xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghiêm trị hành vi xả rác

Hoài Phương

Những loạt ảnh, đoạn video clip ghi lại cận cảnh rất nhiều điểm xả rác vô tội vạ ở TP HCM, đăng dài kỳ trên Báo Người Lao Động mấy ngày qua, đã cơ bản phản ánh chân thực tình trạng xả rác có phần nhức nhối tại thành phố này.

Nếu muốn tận mục sở thị, bạn hãy lấy xe đánh một vòng qua vài con phố, sẽ thấy rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa bị đẩy ra vỉa hè, lề đường, miệng cống nhiều đến mức nào. Thậm chí, bạn cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của rác bởi một bộ phận người đi đường thiếu ý thức tiện đâu vứt đó...

Đối với mọi thành phố, rác thải chưa bao giờ là chuyện nhỏ. Đối với một đại đô thị như TP HCM, xử lý rác thải xưa nay luôn là đại sự. Mỗi ngày đêm, thành phố phát sinh khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó rác hữu cơ chiếm phần lớn, tiếp đến là rác thải nhựa với khoảng 1.500 tấn. Đó là chưa nói trong năm cao điểm dịch Covid-19, lượng rác thải y tế mỗi ngày đêm từ 40 đến 150 tấn. Tất cả dồn thành gánh nặng cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý và nỗ lực hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường.

Ai cũng đã biết rác thải nếu bị xả ra môi trường không đúng quy định, quy chuẩn sẽ không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh mà còn dẫn tới nhiều hậu quả tai hại hơn. Trong rác có nhiều chất độc, khi bị đổ xuống cống rãnh, kênh rạch... sẽ phân hủy và làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm cho con người. Biết vậy nhưng nạn xả rác bừa bãi vẫn không dẹp được, dù đã tuyên truyền rất nhiều, kể cả xử phạt hành chính không ít trường hợp đổ rác "trộm" bị bắt quả tang.

Thực tế cho thấy nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của con người thì không đủ. Điều quan trọng là cách thức phát hiện và mức độ xử phạt đối với hành vi xả rác sao cho hiệu quả và đủ sức răn đe. Mà điều này đâu có gì khó, nhiều nước đã làm được từ rất lâu rồi. Chúng ta hãy tự hỏi, tại sao dân mình sang Singapore không dám xả rác ra đường, dù chỉ là một vỏ kẹo; còn khi về nước thì vứt rác chẳng hề chùn tay? Vì nước bạn phạt tiền rất nặng, bị bêu tên, lưu hồ sơ vi phạm, chẳng xin xỏ gì được. Trong khi chúng ta có rất nhiều luật mà không chế tài được hành vi xả rác là rất vô lý. Ngay cả chuyện phạt "nguội", từ năm 2020 thành phố đã yêu cầu các quận, huyện lắp đặt camera để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có lĩnh vực môi trường, song đến nay việc phạt "nguội" hành vi xả rác vẫn chưa có hướng dẫn, rất khó hiểu!

Mỗi năm, riêng TP HCM, lượng rác thải tăng thêm gần 10%, trong khi số đơn vị thu gom rác, số bãi chứa rác có hạn, đồng nghĩa rằng áp lực xử lý rác ngày càng lớn, thách thức môi sinh, đe dọa sức khỏe người dân, cản trở sự phát triển. Thành phố từng có Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 (của Thành ủy TP HCM) về thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước". Cuộc vận động này cần được tiếp tục tiến hành, làm thực chất. Cao hơn, phải sớm đưa các chế tài hành vi xả rác vào khuôn khổ pháp luật hành chính, hình sự. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo