xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nút thắt dự án tỉ đô

Phạm Dương

Tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, một trong những dự án giao thông công cộng quan trọng ở thủ đô Hà Nội, được khởi động từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn gần như "giẫm chân tại chỗ".

Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long và kết thúc tại phố Trần Hưng Đạo với chiều dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km. Tổng đầu tư của dự án, theo phương án đã được phê duyệt, là hơn 34.670 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 9 tuyến đường sắt đô thị, tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chiếm một vị trí rất quan trọng. Đây là 1 trong 4 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội được ưu tiên đầu tư xây dựng trước để hình thành hệ thống lõi tại khu vực trung tâm thành phố.

Trong 4 tuyến đường sắt đô thị được ưu tiên đầu tư xây dựng, đến nay, tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông đã đi vào khai thác thương mại từ tháng 11-2021, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 để đưa vào khai thác thương mại từ tháng 12 năm nay. Trong khi đó, tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn chưa được khởi công. Nút thắt lớn nhất khiến dự án tỉ đô này sau 12 năm được phê duyệt vẫn "nằm trên giấy" là chưa thống nhất được vị trí ga ngầm C9 - hồ Hoàn Kiếm.

Theo phương án được TP Hà Nội đưa ra từ hơn 10 năm trước, nhà ga C9 được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm. Nếu ở vị trí này, nhà ga C9 nằm trong vùng bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Suốt thời gian dài vừa qua, nhiều phương án xây dựng ga ngầm C9 đã được đưa ra nhưng không phương án nào nhận được sự đồng thuận cao. Bởi lẽ, nếu tiếp tục nằm trong phạm vi bảo vệ của di tích đặc biệt thì không ổn, còn đưa ra ngoài phạm vi này thì vừa có thể phải "nắn" tuyến, ảnh hưởng tới sự an toàn vừa phải di chuyển nhiều công trình xây dựng trên mặt đất, dẫn tới đội vốn "khủng".

Cứ loay hoay như vậy, tuyến đường sắt đô thị số 2 dù được ưu tiên đầu tư xây dựng vẫn chưa thể khởi công. Để tháo gỡ nút thắt này, giữa tháng 3-2022, UBND TP Hà Nội đã đưa ra 3 phương án ga ngầm C9 lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sau khi trình bày, phân tích những ưu - nhược điểm, thiệt hơn của 3 phương án đã đề xuất cân nhắc chọn 1 trong 2 phương án: Giữ nguyên vị trí ga ngầm C9 hoặc bỏ nhà ga này. TP Hà Nội đang chờ phản hồi ý kiến từ các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án ga ngầm C9.

Nút thắt của dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 cần sớm được tháo gỡ bởi đã quá chậm trễ dẫn tới khả năng phải đội vốn lớn, đồng thời không thể góp phần giải quyết vấn đề ách tắc cũng như hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị của thủ đô.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo