xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp than trời vì kẹt giấy đi đường

Nhóm phóng viên

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị được tự cấp giấy đi đường, tự chịu trách nhiệm theo số lượng được hướng dẫn. Các sở, ngành tiếp thu và sẽ gỡ vướng

Chiều 26-8, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) xác nhận một số doanh nghiệp (DN) hội viên đã có nhân viên được cấp giấy đi đường sau khi bị Sở Công Thương từ chối vào chiều 25-8 với lý do chỉ giải quyết các trường hợp cấp thiết cần di chuyển từ trụ sở ra cảng. "Việc được cấp giấy đi đường đã giúp một số hội viên được tháo gỡ một phần khó khăn liên quan đến việc di chuyển. DN mong muốn Sở Công Thương TP HCM tăng nhân sự để nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng" - đại diện VPA nêu.

Hàng được qua chốt, người thì không

Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cũng cho hay DN đã xin được 4 giấy đi đường cho nhân viên để duy trì hoạt động tối thiểu trong thời gian TP HCM siết chặt giãn cách. Theo DN này, trước ngày 23-8, giấy đi đường do DN tự phát hành, tự chịu trách nhiệm và ghi rõ "nhân viên chỉ được dùng phục vụ công việc của công ty". Khi việc cấp phép giấy đi đường chuyển qua cơ quan chức năng, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn bởi dù hàng hóa vẫn lưu thông được theo "luồng xanh" nhưng nhân viên làm thủ tục không thể qua chốt kiểm soát. "Để xuất khẩu một lô trái cây, DN cần phải có rất nhiều giấy tờ như hóa đơn, giấy kiểm dịch thực vật… thì khách hàng mới chấp nhận. Chúng tôi thực sự cũng rất cố gắng để có thể xuất khẩu được, giúp nông dân có đầu ra trong lúc khó khăn này. Như vùng trồng thanh nhãn ở Cần Thơ, mỗi năm chỉ có một mùa, nông dân khi biết lô hàng đã ra được đến cảng thì khóc vì quá vui mừng" - ông Tùng kể.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết DN đề nghị cấp giấy đi đường cho 20 nhân viên song Sở Công Thương TP HCM chỉ duyệt cấp 2 giấy. "Công việc phát sinh đột biến, hạ tầng cơ sở lẫn nhân sự không thể kham nổi. Năm nay, các DN xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh. Giá trị xuất khẩu của Tập đoàn Phúc Sinh trong 7 tháng đầu năm giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Để giải quyết vấn đề này, cần cho DN tự cấp giấy đi đường, tự chịu trách nhiệm theo số lượng được hướng dẫn" - ông Thông đề xuất.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, việc khống chế cấp phép cho 10% số người của một DN được đi lại trên đường là hợp lý để nhằm tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cần cung cấp thông tin đầu mối cấp giấy đi đường rõ ràng cho DN để tránh tình trạng bị động, phải chạy tới chạy lui. "DN thực hiện "3 tại chỗ" nhưng vẫn có rất nhiều việc cần nhân sự di chuyển ở bên ngoài như mua thực phẩm cho bếp ăn, lấy nguyên liệu về nhà máy, chuyển sản phẩm đi… Nếu không được tạo điều kiện thì hoạt động xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn" - ông Hồng nói.

Doanh nghiệp than trời vì kẹt giấy đi đường - Ảnh 1.

Sau khi ngừng yêu cầu đổi tài xế là người địa phương, hàng trăm phương tiện ùn ứ ở TP Cần Thơ được giải phóng. Ảnh: CA LINH

Nhiều đòi hỏi chưa hợp lý

Công ty TNHH Koyu & Unitek - DN xuất khẩu sản phẩm gà chế biến sang Nhật Bản, đồng thời tiêu thụ tại thị trường trong nước - cũng gặp khó trong lưu thông hàng hóa liên tỉnh. Hàng của công ty ở nhà máy tại tỉnh Đồng Nai khi di chuyển tới TP Cần Thơ thì bị lực lượng thừa hành tại trạm kiểm soát yêu cầu dừng xe ở bên ngoài, đồng thời phải tìm tài xế ở nội thành để "đánh" xe vào. Việc này khiến DN vừa mất nhiều thời gian, chi phí để tìm kiếm và thuê tài xế vừa đối mặt với nhiều rủi ro như có nguy cơ tài xế bị nhiễm Covid-19, hàng hóa có thể bị thất thoát...

Tại TP HCM, nơi Công ty TNHH Koyu & Unitek đặt văn phòng, nhân viên DN này khá khó khăn khi thực hiện các thủ tục kiểm định hàng hóa, xác nhận, chứng thực giấy tờ cho từng lô hàng xuất khẩu… trong lúc chờ Sở Công Thương cấp giấy đi đường. Chưa kể, DN này còn phản ánh phải có giấy xác nhận đang hoạt động tại nơi đăng ký của chính quyền địa phương thì mới qua được chốt kiểm soát.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết nhiều DN xuất khẩu gỗ than gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa qua các trạm kiểm soát, dù hiệp hội cũng thường xuyên cập nhật thông tin và trao đổi với các cơ quan chức năng để tạo thuận lợi cho DN. Vấn đề nằm ở chỗ các trạm kiểm soát đòi hỏi nhiều loại giấy tờ khiến DN mệt mỏi "chạy theo".

Trước khá nhiều quy định khiến DN "rối như tơ vò", ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đề nghị có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với DN sản xuất, xuất khẩu. Theo đó, có thể cấp giấy đi đường bản "mềm" thông qua thư điện tử để nhân viên DN có cơ sở đi qua các chốt kiểm soát đến Sở Công Thương TP HCM xin cấp giấy đi đường được đóng dấu. Hiệp hội ngành hàng sẽ chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách DN hội viên có nhu cầu xin cấp giấy đi đường và gửi trực tiếp tới Sở Công Thương nhằm giảm tải cho sở và UBND các cấp.

Ưu tiên doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu gấp

Thống kê đến chiều ngày 26-8, Sở Công Thương TP HCM đã cấp được 26.574 trên tổng số 40.000 giấy đi đường theo phân bổ của Công an TP HCM, đạt 66%. Trong đó, có 5.239 giấy đi đường của nhân viên xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trước đó, chiều 25-8, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sở đang khẩn trương rà soát hồ sơ, cấp giấy đi đường theo phom (form) mẫu của cơ quan công an cho người lao động của 3 lĩnh vực thuộc thẩm quyền sở cấp, gồm: các hệ thống phân phối, DN có đơn hàng xuất nhập khẩu và đội ngũ lao động của cơ quan điện lực. "Sở nhận được khoảng 100.000 hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường của DN gửi về nhưng chỉ nhận được 40.000 form mẫu của Công an thành phố nên buộc phải cân nhắc, cắt giảm khoảng 60.000 hồ sơ" - ông Phương thông tin.

Do số lượng hồ sơ được cấp giảm mạnh so với đăng ký của DN, Sở Công Thương phải rà soát kỹ, cân đối theo các lĩnh vực. Dù vậy, các DN có đơn hàng cần phải xuất nhập khẩu ngay sẽ được ưu tiên giải quyết. "Sở sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các hồ sơ còn lại cũng như phải có văn bản giải trình, kiến nghị cơ quan công an cấp thêm các form mẫu để giải quyết cho DN" - ông Phương nói thêm.

Trước nhiều thắc mắc liên quan đến việc kiểm tra giấy đi đường, Công an TP HCM cho biết đơn vị đã có hướng dẫn cụ thể áp dụng từ 26-8 về giấy đi đường mẫu mới. Theo đó, không kiểm tra giấy đi đường đối với các phương tiện vận tải là taxi, xe khách, xe chở công nhân… có mã QR được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian cấp phép. Đối với các xe vận tải hàng hóa không được cấp mã QR, tài xế và người ngồi trên xe phải có giấy đi đường do Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM và Công an các cấp ký cấp theo danh sách gửi về của đơn vị đầu mối, quản lý đối với các phương tiện trên… Đồng thời, Công an thành phố yêu cầu tổ trưởng tổ công tác tại các chốt, trạm kiểm soát nội ô căn cứ tình hình thực tế để tổ chức kiểm soát, kiểm tra phương tiện không để ùn tắc, dồn ứ tại các chốt, trạm kiểm soát.

Sở GTVT TP HCM cũng vừa có công văn khẩn hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Theo đó, các đơn vị có nhu cầu cấp giấy nhận diện đăng ký thực hiện qua 1 trong 2 hình thức: qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (địa chỉ: https://vantai.drvn.gov.vn) hoặc gửi văn bản kèm dữ liệu cho Sở GTVT thông qua đơn vị đầu mối. Sở GTVT lưu ý đối với các xe bán tải, xe tải van (kể cả xe có khối lượng chuyên chở dưới 950 kg), chỉ cấp giấy với mục đích vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị y tế, có cam kết không chở người. 

Cần Thơ: Hàng trăm phương tiện thoát ùn ứ

Liên quan đến vụ hàng trăm xe tải, container ùn ứ ở TP Cần Thơ, theo ghi nhận của phóng viên trưa 26-8, các phương tiện đã được di chuyển vào nội ô mà không phải đổi tài xế là người địa phương hoặc chờ xe khác từ trong thành phố ra bốc dỡ hàng. Nhờ vậy, hàng trăm phương tiện ùn ứ trong 2 ngày qua đã được giải phóng.

Cùng ngày, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, đã ký văn bản về việc tiếp tục hướng dẫn đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông vào địa bàn thành phố. Theo đó, các DN, đơn vị, cá nhân đăng ký vận chuyển hàng hóa qua Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Sở GTVT. Hằng ngày, Sở GTVT tổng hợp số liệu báo cáo về số lượng phương tiện được đăng ký, số lượng phương tiện thực hiện giao - nhận hàng, đổi lái xe và người đi cùng..., đồng thời, ghi nhận các vướng mắc phát sinh để hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

C.Linh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo