xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dẹp rào cản để doanh nghiệp bứt phá

Phương Nhung

Sau 6 giờ đối thoại, những cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp và "món quà" đặc biệt của Thủ tướng là Chỉ thị 20 ký cùng ngày đã nhận được nhiều tràng pháo tay

Sáng 17-5, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2017 có chủ đề "Đồng hành cùng DN" đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 2.000 đại diện DN. Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ DN phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Còn rất nhiều rào cản

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi: "Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris" và của chí sĩ Lương Văn Can: "Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy". Thủ tướng cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

"Tuy đã làm được nhiều nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của DN. Đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững" - Thủ tướng gợi ý.

Dẹp rào cản để doanh nghiệp bứt phá - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị Ảnh: Quang Hiếu

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 hỗ trợ DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ "không có chỗ để bàn lùi", "Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng, thực sự tiếp sức cho DN".

Song, lãnh đạo VCCI cũng chỉ ra nhiều hạn chế, như sự thay đổi chính sách đột ngột, hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất - kinh doanh không phù hợp. Từ đó dẫn đến "Boeing cũng không thể làm được máy bay ở Việt Nam"; tình trạng "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh" còn phổ biến; nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của DN...

Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, thẳng thắn cho rằng cộng đồng DN còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là gánh nặng chi phí, gồm cả chính thức và không chính thức. Theo ông Thân, chi phí chính thức đã giảm, nhất là ở lĩnh vực thành lập DN, tạo bước tiến trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật, thuế, phí còn cao trong cơ cấu chi phí của DN; thủ tục hành chính phức tạp làm gia tăng thời gian và chi phí cho DN.

"DN không thực hiện được yêu cầu của công chức nên phải đi đêm, bôi trơn. Tình trạng này diễn ra rất phổ biến, nếu không được đẩy lùi, DN không biết đường nào đi, dễ mòn mỏi, chán chường. Tình trạng này cũng bóp méo tư tưởng cạnh tranh lành mạnh, làm hỏng bộ máy quản lý, giảm niềm tin của nhân dân" - ông Thân phản ánh.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn BRG, kiến nghị để tạo điều kiện cho DN, để DN sẵn sàng dấn thân, có cách thức làm mới, cần thực hiện chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Có như vậy, DN mới cảm thấy được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng, từ đó dám nghĩ, dám làm, khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiên phong và lĩnh vực được cho là rủi ro cao.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, góp ý: "Chính phủ cần chúng ta nói lên sự thật. Tất cả muốn có hiệu quả thì phải tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, tôi đề nghị trước hết là công tác tổ chức cán bộ. Chúng ta thừa cán bộ mà theo ghi nhận là 50% vui chơi, giải trí quá nhiều"...

Không phân biệt công - tư, xóa bỏ ưu ái

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chuyển lời nói thành hành động.

"Nay ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất, gây khó khăn cho DN. Tôi mới bàn với các lãnh đạo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ ra ngay chỉ thị không được thanh tra 1 năm quá một lần, nếu có thanh tra đột xuất thì không được mở rộng phạm vi. Chỉ thị đó mang số 20, được ký đúng 13 giờ chiều nay" - Thủ tướng thông báo và lập tức nhận được tràng pháo tay của cộng đồng DN.

Thủ tướng nhắc lại việc Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh, tập trung cắt giảm nhiều giấy phép, thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho DN. Từ đó, các báo cáo đánh giá đã ghi nhận sự thăng hạng, cho thấy sức khỏe của DN Việt Nam cũng như bức tranh kinh tế đang sáng lên. Đáng lưu ý, Việt Nam đang phấn đấu đạt nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản cho phát triển DN mà Chính phủ đã nhận diện: Thể chế chính sách chưa giải quyết được mâu thuẫn các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa sát với thực tế, thiếu minh bạch, tốn kém chi phí…

Theo Thủ tướng, trong năm qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã "gãi" đúng chỗ, chứ không chỉ "ngứa" trên đầu mà "gãi" dưới chân. "Tinh thần mà DN đã nêu, Chính phủ tiếp thu là xây dựng môi trường bình đẳng giữa DN công và tư, phù hợp thông lệ quốc tế. Đề nghị các DN, hiệp hội góp ý xây dựng, thực thi chính sách để có môi trường đầu tư tốt hơn. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư. Xóa bỏ ưu ái, thu hồi nguồn lực tài nguyên kém hiệu quả để phân bổ lại" - Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh thuế và phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn phí BOT, bến bãi, cầu đường… Bên cạnh đó, có hiện tượng "cò" làm dịch vụ hành chính cho DN; vẫn còn một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, chưa sát sao, nắm bắt để giải quyết kịp thời yêu cầu của DN. "Cần rà soát để giảm gánh nặng tài chính như thủ tục hành chính, thuế, hải quan, phí BOT, dịch vụ công, chi phí giám định… đang đè lên DN. Các đồng chí đề nghị tôi đặt tên 2017 là năm giảm phí cho DN" - Thủ tướng nêu rõ.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tối ưu hóa khoa học - công nghệ để tạo nền tảng cách mạng 4.0. Đặc biệt, cần hoan nghênh tinh thần "không phải cứ quản lý khó là chúng ta cấm" thông qua trường hợp Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho Uber, Grab taxi vào hoạt động.

"Bình minh đang đến với đất nước ta. Tôi tin tưởng các DN sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng cho đất nước Việt Nam thân yêu. Chúng ta sẽ xây dựng hệ sinh thái lành mạnh mà ở đó, tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng. Chính phủ cũng mong DN cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Cha ông ta đã nói dân giàu thì nước thịnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng DN yếu kém. Cơ quan quản lý, địa phương cần có chương trình tạo điều kiện cho DN phát triển. Tôi nhắc lại Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói phải tự cứu mình trước khi trời cứu; phải tự đổi mới, tự cải cách. Chúc cho DN Việt Nam phát triển. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng DN" - Thủ tướng khẳng định.

Bảo vệ doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho DN phát triển; cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu DN…

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, kiến nghị tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của cấp dưới đối với việc triển khai Nghị quyết 35; chọn xử lý một vài trường hợp làm khó DN để răn đe, giáo dục chung. Ngoài ra, dù chúng ta đã cải cách thủ tục hành chính nhiều năm nhưng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa, trong đó tập trung rà soát các thủ tục, cái nào không phù hợp, không cần thiết thì bỏ; cái nào cần thì bổ sung để quản lý cho tốt. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính đối với các cấp bên dưới, bớt phiền hà.

"Ngành kiểm sát sẽ quan tâm phát hiện sơ hở, bất cập của pháp luật để kiến nghị bịt những sơ hở, bất cập đó, để ngăn chặn những người lợi dụng thu lợi bất chính và không công bằng trong thương trường. Ngành kiểm sát sẽ kiên quyết với tội phạm, người làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội" - ông Trí cam kết.

Viện trưởng VKSND Tối cao còn bày tỏ quyết tâm bảo vệ DN, người dân làm ăn chân chính, đúng pháp luật. Ngành kiểm sát sẽ phấn đấu hạn chế không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính và kinh tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo