xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới?

Báo Người Lao Động

(NLĐO) – Tại Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đặt vấn đề cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? Đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm…

Trong khuôn khổ Chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" năm 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức, chiều nay lúc 14 giờ 45 đã diễn ra Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?". 

Hội thảo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ - ngành hữu quan, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và một số hiệp hội nông sản, các địa phương có thế mạnh về cà phê, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê, chuyên gia thức uống…

Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, chủ trì hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?

Hội thảo tập trung nhìn nhận thực trạng và hiến kế giải pháp. Các giải pháp được đề xuất sẽ được Ban Tổ chức tập hợp, trình các bộ ngành liên quan và Chính phủ để thúc đẩy phát triển.

Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? - Ảnh 2.

Ban tổ chức rất vinh dự đón tiếp sự hiện diện của các vị khách quý.

I/ Cơ quan quản lý nhà nước

- Ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn;

- Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;

- Ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP HCM;

- Bà Bùi Hoàng Yến - phụ trách Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tại phía Nam;

- Bà Trần Nguyễn Thanh Xuân - chuyên viên Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương;

- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ  – Giám đốc Sở Công Thương TP HCM;

- Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

- Bà Nguyễn Thị Tình - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông

- Ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai;

- Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai;

- Ông Nguyễn Hắc Hiển - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk.

II/ Doanh nghiệp - hiệp hội:

- Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thương hiệu L’amant Café);

- Ông Đinh Vĩnh Cường – Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế (Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM);

- Ông Tô Ngọc Ngời - Uỷ viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Tổng Giám đốc Công ty VinaFor Sài Gòn;

- Ông Phạm Nguyễn Thái Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ GigaMall Việt Nam;

- Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột;

- Ông Hà Huy Cường - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á;

- Bà Huỳnh Thị Kim Tuyến - Chủ tịch Ủy ban Nguồn vốn Tập đoàn Bamboo Captial;

-Ông Nguyễn Ngọc Luận – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kế thương mại Toàn cầu (thương hiệu cà phê Meet More)

- Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nước giải khát cà phê LEKOFE.

- Ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli (chuỗi cà phê Napoli);

- Ông Thái Ngọc Sang - Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần cà phê Ngon và Sạch (thương hiệu The Sense);

- Ông Phan Trung Hiếu – Giám đốc sản xuất, giám đốc phát triển thị trường Công ty CP Phúc Đô;

- Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phụ trách kinh doanh Công ty CP Sandals Việt Nam;

- Ông Phạm Hồng Đức – Giám đốc Công ty TNHH Cà Phê Nguyên Chất Thái Châu;

* Báo Người Lao Động: 

- Nhà báo - tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? - Ảnh 3.

Tiêu điểm sự kiện

    18:21 ngày 04/03/2023

    Nhà báo - Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

    Cần có chỉ huy trưởng xây dựng chiến lược bài bản cho ngành cà phê

    Trong hơn 2 tiếng diễn ra tọa đàm, đã có 16 ý kiến phát biểu của các đại biểu, trong đó đặc biệt là phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan với nhiều gợi mở, có thể đột phá, nâng tầm giá trị cho cây cà phê, hạt cà phê của Việt Nam. Chúng ta cũng lắng nghe nhiều chia sẻ của các DN với những trăn trở, khổ đau với ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với ngành nông nghiệp, trong đó có cà phê.

    undefined - Ảnh 1.

    Nhà báo - Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

    Với Báo Người Lao Động, chúng tôi thấu hiểu được nỗi khổ của người trồng cà phê và luôn ấp ủ giấc mơ nâng tầm cho cà phê Việt và được sự ủng hộ tham gia trong sự kiện hôm nay của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

    Đối với đất nước nông nghiệp như Việt Nam, sau COVID-19, nhìn lại chúng ta đều thấy nông nghiệp là cơ bản, là trụ đỡ, tam nông. Cùng với tam nông là tam ngư gồm ngư nghiệp, ngư trường và ngư dân. Đây đều là những trăn trở của Ban biên tập Báo Người Lao Động và chúng tôi đã phối hợp, kết hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tạo ra giá trị cho cây cà phê, ngành nông nghiệp Việt Nam.

    Để phát triển cà phê Việt Nam cần một chiến lược và vấn đề là định hướng cho chuẩn và đưa cảm xúc vào, như việc muốn vươn tầm thế giới thì phải hiểu thế giới là gì? muốn bán được cà phê cần hiểu được khẩu vị của người tiêu dùng như thế nào? Phải hiểu được văn hóa, khẩu vị và phải nhìn ở góc độ tổng thể, đối với cây cà phê, hạt cà phê chúng ta chưa sử dụng hết giá trị. 

    Vì sao một ly cà phê Nhật Bản vào Việt Nam bán giá 145.000 đồng? Phải tính lại giá trị, sức lao động… trách nhiệm không thể đẩy hết cho người nông dân mà cần cơ quan cầm trịch, nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy trưởng, xây dựng chiến lược bài bản, phân định công việc, như hiệp hội làm gì, doanh nghiệp kinh doanh làm gì, nhà kỹ thuật làm gì, địa phương làm gì?... Bởi, nếu không làm dứt dạt thì giá trị cứ trôi đi và sẽ không kịp đà tăng của thế giới.

    Cũng tại cuộc họp này, chúng ta thấy những địa phương như Đắc Lắk, Đắk Nông đều có rất nhiều tiềm năng để kết nối, như việc Nam A Bank sẵn sàng dành một khoản ngân sách để tài trợ tín dụng hay có những nhà phân phối ở đây từ Gigamall, Saigon Co.op, Satra… Hy vọng cùng với sự vào cuộc, sự trợ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp và bộ ngành sẽ góp phần tăng giá trị cho cà phê Việt.

    18:18 ngày 04/03/2023

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

    Cà phê muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu

    Tôi chia sẻ góc nhìn về vấn đề "Tăng giá trị cho cà phê Việt". Bản thân tôi khi đi ra nước ngoài đều mang theo mì gói, cà phê vì không hợp vị cà phê châu Âu. Người Việt Nam mình thường chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt trong khi mấy trăm năm nay họ vẫn uống như vậy; cũng như người dân nông thôn Việt Nam chê cà phê nguyên chất nhạt. Tôi nêu dẫn chứng để nói rằng đây là câu chuyện chúng ta cần thảo luận.

    undefined - Ảnh 1.

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

    Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta. Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? Đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại lại mạnh về cà phê Robusta. Chúng ta muốn định vị lại vị trí trên bản đồ cà phê thế giới phải xác định phát triển dòng Abarica hay vẫn theo Robusta, hay phối trộn 2 dòng này lại?

    Thế giới tiếp cận cà phê không chỉ là 1 loại thức uống. Rất nhiều nền kinh tế từ cây cà phê từ mật ong hoa cà phê, phân bón từ bã cà phê; thuốc nhộm vải, sợi, giày… cũng có thể làm từ cà phê. Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê nhưng chúng ta còn đang làm thô. Còn không gian mênh mông để chúng ta tạo ra giá trị cà phê. Không gian này chúng ta bỏ trống hoàn toàn hoặc chỉ mới là manh nha khai thác.

    Về xây dựng thương hiệu cà phê phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá. Cà phê là 1 nét văn hóa. Tôi muốn nói với DN rằng muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng vùng nguyên liệu cho Tây Nguyên nhưng thành công hay không còn do chính quyền địa phương hợp sức cùng DN, tác động để bà con nông dân cùng làm. Cái khó là bao nhiêu đời nông dân làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, nếu nông dân không thay đổi thì rất khó.

    Rất nhiều DN cà phê lớn không tham gia Hiệp hội cà phê và Ca cao Việt Nam. Con cá tra của ĐBSCL lâu nay thống lĩnh thị trường thế giới, không ai cạnh tranh lại mà cũng có lúc trồi sụt, không bền vững thì cà phê chịu nhiều cạnh tranh. Theo tôi, muốn cạnh tranh thì phải xây dựng thương hiệu.

    Người Thái Lan quảng cáo gạo Thái là "think rice, think Thái Lan" (nghĩ về gạo là nhớ tới Thái Lan - tạm dịch) vậy thông điệp của cà phê Việt Nam có thể là "drink coffee, feel Việt Nam" (uống cà phê, phiêu Việt Nam không?).

    Chúng tôi muốn truyền thông điệp là muốn tăng giá trị cà phê lên 5-10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường nhu cầu thị trường. Nếu chúng ta nói câu chuyện chế biến tinh thì cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để cung cấp sản phẩm phù hợp.

    17:01 ngày 04/03/2023

    Ông Phạm Nguyễn Thái Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ GigaMall Việt Nam.

    GigaMall rất hân hạnh đồng hành với Báo Người Lao Động

    Dù mảng kinh doanh chính không liên quan trực tiếp đến ngành cà phê nhưng chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành với Báo Người Lao Động tổ chức sự kiện Tôn vinh cà phê Việt 2023 tại TTTM GigaMall Thủ Đức nhằm kết nối người sản xuất, kinh doanh cà phê với cộng đồng.

    Từ sáng đến giờ, sự kiện đã có sức hút rất lớn với công chúng.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Phạm Nguyễn Thái Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ GigaMall Việt Nam.

    Hiện tại, GigaMall đã kết nối giao thương với các chuỗi cà phê như: Highlands Coffee, The Coffee House, Starbucks,… Để tăng trải nghiệm cho khách hàng đến mua sắm tại GigaMall, Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều chuỗi cà phê Việt có mặt tại GigaMall hơn nữa.

    GigaMall đang có chương trình hỗ trợ với các dự án khởi nghiệp, đặc sản vùng miền, trong đó có cà phê. Chúng tôi có khu vực để kinh doanh sản phẩm đặc sản vùng miền của các dự án khởi nghiệp, nhất là đặc sản vùng miền, sản phẩm vùng sâu vùng xa chưa được người tiêu dùng biết đến. Chúng tôi tiếp tục kết hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại thực hiện chương trình này.

    Chúng tôi sẽ cùng Báo Người Lao Động và các đơn vị đồng hành, cùng tăng giá trị cho cà phê Việt.

    17:00 ngày 04/03/2023

    Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank):

    Chúng tôi là bên triển khai cho vay đối với cả nông dân trồng cà phê và DN xuất khẩu cà phê. Cách đây hơn chục năm, chúng tôi đã làm việc với anh Thái Như Hiệp. Lúc đó, chúng tôi có đến tham quan 1-2 công ty, trong đó có những nhà thu mua xuất khẩu cà phê lớn nhất là doanh nghiệp FDI và họ nói rằng ngoài ảnh hưởng giá cả, thời tiết, thổ nhưỡng thì quyết định giá nằm trong tay nhà rang xay.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank):

    Đến giờ, DN thu mua từ hộ nông dân giờ chuyển sang trồng trang trại riêng, qua xuất khẩu chế biến, chuyển sang chuỗi giá trị. Và trong quá trình này, có sự đồng hành tài trợ tín dụng của ngân hàng cho các DN thu mua, xuất khẩu, chế biến cà phê… Có điều, trong quá trình này, không ít DN phá sản, ảnh hưởng đến người trông cà phê. Do đó, rất khó cho ngân hàng thương mại nếu tài trợ một cách riêng lẻ.

    Dù vậy, để đồng hành với ngành cà phê, doanh nghiệp và nông dân, Nam A Bank sẽ dành một phần room tín dụng hằng nằm đồng hành, hỗ trợ và đi cùng với các DN và người nông dân với mục tiêu tạo ra giá trị, đóng góp nhiều hơn cho ngành cà phê Việt Nam. Bởi thời gian qua, Nam A Bank là ngân hàng lấy trụ cột tín dụng xanh và phát triển bền vững làm nền tảng nên sẵn sàng tham gia chương trình này, đồng hành với Báo Người Lao Động trong nỗ lực tăng giá trị cho cà phê Việt.

    16:54 ngày 04/03/2023

    Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột:

    Vì sao Việt Nam không làm được sở giao dịch cà phê?

    Ý tưởng làm Sở giao dịch cà phê để thay đổi, tạo lập giá trị cà phê Việt Nam rất quan trọng và đã được tôi ấp ủ triển khai từ năm 2014 đến nay.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột

    Có 5 ý để giải thích vì sao chúng ta cần một sở giao dịch cà phê. Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới; khoảng cách giữa cái nhất của mình và quốc gia đứng thứ 2 là rất xa. Thông thường lẽ ra, Việt Nam phải là bên quyết định giá cà phê Robusta vì chúng ta chiếm tới 60% thị phần thế giới. 

    Thực tế, dù xuất khẩu cà phê lớn nhưng chuỗi giá trị gia tăng cho người trồng cà phê Việt Nam rất nhỏ. Giá bán cà phê ở thị trường cà phê rang xay ở Bắc Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với Việt Nam.

    Cà phê của Việt Nam không có thương hiệu, giá trị gia tăng của nông dân cực thấp so với người bán lẻ, người rang xay.

    Vậy tại sao chúng ta không làm được sở giao dịch cà phê? Chúng tôi từng đi khảo sát và thấy rằng cần phải làm một sở giao dịc nhưng có nhiều khó khăn chưa thể thực hiện. Ví dụ, cần có kho ngoại quan ngay ở Đông Nam Bộ, cần thuê cảng - cho không chỉ cà phê mà các loại nông sản khác - giao dịch online và có hàng ở kho để giao hàng vật chất ngay khi khách hàng cần... Từ đó, chúng ta sẽ là người tạo lập giá chứ không phải đi theo giá của họ.

    Nhưng, có một thực tế liên quan đến quản lý ngoại hối. Đó là phía Ngân hàng Nhà nước nhận định cần phải cân đối tiền vào tiền ra nên đến giờ vẫn đang vướng mắc chưa xử lý được.

    Cuối cùng, trong đề án thị trường tài chính của TP HCM, tôi cho rằng phải có đủ 4 yếu tố gồm thị trường ngoại hối, thị trường vốn, thị trường hàng hóa và giờ là thị trường tiền kỹ thuật số. Việt Nam và TP HCM muốn làm một thị trường tài chính, nếu cứ tập trung vào thị trường ngoại hối và thị trường vốn sẽ rất khó. 

    Muốn VNĐ có giá trị, phải đi từ thị trường hàng hóa như cà phê, gạo, cao su… có thể mua bán bằng VNĐ. Việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam với mặt hàng đầu tiên là cà phê sẽ góp phần nâng giá trị cho VNĐ, sẽ từng bước xây dựng thị trường tài chính đi từ thị trường hàng hóa.

    16:47 ngày 04/03/2023

    Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nước giải khát cà phê LEKOFE.

    Xây dựng thương hiệu cà phê rất quan trọng

    Báo Người Lao Động đã có cách tiếp cận vấn đề rất đúng đắn. Để nâng cao giá trị cho cà phê Việt, tôi cho rằng trước hết phải truyền thông cho người tiêu dùng về cà phê sạch, chất lượng; truyền thông cho nông dân về trồng cà phê đúng tiêu chuẩn


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nước giải khát cà phê LEKOFE.

    Về xuất khẩu cà phê, cần thay đổi tư duy xúc tiến thương mại. Cơ quan xúc tiến nắm thị trường nào thì tổ chức người thu mua bên đó để đưa DN qua tiếp xúc, chào hàng trực tiếp thay vì tổ chức các hoạt động xúc tiến chung chung như lâu nay.

    Về xây dựng thương hiệu cà phê Việt tại thị trường nước ngoài, chúng tôi tiếp xúc với người tiêu dùng nước ngoài và phát hiện ra họ chỉ dùng cà phê có thương hiệu, được sản xuất bởi những nhà sản xuất bản địa. Cà phê Việt Nam dù ngon hơn, chất lượng hơn, rẻ hơn nhưng họ cũng không để mắt tới. Vì vậy, DN Việt phải bán thô cho những nhà máy có thương hiệu của địa phương để họ sản xuất ra bán. Thứ 2, nông dân nếu không xuất thô thì không bán được, dẫn đến lỗ vốn.

    Trở về thị trường trong nước, chúng ta ở TP HCM, giá trung bình của 1 ly cà phê từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng nhưng tại các khu vực vùng ven, chỉ 7.000-10.000 đồng đã mua được 1 ly cà phê. DN mang cà phê nguyên chất, cà phê sạch sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế ra ngoại thành bán vừa bị chê "dở như nước lả" vừa lỗ nặng. DN cũng không thể cạnh tranh được với những cơ sở sản xuất cà phê trộn, cà phê bẩn, bán ra thị trường chỉ 70.000 đồng/kg cà phê. Thị trường trong nước vô cùng lớn, rất mong báo đài làm sao tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu.

    16:33 ngày 04/03/2023

    Bà Bùi Hoàng Yến, phụ trách Cục Xúc tiến thương mại phía Nam, Bộ Công Thương:

    Doanh nghiệp cà phê cần thay đổi

    Thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý. Định vị thương hiệu Việt Nam gắn với uy tín trên thị trường thế giới.

    undefined - Ảnh 1.

    Bà Bùi Hoàng Yến, phụ trách Cục Xúc tiến thương mại phía Nam, Bộ Công Thương:

    Về công tác kỹ thuật, chúng tôi phối hợp với các bộ, ban, ngành, các đơn vị trong 3 năm COVID-19 để huấn luyện cho tất cả hộ nông dân trồng và bán hàng trên các ứng dụng công nghệ số; hoạt động xuất khẩu của DN và bà con nông dân những hoạt động và sự thay đổi mới của thị trường sau đại dịch, hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất để xúc tiến nước ngoài.

    Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân, hộ kinh doanh, quy hoạch vùng nguyên liệu đạt các chứng nhận.

    Chúng tôi cũng tiến hành quảng bá cà phê Việt Nam ở thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… qua các kênh ngoại giao; các chuyến khảo sát thị trường nước ngoài, đồng thời, tham gia các hoạt động quốc tế, để hỗ trợ nâng cao cho DN nhận thức về thị trường tốt hơn. 

    Tăng cường quảng bá cho DN Việt Nam qua các hoạt động kết nối, ngay cả trong dịch, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hội thảo, kết nối trực tuyến, cập nhật xu hướng thị trường sau COVID-19 để hiểu thị trường xuất khẩu, và sau khi trực tiếp làm việc xong sẽ thuận lợi hơn trong đa dạng hóa thị trường.

    Cuối cùng, đối với DN sau COVID-19 cần thay đổi về quy trình sản xuất, cập nhật hơn về thông tin thị trường, thị hiếu; phối hợp với các đơn vị ở nước ngoài nghiên cứu sự thay đổi thị hiếu để xây dựng chuỗi sản phẩm phù hợp. Cần đào tạo nhân sự các mảng bán hàng xuất khẩu, thu mua hàng hóa… 

    DN cần đúc kết thêm những kỹ năng vì ngoài việc tham gia các hội chợ quốc tế như cách trước đây thì cần tăng cường kết nối online, những kênh bán hàng online phải thay đổi, kỹ năng về suy nghĩ, logic cũng thay đổi. Ngay việc mua nguyên liệu đầu vào cũng cần làm sao để nguyên liệu đó phù hợp với dây chuyền sản xuất, tiện cận với chất lượng, yêu cầu, làm sao để phù hợp với thị trường của nước ngoài.

    16:17 ngày 04/03/2023

    Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

    Làm sao có nhiều thương hiệu cà phê của Việt Nam 

    Tại hội thảo này, Báo Người Lao Động có cách tiếp cận rất hay. Về giải phát tăng giá trị cho cà phê Việt, tôi có mấy ý:

    Việt Nam nhập cà phê chủ yếu để phục vụ cho những chuỗi thương hiệu cà phê lớn đang hoạt động tại Việt Nam hoặc sản phẩm cho du khách trong các cơ sở lưu trú.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

    Tôi đồng ý với các ý kiến trao đổi tại hội thảo là nâng giá trị xuất khẩu cà phê thông qua xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm tinh. Trách niệm của ngành công thương là làm sao có nhiều thương hiệu cà phê của Việt Nam để nâng giá trị cà phê Việt.

    Starbucks thành lập vào năm 1971 và vươn mình thành một thương hiệu lớn trên toàn thế giới. Khi Starbucks vào Việt Nam, nhiều nghi vấn họ có thành công hay không nhưng thực tế đến nay cho thấy họ đang phát triển khá tốt. Họ xuất khẩu cả quy trình làm, kinh doanh cà phê chứ không chỉ xuất khẩu hạt cà phê. Trong khi chúng ta đang nhập khẩu cà 1 chuỗi giá trị sản phẩm nhưng ở chiều xuất khẩu, Việt Nam chưa làm được như vậy. Câu chuyện này không thể giải quyết trong ngày 1 ngày 2.

    Mong Báo Người Lao Động trong những chuyên đề tiếp theo có nhìn nhận lại và trở bộ để nâng từ giá trị đó. Tôi ủng hộ hoàn toàn nếu chúng ta xuất khẩu theo những dạng như bây giờ, làm sao giữ được uy tín, chất lượng để có được thị trường rộng lớn hơn.

    16:11 ngày 04/03/2023

    Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

    Người Việt Nam mình cũng cần được uống cà phê sạch

    Hội thảo hôm nay thiếu tiếng nói của người nông dân trực tiếp trồng cà phê. Tôi có cảm giác chúng ta đang đổ thừa cho nông dân hay bẻ kèo này kia. Tôi vừa đi thực tế tỉnh Sơn La, thấy nông dân trồng được dâu, mận, cà phê hữu cơ. 

    undefined - Ảnh 1.

    Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

    Tôi mong muốn các địa phương đồng lòng tạo thương hiệu chung cho cà phê Việt thay vì từng vùng.

    Tôi thấy có nhiều mô hình liên kết rất hay: HTX - nhà cung cấp giống - nhà cung cấp vật tư - nhà cấp vốn - kỹ sư đưa quy trình - nhà tiêu thụ để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.

    Với cà phê, tôi mong muốn cũng tạo được nhiều chuỗi liên kết, mỗi bên có một vai trò nhất định để cùng nhau tạo ra giá trị chung.

    Tôi thấy nhiều người bàn chuyện cà phê sạch để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ..., mà quên rằng người Việt Nam mình cũng cần uống cà phê sạch. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến thị trường trong nước.

    Với vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, tôi mong muốn được làm bạn với các ngành hàng, cùng thành lập các chi hội nghề nghiệp, cùng tổ chức lại sản xuất sạch. Mong doanh nghiệp chấp nhận đầu tư dài hơi, lỗ trước lời sau, đồng hành với nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao.

    16:09 ngày 04/03/2023

    Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai:

    Hướng tới 3 tăng và 3 giảm

    Gia Lai có khoảng 99.000 ha cà phê, trong đó có 46.000 ha cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, organic, áp dụng công nghệ tưới tiêu cho cà phê. Hiện nay, giá trị xuất khẩu cà phê của Gia Lai đạt 490 triệu USD, tăng từ mức 323 triệu USD của năm 2021 cho thấy sự tăng trưởng nhanh về giá trị xuất khẩu.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai

    Tỉnh Gia Lai cũng định hướng tới năm 2030 tiếp tục ổn định diện tích khoảng 100.000 ha. Toàn bộ diện tích này sẽ áp dụng tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm năng suất và chất lượng, sản lượng.

    Ở Gia Lai, chúng tôi có khoảng 80 nhà máy và các cơ sở chế biến cà phê. Tỉ lệ cà phê qua chế biến khoảng 5,7%, còn lại xuất khẩu thô.

    Để tăng giá trị cho cây cà phê cần xuyên suốt thực hiện từ tăng giá trị đầu vào, giá trị đầu ra của sản phẩm. 

    Trước tiên là vật tư nông nghiệp, như giống, muốn giảm chi phí, tăng cạnh tranh cần phát triển giống cà phê để tăng năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh... Sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào sản xuất có trách nhiệm, giảm phân bón, giảm thuộc bảo vệ thực vật bằng cách chuyển sang phân bón hữu cơ, tránh tồn dư hóa chất, bảo quản.

    Trong sử dụng trách nhiệm, áp dụng tiêu chí "3 giảm, 3 tăng", gồm: giảm giống, phân bón, thuộc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, tăng sản lượng và tăng giá trị.

    Đồng thờ, cần ứng phó với biến đổi khí hậu, như Tây Nguyên là nơi sản xuất lớn nhất, các công trình thủy lợi không thể đáp ứng được. Nếu không đẩy mạnh giải pháp về tiết kiệm nước, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Do đó, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới cây để tiết kiệm nước.

    Đồng thời, cơ giới hóa nông nghiệp, Brazil đã cơ giới hóa trong khi Việt Nam còn thủ công, cơ giới hóa còn chậm. Phải thực hiện nhanh hơn nữa, cần cơ giới hóa từ làm đất, sơ chết, chế biến, để giảm chi phí...

    Tiếp theo, tập trung phát triển cho được sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn để đáp ứng thị trường. Còn nếu cứ làm như lâu nay, theo chất lượng tiêu chuẩn nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, cần thay đổi, muốn tạo sản lượng lớn, có chất lượng cao thì phải liên kết sản xuất. Nhiều hộ nông dân vào HTX, vào DN để có sản lượng lớn cho xuất khẩu.

    Ngoài ra, cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo hộ sản phẩm.

    Gia Lai đã xây dựng được chỉ dẫn địa chỉ và sắp tới cũng quảng bá, trong nước và thế giới đều bảo hộ đối với cà phê của tỉnh.

    Và cuối cùng, cần tham gia giới thiệu sản phẩm cà phê tại các hội chợ, diễn đàn. Giới thiệu cà phê của chúng ta đã tốt thì thế giới phải biết, quảng bá để biết ở cả thị trường truyền thống và những thị trường mới.

    Ngoài ra, giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ sản phẩm nào đều đưa vào sản xuất, tái tạo sản phẩm… sản xuất theo chứng chỉ carbon rừng và chứng chỉ carbon cà phê cũng được cộng vào giá trị xuất khẩu. Giải pháp về logictics cũng cần được quan tâm để tránh bị đội giá lên rất cao. Nếu không cải thiện sẽ khó giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp ảnh hưởng giá trị.

    16:00 ngày 04/03/2023

    Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

    Hoan nghênh Báo Người Lao Động đã có sáng kiến tổ chức sự kiện Tôn vinh cà phê Việt. Sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho thấy sự quan tâm của người lãnh đạo ngành nông nghiệp cho ngành cà phê. 

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

    Hiện nay, diện tích cà phê tại Đắk Nông chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh và 59,7% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm và chiếm trên 18% cả nước (đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên, sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng). 

    Theo thống kê sơ bộ đến hết năm 2022, tổng diện tích ước đạt 139.932 ha, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 356.612 tấn. Các huyện có diện tích cà phê lớn hiện nay là Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk R’Lấp, Đăk G’Long. Cà phê được trồng tại Đắk Nông chủ yếu là cà phê vối Robusta (chiếm 99% diện tích). 

    Điểm yếu của ngành cà phê Đắk Nông là chưa chuyên sâu, còn manh mún nhỏ lẻ. Nếu không khắc phục được tình trạng này, rất khó nâng cao giá trị ngành cà phê. Nâng giá trị ngành cà phê phải bắt đầu từ nhận thức của nông dân, phải làm cà phê sạch mới bán được giá cao. Để có cà phê sạch phải bắt đầu sạch từ giống, phân, thuốc, giống chất lượng cao. 

    Chúng ta phải tăng cường tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi sản xuất sạch, nếu không DN không thể tự làm. Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền cho nông dân, phải sản xuất lớn, liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác, HTX. 

    Tỉnh mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho tỉnh có bộ giống cây cà phê tốt. Tỉnh vừa cấp phép cho 1 DN cà phê sạch, cây cà phê trồng dưới tán rừng, dùng công nghệ sấy thăng hoa, giúp phát triển kinh tế dưới tán rừng. 

    Tỉnh Đắk Nông đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp như sau: 

    - Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao. 

    - Phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX; tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất hàng nông sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ. 

    - Đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

    - Triển khai hướng dẫn người dân ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất cà phê. 

     - Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh để nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê Đắk Nông.

    15:50 ngày 04/03/2023

    Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế:

    Cần chú trọng cà phê sạch

    Năm 2022 là năm rất khởi sắc cho ngành cà phê, lần đầu kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỉ USD, sản lượng hơn 1,7 triệu tấn. Chúng ra cần có kế hoạch lâu dài để tiếp nối cho kế hoạch phát triển cà phê trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế

    Bản thân CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế thường xuyên trao đổi với các phòng thương mại và công nghiệp các nước và tổ chức các hội thảo, trong đó đều mang cà phê Việt ra giới thiệu cho khách quốc tế. Cách đây 2 ngày, chúng tôi có làm hội thảo với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho họ dùng thử và nhận được phản hồi rất tích cực.

    Bản thân tôi có công ty chuyên về cà phê, chúng tôi không xuất khẩu thô mà chế biến sâu. Chúng tôi có đối tác Mỹ yêu cầu công ty cung  cấp 1.000 tấn cà phê theo tiêu chuẩn USDA của họ. Cách đây 2 tháng, chúng tôi đưa đoàn DN Mỹ đến Di Linh (Lâm Đồng) để khảo sát và làm việc với bí thư, chủ tịch huyện và các HTX ở Di Linh nhưng không tìm được nguồn hàng.

    Theo tôi, để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. 

    Thứ 2, chúng ta phải chế biến sâu. Hiện nay, rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Thái Lan có loại cà phê cao cấp, bán đến 50 USD-100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. 

    Thứ 3, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê từ các vùng trồng này.

    15:29 ngày 04/03/2023

    Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp:

    Làm sao để khai thác đạt 6 tỉ USD kim ngạch cà phê xuất khẩu?

    Tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỉ lệ rất thấp. Người tiêu dùng cà phê phải là người quyết định để nâng cao giá trị cà phê tới đỉnh cao, có thương hiệu. 

    Thực tế thời gian qua, giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê đã tăng từng năm khoảng 23% trong 2 năm qua với nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững, chương trình tạo vùng cà phê trọng điểm gắn với liền các DN đầu tàu. DN đóng vai trò quyết định.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp

    Ở các quốc gia, cà phê đều được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam lại hoàn toàn chưa có được quốc gia nào bảo hộ? Vậy những DN Việt Nam cần phải bảo hộ, tăng giá trị cho người sản xuất và 5 tỉnh Tây Nguyên là trọng điểm của loại cà phê này. 

    Có điều, hiện nay chúng ta chỉ đang phát triển phần ngọn và chưa quan tâm giải quyết phần gốc, do đó, cần sự tham gia của DN và cả nhà nước, để giải quyết cái gốc đầu tiên. Ngay khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA cũng tập trung vào chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… là mấu chốt cho ngành cà phê phát triển.

    Người Tây Nguyên là lực lượng sản xuất cà phê chiếm tỉ lệ lớn nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong văn hóa chế biến. Vậy các DN Việt Nam cần làm gì để nâng cao giá trị gia tăng để họ được hưởng? 

    Vốn cũng là then chốt để gỡ nút thắt. Vì, làm nông nghiệp, chúng tôi đang phải vay vốn với lãi suất 12%/năm thì làm sao làm được? Cần chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các HTX, cho người nông dân, bao tiêu sản phẩm cho đầu ra cho nông dân…

    Đồng thời, cần sự bền vững, dù rất khó mà mấu chốt là liên kết chuỗi giá trị với khó khăn đầu tiên cần tháo gỡ là vốn, nhất là với các DN tư nhân như chúng tôi. Cần chung tay để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng. Điều này hy vọng tạo ra sản phẩm cà phê cho người nông dân, tạo ra thương hiệu cà phê của Việt Nam và cà phê sẽ có chỗ đứng.

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo