25/08/2021 07:52

Đơn hàng "đi chợ hộ" tăng nhanh

Đây là lần đầu chính quyền thực hiện việc "đi chợ hộ" cho dân với quy mô rất lớn nên sẽ làm từng bước để rút kinh nghiệm nếu có phát sinh

Trong ngày 24-8, đã có 74.033 đơn hàng đăng ký mua hàng được chuyển đến các hệ thống phân phối thông qua hình thức "đi chợ hộ", tăng 50.385 hộ (tương đương 46,9%) so với ngày 23-8. Dự kiến, lượng đặt hàng "đi chợ hộ" sẽ tăng cao trong những ngày tới.

Sẵn sàng các phương án

Tại quận Tân Phú, ngày 24-8, có đến 8.000 đơn hàng đã được các tổ công tác đặc biệt chuyển đến siêu thị, cửa hàng và sẽ được giao trong sáng 25-8; trong khi ngày hôm trước, toàn quận chỉ nhận được 500 đơn hàng. 

"Quận đã làm việc với các đơn vị bán lẻ trên địa bàn, thống nhất thời gian chốt đơn hàng mỗi ngày và hình thức thanh toán nhằm bảo đảm hàng hóa được đặt và chuyển đến người dân nhanh nhất có thể" - ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết.

Đơn hàng đi chợ hộ tăng nhanh - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phường Cô Giang, quận 1, TP HCM đi chợ hộ người dân trên địa bàn .Ảnh: PHƯƠNG AN

Theo ông Chánh, với khoảng 250 cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên mỗi phường tham gia tổ công tác đặc biệt để đi chợ hộ người dân, sau 2 ngày triển khai, việc đi chợ hộ tương đối thuận lợi. Không chỉ bảo đảm việc mua hàng hóa, thực phẩm cho dân, tổ công tác đặc biệt của mỗi phường còn có nhiệm vụ tham khảo, so sánh giá giữa các hệ thống bán lẻ và chọn mức giá cạnh tranh nhất. 

"Ngoài ra, quận cũng kiểm soát nghiêm việc đi lại, yêu cầu các siêu thị, cửa hàng chỉ bán hàng cho tổ công tác đặc biệt. Trong ngày 23-8, lực lượng chức năng của quận đã xử phạt hành chính một số điểm bán vẫn cố tình bán hàng trực tiếp cho khách" - ông Chánh thông tin.

Cũng dự báo lượng đặt hàng trong vài ngày tới sẽ tăng cao, UBND quận 1 đã sẵn sàng các phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa. Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho hay toàn quận có 10 phường với 50.000 hộ dân. Trong đó, một số phường như Cô Giang, Cầu Kho hầu như không có siêu thị, cửa hàng trú đóng nên việc cung ứng hàng cho người dân gặp khó khăn. 

"Các phường đã lập các tổ hậu cần đảm nhiệm đi chợ hộ người dân. Lực lượng này sẽ ghi nhận đơn hàng của người dân thông qua các nhóm Zalo của tổ dân phố hoặc các đường link đăng ký đi chợ được thiết kế trên website, sau đó tập hợp và chuyển cho các đơn vị cung ứng. Các đơn hàng sẽ được báo trước 12-24 giờ để các đơn vị cung ứng chuẩn bị theo hình thức gói (combo) nhằm thuận tiện cho việc đặt hàng, giao nhận lẫn thanh toán" - ông An cho hay.

Ông Nguyễn Duy An cũng dự báo không loại trừ có những ngày đơn hàng quá tải dù các đơn vị cung ứng chủ lực như Co.opmart, Co.op Food, Satra, Bách Hóa Xanh… đã cam kết với quận là sẽ bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa. Do vậy, quận 1 tính toán phương án điều phối xe bán hàng lưu động để bổ sung nguồn cung. Theo đăng ký của quận với Sở Công Thương, mỗi tuần sẽ có 20 lượt xe bán hàng lưu động, ưu tiên phường không có siêu thị lớn.

Siêu thị, cửa hàng chủ động chào hàng

Trong ngày, nhiều siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm tiếp tục liên hệ với chính quyền địa phương để chào hàng, giới thiệu thêm các mẫu combo thực phẩm với giá bình dân. Chẳng hạn, hệ thống MM Mega Market đã chuyển danh sách 4 loại combo và các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng cơ bản đến chính quyền địa phương nơi có siêu thị trú đóng. 

Các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op sẽ gửi danh mục khoảng 100 mặt hàng thiết yếu và một số combo hàng hóa có giá chỉ từ 100.000 đồng, đồng thời thông báo tiếp tục áp dụng những phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh như: pick & ship (khách tới ghi đơn hàng, nhân viên siêu thị chọn hàng giúp), mua hàng online... Hệ thống này cho biết đã có sự chuẩn bị tốt về hàng hóa, nhân sự, phương thức kinh doanh để bảo đảm việc phân phối hàng thiết yếu đến người dân được kịp thời. Các hệ thống Big C, GO!, Lotte Mart, AEON, Bách Hóa Xanh cũng đã hoàn tất việc gửi danh mục hàng hóa đến người dân.

Theo các doanh nghiệp (DN), nếu so với tổng số gần 2,2 triệu hộ dân sinh sống tại TP HCM, lượng đặt hàng hiện chỉ chiếm 3,39% là quá ít, trong khi hàng hóa, lương thực, thực phẩm đã được chuẩn bị đầy đủ tại các điểm bán. 

"Một số điểm bán vẫn gặp khó khăn trong khâu giao hàng. Rất mong các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các phường, xã, thị trấn tăng cường nhận đơn đặt hàng của người dân, phối hợp với DN phân phối để cung ứng. Cùng với đó, hỗ trợ thông tin dự kiến nhu cầu mua sắm để DN chủ động nguồn hàng, tránh thừa hoặc thiếu hàng do thiếu thông tin" - đại diện một hệ thống bán lẻ nêu ý kiến.

Tuy vậy, theo thống kê sơ bộ của các địa phương, đến cuối ngày 24-8, có nhiều cửa hàng không đáp ứng kịp nhu cầu của người tiêu dùng về các mặt hàng hàng khô như bún, phở… Riêng mặt hàng thịt heo, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) không có thịt tươi, chỉ có hàng đông lạnh. Tại địa bàn quận Phú Nhuận, không có thịt heo MeatDeli. Tại huyện Củ Chi, nguồn thịt tươi sống tại các cửa hàng khá ít.

Lo gặp vướng với giấy đi đường

Theo các địa phương, từ ngày 25-8, các đối tượng được tham gia giao thông phải có giấy đi đường do Công an TP cấp (trước đó là giấy do sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức cấp). Do đó, một số người có thể chưa được cấp giấy đi đường mới, gặp khó khăn trong việc di chuyển qua các chốt kiểm soát. Vì vậy, các DN cần tính toán phương án "3 tại chỗ" để bảo đảm có đủ nhân sự để duy trì hoạt động trong một vài ngày tới, cho đến khi nhận được giấy đi đường mới.

Sáng kiến combo nông sản 10 kg/túi giá bình dân

Cùng ngày, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị UBND TP HCM ưu tiên triển khai mô hình "combo 10 kg/túi" nông sản có giá từ 100.000-200.000 đồng. Nếu mô hình được triển khai và được hỗ trợ vận chuyển, có thể cung cấp về TP HCM lên đến 1.500 tấn nông sản mỗi ngày dưới dạng combo. Mô hình này vừa giúp tiêu thụ nông sản đang ùn ứ của nông dân vừa giúp người dân thành phố tiếp cận được nông sản giá bình dân, đồng thời giảm áp lực của lực lượng "đi chợ hộ".

Tổ công tác đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương triển khai mô hình trên với hình thức cho các DN đăng ký địa điểm giao nhận hàng hóa đủ điều kiện phòng chống dịch; ưu tiên cấp phép cho phương tiện của DN thí điểm mô hình này. Những vấn đề liên quan đến đặt hàng, thanh toán, người mua và người bán tự thỏa thuận thông qua các ứng dụng như Zalo, Facebook...

N.Ánh

Thanh Nhân

Tin liên quan

Viết bình luận

Tập đoàn Đèo Cả lên tiếng về dự án cao tốc Bắc - Nam tại Quảng Ngãi
1 giờ trước 548 1k
(NLĐO) - Tập đoàn Đèo Cả cho biết theo Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương chuyển đất rừng và đất lúa của cao tốc Bắc - Nam, thì toàn bộ diện tích qua tỉnh Quảng Ngãi là rừng trồng sản xuất, không có rừng tự nhiên
TP HCM tiết kiệm được 22,66 triệu kWh điện trong 20 ngày
1 giờ trước 548 1k
Theo Tổng công ty Điện lực TP HCM, từ ngày 15-5 đến 4-6-2023, TP HCM đã tiết kiệm được 22,66 triệu kWh điện, bình quân mỗi ngày tiết kiệm được 1,08 triệu kWh điện, tương ứng gần 2,4 tỉ đồng/ngày.
Vì sao Bamboo Capital muốn bán bớt 21,04 triệu cổ phiếu TCD?
1 giờ trước 548 1k
(NLĐO)- Trên thị trường, cổ phiếu TCD đang có giá gần 8.800 đồng/cp, với mức giá này, Bamboo Capital dự kiến thu về số tiền hơn 180 tỉ đồng
Tín hiệu tích cực từ các dự án nhà ở
2 giờ trước 548 1k
Sau nhiều tháng gặp khó khăn về dòng tiền, vướng mắc pháp lý, thời gian gần đây, Tập đoàn Novaland liên tục tái khởi động các dự án, như dự án chung cư Cô Giang - Grand Manhattan (quận 1, TP HCM), siêu dự án NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận), NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) và gần đây nhất là dự án khu dân cư phức hợp Victoria Village (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP HCM) đã tạo ra tín hiệu tích cực về sự hồi phục của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ngân hàng Phương Đông được chấp thuận tăng vốn thêm 6.849 tỉ đồng

Ngân hàng Phương Đông được chấp thuận tăng vốn thêm 6.849 tỉ đồng

(NLĐO) - Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 13.699 tỉ đồng lên 20.548 tỉ đồng