xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chung tay kìm giữ giá hàng hóa

Thanh Nhân

Giá xăng dầu được dự đoán giảm mạnh trong kỳ điều hành hôm nay, 21-3, sẽ tạo cơ sở cho giá cả hàng hóa trên thị trường giảm nhiệt và ổn định trở lại

TP HCM sẽ giữ ổn định giá các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường đến hết tháng 3-2022. Dự kiến đến tháng 4, các doanh nghiệp (DN) chứng minh được chi phí đầu vào tăng có thể đề xuất điều chỉnh giá. Các sở - ngành căn cứ tình hình thực tế sẽ tham mưu cho UBND TP HCM giải pháp hỗ trợ DN ổn định chi phí đầu vào.

DN gồng gánh, chịu lỗ

Nêu thực tế DN đang chịu lỗ ít nhất 200 đồng/quả trứng trong nhiều ngày nay, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết đang kiến nghị Sở Tài chính TP HCM cho phép điều chỉnh giá bán trứng gà, vịt gần 10% trong chương trình bình ổn thị trường thành phố.

"Mức tăng này đã lạc hậu so với biến động chi phí đầu vào hiện tại vì tất cả khoản chi cho bao bì, hộp đóng gói, thức ăn gia súc... đều đã tăng ít nhất 10%-20%, trong đó giá cám tăng cao nhất và chưa có điểm dừng" - ông Thiện thông tin.

Theo ông Thiện, sức mua thị trường đối với trứng gia cầm không cao nhưng nguồn cung giảm mạnh, dẫn đến nguy cơ mất cân đối cung cầu. Giá bán trứng gà, vịt trong hệ thống cửa hàng/siêu thị tham gia bình ổn thị trường và bên ngoài đã có sự chênh lệch khá cao. Sau ngày 31-3, nếu DN tiếp tục cầm cự sẽ rất "mệt mỏi". Cùng với đó là khả năng diễn ra tình trạng mua gom trứng trong kênh bình ổn thị trường mang ra ngoài bán để hưởng chênh lệch.

Cũng khẳng định đang nỗ lực tối đa để kìm giữ giá trong giai đoạn này, nhiều DN sản xuất, cung ứng thịt heo tại TP HCM phản ánh với giá heo hơi hiện tại, DN đã đủ điều kiện đề xuất tăng giá bán các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường. Tuy nhiên, DN chấp nhận không tăng giá ít nhất đến cuối tháng này để hỗ trợ người tiêu dùng. Riêng với nhóm hàng chế biến từ thịt heo, DN đã trữ nguyên liệu đủ sản xuất 3-5 tháng và đàm phán với nhà cung cấp tạm thời chưa áp dụng giá mới tăng 5%-7%.

Chung tay kìm giữ giá hàng hóa - Ảnh 1.

Các siêu thị đang triển khai nhiều giải pháp để giữ ổn định giá và kích cầu tiêu dùng Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho rằng trước những biến động của thị trường thế giới, thị trường Việt Nam đang chịu ảnh hưởng sâu rộng. Việc tăng giá sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng là khó tránh khỏi.

"Saigon Co.op đã cam kết với các đối tác và bạn hàng là sẽ duy trì lượng hàng ổn định trong khoảng thời gian nhất định sắp tới. Chúng tôi chưa có biện pháp hay hành động tăng giá ngay lập tức đối với những mặt hàng thiết yếu mà đang cố gắng giữ ổn định bằng nhiều cách khác nhau" - ông Đức nhấn mạnh.

Ông Lê Hữu Tình, quản lý cấp cao marketing siêu thị Emart, cho biết thông thường, giá đầu vào tăng thì siêu thị sẽ tăng giá bán ra. Mỗi hệ thống sẽ tăng khác nhau, tùy mức độ lợi nhuận và chính sách giá. Thông thường, siêu thị sẽ thương lượng với nhà cung cấp để kéo dài thời gian tăng giá hoặc chia nhỏ làm nhiều đợt tăng (tùy ngành hàng, những mặt hàng nhạy cảm thì luôn dưới 5% mỗi lần tăng), chứ không tăng "sốc" tại một thời điểm. Ngoài ra, các hệ thống sẽ kiểm tra giá chéo lẫn nhau để bảo đảm thị trường có giá tương ứng, không chênh lệch nhiều, dễ gây sốc cho khách hàng.

Chi nhiều hơn cho khuyến mãi, giảm giá

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhìn nhận khả năng giá nhiều mặt hàng trong hệ thống phân phối lẫn chợ truyền thống sẽ tăng trong thời gian tới do áp lực chi phí sản xuất, đặc biệt là giá bao bì, nguyên vật liệu, xăng dầu tăng. Tuy nhiên, đến nay, giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường tương đối ổn định. TP HCM đang duy trì chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30%-50% thị phần. Các DN trong chương trình đã cam kết giữ giá ổn định đến hết tháng 3.

"Các DN phân phối hiện đại cho biết đã tiếp nhận nhiều đề xuất tăng giá của nhà cung cấp nhưng gần như chưa có đề nghị nào được xem xét, điều chỉnh. Các hệ thống phân phối đang rà soát, kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào. Nếu các đề xuất có cơ sở, hợp lý thì mới được các bên phối hợp xem xét điều chỉnh lại giá bán và bảo đảm tuân thủ cơ chế thị trường" - ông Phương giải thích.

Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng Phòng Marketing hệ thống MM Mega Market, cho biết đã theo dõi giá gần 20 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ đầu tháng 3, nhận thấy giá một số mặt hàng rau củ quả có xu hướng giảm trở lại trong vòng 1 tuần nay. Riêng mặt hàng dầu ăn vẫn tăng "nóng", các nhà cung cấp đã báo giá tăng 15%-20%. "Giá xăng tăng cao và liên tục đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất nhiều ngành hàng. Nếu giá xăng giảm mạnh, hy vọng sẽ chặn được đà tăng, thị trường sẽ thiết lập sự ổn định mới" - ông Khôi kỳ vọng.

Nhằm chung tay bình ổn thị trường, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn TP HCM tăng kinh phí cho các chương trình khuyến mãi, giảm giá và trợ giá cho khách hàng. Gần đây nhất, Co.opmart và Co.opXtra phối hợp cùng các nhãn hàng Cholimex, Maggi, Simply, Neptune, Chin Su, Knorr, Liên Thành… áp dụng giảm giá 15%-50% cho các sản phẩm dầu ăn, tương ớt, nước tương, nước mắm, đường, gạo, mì gói, hạt nêm...; giảm giá 15%-20% cho các sản phẩm thực phẩm tươi sống như thịt heo, thủy hải sản, trái cây.

Hệ thống Lotte Mart cũng áp dụng mức ưu đãi lên đến 50% dành cho đa dạng ngành hàng, gồm đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, sản phẩm thời trang... kéo dài từ nay đến hết ngày 29-3. Riêng mặt hàng kem có mức ưu đãi giảm giá lên đến 37% do đang có "Lễ hội kem".

Hệ thống MM Mega Market thì "chạy" chương trình khuyến mãi lớn để góp phần ổn định thị trường từ nay đến cuối tháng 4, trong đó dành nhiều ưu đãi giá cho mặt hàng dầu ăn để hỗ trợ người tiêu dùng. Từ ngày 1-4, MM Mega Market chính thức tham gia chương trình bình ổn thị trường TP HCM, nhiều mặt hàng sẽ có giá thấp hơn hàng hóa cùng chủng loại ngoài thị trường ít nhất 5%.

Chuẩn bị triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2022-2023

Sở Công Thương TP HCM đang lên kế hoạch tổ chức chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - 2023 (diễn ra từ ngày 1-4-2022 đến 31-3-2023) trên địa bàn thành phố; đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ triển khai chương trình bình ổn thị trường tại từng địa phương.

Dự kiến, nhóm mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường năm nay bao gồm: các mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch Covid-19; lương thực - thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng và các mặt hàng sữa. Năm nay, chương trình sẽ đưa vào danh sách bình ổn giá một số mặt hàng dược phẩm thiết yếu như thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho - hen phế quản, thuốc tim mạch, thuốc trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, thuốc trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo