xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế ban đêm đang chuyển biến tích cực

Nhóm phóng viên

Đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch ban đêm là chủ trương đúng đắn nhằm tăng cường thu hút, giữ chân du khách ở lại và chi tiêu nhiều hơn

Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam" với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm. Từ đó đến nay, rất nhiều tỉnh, thành đua nhau mở phố đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực để phục vụ người dân, du khách.

Đầu tư mạnh cho kinh tế ban đêm

Ghi nhận tại TP HCM, ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện đã rất nhộn nhịp nhiều năm, thì các quận, huyện cũng đã, đang triển khai một loạt phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Hậu Giang (quận 6)… 

Ngoài ra, thành phố cũng đang lên kế hoạch mở thêm phố ẩm thực Hà Tôn Quyền (quận 11), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận); huyện Hóc Môn đề xuất mở chợ đêm - phố đi bộ; UBND huyện Cần Giờ cũng đã có đề án xây dựng mô hình kinh tế ban đêm, đang trình các sở, ngành, UBND TP thẩm định phê duyệt.

Mới đây nhất, UBND quận 6 đã lập đề án kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch tại quận 6 và đang chờ văn bản góp ý của các sở, ban, ngành thành phố. Theo đề án này, quận 6 sẽ tổ chức phố đêm Chợ Lớn trên các tuyến đường xung quanh chợ Bình Tây: vỉa hè 4 tuyến đường Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình với tổng diện tích hơn 1.500 m2. Nơi đây tổ chức thành 8 khu chức năng, buôn bán các mặt hàng ăn uống, món ăn đặc trưng của người Hoa, thời trang, đồ lưu niệm, đồ công nghệ cùng các không gian công cộng.

Kinh tế ban đêm đang chuyển biến tích cực - Ảnh 1.

Chợ đêm Helio ở Đà Nẵng thu hút rất đông người dân, du khách tham quan, mua sắm .Ảnh: HẢI ĐỊNH

Tại các tỉnh, thành khác, cụ thể là TP Huế mới đây đã khai trương phố đi bộ Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh dài 850 m vào tối 26-3 thu hút hàng ngàn người dân, du khách tham dự. Đây là phố đi bộ thứ ba ở TP Huế sau khu phố Tây ở đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu và Hoàng thành Huế ở đường Lê Huân, 23 tháng 8.

Phố đi bộ Hai Bà Trưng được đầu tư với số tiền 52 tỉ đồng. Theo UBND TP Huế, phố đi bộ Hai Bà Trưng là sự kết hợp các khu vực thương mại sẵn có và khai thác các dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí về đêm cho người dân và du khách, góp phần quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Huế thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa. Ngoài ra, đây là không gian tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đường phố... góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho người dân địa phương, du khách và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tại ĐBSCL, theo quyết định của đề án phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2023, tỉnh Hậu Giang sẽ chi 12.000 tỉ đồng để đầu tư và tận dụng tối đa cơ hội nhằm phát triển kinh tế ban đêm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân… Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào phát triển đa dạng các dịch vụ ẩm thực, mua sắm, giải trí và du lịch ở TP Vị Thanh và Ngã Bảy, như: Phát triển du lịch tham quan chợ nổi Ngã Bảy, trải nghiệm văn hóa sông nước; tổ chức hoạt động phố đi bộ, lễ hội đường phố, nghệ thuật đương đại; phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, tuyến du lịch đường thủy kênh xáng Xà No, phố đi bộ - ẩm thực kênh xáng Xà No, mua sắm tại Khu Văn hóa hồ Sen (TP Vị Thanh), du lịch đường thủy Ngã Bảy sông (TP Ngã Bảy)…

UBND tỉnh Bến Tre cũng vừa ban hành đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030. Theo đó, tổng nhu cầu nguồn vốn cho các dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm là gần 690 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án là phát triển kinh tế ban đêm theo hướng tận dụng và phát huy tối đa thuần phong mỹ tục, văn hóa đặc sắc của xứ dừa Bến Tre, nhằm kéo dài thời gian hoạt động kinh tế ban đêm của người dân địa phương và thu hút khách du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bến Tre sẽ hình thành ít nhất 2 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; phát triển ít nhất 2 - 3 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của quê hương Đồng khởi. Đến năm 2030, sẽ thành ít nhất 4 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; phát triển ít nhất 5-6 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương…

Tín hiệu khả quan

Trong những mô hình phố đi bộ, chợ đêm có thể xem là thành công ở thời điểm hiện tại, không thể không nhắc tới chợ đêm Phú Quốc và thành phố không ngủ Grand World ở Phú Quốc. Chị Hồng Ánh (ngụ TP HCM) cho biết chị và một nhóm bạn hơn chục người vừa có chuyến công tác ở Phú Quốc, trong đó đoàn chị nghỉ tại khách sạn sát bên Grand World và có dịp khám phá phố đêm ở khu vực này. "Đoàn chúng tôi ăn tối trong chợ đêm rồi đi xem sô biểu diễn nghệ thuật Tinh hoa Việt Nam vào lúc 20 giờ, tiếp đó là chờ xem biểu diễn nhạc nước vào lúc 21 giờ 30 phút. Các sô diễn tổ chức công phu, hoành tráng; ẩm thực có nhiều lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Khách tham quan có thể đi bộ, đi dạo hoặc đi xe điện, thuê xe máy tùy nhu cầu. Tôi thấy cách tổ chức phố đêm ở đây đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch" - chị Hồng Ánh kể.

Hay chợ đêm Helio (đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu) là một trong những trung tâm thu hút du khách vào ban đêm ở Đà Nẵng. Bà Lê Thị Tú Nhi, Trưởng Phòng Marketing chợ đêm Helio, cho biết chợ đêm mở cửa miễn phí cả tuần với khung giờ từ 17 đến 23 giờ 30 mỗi ngày. Rất nhiều khu vực ở đây được bài trí với ánh đèn lung linh, đa dạng sắc màu, bởi vậy du khách sẽ thỏa sức "sống ảo" với những góc chụp cực đẹp. Ngoài ra, chợ cung cấp gần 100 gian hàng mua sắm, ẩm thực. Khách đến chợ ngoài ăn uống, mua sắm còn thưởng thức nhạc sống với màn trình diễn của các nhóm nhạc chuyên nghiệp.

Dự kiến vào dịp nghỉ hè, đơn vị sẽ tung ra nhiều chương trình, hoạt động, sự kiện hoành tráng để thu hút du khách. "Dịp hè đến, chợ đêm kỳ vọng đón từ 3.000 - 5.000 khách/đêm. Mong muốn các cơ sở kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng cùng bắt tay nhau, tăng kết nối để tạo thành thương hiệu ngành du lịch thành phố" - đại diện Helio Center cho hay.

Tại TP HCM, ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết với lợi thế trung tâm của TP HCM là nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn lớn, công trình văn hóa, di tích nổi tiếng, việc khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế và các sản phẩm kinh tế ban đêm nói riêng đã được quận 1 khai thác khá hiệu quả. Như với phố đi bộ Bùi Viện, tình hình kinh doanh tại đây khá tích cực với khoảng 1.000 - 1.500 lượt khách đến vào các dịp cuối tuần. Các dịp lễ hội có từ 4.000 - 5.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch… "Kinh tế tại khu vực phố đi bộ Bùi Viện có bước phát triển hơn so với trước, theo ước tính của Chi cục Thuế quận 1, doanh thu tại các cơ sở kinh doanh tuyến phố này tăng từ 30%-50% so với các ngày trong tuần và so với thời điểm trước khi triển khai phố đi bộ. Các tuyến phố đi bộ kết hợp quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực đêm đã thêm sân chơi cho người dân và du khách" - ông Nguyễn Duy An nói.

Theo ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), các thành phố du lịch lớn ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch đêm là một chủ trương đúng đắn. Mục đích là nhằm tăng cường thu hút du khách đến thành phố, giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, qua đó góp phần tăng doanh thu cho ngành kinh tế du lịch thành phố. "Như vậy, bên cạnh nguồn doanh thu của "kinh tế ngày", chúng ta sẽ có thêm nguồn thu từ các hoạt động "kinh tế ban đêm", mà du lịch chính là chìa khóa, là đòn bẩy để kích cầu, nâng cao đời sống kinh tế của người dân thành phố" - ông Bình nói.

Tuy vậy, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng phát triển kinh tế ban đêm cần sự đồng bộ hóa chứ không phải chỉ là chợ ẩm thực về đêm. Như các phố đi bộ thì cần phát triển ẩm thực, giới thiệu những món ăn đặc sắc tới du khách; phát triển văn hóa đặc trưng của từng vùng miền; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện để du khách có thể tới; có nơi để du khách mua sắm, tiêu tiền… 

(Còn tiếp)


Hà Nội tung hơn 10.000 tour, sản phẩm du lịch

Tại họp báo Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023, sáng 28-3, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt, cho hay đã có trên 50 tỉnh, thành phố của Việt Nam, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia hội chợ với 450 gian hàng và 600 đơn vị tham gia gian hàng. Các doanh nghiệp đã chuẩn bị trên 10.000 tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi. Ban tổ chức ước tính sẽ đón hơn 60.000 khách tới tham quan trong 4 ngày, bên cạnh đó, khoảng 2.500 doanh nghiệp đến tham quan và làm việc tại hội chợ. Y.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo