xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiến tranh thương mại, Việt Nam dễ "vạ lây"

Nhóm phóng viên

Chính phủ cần cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như tỉ giá USD và nhân dân tệ để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời

Thuế nhập khẩu 25% của Mỹ lên số hàng hóa trị giá 34 tỉ USD của Trung Quốc chính thức đi vào hiệu lực ngày 6-7, báo hiệu phát súng bắt đầu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tác động sẽ rất lớn

Phía Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 hàng Mỹ - từ ô tô tới nông phẩm, cũng trị giá 34 tỉ USD. Bắc Kinh cáo buộc Washington khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất lịch sử. "Trung Quốc đã hứa không nổ súng trước nhưng phải bảo vệ quyền lợi cốt lõi của quốc gia và người dân. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản công khi cần thiết" - thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ.

Chiến tranh thương mại, Việt Nam dễ vạ lây - Ảnh 1.

Xe tải vận chuyển hàng tấp nập ở cảng Savannah trong thành phố cùng tên thuộc bang Georgia, Mỹ.Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ đánh thuế 10% lên thêm 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh từ chối thay đổi chính sách. Ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo tổng giá trị số hàng Trung Quốc chịu thuế có thể lên hơn 500 tỉ USD trong tương lai.

Nhận định rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu, nhà kinh tế học Chen Feixiang tại ĐH Shanghai Jiaotong (Trung Quốc) hôm 6-7 nhấn mạnh nếu cuộc chiến leo thang lên 500 tỉ USD như ông Trump nói, tác động sẽ rất lớn.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bày tỏ lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ trên diện rộng sẽ tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc rất nhanh. Đặc biệt, các nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của châu Á đối mặt với nguy cơ mắc kẹt ở giữa nếu cuộc chiến thương mại leo thang.

TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Sự tác động sẽ lớn dần vào các năm 2019, 2020 và đỉnh điểm là năm 2021-2023. Việt Nam có thể chịu tác động 2 chiều trước diễn biến này.

Xuất khẩu có thể giảm

Ông Thắng phân tích tác động tích cực với Việt Nam là cơ hội đưa hàng vào thị trường Mỹ nếu hàng Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, tác động này không lớn do các sản phẩm Trung Quốc bị đánh thuế cao lại không phải sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Tương tự, cơ hội với thị trường Trung Quốc của chúng ta cũng không nhiều.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cũng có chung nhận định việc thuế quan tăng thêm từ chính quyền Trump đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như lắp ráp điện tử, đang là xu hướng cạnh tranh của quốc gia trong thời gian qua. "Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài" - ông Khoa nhận xét.

Với mặt hàng nông sản, theo đánh giá của nhiều tổ chức thương mại, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Trung Quốc lại càng không nhập khối lượng hàng nông sản rất lớn từ Mỹ mà tìm đến các thị trường khác (trong đó có châu Á) để mua. Đây là thời cơ không thể tốt hơn cho nông sản Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế GS-TS Trần Ngọc Thơ, thật tiếc nếu doanh nghiệp (DN) Việt không tận dụng được cơ hội này, bởi nông nghiệp cũng là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.

Về tác động tiêu cực, Trưởng Ban Kinh tế thế giới TS Trần Toàn Thắng cho rằng tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm đi sẽ kéo theo nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm. "Dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm % vào năm 2019 và thậm chí còn giảm mạnh hơn trong năm đỉnh điểm là 2021-2023. Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm %, phản ánh sản xuất của các DN, đặc biệt khu vực FDI bị ảnh hưởng" - ông Thắng nêu rõ.

Về giải pháp, ông Thắng cho rằng Chính phủ cần cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tỉ giá của đồng USD và nhân dân tệ để DN có phản ứng kịp thời và có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thêm sang Mỹ những mặt hàng trước đây Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc.

"Tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, tranh thủ thời cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam cũng là việc cần làm. Ngoài ra, nghiên cứu kỹ các hàng hóa của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam để đề phòng trường hợp do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, nước này sẽ chuyển hàng sang Việt Nam…" - ông Thắng lưu ý thêm. 

Lo hàng Trung Quốc trốn xuất xứ

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, cho rằng từ vài năm nay, chi phí nhân công của Trung Quốc tăng cao nên nước này đã không đầu tư nhiều vào dệt may xuất khẩu và không còn cạnh tranh nhiều với DN xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Thực tế, có một số nhà nhập khẩu Mỹ lo ngại tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã dịch chuyển đơn hàng, đổi nhà cung cấp từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng chưa nhiều. "Chỉ có điều lo ngại là hàng dệt may Trung Quốc không xuất được qua Mỹ vì thuế cao sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Khi đó, thị trường may mặc trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn" - ông Hùng nói.

Với ngành thép, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, cho biết hiện lượng thép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng thép cả nước xuất đi các thị trường nên không ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. DN thép của Việt Nam cũng có thể đàm phán song phương với thị trường Mỹ nên không quá lo về cuộc chiến thương mại sẽ làm "vạ lây". Có điều, khi thép của Trung Quốc không xuất được qua Mỹ sẽ tràn sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để "núp bóng", lấy xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. "Đây mới là điều DN ngành thép trong nước lo ngại. Và việc cần làm của cơ quan quản lý lúc này là có chính sách ngăn chặn nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, lấy xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, cả thép của DN Việt cũng có nguy cơ bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá" - ông Thái bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo