xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đột phá để phục hồi kinh tế (*): Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

MINH CHIẾN

Thủ tướng Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh

Ngày 21-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới". Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới", diễn đàn sẽ là cơ hội để cộng đồng DN đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Diễn đàn cũng là nơi thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra trong năm 2022, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đề xuất một số kiến nghị nhằm hướng tới việc khôi phục kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới.

Cụ thể, VCCI kiến nghị tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ DN; hỗ trợ hiệu quả DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia; nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đột phá để phục hồi kinh tế (*): Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2022 Ảnh: NHẬT BẮC

Theo bà Trần Thị Lan Anh, các bên cần nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. "Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực, trong đó có nhiều thị trường mà Việt Nam hiện có lợi thế do các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA" - bà Lan Anh nói và đề nghị có chương trình hành động cụ thể để triển khai.

Đồng tình với kiến nghị tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn của VCCI nêu trên, ông Inoue Soichi, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền khi nền kinh tế phục hồi. Ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc cho vay lãi suất thấp, miễn thuế DN, trợ cấp cho các ngành dịch vụ và công ty khởi nghiệp.

Đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tinh giản thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các cơ quan thuế và hải quan trên toàn quốc. Ông Inoue Soichi cũng kiến nghị Chính phủ, bộ - ngành thực thi linh hoạt Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, khu vực nhà nước và tư nhân thiết lập được cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP để bố trí kịp thời nguồn tài chính và triển khai đầu tư.

Bà Hà Nguyễn, đồng Trưởng Nhóm công tác kinh tế số - VBF, nhấn mạnh chuyển đổi số là chìa khóa cho sự phục hồi - tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Chính phủ phải thể hiện vai trò tiên phong.

"Chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình chuyển đổi. Ngoài những nỗ lực trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm tới những lợi ích lâu dài của chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa cho quá trình triển khai" - bà Hà Nguyễn chia sẻ tại diễn đàn.

Cũng nhấn mạnh đến vấn đề chuyển đổi số, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), nêu rõ Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech) và nền kinh tế sáng tạo, những thay đổi về hành vi trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy sự tăng trưởng đó.

"Để phát huy hết tiềm năng, Việt Nam cần bảo đảm một môi trường pháp lý thuận lợi. Các công ty thành viên của chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các DN Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của họ và thúc đẩy thế hệ khởi nghiệp công nghệ mới nhằm hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam về nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 25% GDP vào năm 2025" - ông John Rockhold nói.

Tập trung 3 khâu đột phá chiến lược

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với Việt Nam của các đại biểu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh "bình thường mới", tình hình đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt trên toàn cầu và trong khu vực, nhiều yếu tố bất ổn, khó lường chưa thể dự báo hết. Việt Nam sẽ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỉ đồng (khoảng trên 4% GDP).

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc xác định nguồn lực bên trong gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Nguồn lực bên ngoài gồm hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trong đó, việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Do đó, Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.

Lãnh đạo Chính phủ mong muốn các DN, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Với các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại diễn đàn, Thủ tướng giao các bộ - ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi nhằm tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.

Theo ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn - VBF, Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, tuy nhiên sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được.

Theo ông, việc giải quyết tất cả vấn đề để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản nhưng nếu nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả khả quan. Trước mắt, ông Dominic Scriven cho rằng Việt Nam nên đẩy nhanh việc xây dựng TP HCM trở thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo