khẩu không mấy khả quan nhưng với Công ty CP Garmex Sài Gòn, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT, cho biết vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu cao hơn năm ngoái. Trong tháng 1-2017, doanh thu xuất khẩu của công ty khoảng gần 6 triệu USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của công ty với thị phần hơn 50% sản lượng và Garmex Sài Gòn vẫn đang tích cực tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường.

Khai thác cho các hiệp định thương mại tự do

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 38,1 tỉ USD trong năm 2016, tăng 14% so với năm trước. Việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gặp trở ngại khi Mỹ tuyên bố không tham gia được dự báo sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Theo phân tích của HSBC Việt Nam, việc Mỹ rút khỏi TPP là một bất lợi, đồng thời một quan điểm thương mại giới hạn chặt chẽ hơn từ Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những quốc gia xuất khẩu và nhận đầu tư như Việt Nam khi thị trường này chiếm tới 1/5 lượng xuất khẩu từ nước ta. Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại nghiêng về bảo hộ của Mỹ, dẫn tới cầu về hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam giảm xuống, gây ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam.

Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác, như việc Việt Nam đã là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Theo một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu AEC được quản lý và tận dụng hết ưu thế, cộng đồng có thể đưa kinh tế vùng tăng trưởng 7,1% từ nay tới năm 2025 và tăng 14 triệu công ăn việc làm. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện - RCEP, dù phạm vi nhỏ hơn nhiều nếu so với TPP nhưng hiệp định này lại kết nối 3 thị trường đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, sẽ hỗ trợ tăng trưởng thương mại ở châu Á và kích thích đầu tư vào những chuỗi cung ứng mới.

Bộ Công Thương đánh giá năm qua, Việt Nam đã tận dụng tốt kết quả của các FTA có hiệu lực và cam kết trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn, với Hàn Quốc, sau khi FTA có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 29% trong năm 2016 với 11,5 tỉ USD. Ngay 2 thị trường trọng điểm là Mỹ, EU trong năm qua, dù có nhiều khó khăn, biến động từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và sự kiện Brexit, xuất khẩu vào 2 khu vực này vẫn tiếp tục tăng trên 10% và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam vẫn có ưu thế trong cạnh tranh và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp phòng vệ thương mại

Năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu mà Quốc hội và Chính phủ giao là 6%-7% nhưng Bộ Công Thương cho biết sẽ phấn đấu cao hơn. Để thực hiện, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu để vượt qua được hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hướng tới các thị trường là đối tác có FTA, hướng tới các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, còn dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu. Một số mặt hàng tiềm năng sẽ được thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng vào các thị trường.

Đối với doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ về thông tin và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại như kiện bán phá giá; nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại đối với các hiệp hội, doanh nghiệp; tập trung giải quyết có hiệu quả những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước đang tiến hành đối với hàng xuất khẩu…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo