xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ tích xuất khẩu 2018

Phương Nhung - Nguyễn Hải - Vương Ngọc

Ngành nông - lâm - thủy sản lập công lớn trong thành tích xuất siêu kỷ lục của Việt Nam năm 2018

Số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy năm 2018, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu với giá trị xuất siêu chưa từng có với 7,2 tỉ USD, cách xa mức xuất siêu 2,1 tỉ USD năm 2017.

Đột biến ngành gỗ

Tuy cơ cấu xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước thấp so với khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của DN nội là 15,9%, cao hơn tốc độ 12,9% của khu vực FDI. Trong đó, điểm sáng là xuất khẩu nông - lâm - thủy sản với giá trị gia tăng khá lớn.

Ngành gỗ gây bất ngờ nhất với thành tích xuất khẩu ước tính tới 9,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm trước. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết năm qua, nhiều DN ký được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn, lên đến hàng chục triệu USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn, năng lực trong ngành công nghiệp gỗ và nội thất của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới. Thời gian qua, các DN gỗ đầu tư mạnh cho thiết bị tự động, kể cả trang bị quy trình quản lý bằng công nghệ thông tin, quản trị, thiết kế, thương hiệu... Do đó, sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu tăng đáng kể.

Kỳ tích xuất khẩu 2018 - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông sản năm vừa qua tăng trưởng mạnh về lượng và chất, đóng góp rất lớn vào xuất khẩu chung của cả nước. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Song Anh

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cũng cho biết hơn 10% DN hiện nay đã có phòng ban thiết kế sản phẩm mới để chào bán ra nước ngoài và đều thành công. Ngoài ra, nhờ mạnh tay đầu tư công nghệ mới giúp năng suất của mỗi công nhân tăng mạnh từ giá trị khoảng 20.000 USD/năm lên 35.000 USD/năm.

Cũng nhờ chủ động thiết kế mẫu mã mà DN xuất khẩu giành được ưu thế trong đàm phán giá. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (Bình Dương), cho biết DN đã đầu tư công nghệ mới và có phòng thiết kế mẫu riêng. Những sản phẩm do chính công ty thiết kế mẫu có giá cao hơn 10%-20% so với mẫu có sẵn của khách hàng đặt làm. "Năm qua, công ty có nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các resort ở Mỹ, Nhật Bản, mỗi đơn hàng lên tới 3-4 triệu USD" - ông Thanh cho biết.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, còn cho thấy dù chỉ mới đến thời điểm cuối năm nhưng nhiều DN đồ gỗ đã ký được hợp đồng xuất khẩu đủ cho hoạt động cả năm 2019. Không ít DN phải gấp rút lên kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất mới có khả năng đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Xuất khẩu gạo dần "lột xác"

Bên cạnh gỗ, xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng 16%, đạt giá trị 3,1 tỉ USD. Điểm nổi bật của xuất khẩu gạo năm qua là duy trì đà tăng trưởng cao giữa lúc thị trường số 1 - Trung Quốc giảm sút đến 40%, nhờ sự trở lại của thị trường truyền thống là Philippines và Indonesia.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, thâm nhập được những thị trường có yêu cầu cao như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu từng bước chuyển hướng tích cực, giảm gạo chất lượng thấp, trung bình sang gạo trắng chất lượng cao. Đáng chú ý, gạo thơm đang chiếm tỉ lệ 34% tổng lượng gạo xuất khẩu; ngoài ra, còn phát triển gạo nếp, gạo hữu cơ, gạo đồ…

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), đánh giá năm 2019, xuất khẩu gạo khó tạo nên đột phá nhưng với sự đầu tư bài bản, dự kiến công ty vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 30%. Hạn chế lớn nhất hiện nay là DN xuất khẩu đang phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của bên mua, trong đó có việc bán "xô", không tên tuổi. Do đó, bài toán dành cho các DN là phải đầu tư vào chất lượng để được người tiêu dùng biết đến, tiến tới yêu cầu nhà nhập khẩu gắn tên công ty xuất khẩu thay cho nguồn gốc chung là "Original Việt Nam" như hiện nay.

Một lĩnh vực cũng ghi nhận kết quả xuất khẩu đột phá năm qua là thủy sản với 9 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm 2017, hướng tới mục tiêu 10 tỉ USD vào năm 2019. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU, đạt khoảng 2,3 tỉ USD. Hiện tại, hơn 95% cá tra xuất khẩu là dạng thô nên vẫn còn nhiều dư địa phát triển chiều sâu với các sản phẩm giá trị gia tăng như: collagen, dầu ăn, thức ăn nhanh, các loại thực phẩm chức năng…

"Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã phát triển nuôi cá tra nhưng Việt Nam vẫn chiếm trên 52% thị phần. Vấn đề DN cá tra Việt Nam cần làm là tự chấn chỉnh nội bộ để duy trì lợi thế cạnh tranh chứ không phải áp lực từ bên ngoài" - ông Quốc nhận định.

Nguồn lực rất lớn từ FDI

Thúc đẩy nội lực của DN trong nước để tăng tỉ trọng xuất khẩu là mục tiêu được ưu tiên, song không thể phủ nhận và từ chối dòng vốn FDI khi nguồn lực này đóng góp đến 71,7% giá trị xuất khẩu năm 2018. Các nhóm hàng xuất khẩu dẫn đầu đa phần thuộc về khối FDI: điện thoại và linh kiện đạt 50 tỉ USD, chiếm 20,4% tổng giá trị; công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính 90,2 tỉ USD, chiếm 36,9%... Đặc biệt, khi khối FDI bắt đầu cải thiện được chất lượng vốn và nâng cao tỉ lệ giải ngân so với vốn đăng ký mới thì thu hút FDI vẫn xứng đáng được đánh giá là một trong những điểm sáng.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư - Tổng cục Thống kê, cho hay với tốc độ giải ngân vốn FDI đạt đỉnh 19,1 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ, trong khi vốn đăng ký mới có dấu hiệu giảm, đã thể hiện chất lượng khá tốt của nguồn vốn đưa vào nền kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp - Tổng cục Thống kê, ông Phạm Đình Thúy, cũng thừa nhận khu vực FDI tăng trưởng nhanh và cao trong những năm gần đây bởi Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hội nhập quốc tế. Tuy vậy, DN Việt Nam lại chưa sẵn sàng hội nhập, còn lúng túng trong tận dụng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. "Mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, nâng cấp công nghệ, tăng vốn, đào tạo lại lao động... là những việc DN Việt phải làm để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, đưa thành tích xuất khẩu tiệm cận với DN FDI" - ông Thúy nói.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nhận định Việt Nam là môi trường lý tưởng cho các tập đoàn xuyên quốc gia đặt xưởng sản xuất nhằm mục tiêu xuất khẩu. "Tập đoàn Hyundai xác định Việt Nam có thể là một cơ sở sản xuất, không chỉ để tiêu thụ nội địa, mà còn có thể xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á và các thị trường khác. Nếu lao động Việt Nam, ngành ôtô Việt Nam phát triển, không lý do gì Hyundai không phát triển cơ sở sản xuất lớn ở đây và xuất khẩu ra nước ngoài" - ông Hong Sun thông tin sau cuộc trò chuyện với lãnh đạo Tập đoàn Hyundai. Ông cũng cho biết có thể còn nhiều dòng vốn ở các lĩnh vực khác của Hàn Quốc quan tâm đến thị trường Việt Nam, như điện thoại, thép…

Ông Khoon Goh, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á, Ngân hàng ANZ, nhận định với một số hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận mạnh mẽ với dòng chảy thương mại và đầu tư lớn. Đây là cơ hội để DN trong nước đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu dồi dào. 

Nhiều thuận lợi cho năm mới

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018 cộng với Hiệp định Thương mại EU - Việt Nam được kỳ vọng sớm phê chuẩn vào đầu 2019 sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. "Trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn đang chọn chính sách bảo hộ để bảo vệ quyền lợi quốc gia, Việt Nam tiếp tục chọn con đường hội nhập với kinh tế thế giới. Chính sách này sẽ không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI, thúc đẩy tăng trưởng thương mại 2 chiều mà còn tạo áp lực để Việt Nam tiếp tục cải cách nền kinh tế nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao của các FTA thế hệ mới, từ đó tạo nền tảng phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai" - HSBC nhận định.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ căng thẳng thương mại leo thang trên thế giới, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Đơn hàng xuất khẩu mới và việc làm tăng mạnh hơn, dòng FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất có thể là những tín hiệu đầu tiên từ ảnh hưởng của việc dòng thương mại chuyển hướng tới Việt Nam.

Th.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo