xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa

Thanh Nhân - Minh Chiến

19 tỉnh, thành Đông, Tây Nam Bộ đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16 chậm nhất từ 0 giờ ngày 19-7 (bao gồm cả TP HCM, Tây Ninh, Đồng Nai đang áp dụng) khiến áp lực bảo đảm nguồn rau củ quả, thịt, cá... phục vụ bữa cơm hằng ngày cho người dân càng khó khăn hơn

Xác định nguồn hàng hóa thực phẩm - đặc biệt là rau củ quả, thủy hải sản phục vụ thị trường TP HCM - sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian nhiều tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16, từ 3 ngày nay, ngành công thương cùng các doanh nghiệp (DN) TP HCM khẩn trương tìm phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu.

Gấp rút tìm thêm nguồn cung thực phẩm

Sở Công Thương TP HCM đã tích cực kết nối với Sở Công Thương các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Bắc để tìm nguồn hàng thay thế, bổ sung cho thị trường. Các DN bán lẻ lớn tại TP HCM cũng liên tục liên hệ với các nhà cung cấp nhiều tỉnh, thành để tìm nguồn hàng bổ sung.

Các DN bày tỏ lo ngại việc các địa phương cùng áp dụng Chỉ thị 16 khiến việc thu hoạch, vận chuyển nông sản, thực phẩm về TP HCM càng khó khăn hơn; người tiêu dùng các tỉnh cũng bắt đầu tích trữ mặt hàng này. Việc thu mua, cung cấp hàng hóa cho TP HCM dự báo sẽ vất vả hơn.

Giữ thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty TNHH SX - TM Nông sản Phong Thúy (tỉnh Lâm Đồng) sơ chế rau củ quả để đưa về TP HCM tiêu thụ Ảnh: THANH NHÂN

Giám đốc kinh doanh một hệ thống siêu thị lớn cho hay nguồn rau củ mà hệ thống này đang kinh doanh chủ yếu từ Lâm Đồng và các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang; một số thu mua ở Đắk Nông và từ các HTX nông nghiệp tại TP HCM.

"Điều đáng ngại nhất là khi một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16 một cách cứng nhắc, nông dân không thể ra đồng thu hoạch, nhà cung cấp không thể tổ chức thu mua và việc vận chuyển hàng hóa qua các tỉnh, thành càng khó khăn, tốn nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, Lâm Đồng - vùng cung cấp rau ôn đới lớn nhất cho TP HCM - cũng sẽ thực hiện Chỉ thị 16. Khi đó, việc thu hoạch, tập kết, vận chuyển rau củ quả từ Lâm Đồng về TP HCM sẽ không còn thông suốt như hiện nay" - vị giám đốc này lo ngại.

Hiện các DN đang triển khai nhiều phương án, trong đó có phương án tăng cường thu mua nông sản, hàng hóa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và phía Bắc, dù chủng loại mặt hàng của khu vực này không được dồi dào như các tỉnh miền Nam.

Nhiều DN cũng đang tính toán bổ sung nguồn cung thủy hải sản. Tuy nhiên, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Big C... lâu nay phụ thuộc vào nguồn thủy hải sản phong phú ở các tỉnh miền Tây, khó có thể chuyển sang địa bàn khác trong một sớm một chiều.

Về mặt hàng trứng gia cầm, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cũng lo ngại khả năng sẽ thiếu hụt nguồn cung cho người dân TP HCM trong những ngày tới. Từ nhiều ngày nay, Công ty Ba Huân đã cắt hết đơn hàng của các hệ thống lò bánh tại TP HCM, ngưng bán hàng đi tỉnh để dồn 100% sản lượng cho kênh phân phối hiện đại, mỗi ngày giao hơn 1 triệu quả trứng cho các siêu thị, cửa hàng nhưng sản lượng đang giảm dần.

"50% sản lượng được thu hoạch từ các trang trại của Công ty Ba Huân, 50% mua ngoài thị trường nhưng hiện một số tỉnh "ngăn sông cấm chợ", việc đi lại khó khăn nên lượng thu mua bên ngoài giảm sút. Riêng với mặt hàng trứng vịt, dù giá thu mua đã tăng lên mức 30.000 đồng/chục nhưng không có hàng vì vịt không chạy đồng từ xã này qua xã kia, ghe gom trứng cũng không rời khỏi địa bàn để đi gom trứng được" - bà Ba Huân nêu khó khăn.

Không để xảy ra nơi thừa, nơi thiếu hàng

Ngày 18-7, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã họp trực tuyến với Sở Công Thương, Sở NN-PTNT 19 tỉnh, TP để bàn các giải pháp cung ứng, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh 19 địa phương này áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 từ 0 giờ ngày 19-7. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sau 7 ngày áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa đã bị đứt gãy. Việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng, miền gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh 19 địa phương với khoảng 40 triệu người thực hiện giãn cách xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc cung ứng hàng hóa bảo đảm đời sống cho người dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn. "Trước mắt, lương thực, thực phẩm, hàng tươi sống là không thể thiếu" - ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nếu địa phương dựng lên hàng rào thì việc vận chuyển hàng hóa sẽ gặp khó; lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu sẽ khó đến được với người dân. Do vậy, cần hết sức lưu ý khâu này, để không xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu hàng do vận chuyển bị cản trở.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định trong mọi tình huống, 2 ngành công thương và nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân 19 tỉnh, thành, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống và thuốc men. Các địa phương cần kê ra được cái gì mình thiếu, cái gì mình có, cái gì cần mua bán, từ đó có kịch bản phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng kịch bản trong tình huống cao hơn. Trước mắt, có thể áp dụng cơ chế thị trường, phân phối hàng hóa mua bán trao đổi nhưng nếu tình hình phức tạp, vai trò nhà nước rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần làm rõ vướng mắc ở khâu thu hoạch nông sản hay vận chuyển, lưu thông để có giải pháp tháo gỡ. Trong trường hợp gặp khó khăn khi thu hoạch do thực hiện giãn cách, có thể đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ.

Tại điểm cầu TP HCM, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ đề nghị các địa phương làm đúng công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Bên cạnh đó, ông đề nghị Bộ NN-PTNT cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý.

Cần có chính sách thu mua hàng hóa cho nông dân

Đại diện một DN phân phối tại TP HCM phản ánh có tình trạng một số nhà cung cấp tại các tỉnh dù đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN TP HCM nhưng trong những ngày qua đã phá hợp đồng, tuồn hàng ra ngoài bán với giá cao.

"Trong lúc này, rất cần nhà nước có chính sách thu mua hàng hóa cho nông dân, tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch, bán sản phẩm nông sản được thuận lợi để họ tiếp tục đầu tư sản xuất. Nếu để xảy ra tình trạng "ngăn sông cấm chợ", nông dân không bán được hàng, không tái đầu tư sản xuất thì tình trạng khan hiếm hàng hóa, thực phẩm sẽ càng trầm trọng hơn trong một vài tháng tới" - đại diện DN nêu trên thẳng thắn.

P.An

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo