xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Muốn nghe nói thẳng, nói thật

Minh Chiến

(NLĐO)- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, vẫn nhớ nguyên vẹn những buổi làm việc với sự có mặt của ông đã diễn ra rất sôi nổi, cởi mở, xóa bỏ sự e dè trong đóng góp ý kiến.

Trong gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ (1997-2006), cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn đối với nền kinh tế Việt Nam. Là một nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách, hội nhập, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành công trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ đầu hội nhập và mở cửa.

Người kế nhiệm xuất sắc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chia sẻ với Báo Người Lao Động, sau khi hay tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên là thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, vẫn nhớ nguyên vẹn những buổi làm việc với sự có mặt của ông đã diễn ra rất sôi nổi, cởi mở, xóa bỏ sự e dè trong đóng góp ý kiến.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người làm việc có trách nhiệm, tầm nhìn dài hạn. "Tinh thần cải cách mạnh mẽ là điểm nổi bật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải"- bà Phạm Chi Lan nhớ lại.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Muốn nghe nói thẳng, nói thật - Ảnh 1.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người kế nhiệm xuất sắc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Theo bà Lan, sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lãnh đạo Chính phủ đã minh chứng cho cách điều hành quyết liệt, nhưng cũng giữ được sự cầu thị cần thiết. "Với vai trò lãnh đạo Chính phủ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, kinh tế Việt Nam giai đoạn đó tăng trưởng cao và ổn định, vừa đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng. Chúng tôi, những người tham gia ban nghiên cứu của Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với tầm nhìn dài hạn của ông".

Để đạt những thành quả trong một giai đoạn dài như vậy, theo bà Phạm Chi Lan, người tiền nhiệm là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại cho ông Phan Văn Khải nhiều "bài học". Thời kỳ ông Võ Văn Kiệt là Thủ tướng, ông Phan Văn Khải giữ chức Phó Thủ tướng.

Kế nhiệm vị trí lãnh đạo Chính phủ, ông Phan Văn Khải đã tiếp nối tư duy đổi mới, hội nhập của người tiền nhiệm. Trước đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được biết đến là một vị lãnh đạo của hành động và sáng tạo với những dấu ấn công trình to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Đến sau này, khi đất nước từng ngày chuyển mình với vai trò lãnh đạo Chính phủ của ông Khải, cùng với khoảng thời gian tham gia ban nghiên cứu của Thủ tướng, bà Phạm Chi Lan khẳng định ông Phan Văn Khải là người kế nhiệm xứng đáng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chuyên gia dành hàng chục năm để nghiên cứu về kinh tế không giấu được sự xúc động khi nói về một giai đoạn phát triển đáng nhớ của đất nước, giai đoạn Việt Nam có những người lãnh đạo Chính phủ vô cùng xuất sắc. "Tinh thần đổi mới mạnh mẽ đã xuyên suốt trong chặng đường lãnh đạo Chính phủ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải"- bà Phạm Chi Lan nhớ lại.

Thích nói thẳng, nói thật

Ban nghiên cứu của Thủ tướng thời ông Phan Văn Khải lãnh đạo Chính phủ đã đóng góp vai trò rõ nét. Tiền thân của ban này là Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính (gọi tắt là "Tổ tư vấn cải cách", theo Quyết định thành lập năm 1993, thời kỳ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lãnh đạo Chính phủ).

Ban làm nhiệm vụ trực tiếp giúp Thủ tướng trong việc hoạch định chương trình tiến hành cải cách từng thời gian, kiến nghị các chủ trương, chính sách theo tinh thần đổi mới, tham gia soạn thảo hoặc giám định và hoàn chỉnh các văn bản thể chế mang nội dung đổi mới chính sách.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Muốn nghe nói thẳng, nói thật - Ảnh 2.

Trong gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đề cao tinh thần đổi mới

Tham gia vào ban giai đoạn ông Phan Văn Khải là Thủ tướng Chính phủ, bà Phạm Chi Lan cho biết nguyên Thủ tướng luôn đánh giá cao những ý kiến phản biện của các chuyên gia trong ban. Các vấn đề khi đưa ra bàn thảo, nguyên Thủ tướng luôn đề cao tính đổi mới, tìm hướng đi dài hạn và bất cứ ý kiến trái chiều nào đều rất được ông lưu tâm.

"Nguyên Thủ tướng luôn khuyến khích các chuyên gia, thành viên của ban đóng góp ý kiến dưới mọi góc độ. Đúng như phong cách chỉ đạo công việc, ông Khải luôn muốn nghe người khác nói thẳng, nói thật. Tôi đã từng chứng kiến những cuộc họp, các thành viên góp ý nhiều vấn đề rất thẳng thắn, nguyên Thủ tướng nhìn nhận từng việc một, rất cụ thể và tỉ mỉ"- bà Lan kể lại.

Dấu ấn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Theo bà Phạm Chi Lan, nên cạnh những tố chất của một nhà lãnh đạo xuất sắc, ông Phan Văn Khải luôn cầu thị, cởi mở nên chặng đường lãnh đạo Chính phủ của ông rất được nhiều người quý mến, trong số đó là những chuyên gia kinh tế hàng đầu. Ông Phan Văn Khải từng theo học ngành kinh tế tại Liên Xô.

Kinh tế tư nhân sau hàng chục năm đất nước đổi mới đã trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Và những thành công của kinh tế tư nhân ngày hôm nay đã được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xây dựng từ thời kỳ ông đứng đầu Chính phủ.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Muốn nghe nói thẳng, nói thật - Ảnh 3.

Ngày 21-6-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush bắt tay lịch sử tại Nhà Trắng - Ảnh: Nhà Trắng

Luật Doanh nghiệp 1999 được thông qua (có hiệu lực từ năm 2000) được đánh giá là một trong những điểm sáng của quá trình lãnh đạo Chính phủ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Quan điểm "Người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm" thời kỳ đó đã mở ra những vận hội vô cùng lớn cho doanh nghiệp tư nhân. Mà tiên quyết, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện cho khối kinh tế tư nhân phát triển, dấu ấn của ông Phan Văn Khải trong thành công này là rất đậm nét.

Thời gian làm việc trong ban nghiên cứu của Thủ tướng, bà Phạm Chi Lan đặc biệt ấn tượng với quyết định của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi bỏ hàng loạt "giấy phép con", gây cản trở hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp. Bà Lan gọi đó là sự "thần tốc", khi bà cùng một số thành viên của ban đề xuất, Thủ tướng đã đồng ý bãi bỏ 286 giấy phép con. Đây được xem là bước đột phá trong quản lý, thể chế, tạo điều kiện tối đa cho phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ từ khi chiến tranh kết thúc. Chuyến thăm lịch sử này diễn ra năm 2005, mở ra bước đột phá trong quan hệ song phương giữa Việt Nam - Mỹ.

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 17-3-2018 tại quê nhà Củ Chi, TP HCM.

Ông Phan Văn Khải sinh ngày 25-12-1933; quê quán huyện Củ Chi, TP HCM. Ông Khải từng kinh qua các vị trí: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng.

Tháng 9-1997, ông được bầu làm Thủ tướng. Ông Phan Văn Khải tiếp tục được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2002. Ông Khải tiếp tục lãnh đạo Chính phủ đến năm 2006 và xin từ nhiệm vào thời gian này khi nhiệm kỳ vẫn còn 1 năm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo