28/08/2019 07:05

Đánh thức tiềm năng thị trường Singapore

Singapore có nhu cầu lớn về hàng lương thực, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ gỗ nội thất…, vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam

Không chỉ nhà xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập thị trường Singapore mà các nhà mua hàng Singapore cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam.

Nhiều cơ hội cho hàng nông sản

Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam đang chuẩn bị xuất đơn hàng đầu tiên gồm 20 tấn nông sản gồm ớt, chanh không hạt, khoai lang… sang Singapore theo hợp đồng với đối tác là Công ty CMM Marketing Management PTE LTD Singapore. Ông Phidsanu Pongwatana, Tổng Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ xuất khoảng 100 tấn nông sản Việt Nam sang Singapore thông qua đối tác này.

Đánh thức tiềm năng thị trường Singapore - Ảnh 1.

Thông qua Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore, hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng Singapore

8 tháng đầu năm, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op đã xuất 200 container nông sản tươi, thực phẩm công nghệ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… sang đảo quốc sư tử, tăng 50 container so với cả năm 2018 và đã vượt chỉ tiêu kế hoạch (chỉ tiêu cả năm 2019 xuất 195 container sang Singapore). Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này sẽ gấp đôi năm 2018, tương đương với 300 container. Đến nay, trong tổng số hơn 650 mặt hàng xuất sang Singapore, ngoài mặt hàng gạo có tỉ trọng xuất khẩu tăng khá tốt, các mặt hàng mới bổ sung như trà thảo mộc, thủy hải sản... đang tiêu thụ mạnh. "Chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức Tuần lễ hàng Việt tại Singapore, gắn kết với những hội nghị quốc tế tại thị trường này để tận dụng cơ hội thu hút các nhà mua hàng, doanh nghiệp (DN) quốc tế cùng các đơn vị ngoại giao, quỹ đầu tư… tham gia vào sự kiện" - ông Đức nói.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, lâu nay Singapore chủ yếu nhập khẩu rau củ tươi từ Malaysia, thời gian gần đây bắt đầu quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam. Đầu năm nay, nhóm các nhà mua hàng Singapore đã khảo sát, tìm kiếm đối tác cung ứng nông sản tại Lâm Đồng. Các nhà mua hàng Singapore đang hướng đến một số loại nông sản tươi gồm cà chua, cà tím, ngô ngọt, mướp đắng, ngồng cải, cải thìa, nấm, măng tây... nên đây là cơ hội để nông sản Việt thâm nhập nhiều hơn vào thị trường quan trọng bậc nhất trong khu vực để từ đây vươn ra nhiều thị trường khác trên thế giới.

Thị trường chiến lược

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho biết với 6 triệu dân và 5 triệu du khách mỗi năm, Singapore không phải là thị trường lớn nhưng là thị trường chiến lược để nhà xuất khẩu đi tiếp vào các thị trường khác. Cụ thể, Singapore là trung tâm dịch vụ, là nơi đặt trụ sở của các công ty lớn về thực phẩm và nông sản quốc tế. Mặc dù vậy, đây cũng là thị trường khó tính nhất khu vực. Để được thị trường Singapore chấp nhận, sản phẩm phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, mẫu mã và bao bì.

Ông Kenny Lee, Giám đốc điều hành Công ty Cỏ May Singapore, một thành viên ở nước ngoài của Tập đoàn Cỏ May (Đồng Tháp), từng chia sẻ đã mất hơn 1 năm tìm hiểu thị trường, nghiên cứu thói quen tiêu dùng trước khi đưa gạo thương hiệu Cỏ May lên quầy kệ siêu thị, cửa hàng tại Singapore. Theo ông Kenny Lee, người tiêu dùng Singapore vẫn còn định kiến hàng Việt Nam chất lượng kém, giá rẻ nên DN mất khá nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc để chinh phục họ. Bên cạnh đó, chi phí đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở Singapore đặc biệt lớn, có thể lên đến 35% - 40% giá trị sản phẩm nên là thách thức khá lớn cho DN.

Không chỉ gặp khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng, giá cả, hàng Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các thị trường xuất khẩu khác, đặc biệt là từ Malaysia và Indonesia. Mặc dù vậy, nếu nhà xuất khẩu chịu khó nghiên cứu, nắm bắt đúng nhu cầu của thị trường này thì cơ hội thành công rất lớn. Đơn cử, Saigon Co.op đã thành công trong việc phát triển một số loại trà và thủy hải sản. "Chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận tại thị trường này mà chủ yếu tập trung làm thị trường, tìm kiếm doanh thu dựa vào việc kinh doanh số lượng lớn. Quan trọng hơn, Singapore là trung gian về vận chuyển, giao nhận của quốc tế nên ngoài giá trị kinh tế, hàng hóa được chấp nhận nhập khẩu vào Singapore nghĩa là đã được cấp chứng nhận về chất lượng, an toàn để từ đó đi tiếp vào các thị trường khác" - ông Nguyễn Anh Đức nói và tiết lộ từ "bàn đạp" là Singapore, Saigon Co.op đã xuất được 20 container nông sản sang Nhật đồng thời đang làm việc với một số cơ quan ngoại giao của New Zealand, Hàn Quốc… để đưa hàng vào các thị trường này. 

Doanh nghiệp nhỏ dễ bỏ cuộc

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho hay ngoài Singapore, nhiều nhà mua hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng quan tâm khảo sát các vùng canh tác tại Lâm Đồng. Một số DN Lâm Đồng đã xuất khẩu trực tiếp hoặc thông qua trung gian sang các thị trường này. Mặc dù vậy, đa phần nhà xuất khẩu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN Việt chủ yếu quy mô nhỏ, đi lên từ hộ gia đình nên nguồn lực hạn chế và quản trị chưa tốt nên dễ bỏ cuộc, không tham gia được vào chuỗi sản xuất - kinh doanh quốc tế. Theo vị đại diện này, thường các nhà nhập khẩu sau khi đi khảo sát thực tế sẽ gửi thư góp ý, yêu cầu về bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Nếu DN xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu này sẽ đi tới bước gửi hàng mẫu cho họ kiểm tra, nếu qua được vòng này mới tiếp tục đàm phán về giá cả, điều kiện giao hàng. "DN phải đi qua quá trình rất dài để có thể ký kết hợp đồng xuất khẩu, vì vậy những DN nhỏ dễ nản mà bỏ cuộc" - vị đại diện này nói.

Bài và ảnh: THANH NHÂN

Tin liên quan

Viết bình luận

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đồng loạt hạ lãi suất
40 phút trước 548 1k
(NLĐO) - Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đồng loạt hạ lãi suất từ ngày 3-4 tới nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân
Ahamove mua 200 xe máy điện VinFast để cho thuê
1 giờ trước 548 1k
(NLĐO) - Theo kế hoạch, Ahamove sẽ mua thêm 1.000 xe máy điện VinFast và thuê thêm 1.000 chiếc khác để mở rộng dịch vụ cho thuê đến các tỉnh, thành khác.
Doanh nghiệp Thanh Hóa "than trời" vì phòng cháy chữa cháy
2 giờ trước 548 1k
(NLĐO)- Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa "than trời" khi quy định về phòng cháy chữa cháy hiện nay có phần cứng nhắc, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa
Gần 7 năm Cảng Quy Nhơn chưa thể lên sàn, vì sao?
3 giờ trước 548 1k
(NLĐO) - Theo HoSE, cơ quan này đã nhiều lần yêu cầu Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn bổ sung hồ sơ, giải trình theo quy định pháp luật, nhưng hiện công ty này vẫn chưa hoàn thiện
Bổ nhiệm giám đốc Công ty Điện lực Hóc Môn

Bổ nhiệm giám đốc Công ty Điện lực Hóc Môn

Sáng 31-03-2023, Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) đã tổ chức Lễ trao quyết định luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ quản lý cho Công ty Điện lực Hóc Môn. Ngay sau đó đã diễn ra Lễ ký kết Bản...