xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chứng khoán là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp

SƠN NHUNG

Sáng 20-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và đánh cồng tại lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM - HoSE (20.7.2000-20.7.2020)

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền tài chính, tiền tệ lành mạnh, an toàn và ổn định. TTCK cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp (DN) phát triển quy mô, chất lượng.

Phục hồi nhanh nhất thế giới

Thủ tướng ghi nhận những thành tựu nổi bật của TTCK qua 20 năm. Đặc biệt, dù TTCK Việt Nam non trẻ nhưng rất tự hào vì đã kiên cường vượt qua thử thách trên toàn cầu, nhất là trong đại dịch Covid-19, khi được đánh giá là thị trường hồi phục nhanh nhất thế giới.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho hay qua 20 năm phát triển, từ 2 DN niêm yết ban đầu (SAM, REE), đến nay số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 sở giao dịch chứng khoán đã lên tới 1.647 công ty, với giá trị niêm yết/đăng ký giao dịch 1.428.000 tỉ đồng. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tính đến ngày 30-6 đạt 3.894.000 tỉ đồng, chiếm 64,5% GDP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá TTCK đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả không chỉ cho các DN mà còn hỗ trợ Chính phủ trong cân đối ngân sách thông qua việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Khối lượng huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân khoảng 185.000 tỉ đồng/năm, đáp ứng 50%-60% nhu cầu huy động vốn cho cân đối ngân sách hằng năm.

Chứng khoán là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh: BÁ THỤY

Đặc biệt, TTCK đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa DN nhà nước với trên 1.000 cuộc đấu giá, thoái vốn. Nhiều DN trong số đó đã niêm yết lên sàn.

Ngoài ra, hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK cũng ngày càng hoàn thiện với hơn 100 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đang hoạt động, bên cạnh gần 2.000 quỹ đầu tư với tổng giá trị danh mục ước đạt hơn 12 tỉ USD, tính đến hết năm 2019.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) là một trong những DN niêm yết lâu năm và hiện có vốn hóa hàng đầu trên sàn. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, cho biết nhờ vào TTCK mà vốn điều lệ của công ty đã tăng 11 lần, vốn chủ sở hữu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 16 lần và vốn hóa trên thị trường tăng 90 lần so với ngày đầu lên sàn (năm 2006). Nhà nước đã thu về hơn 1 tỉ USD sau các lần phát hành thêm và 960 triệu USD từ những lần trả cổ tức của Vinamilk. Đặc biệt, nguồn vốn nhà nước tại Vinamilk hiện lên tới 3,2 tỉ USD, cao gấp 51 lần so trước khi cổ phần hóa. Điều này cho thấy lợi ích rất lớn của TTCK đối với DN trong việc huy động vốn.

Thị trường hướng tới chuyên nghiệp, minh bạch

Với Công ty CP Cơ Điện lạnh (REE), một trong 2 DN niêm yết đầu tiên trên sàn, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, góp ý TTCK phải làm sao để thu hút thêm nhà đầu tư bỏ tiền vào. Cụ thể, thị trường cần hoàn thiện hơn để minh bạch, công bằng hơn nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Dưới góc nhìn của một công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên trên TTCK Việt Nam, đại diện Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng việc đạt được các tiêu chuẩn về tuân thủ, nâng cao tính minh bạch là một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, đặc biệt là sau khi Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

"Với các chính sách hiện tại, Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi từ việc là một thị trường cận biên được ưa thích. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để có thể thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn, chuyên nghiệp có tính tuân thủ rất cao thì không còn cách nào khác, mọi hoạt động trên TTCK đều phải tuân thủ các chuẩn mực và tập quán quốc tế, chứ không còn có sự nhân nhượng nhất định như trong giai đoạn hiện nay" - đại diện công ty này nhấn mạnh.

Trước yêu cầu phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu đặt ra đối với TTCK sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống DN hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các thành viên thị trường cần phối hợp tốt để đưa TTCK Việt Nam đi lên theo hướng ngày càng đột phá. Sớm hoàn thiện thể chế, đồng bộ các luật định, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ hội công bằng, bình đẳng cho DN, nhà đầu tư tham gia thị trường. Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy cổ phần hóa DN gắn với niêm yết, giao dịch trên TTCK; thúc đẩy các DN tư nhân niêm yết trên thị trường; tăng cường tính công khai, minh bạch, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về thị trường, dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán và các thông lệ tốt nhất về quản trị DN. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, an toàn cho TTCK nói riêng và thị trường tiền tệ Việt Nam nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ; đưa TTCK sớm nâng hạn, có chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu; góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, phát triển thịnh vượng trong 15-20 năm tới...

TS CẤN VĂN LỰC - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia:

Còn rất nhiều việc để làm

20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam với những bước tiến vượt bậc, từ chỗ chỉ là "đất trống", đến nay đã là một "cơ ngơi có vị thế" trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Cơ ngơi này có khang trang, bề thế hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, chiến lược, sách lược và hành động của các bên liên quan. Mặc dù vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa để 20 năm sau nhìn lại sẽ thấy một "cơ đồ khang trang và vững chắc hơn".

Còn ở thời điểm hiện tại, quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam mặc dù tăng trưởng mạnh song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Cùng với đó, thanh khoản TTCK thể hiện qua tỉ suất vòng quay chứng khoán của Việt Nam dù tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức khá thấp so với khu vực và thế giới.

Nguồn cung hàng hóa, sản phẩm trên thị trường còn chưa phong phú, đa dạng, chất lượng các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán chưa cao. Trong số 1.723 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP HCM) vẫn còn một số DN nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, năng lực quản trị còn ở mức thấp. Các mảng khác của thị trường như sản phẩm quỹ đầu tư, sản phẩm liên kết bảo hiểm, hợp đồng quyền chọn, đầu tư có cam kết bảo toàn vốn... chưa được cung cấp.

Đồng thời, cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư) còn chưa nhiều. Thị trường cổ phiếu vẫn dễ có những biến động lớn trước nhiều yếu tố như tâm lý, thông tin, biến động trong và ngoài nước. Nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu còn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng thương mại, BHXH, công ty bảo hiểm... Trong khi đó, thị trường còn thiếu vắng các quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ với tư cách là nhà đầu tư trung dài hạn...

TS LÊ ĐẠT CHÍ, chuyên gia tài chính:

Đẩy mạnh vai trò huy động vốn

Đánh giá về TTCK Việt Nam trong 20 năm qua, nếu nhìn một cách đầy đủ, thị trường vẫn chưa thể giúp DN huy động thêm vốn, chủ yếu là kênh đầu tư, mua đi bán lại, nghĩa là chỉ thực hiện được chức năng tạo tính thanh khoản. Trong khi 2 chức năng chính của TTCK là huy động vốn thứ cấp cho DN và tạo thanh khoản nhưng đến giờ, thị trường này vẫn chưa làm được như kỳ vọng.

Trong 20 năm qua, TTCK đạt được 2 giai đoạn là hình thành và phát triển. Dùng TTCK để thực hiện mục tiêu cho cổ phần hóa và tạo ra một mô hình sở hữu và giúp minh bạch hơn trong hoạt động kinh doanh. Từ đó, huy động vốn từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào thị trường. Hiện nay, thị trường cần chuyển sang giai đoạn 3 là thực hiện chức năng huy động vốn, dần đóng vai trò thay thế kênh tín dụng, tránh quá lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng như hiện nay. Đồng thời, nhờ vào yêu cầu của sự minh bạch và cơ chế giám sát của TTCK sẽ giúp DN nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh nên khi phát triển TTCK sẽ giúp phân bổ vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế. Bởi cơ chế của TTCK là giúp minh bạch và giám sát, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của DN nói riêng và cả nền kinh tế.

P.Đình - T.Phương ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo