img

(NLĐO) - Đồng Tháp có nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hay trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Sau hơn 7 năm triển khai, Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì, mà chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân; đồng thời đã có nhiều nỗ lực và phát huy nhiều cách làm mới, sáng tạo nhằm giúp nông dân liên kết, xích lại gần với nhau.

[eMagazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo - Ảnh 1.

Từ câu chuyện thay đổi của thị trường cũng như mong muốn nông dân tập hợp lại cùng sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, quy mô lớn đã dẫn đến mô hình Hội quán nông dân được khởi xướng thành lập. Mô hình này đã phát huy được hiệu quả khi nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những giá trị mới cho ngành nông nghiệp Đồng Tháp. 

Thực chất mô hình này chỉ là một thiết chế xã hội nhỏ, tập hợp những nông dân cùng ngành lại với nhau để cùng chia sẻ chuyện nhà cửa, đất đai và sản xuất, dựa trên sự thấu hiểu, mở lòng, chịu đổi mới của nông dân; chấp nhận bước ra khỏi ngôi nhà riêng của mình để vào ngôi nhà chung - Hội quán. Đặc biệt, trong Hội quán nông dân không có một tổ chức chính trị nào điều hành, không biên chế, không ngân sách.

[eMagazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm Hội quán nông dân ở Đồng Tháp

Từ đó, nhận thức, tư duy sản xuất của nông dân được thay đổi, nhiều giá trị khác cũng được phát huy như giá trị dễ nhận thấy nhất từ Đồng Tháp là xóa bớt dần khoảng cách giữa nông dân với chính quyền. Đây là một trong những kênh để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà Nhà nước, cũng là nơi cấp ủy, chính quyền đến gần dân hơn, lắng nghe dân nhiều hơn và tương tác với dân nhiều hơn. 

Thực sự, độ phủ rộng của mối liên kết nông dân - doanh nghiệp của mô hình Hội quán nông dân có thể lớn hơn so với phạm vi của hợp tác xã. Mô hình này hỗ trợ, bổ khuyết cho nhiều hợp tác xã hiện chưa thực sự trở thành một kênh liên kết hiệu quả.

Phát triển mô hình Hội quán là một trong những điểm sáng nổi bật của Đồng Tháp trong những năm gần đây. Hội quán là tập hợp người dân cùng ngành nghề sản xuất, cùng sở thích. Nguyên tắc hoạt động của hội quán là "3 Không - 3 Tự - 3 Cùng" (không bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định và cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng), là nơi cho nông dân ngồi lại cùng các chuyên gia, lãnh đạo địa phương bàn cách nghĩ mới, làm mới. 

Đến nay, hầu hết các Hội quán ra đời đều gắn liền với ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Hoạt động của Hội quán bước đầu hướng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

[eMagazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo - Ảnh 3.

Mô hình Hội quán ở Đồng Tháp được Trung ương đánh giá cao ở tính đoàn kết trong nông dân

Từ mô hình Canh Tân hội quán đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào 7-2016, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 115 Hội quán với hơn gần 6.000 hội viên, trong đó có 26 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập từ 28 mô hình Hội quán. 

Hoạt động của các Hội quán đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; thay đổi tư duy từ "làm kỹ thuật nông nghiệp" sang "làm kinh tế nông nghiệp"; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị bền vững; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, góp phần hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu và mở ra hướng phát triển cho kinh tế hợp tác. 

Từ đó, mô hình Hội quán trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách kinh doanh hiệu quả, liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân cũng ngành nghề, giữa nông dân và nhà khoa học; công tác dân vận bám sát tình hình thực tế; giúp có thêm nhiều nông dân chuyên nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, chia sẻ: Mô hình Hội quán với phương châm "Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác" nhằm chia sẻ và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, góp phần dẫn dắt cho kinh tế hợp tác ở Đồng Tháp phát triển bền vững.

[eMagazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo - Ảnh 4.

Trong sản xuất lúa gạo, Đồng Tháp chọn hướng đi mới, đó là áp dụng mô hình "cánh đồng liên kết". Với lựa chọn này, địa phương mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ. Bên cạnh đó, nông dân tham gia mô hình sẽ biết được trồng cây gì, bán cho ai, bán ra sao. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không còn phải lo chuyện mua ở đâu, của ai và mua như thế nào.

Việc tổ chức lại sản xuất, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống với quá nhiều hạn chế, rủi ro sang phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một định hướng quan trọng ở Đồng Tháp. 

Thành công điển hình là huyện Tam Nông đã định hướng sản xuất nông nghiệp từng bước phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả là đã hình thành một số mô hình sản xuất khá nổi bật. Một trong những mô hình nổi bật về nông nghiệp tại huyện là mô hình "Cánh đồng lớn" áp dụng từ năm 2017. 

Theo đó, huyện Tam Nông mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo mô hình mẫu lớn đạt hơn 44.000 ha với phương thức áp dụng cánh đồng một giống, xuống giống đồng loạt, trừ dịch hại và sâu bệnh một cách khoa học. Kết quả là giá thành sản xuất lúa gạo bình quân giảm 200 đồng/kg so với sản xuất nhỏ lẻ, lợi nhuận bình quân 21 triệu đồng/ha/vụ (tăng 2,8 triệu đồng so với sản xuất truyền thống); tổng lợi nhuận cho nông dân tăng trên 50 tỉ đồng so với trước đây.

[eMagazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo - Ảnh 5.

Cách đồng liên kết ở Đồng Tháp giúp nông dân giảm bớt giá thành trong khâu sản xuất và bao tiêu lúa

Tiếp nối thành công "Cánh đồng lớn", Đồng Tháp xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất cũng tại huyện Tam Nông. Trên địa bàn huyện có hơn 700 ha được sản xuất tập trung với hình thức cho thuê dài hạn, trong đó có hộ dân sản xuất trên diện tích 120 ha và 2 công ty thuê tổng diện tích 290 ha. 

Các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thuê đất sản xuất tập trung, cơ giới hóa các khâu canh tác, liên kết chặt chẽ trong việc tiêu thụ. Lợi nhuận thu được từ mô hình này là 35 triệu đồng/ha/vụ. Đây được xem là mô hình có triển vọng để nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật định hướng sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ, phù hợp với thị trường.

Đồng Tháp xây dựng mô hình "Ruộng nhà mình" thực hiện tại Hợp tác xã Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh) và Hợp tác xã Tiến Cường (huyện Tam Nông) trong vùng dự án VnSAT. Sản phẩm của mô hình là gạo an toàn - tối ưu giá, Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm khâu bao tiêu, chế biến và đóng gói, Công ty Cổ phần chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Việt chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị là Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp xanh Hà Nội và Tập đoàn An Việt. 

Đến nay, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã liên kết tiêu thụ với 2 hợp tác xã được 92 ha, sản lượng 552 tấn, doanh thu từ sản phẩm gạo đạt 1,4 tỉ đồng.

[eMagazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo - Ảnh 6.

Để đa dạng hóa phương thức quảng bá loại đặc sản xoài Cao Lãnh, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) đã mạnh dạn cho ra mắt mô hình "Cây xoài nhà tôi". 

Mô hình với những ưu điểm vượt trội, toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nông dân trồng xoài ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo gắn kết giữa nông dân sản xuất và người tiêu dùng sở hữu được cây xoài mình yêu thích, giúp gia tăng giá trị cây xoài. 

Mô hình giới thiệu cây xoài đến khách hàng thông qua website https://xoaicaolanh.com.vn, từ đó khách hàng có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại. Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình vào khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm. 

Bằng ý tưởng kinh doanh độc đáo này, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã nhận được nhiều đơn hàng trồng xoài qua mạng từ TP HCM, Hà Nội và các tỉnh ở ĐBSCL.

[eMagazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo - Ảnh 7.

Mô hình “Cây xoài nhà tôi” của nông dân Nguyễn Văn Mách bán qua mạng Internet

Nông dân Nguyễn Văn Mách có 12 công đất trồng xoài theo mô hình "Cây xoài nhà tôi", phấn khởi chia sẻ: "Tôi bắt đầu tham gia mô hình từ năm 2016 và sản xuất theo hướng an toàn cho người tiêu dùng. Toàn bộ cây xoài chỉ bán cây xoài thông qua mạng, tới đợt thu hoạch trái sẽ đóng thùng chuyển đến tận tay khách hàng. Có khi, khách hàng tự đến tham quan, trải nghiệm hoặc dành thời gian ghé vườn chăm sóc, thu hoạch đem về làm quà biếu".

Tại buổi gặp gỡ với chủ nhiệm các Hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vào tháng 1-2022, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định: Thời gian qua, mô hình Hội quán ở Đồng Tháp đã tạo ấn tượng và lan tỏa mạnh mẽ. Cơ chế hoạt động tương tự như Hội quán đã có từ lâu đời, tại nhiều nước như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Hội quán cũng là mảnh ghép gắn kết ngành nông nghiệp với Hội nông dân và các chủ thể quan trọng khác, nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Kỳ tới: Phát triển nông nghiệp kết hợp làm du lịch

CÔNG TUẤN - NHA MÂN – NGUYÊN LÂM
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên