xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khát vọng ngàn đời

PGS-TS-NGƯT Ngô Minh Oanh

Người Việt Nam chán ghét chiến tranh, trân quý hòa bình để xây dựng đất nước.

Thiên nhiên ban tặng cho Tổ quốc ta một dải đất hình chữ S trải dài từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra biển Ðông bát ngát tầm nhìn.

Huyền thoại Việt Nam

Chúng ta có sông dài với nhiều loài tôm, cá. Chúng ta có biển rộng, ngoài tài nguyên hải sản còn nguồn khoáng sản trong lòng biển có giá trị kinh tế cao. Chúng ta có những cánh đồng bát ngát cò bay và một nền văn minh lúa nước ra đời từ rất sớm. Nhưng điều quan trọng hơn, đất nước ta lại nằm ngay "ngã ba đường", trên con đường giao thông huyết mạch từ Tây sang Ðông của thế giới.

Khát vọng  ngàn đời - Ảnh 1.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan, với lực lượng nòng cốt là Tổ Phụ nữ và Đoàn viên thanh niên, tặng quà các trường học tại Nam Sudan. (Ảnh do Bệnh viện cung cấp)

Người Việt Nam hiền lành, chăm chỉ, hiếu học, sống vị tha và nhân nghĩa. Người Việt Nam chán ghét chiến tranh, yêu cuộc sống hòa bình, luôn trân quý những giá trị gia đình, đề cao tình làng nghĩa xóm "tối lửa tắt đèn có nhau".  

Tuy nhiên, do vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế đặc biệt mà Việt Nam đã luôn bị kẻ thù nhòm ngó và tiến hành chiến tranh xâm lược. Trong lịch sử phát triển, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược của các kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Hầu như các triều đại phong kiến Trung Hoa đều tiến hành xâm lược nước ta, có triều đại xâm lược nước ta đến 3 lần như triều Nguyên. Ðặc biệt, họ đã xâm lược và thống trị nước ta đến hơn 1.000 năm với một chính sách thống trị và đồng hóa rất bài bản. Trong thời cận hiện đại, nước ta lại phải đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh đến từ phương Tây như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những cuộc chiến tranh xâm lược đã tàn phá đất nước, gây biết bao tang tóc cho đồng bào ta, lấy đi cuộc sống hòa bình của nhân dân. Trong hoàn cảnh đó, không còn con đường nào khác, nhân dân ta đã đứng lên chống các cuộc xâm lăng của kẻ thù, giành lại cuộc sống bình yên cho dân tộc.

Trong thời kỳ hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã giành độc lập từ tay thực dân Pháp (1945), và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975). Một dân tộc đất không rộng, người không đông, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn đối phương... mà đã giành thắng lợi vẻ vang. Một đất nước với thiên nhiên khắc nghiệt, đương đầu với bao họa ngoại xâm và giành thắng lợi. Chính tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình đã làm nên huyền thoại Việt Nam, làm nên sức sống mãnh liệt và trường tồn của dân tộc.

Mục tiêu tối thượng: Lợi ích dân tộc

  Trong thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ, trước sự gây hấn thường xuyên của các triều đại phong kiến Trung Hoa, những ứng xử của ông cha ta đã toát lên tinh thần yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu để có thời gian bình yên xây dựng đất nước. Với chính sách "sách phong" và "triều cống", các triều đại phong kiến Trung Hoa đã bắt các nước nhỏ phải triều cống của ngon vật lạ theo lệ ba năm một lần. Ðể có hòa bình, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực thi một chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt. Các triều đại Trung Hoa thường chỉ phong vương cho các vua Việt Nam, các vị vua của chúng ta vẫn tỏ ra thuần phục nhưng thực chất "trong xưng đế, ngoài xưng vương", vẫn thể hiện tư cách một vị vua trị vì đất nước. Vua nước ta không bao giờ chịu "trình diện" thiên triều. Một mặt, chúng ta thực hiện chính sách cứng rắn để bảo vệ hòa bình như khi quân Trung Hoa xâm lược thì ta tổ chức đánh địch như "trúc chẻ, tro bay", đánh cho địch "không còn mảnh giáp". Không cho địch mượn đường để đi đánh Chiêm Thành và các nước láng giềng. Khi thế địch mạnh thì ta tìm cách bao vây, hòa hoãn, đàm phán để buộc địch phải rút quân. Khi địch rút, quân ta còn cấp thuyền, cấp ngựa cho chúng nhanh chóng rút về nước. Kết thúc chiến tranh, ta lại cho sứ sang cầu hòa để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh mới có thể nổ ra. Chính nhờ đường lối ngoại giao hòa bình mà ta đã giữ được hòa hiếu với láng giềng, giữ được độc lập chủ quyền, có thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. 

Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ chính nghĩa, vì hòa bình và độc lập dân tộc. Vì thế chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Pháp và Mỹ. Hình ảnh người phụ nữ Pháp Raymonde Dien đã liều mình nằm trên đường ray xe lửa để cản đoàn tàu của Pháp chở vũ khí sang Việt Nam. Hay hình ảnh anh Norman Morrison - công dân Mỹ - tự thiêu bên bờ sông Potomac để phản đối chiến tranh Việt Nam là những hành động ủng hộ cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam. Chúng ta yêu hòa bình nhưng "kẻ thù buộc ta ôm cây súng", mặc dù vậy chúng ta luôn sẵn sàng đàm phán để sớm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình càng sớm càng tốt.

 Ðất nước thống nhất chưa được bao lâu thì chúng ta lại phải tiến hành hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Phản ứng tự vệ và giúp Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng đã không được hiểu đúng. Chúng ta lại phải mất thêm 20 năm sống trong hoàn cảnh bị bao vây, cô lập, khủng khoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Với truyền thống yêu chuộng hòa bình, Việt Nam một lần nữa bằng tất cả thiện chí và hoạt động không ngừng nghỉ để giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị nhằm xây dựng và phát triển đất nước.

Ðại hội đại biểu toàn quốc của Ðảng, đại hội đổi mới đã mở ra một thời kỳ mới trong phát triển đất nước, trong đó có đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa. Năm 1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, lần lượt tham gia các tổ chức quốc tế APEC, ASEM, WTO...

Chúng ta càng ngày nhận thức càng rõ hơn mục tiêu tối thượng là lợi ích dân tộc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển. Từ chủ trương "muốn là bạn" (Ðại hội VII) đến "sẵn sàng là bạn", "là bạn, là đối tác tin cậy" (Ðại hội IX) và "là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế (Ðại hội XI). Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, cho đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có 16 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện, nhờ vậy chúng ta đã tạo ra được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.  

Trong Báo cáo chính trị Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế như hiện nay". Ðó là kết quả của một truyền thống yêu chuộng hòa bình, đường lối ngoại giao hòa hiếu mà đường lối đó đã được chúng ta kế thừa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Luôn là xu hướng chủ đạo

Không ai khác, chính dân tộc Việt Nam phải thường xuyên đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, đau thương, mất mát càng nhiều thì càng biết trân quý những giây phút hòa bình, những quãng thời gian được sống trong bình yên và hạnh phúc để xây dựng đất nước. Tư tưởng hòa bình và hành động vì hòa bình là một trong những xu hướng chủ đạo của quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam.



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo