xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Động lực tăng trưởng từ FDI

Minh Chiến- Thái Phương

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế trong nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế

Ba mươi năm mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã tranh thủ được nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường xuất khẩu để phát triển nền kinh tế. Mặc dù vậy, doanh nghiệp (DN) trong nước đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn.

"Thay da đổi thịt"

Đánh giá về đóng góp của nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết khu vực FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới, tạo sự đa dạng và gia tăng mức độ tinh xảo, phức tạp trong các sản phẩm. Dòng vốn FDI đang có xu hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành, nghề có giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất máy vi tính, các sản phẩm điện tử, quang học và các ngành dịch vụ cho sản xuất.

Động lực tăng trưởng từ FDI - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp FDI đã lan tỏa công nghệ đến doanh nghiệp trong nước. Trong ảnh: Sản xuất nồi cơm điện tại một doanh nghiệp cơ khí ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia như Samsung, LG, General Electric, Panasonic… đầu tư vào Việt Nam, đưa kinh tế nước ta tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực và có tác động lan tỏa công nghệ nhất định tới khu vực DN trong nước.

Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên… đã "thay da đổi thịt" sau 30 năm mời gọi FDI. Điển hình như tỉnh Bắc Ninh, chỉ trong 5 năm gần đây, nhờ những đóng góp từ nguồn vốn FDI, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 82% cơ cấu kinh tế tỉnh. Các dự án FDI ở Bắc Ninh được đánh giá cao về chất lượng nhờ sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn mang thương hiệu toàn cầu như Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Pepsico (Mỹ), ABB (Thụy Điển).

Tỉnh Bình Dương nhiều năm qua luôn đứng "top" đầu trên cả nước về thu hút FDI. Tính đến tháng 6-2017, địa phương này đã thu hút tổng cộng 2.946 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt hơn 27,4 tỉ USD. Về đối tác đầu tư, đến nay đã có hơn 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương với nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ.

Mặc dù 30 năm qua, dòng vốn FDI đã góp phần đáng kể vào nền kinh tế của cả nước, song cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được giải quyết, khắc phục. Bộ KH-ĐT nhìn nhận liên kết của khu vực FDI với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao, chuyển giao công nghệ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đặc biệt, tỉ trọng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia còn thấp, đầu tư từ Mỹ, EU vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng.

Bỏ lỡ nhiều cơ hội

Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra sự kết nối giữa DN trong nước và DN FDI còn hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng thời gian tới, việc thu hút đầu tư cũng phải tạo điều kiện cho sự gắn kết giữa 2 khu vực này, tạo động lực cho DN trong nước phát triển, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị.

Trả lời câu hỏi vì sao liên kết giữa DN FDI và DN trong nước vẫn rất yếu sau 30 năm, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng DN Việt Nam lâu nay kinh doanh chủ yếu về giá, bán được ra nước ngoài nhờ làm theo giá rẻ nên khi DN FDI vào, nhất là các DN đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tốt hơn thì mô hình kinh doanh của chúng ta không phù hợp. Thực tế, rất ít tập đoàn lớn nước ngoài chủ động "cầm tay chỉ việc" cho từng DN trong nước nên nếu DN thụ động ngồi đợi FDI chuyển giao công nghệ, đặt hàng thì dù là 20 năm hay 30 năm, DN Việt cũng rất khó tham gia được vào chuỗi sản xuất của FDI.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, DN muốn đứng được một chân vào trong chuỗi cung ứng thì phải tự lớn mạnh. Thời gian qua, DN Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tiên là khoảng năm 1998, giai đoạn 10 năm sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài. Thời điểm đó, nếu muốn, chỉ có DN nhà nước tham gia kết nối. "Nếu chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa để các DN nhà nước cạnh tranh trên thị trường trong giai đoạn đó thì câu chuyện đã khác" - ông Thành nói.

Cơ hội thứ 2 là Luật DN vào năm 1999 có tác động lớn, khai phá môi trường kinh doanh DN tư nhân, gỡ bỏ giấy phép con... nhưng chỉ vài năm sau, giấy phép con lại hình thành, DN tư nhân vừa thành lập, nhỏ bé nhưng quá nhiều rào cản nên không lớn lên được. Cơ hội thứ 3 là thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam nhưng bong bóng bất động sản, chứng khoán hấp dẫn hơn. DN thay vì tập trung vào hoạt động kinh doanh nòng cốt, xây dựng công nghệ để kết nối với FDI đầu tư thì lại đầu cơ vào lĩnh vực khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thời gian tới, thu hút FDI cần quan tâm đến chất lượng, có trọng tâm, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế. Thu hút đầu tư phải gắn với phát triển bền vững, có trình độ công nghệ cao hơn, thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và tài nguyên quốc gia. Theo đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, logistics; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. 

129 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam

Tính từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987 đến nay, đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng cộng 26.500 dự án. Tổng số vốn đầu tư cam kết tính đến tháng 8-2018 là 334 tỉ USD, vốn thực hiện hơn 184 tỉ USD. Nguồn vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chiếm 69,32% tổng số vốn đầu tư đăng ký, dịch vụ chiếm 29,67% và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 1,01%.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tư vào Việt Nam lớn nhất với 61,4 tỉ USD, thứ 2 là Nhật Bản, kế tiếp là Singapore. TP HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 44,4 tỉ USD trong vòng 30 năm qua, ở vị trí thứ 2 là Hà Nội với 32,8 tỉ USD.

M.Chiến

Ý KIẾN

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, giảng viên Chính sách công Trường ĐH Fulbright Việt Nam:

Cần chỉ tiêu đánh giá

10-nguyen-xuan-thanh

Định hướng của Chính phủ là không thu hút vốn FDI bằng mọi giá. Tôi cho rằng câu chuyện không phải là số lượng vốn đăng ký hay giải ngân mà thực chất DN FDI đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế.

Chúng ta cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu báo cáo khác, lao động sử dụng bao nhiêu so với đồng vốn bỏ ra và diện tích đất thuê, đóng góp cho ngân sách bao nhiêu, chỉ tiêu về xả thải môi trường, phát triển xanh... Các chỉ tiêu này sẽ thành cơ chế khuyến khích FDI theo đúng định hướng Việt Nam đặt ra.

GS-TSKH NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI:

Khuyến khích liên doanh

10-nguyen-mai

Với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo…Ngoài ra, cần tận dụng nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đối với một số dự án DN trong nước đủ năng lực liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài thì khuyến khích liên doanh để qua đó chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, nâng cao trình độ lao động.

TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI):

Tăng cường kết nối

10-vu-tien-loc

Để tăng cường sự kết nối giữa DN FDI và khu vực tư nhân, cần cải thiện hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cơ quan quản lý cần thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc dành nhiều nguồn lực đầu tư các trường đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về công nghệ của các DN trong nước và DN FDI thông qua việc cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, khuyến khích đầu tư công nghệ cao. Ngoài ra, cần kết nối về mặt địa lý giữa FDI với DN trong nước thông qua các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, chủ yếu tập trung các FDI để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân.

PGS-TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Tìm lợi thế mới

10-nguyen-khac-quoc-bao

30 năm qua, một trong những động lực giúp Việt Nam thu hút vốn FDI thành công là tăng trưởng về cầu của nền kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, những triết lý, lợi thế để thu hút FDI như trước đây đã lạc hậu. Giờ phải tìm những động lực tăng trưởng kinh tế mới dựa vào đổi mới sáng tạo, tận dụng được những đổi mới sáng tạo, công nghệ... Việt Nam hiện vẫn có lợi thế về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, nguồn nhân lực rất nhạy bén trong tiếp cận công nghệ, thông minh, khéo léo. Chúng ta có thể trở thành "đại bản doanh" của những công ty trong lĩnh vực công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo.

Nhà nước cần có chính sách rõ ràng trong thu hút FDI vào nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản, sản phẩm nông nghiệp. Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về vai trò của nông nghiệp và có chính sách chuyển đổi cơ cấu, chiến lược phát triển kinh tế, đặt trong cả bối cảnh thay đổi về chiến lược thu hút FDI thời gian tới.

Ông LÊ HOÀI QUỐC, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TP HCM:

Đưa Việt Nam vào bản đồ CNC thế giới

10-le-hoai-quoc

TP HCM xác định xây dựng Khu CNC thành trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài về công nghệ cao, nhận chuyển giao sản phẩm và công đoạn của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nước ngoài, nhằm xây dựng lực lượng sản xuất tiên tiến, để từng bước nâng cao năng lực nội sinh về công nghệ cao của TP. Đến nay, Khu CNC TP HCM hoạt động hiệu quả trong 3 Khu CNC quốc gia. Chín tháng năm 2018, chúng tôi cấp mới 14 dự án, gồm 9 dự án trong nước với tổng vốn 60 triệu USD và 5 dự án nước ngoài với tổng vốn 47,477 triệu USD. Lũy kế đến nay, Khu CNC có 148 dự án, gồm 93 dự án trong nước với tổng vốn 1,66 tỉ USD và 55 dự án nước ngoài với tổng vốn 5, 43 tỉ USD.

Tùy vào mỗi giai đoạn lịch sử, Khu CNC đều có những dự án ý nghĩa gắn liền với mỗi thời điểm lịch sử ấy, như thu hút thành công Nidec, Intel, Sonion… là những cột mốc gắn Việt Nam lên bản đồ CNC của thế giới. Riêng việc thu hút dự án của Tập đoàn Samsung mang ý nghĩa đặc biệt bởi Samsung là dự án lớn, có vốn đầu tư 2 tỉ USD. Sự có mặt của Samsung đã làm động lực phát triển nhanh và mạnh toàn bộ hạ tầng Khu CNC giai đoạn II, lan tỏa sự phát triển toàn bộ khu vực lân cận và tạo cú hích mạnh mẽ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chân Samsung vào Khu CNC lẫn các vùng lân cận…

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM :

Hỗ trợ thiết thực hơn nữa

10-pham-ngoc-hung

Đánh giá thành tựu thu hút FDI lâu nay chủ yếu tính trên thành tích kêu gọi bao nhiêu nhà đầu tư, số vốn đổ vào thị trường Việt Nam bao nhiêu mà chưa quan tâm nhiều đến những mặt hiệu quả khác. Trong đó, chưa đánh giá đúng sự đóng góp của khối DN FDI cho ngân sách nhà nước như vậy đã hợp lý chưa, vì sao. Cũng cần nhìn nhận thực tế là mức tác động của các DN FDI đến DN trong nước còn hạn chế vì làn sóng đầu tư ngoại đến nay chưa kích thích mạnh cho DN trong nước phát triển. Rất ít tập đoàn, DN lớn nước ngoài chịu đầu tư, hướng dẫn, hỗ trợ DN nội địa tham gia chuỗi cung ứng của họ mà chủ yếu lôi kéo những vệ tinh có sẵn của họ từ nước ngoài vào Việt Nam, hình thành chuỗi cung ứng gần như khép kín tại Việt Nam. Nước ta dành nhiều chính sách ưu đãi lớn và quá lâu cho khối DN FDI, tạo nên thế mất cân bằng giữa ưu đãi cho DN trong và ngoài nước. Một số chính sách hiện đã được điều chỉnh nhưng khối DN ngoại vẫn được ưu tiên hơn DN "trong nhà" ở nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề thanh - kiểm tra. Bên cạnh đó, một số DN lợi dụng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng trước đây đã đưa máy móc, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Trong giai đoạn mới, những lợi thế về nguồn lao động, tiền lương, đất đai… giảm dần, chúng ta phải tính toán chọn lọc nhà đầu tư kỹ càng hơn: từ chối nhà đầu tư những ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ lạc hậu; ưu tiên cho đầu tư lĩnh vực công nghệ hiện đại. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, việc tiếp theo là đưa những chính sách đó vào đời sống để gắn DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, giúp DN đầu tư nâng trình độ, công nghệ, chất lượng sản phẩm ngang bằng hoặc cao hơn các nhà cung ứng ngoại để tìm chỗ đứng trong chuỗi giá trị.

Minh Chiến - Thái Phương - Thanh Nhân ghi


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo