xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giúp doanh nghiệp bớt áp lực vốn

THÁI PHƯƠNG - THY THƠ

Động thái quyết liệt và liên tục của ngành ngân hàng góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực vay vốn, trả nợ và có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động

Hàng loạt động thái mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như hạ một loạt lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi vay ngắn hạn cho một số lĩnh vực ưu tiên; hướng dẫn các NH thương mại giảm lãi vay, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ… cho thấy nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vượt qua khó khăn.

Xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ

Ghi nhận của Báo Người Lao Động, đến ngày 18-3, nhiều NH đã, đang bắt tay vào việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tiếp cận với nhiều DN để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn; giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu.

Giúp doanh nghiệp bớt áp lực vốn - Ảnh 1.

Ngành ngân hàng đang rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn về vốn, lãi suất để duy trì hoạt động Ảnh: Tấn Thạnh

Giám đốc một chi nhánh của Vietcombank tại TP HCM cho biết có hàng chục khách hàng, nhất là nhóm DN du lịch, nhà hàng, khách sạn đã gửi đơn hoặc điện thoại đề nghị NH giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu. Một số DN khác có khoản vay phải tất toán trong tháng 3, 4 cũng mong được gia hạn thời điểm trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo tìm hiểu, để được NH giảm lãi suất hay gia hạn nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, trước hết, DN phải thuộc ngành nghề vận tải kho bãi, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, thực phẩm và đồ uống có cồn; là đơn vị xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc hoặc có nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường khác Hàn Quốc, Nhật Bản... Đồng thời phải có doanh thu xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc chiếm trên 50% tổng doanh thu của năm 2019. Giám đốc cấp chi nhánh của NH được quyền quyết định giảm lãi tối đa 500 triệu đồng đối với khách DN và 300 triệu đồng đối với khách hàng cá nhân.

"Quy mô dư nợ ban đầu Vietcombank dự kiến hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng khoảng 78.000 tỉ đồng. Nhưng nay do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, chúng tôi đang xem xét mở rộng đối tượng khách hàng được áp dụng, cũng như xem xét mở rộng quy mô dư nợ được hỗ trợ có thể lên tới 120.000 tỉ đồng" - ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, nói.

Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãnh đạo chi nhánh Tân Sơn Nhất cho hay vài ngày nay chi nhánh cũng liên tục nhận được cuộc gọi từ các DN đề nghị giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, trong đó có cả đơn vị không thuộc đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Theo vị này, hiện nay phần lớn khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh chỉ mong muốn được giảm lãi vay để bớt phần nào chi phí hoạt động.

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng DN vừa và nhỏ NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhìn nhận DN vừa và nhỏ là nhóm có khả năng bị tổn thương cao nhất, bởi nguồn vốn có hạn, dòng tiền cũng không đủ dồi dào để trù bị cho quãng thời gian tạm ngừng kinh doanh lâu. Do đó, VPBank đã chủ động tìm hiểu, rà soát các khách hàng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch Covid-19; phối hợp với các bộ phận chuyên môn đánh giá tình hình của từng DN, từ đó thiết kế các phương án tái cấu trúc nợ. Như việc giãn thời gian trả nợ góp phần bảo đảm dòng tiền của DN chịu ảnh hưởng nhỏ nhất có thể. Một số trường hợp đặc biệt, NH có đưa ra cơ chế giảm lãi vay để DN không phải chịu ảnh hưởng kép.

Khó chứng minh thiệt hại

Dù các NH đã vào cuộc nhưng bản thân các DN không dễ chứng minh thiệt hại để hưởng ưu đãi, hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 18-3, tổng giám đốc một DN du lịch tại TP HCM cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, DN ông bị ảnh hưởng nặng nề vì khách quốc tế không đến, hàng loạt tour bị hủy, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Công ty liên hệ NH đã làm việc từ nhiều năm qua để xin được miễn, giảm lãi vay nhưng đến giờ vẫn chưa được duyệt. "Công ty tôi có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động khoảng 10 tỉ đồng, thời hạn từ 18-24 tháng nhưng các NH thân quen đều từ chối. Họ cho rằng DN tôi nằm trong nhóm kinh doanh rủi ro cao nên không được duyệt cho vay, trong khi thực tế, thời điểm dịch bệnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm DN du lịch, nhà hàng, khách sạn… Giờ họ nói nhóm rủi ro cao, không cho vay thì chúng tôi biết xoay xở ra sao?" - vị tổng giám đốc DN này than.

Một trong những điều kiện tiên quyết để nhận sự hỗ trợ từ NH thương mại là phải xác định được mức độ giảm sút dòng tiền, doanh thu… trong các tháng gần đây của DN, từ đó xem xét giảm lãi suất 0,5-1%/năm.

Giám đốc chi nhánh của Eximbank cho hay trường hợp DN gặp quá nhiều khó khăn do dịch bệnh, có nguy cơ cao chưa trả được nợ đúng hạn thì cần phải công khai "sức khỏe" của mình để NH kiểm tra, thẩm định năng lực hoạt động thực tế. Từ đó, NH mới quyết định thời gian gia hạn nợ hoặc cho vay mới.

Ông Đào Gia Hưng phân tích dù đã rất chủ động và vào cuộc từ rất sớm, trước cả khi cơ quan quản lý đưa ra những khuyến nghị đối với các NH trong việc hỗ trợ cho DN nhưng VPBank nhận thấy việc rà soát các DN bị ảnh hưởng quả thật không dễ dàng. Với những DN chịu ảnh hưởng trực tiếp, việc xác định có những tiêu chí và căn cứ nhất định thông qua lịch sử kinh doanh của DN. Trong khi những DN chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch bệnh Covid-19 lại rất khó định lượng, xác minh thì cả NH và DN đều đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để tìm hướng hỗ trợ hiệu quả.

Lãnh đạo một NH thương mại cho rằng NH rất cần DN cung cấp đầy đủ các chứng từ để có cơ sở giảm ngay lãi suất. Còn trường hợp DN sắp đến thời hạn trả nợ nhưng do dịch bệnh chưa trả được, NH sẽ xem xét để khoanh nợ trong thời gian nhất định, không tính tiền phạt nợ quá hạn và không chuyển khoản sang nhóm nợ xấu. Nhưng việc này đòi hỏi DN cung cấp nhiều chứng từ chứng minh hoạt động kinh doanh hiện đang gặp khó để NH gia hạn nợ theo đúng quy định của NHNN, vì NH thương mại cũng là đơn vị kinh doanh nếu phát sinh nợ xấu sẽ "lãnh đủ". 

Cần thêm chính sách tài khóa

Nói về việc hạ lãi suất, gia hạn nợ, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét động thái này tác động tích cực lên thị trường tài chính, làm cho chi phí vay vốn của DN giảm, từ đó họ có thể tiếp tục sử dụng vốn NH hoặc vay mới sau khi dịch bệnh chấm dứt. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vay rất thấp, hệ thống NH dồi dào về thanh khoản, lãi suất cho vay đã giảm thì chỉ chính sách tiền tệ thôi là chưa đủ mà cần thêm chính sách tài khóa như giảm, hoãn nộp thuế... vì đây là các yếu tố mà DN cần thực hiện ngay lúc này để giúp họ duy trì sản xuất - kinh doanh. Thậm chí, Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ các DN vay tiền thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng. Khi đó, DN đang gặp khó khăn về dòng tiền có thể được hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn ngân sách này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo