xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng

Phạm Dương thực hiện

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương - khẳng định Đảng ta xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

. Phóng viên: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò, đóng góp cũng như sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân (KTTN) tại nước ta hiện nay?

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương NGUYỄN VĂN BÌNH

- Trưởng Ban Kinh tế trung ương NGUYỄN VĂN BÌNH: Khu vực KTTN ở Việt Nam, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2017), đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Theo đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tăng mạnh từ 655.000 của năm 2017 lên 730.000 năm 2018 và đạt hơn 743.000 DN vào cuối quý I/2019. Quy mô của nhiều DN ngày càng mở rộng, một số DN đạt tổng tài sản đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và sử dụng hàng chục ngàn lao động. Khu vực KTTN hiện chiếm khoảng 40% GDP cả nước.

Sau 2 năm thực hiện nghị quyết, khu vực KTTN ở Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng; đóng góp ngày càng tăng cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội theo hướng nhanh và bền vững. Những kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định tính đúng đắn và sự phù hợp với xu hướng phát triển chung của nghị quyết với tư cách là sự kế thừa và phát triển đường lối lớn về phát triển KTTN của Đảng ta kể từ khi Đổi mới đến nay.

. Theo ông, vai trò và sự đóng góp đó vào nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của KTTN?

- Mặc dù đã có thêm bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng nhưng khu vực KTTN ở nước ta vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế này thu hút trên 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm nhưng đóng góp vào GDP cũng như tăng trưởng GDP còn chưa tương xứng.

Số lượng DNTN thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp. Sự gia tăng số lượng của DNTN chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển. Phần lớn (97%) DNTN là các DN nhỏ và vừa, với khoảng 70% DN đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỉ đồng. Cùng với đó là vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất...

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng - Ảnh 2.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40% GDP cả nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khu vực KTTN ở nước ta vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế là do khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cả về nhận thức lẫn khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách cũng như môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, nhiều bất cập; chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương; chưa thực chất trên một số lĩnh vực cũng như năng lực nội tại chưa cao của chính khu vực này.

. Với cương vị người đứng đầu cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách kinh tế của Đảng, ông nhìn nhận thế nào về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII trong 2 năm qua và Nghị quyết số 98-NQ/CP của Chính phủ? Chúng ta cần làm gì để KTTN phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, đóng góp cho nền kinh tế đất nước?

- Để khu vực KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần kiên trì thực hiện và thực hiện có hiệu quả 5 nhóm giải pháp đã được đặt ra trong nghị quyết.

Trong đó, việc bảo đảm sự thống nhất nhận thức về phát triển KTTN, nhất là về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, sẽ giúp củng cố niềm tin của thị trường và xã hội vào triển vọng phát triển của khu vực kinh tế này. Đó là mối quan hệ Đảng lãnh đạo; nhà nước quản lý, điều tiết, phân bổ nguồn lực nhà nước dựa trên nguyên tắc của thị trường, bảo đảm sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thị trường là cơ chế chủ yếu phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế; người dân làm chủ với nguyên tắc "Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và "tất cả là của dân, do dân và vì dân". Điều này sẽ giúp cho nguồn lực được phân bổ hiệu quả, tránh được tình trạng "thị trường thân hữu, lợi ích nhóm" và bảo đảm được tính XHCN của nền kinh tế thị trường.

Đồng thời, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cần phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn và thực chất hơn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương nhằm giảm chi phí giao dịch và tạo dựng một "sân chơi" thực sự công bằng, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận thị trường và tiếp cận các nguồn lực cho đầu tư và kinh doanh của khu vực KTTN.

Bên cạnh những nỗ lực của chính bản thân khu vực KTTN, nhà nước cũng cần phải có vai trò chủ động và tích cực hơn, với tư cách là "bà đỡ" để định hướng và dẫn dắt khu vực KTTN bắt nhịp với xu hướng phát triển mới, đặc biệt là chuyển đổi số thông qua việc tạo ra sự đột phá trong thể chế phát triển, nhất là thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống đổi mới và sáng tạo quốc gia; hỗ trợ nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ tài chính hay đặt hàng nghiên cứu và triển khai đối với những DN có tác động đột phá và lan tỏa cao, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất với nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; chuyển đổi căn bản sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; nền kinh tế đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, khác về chất và dựa nhiều hơn vào nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo; những yêu cầu cấp thiết về bảo đảm sự độc lập và tự chủ của nền kinh tế... đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với sự phát triển của khu vực KTTN nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung.

Để tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức đó, khu vực KTTN phải là một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác và qua đó tới toàn bộ nền kinh tế. Đó phải là một khu vực kinh tế với sự kết hợp hài hòa và hữu cơ giữa các DN nhỏ và vừa với các DN/tập đoàn tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh quốc tế; dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng; có tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ khu vực KTTN.

. Ông trông đợi gì từ kết quả của Diễn đàn KTTN 2019 diễn ra trong 2 ngày 2 và 3-5 này và KTTN sẽ phát triển ra sao sau diễn đàn được xem là một "Hội nghị Diên Hồng" về phát triển KTTN?

- Diễn đàn thu hút 2.500 DN tiêu biểu tham dự cùng hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý. Diễn đàn là dịp để các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là các hiệp hội, DNTN trong cả nước được phản ánh về các nút thắt, rào cản, khó khăn cũng như đề xuất, kiến nghị và hiến kế với Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để KTTN phát triển hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Diễn đàn KTTN Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương đồng chủ trì khai mạc hôm nay (2-5) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và 2.500 DN tiêu biểu. Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày với chủ đề "Phát triển KTTN Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ" gồm phiên toàn thể cùng 7 hội thảo, tọa đàm chuyên đề, hoạt động triển lãm và kết nối DN.

Diễn đàn là nơi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan quản lý lắng nghe kiến nghị và nhìn nhận những nút thắt cản trở khu vực KTTN, từ đó điều chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực này phát triển, trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo